Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, April 27, 2011

Nông dân Quảng Nam buồn trong mùa dưa hấu

Phụ thuộc lái buôn Trung Quốc


QUẢNG NAM - Trên con đường Bắc Nam qua địa phận tỉnh Quảng Nam, hành khách thường bắt gặp hình ảnh những vựa dưa to tướng cùng vài người nông dân đứng bán dưa, đon đả mời khách, nói cười...Thế nhưng chưa bao giờ người nông dân được an lòng bởi mỗi mùa dưa luôn đi kèm với nỗi buồn thua lỗ.

Trời năm nay mưa thuận gió hòa nên dưa sây trái. Nhưng khi chúng tôi ra thăm bãi dưa trên tả ngạn sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam, thì lại gặp những gương mặt não nề, lo lắng của mấy người giữ dưa. Hỏi ra thì mới biết họ đang như ngồi trên lửa vì giá dưa.

Anh Nam, chủ nhân của hai mươi hecta dưa cho biết: “Tính theo giá vàng chúng tôi bỏ ra để đầu tư thì không tài nào lấy lại vốn được. Mà điều này là do giống dưa, có nhiều giống khác nhau, chúng tôi mua hạt giống thì dựa vào sự hướng dẫn của cán bộ kĩ thuật và công ty giống, cộng thêm hướng dẫn của hợp tác xã. Nhưng năm nay chết!”

Anh Nam giải thích thêm rằng dưa hấu vốn có nhiều chủng loại, từ dưa An Tiêm, dưa mọi, dưa lai, dưa Singapore, dưa Thái Lan, dưa Ấn Ðộ, Dưa Nhật Bản, Dưa Mỹ... Nói chung có trên một trăm giống dưa khác nhau. Và việc chọn giống dưa tùy thuộc vào thị trường “ăn” loại dưa nào.

Ví như cách đây chừng mười năm thì toàn bộ thị trường dưa miền Nam chỉ ưa loại dưa Ấn Ðộ ruột vàng, rồi sau đó lại thích dưa ruột vàng, trái vuông.

Một thời gian sau, dưa ruột vàng không được ưa chuộng, người ta chuyển sang dưa Nhật Bản, trái nhỏ, vỏ dày, đen, nhưng nước nhiều, giòn xốp và mọng, cắt ra nước chảy lênh láng.

Người ta chuộng dưa này vì tính phồn thực cao, biểu tượng cho tài lộc...

Nhưng rồi sau đó không bao lâu, người ta lại chuyển sang dưa mọi, dưa An Tiêm, vì loại dưa này mang “hồn cốt dân tộc,” mang truyền thống.

Anh nói tiếp: “Thật ra, người Việt mình không có cầu kỳ về chuyện dưa loại gì, ý nghĩa gì đâu, mà phần lớn do Trung Quốc. Thằng này muốn loại gì mình phải trồng loại đó, nếu nó không mua thì mình có mà đứng đường!”

Anh Nam than thở: “Mỗi khi anh thấy nhà nhà sắp dưa ra đường bán cũng có nghĩa là mùa dưa năm đó khách hàng Trung Quốc nó chê dưa mình, nó bỏ lại, thậm chí nó chơi ác nữa, nó đồn rằng người Việt mình bơm nước vào trái dưa hấu cho nặng ký, làm sao mà bơm nước vào trái dưa hấu được chứ?”

Anh cam đoan là không có chuyện này. Vì năm ngoái chính anh chở dưa của anh ra cửa khẩu Móng Cái, nó sang nhìn dưa, cắt thử mấy trái, gật đầu đồng ý rồi bắt mình chờ, ba bốn ngày sau nó mới quay lại, lắc đầu chê dưa héo, có trái bị bơm nước và trả ép giá xuống còn không tới một nửa. Không lẽ mình đổ? Bán tháo mà về, khóc được!”

Năm nay dưa ra trái rất tốt, nhưng đến ngày “đạp bãi,” nhà buôn vào nhìn dưa xong lại lắc đầu, không hỏi han gì thêm. Các chủ dưa hỏi lại vì sao không thấy mua, nhà buôn trả lời rằng dưa mọi bây giờ không ai xài nữa, họ không dám mạo hiểm mua, sợ lỡ sang bên kia họ chê cho thì có mà đem đi đổ...

“Chính quyền và nhà buôn Trung Quốc cứ làm khổ dân.”

Ðó là câu trích của một người nông dân làm dưa hấu, anh nói rằng năm nào cũng như năm nào, làm dưa hấu có cảm giác như là đánh bạc với thời cuộc. Nhiều khi tích cóp cả đời được mấy chỉ vàng, mấy lượng vàng, phải bán ra đầu tư làm dưa, đến thì dưa ra trái, lại phấp phỏng lo âu vì chuyện người Trung Quốc có chịu mua dưa của mình không.

Hiện nay, khách hàng lớn nhất mua dưa của Việt Nam vẫn là Trung Quốc, và giá dưa như thế nào đều do họ quyết định.

Nhà nước chưa có chính sách gì cho việc sản xuất và xuất cảng dưa hấu, mọi việc đều do nông dân tự phát, hơn nữa, làm bãi thì ngoài dưa ra, chẳng có thứ gì có thu nhập tốt hơn dưa.

Thậm chí trong lúc đồng tiền mất giá như vậy mà nông dân có khi phải bán rau cải, rau xà lách với giá 1 ngàn đồng/kg.

Họ chỉ biết méo miệng cười trừ.

Và những bãi đất bồi ven sông vẫn luôn là chỗ khai thác tiền màu mỡ nhất cho chính quyền địa phương. Tiền thuế đất, tiền chênh lệch đấu giá, tiền kêu gọi đầu tư ODA để hỗ trợ nông dân, tiền thuế an ninh... Nhưng người dân thì chỉ biết mỗi một việc, làm và phó thác trái cà, trái dưa cho rủi may, cho số phận!

Một lão nông nhìn ruộng dưa, lắc đầu buồn rầu: “Trong một số cái, nhất là chuyện đối xử với chúng tôi, hình như nhà nước vô cảm, bỏ mặc cho công ty giống, nhà buôn và người Trung Quốc quyết định số phận cho chúng tôi. Họ cứ làm khổ dân!”

Mùa dưa năm nay, nông dân lại thấp thỏm vì giá dưa chênh lệch, dưa họ đặt hy vọng thì bị ép xuống 2 ngàn đồng một ký lô. Dưa họ làm thử thì lại tính giá 7 ngàn đồng một ký lô. Mà cho dù giá có lên 7 ngàn đồng thì họ vẫn thua lỗ bởi đồng tiền mất giá, thu không bù chi.

Người nông dân vốn là điểm cuối của xã hội trong mức sống và là điểm đầu của xã hội trong chịu thiệt thòi từ thiên tai, mà hình ảnh của một mùa dưa hấu đầy âu lo đủ nói lên điều đó.

No comments:

Post a Comment