Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, April 11, 2011

Ðồng tiền mất giá, sinh viên mất ngủ

Lạm phát ở Việt Nam
ÐÀ NẴNG - Bị tác động bởi đồng tiền lạm phát, vật giá gia tăng, đời sống của sinh viên, thành phần mà người ta vẫn gọi là ‘tài sản quốc gia,’ bị ảnh hưởng nhiều nhất và biểu hiện của nó cũng rõ nét nhất.

Một bạn sinh viên cho biết gần đây bạn bị mất ngủ thường xuyên, bởi nhà nghèo!

Thử đi dạo một vòng quanh các học khu, các phòng ký túc xá ở Ðà Nẵng, một thành phố lớn ở miền Trung Việt Nam, ấn tượng đầu tiên là ảm đạm.

Chuyện nữ sinh viên nữ đi làm tiếp thị bia, làm tiếp viên trong các khu nhà hàng, khách sạn, nhà trọ... xuất hiện cũng dày hơn, nóng hơn.

Hơn 60% sinh viên ở các trường đại học Ðà Nẵng nói riêng và các trường đại học trên Việt Nam nói chung, đều sống trọ trong những khu nhà chật chội, tối tăm, với giá thuê đắt đỏ của ‘sinh viên ngoại trú’. Ðể phân biệt với ‘sinh viên nội trú’, là những sinh viên sống trong ký túc xá.

‘Sinh viên nội trú’ cũng không hơn gì những ‘sinh viên ngoại trú’ mấy, vì ký túc xá ở các đại học Việt Nam vẫn còn chật hẹp.

Nhưng dẫu sao thì mức chi phí cho tiền nhà của sinh viên nội trú vẫn dễ chịu hơn, rẻ bằng nửa hoặc một phần ba của sinh viên ngoại trú. Sở dĩ họ trả tiền thấp vì họ được nhà nước trợ giá, được ưu tiên.

Nhưng đối tượng ưu tiên cụ thể thì không rõ ràng. Phần lớn con liệt sĩ và con các quan chức, cán bộ, con nhà giàu, có quan hệ rộng, có người gửi gắm... là được ưu tiên.

Giá thuê trung bình một phòng trọ ‘sinh viên ngoại trú’ (rộng chừng 60m2, có toilet riêng, khoảng sân riêng) là 1 triệu đồng một tháng. Phòng rộng hơn một chút và tiện nghi đầy đủ hơn thì giá lên đến 2 hoặc 3 triệu đồng. Mỗi phòng thường có từ 5 đến 7 sinh viên trọ chung để chia nhau gánh nặng chi phí thuê nhà.

Những cậu ấm nhà giàu hoặc con quan chức thường mua nhà riêng để ở học, hoặc thuê các biệt thự, thuê nhà cấp I với giá cao ngất trời, thậm chí có thể lên vài chục triệu đồng mỗi tháng.

Với những sinh viên con nhà giàu thì chuyện tiền mất giá bao nhiêu cũng không ảnh hưởng đến họ.

Ðồng tiền mất giá chỉ tác động đến bộ phận sinh viên nghèo. Và đây cũng là bộ phận chiếm số đông trong cộng đồng sinh viên bởi hơn 80% sinh viên có xuất thân từ con nhà nông, nhà buôn nhỏ, con nhà nghèo, lấy sự học làm cơ may đổi đời, làm chỗ dựa tương lai.

Thử nhìn một bữa ăn ở một phòng trọ ‘sinh viên ngoại trú’ ở Ðà Nẵng: Một dĩa rau muống luộc, một dĩa cá kho mặn, mấy cái trứng luộc, một chén nước mắm ớt tỏi và một nồi cơm to tổ tướng đặt nằm giữa mâm cho bảy sinh viên.

Không cần tính toán gì, nhìn thôi cũng đủ biết vấn đề dinh dưỡng của nhóm bảy người này bị thiếu hụt trầm trọng.

Nhưng để có một bữa ăn như vậy, trong lúc này, những sinh viên này phải đắn đo suy nghĩ, phải cân nhắc, tính toán thật kĩ trong vấn đề chi tiêu.

Quỳnh Nhi và Kiều Nhi, hai bạn gái vừa tốt nghiệp xong chương trình cử nhân kinh tế trường Ðại Học Kinh Tế Ðà Nẵng, đang tìm việc làm, họ là “sếp” của căn phòng bảy người vừa nói trên, ở với họ còn có 5 người em (đồng hương Huế) học ở các trường khác nhau, cho biết: “Thắt lưng buộc bụng là chủ trương cấp bách của tụi em bây giờ. Làm thế nào để được ăn no, duy trì được đời sống trong lúc chưa tìm được việc làm và điều tiết đời sống của một gia đình bảy chị em không đơn giản chút nào!”

Quỳnh Nhi cho biết thêm: “Mỗi đứa em mỗi tính, nhưng tính nào đi nữa thì chung qui tụi em cũng là con nhà nghèo, việc mua một bó rau muống hay một ký đậu luôn làm tụi em đau đầu hơn là những bài học trên giảng đường. Tụi em tốn thời gian cho việc cân nhắc đi chợ rất nhiều. Tiền nhà thì loay hoay đã thấy tới, và nguy cơ tăng giá tiền thuê nhà là có rồi đó!”

“Trung bình, mỗi ngày tụi em đi chợ hết 50 ngàn đồng cho bảy người, như vậy là hơi quá rồi. Em sợ sắp tới phải chi nhiều hơn. Mấy đứa nhỏ kêu trời quá chừng. Vì ba mẹ không kịp tài trợ, nhà nông mà!”

Nhã, sinh viên năm nhất trường đại học bách khoa Ðà Nẵng, nói: “Ði chợ làm bọn em tốn tiền nhiều quá, không có tiền mà để dành phòng khi nộp quĩ đoàn, quĩ lớp, thăm bạn bè đau ốm và mua áo quần nữa, chắc là chết quá! Trước đây, 5 ngàn đồng, em có thể mua một bó rau muống, một củ tỏi và một cái trứng, đủ cho một bữa cơm, nay thì 10 ngàn đồng cũng thấy thiếu anh ạ!”

Ðương nhiên, do đua đòi và sĩ diện hảo của một số sinh viên con nhà nghèo nên vẫn có một số người chi tiêu không hợp lý, dẫn đến mất cân đối về sinh hoạt và dinh dưỡng.

Nhưng dù trên nghĩa nào, thì chuyện đồng tiền trượt giá vẫn có tác động rất mạnh đến đời sống của thành phần được xếp vào diện “tài sản quốc gia”.

Và có rất nhiều bạn sinh viên phải nghỉ học tạm thời một năm (còn gọi là gia hạn niên khóa, bảo lưu kết quả) vì cha mẹ không cung cấp đủ tiền trang trải học tập và không tìm được việc làm thêm. Thậm chí có người bỏ học, ra làm lao động phổ thông!

Ðồng tiền trượt giá, nguy cơ thất nghiệp, cha mẹ khổ sở và chán nản trường lớp... là câu chuyện gây đau đầu, mất ngủ cho sinh viên hiện nay.

No comments:

Post a Comment