VIỆT NAM (Tổng hợp) - Mười năm tới, voi, rùa, hổ bị tuyệt chủng; đình làng cổ sẽ không còn và hồ Ba Bể cũng sẽ biến mất tại Việt Nam. Ðó là toàn cảnh bức tranh thiên nhiên đầy mất mát đã được giới khoa học ở Việt Nam đặt ra vào những ngày cuối tháng 4 này.
Hôm 28 tháng 4, báo mạng VNExpress ghi nhận lời xác nhận của ông Scott Roberton, giám đốc đặc trách Việt Nam của Hiệp Hội Bảo Tồn Ðộng Vật Hoang Dã (WCS) nói có ít nhất 10 con voi bị giết hại tại tỉnh Ðồng Nai và Ðắc Lắc trong 19 tháng qua. Ông Scott Roberton cũng khẳng định rằng linh trưởng, rùa, hổ và voi sẽ biến mất tại Việt Nam trong 10 năm tới vì con người chạy theo tiền mà tàn sát các loài động vật hoang dã.
Nhắc lại sự kiện tìm thấy xác con tê giác Java cuối cùng bị giết tại Việt Nam ngày 29 tháng 4 năm 2010, ông Scott Roberton cho rằng thị trường tiêu thụ và buôn bán, lấy thịt, nuôi cảnh, dùng làm vật trang trí càng phát đạt bao nhiêu thì ngày tận diệt các loài động vật hoang dã tại Việt Nam càng đến sớm bấy nhiêu. Ông cũng chỉ trích Việt Nam thiếu quyết tâm thực hiện luật chống tội ác đối với các loài động vật hoang dã.
Cũng theo VNExpress, hồ Ba Bể nối liền 4 con sông, suối tại tỉnh Bắc Cạn sắp bị vùi lấp vì một công ty khai thác quặng chặn khe suối, hút nước ngược lên để rửa quặng, rồi xả chất thải, đất cát trở lại vào hồ. Cựu thứ trưởng Bộ Khoa Học-Công Nghệ Môi Trường, Chu Hảo ngậm ngùi than: “Tôi đau buồn chưa từng thấy. Chỉ vài chục năm nữa sẽ không còn viên ngọc quý này nữa.”
Hồ Ba Bể được coi là viên ngọc quý của thiên nhiên Việt Nam. Năm 1995, hồ Ba Bể được công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới tại một hội nghị về hồ nước ngọt thế giới diễn ra ở Hoa Kỳ.
Trong khi đó, theo báo Dân Trí, rất nhiều đình làng di tích cấp tỉnh và cả cấp quốc gia có hàng trăm năm tuổi tại thành phố Huế cũng đang rơi vào thảm cảnh đổ nát, hoang tàn. Có nơi bị biến thành kho chứa vật liệu phế thải, có nơi dùng để họp chợ, làm trường học, bãi đậu xe...
Các ngôi đình làng Dương Phẩm, An Cựu, Kim Long, Thế Lại Thượng, Phú Xuân... bị bỏ hoang phế, hư hỏng nặng nề.
No comments:
Post a Comment