Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, April 27, 2011

Hội đồng Bảo an LHQ không nhất trí trong việc lên án Syria

Các tranh luận về Syria tại Hội đồng Bảo an được chuyển sang ngày hôm nay, thứ Tư 27/4. Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã không đạt được nhất trí trong việc lên án Syria đàn áp phong trào phản kháng, theo đề xuất của nhóm các nước Châu Âu. Hội đồng nhân quyền LHQ sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt ngày 29/4.




Nga vẫn còn lưỡng lự với việc lên án, trong khi Liban, thành viên duy nhất của Khối các nước Ả Rập tại Hội đồng Bảo An, có thể bác bỏ mọi quyết định chống lại nước láng giềng Syria. Thông tín viên Karim Lebhour tường trình từ New York

"Văn bản đang được đưa ra để nhận các ý kiến đóng góp tại Liên Hiệp Quốc chỉ là một tuyên bố lên án sự đàn áp của chính quyền Syria. Hoàn toàn không có vấn đề trừng phạt hay can thiệp quốc tế. Đối với đại sứ Syria Bashar Jaafari, đề xuất của các nước Châu Âu đưa ra một tuyên bố như vậy dựa trên các thông tin sai lạc.

Theo đại sứ Syria, Hội đồng Bảo an không nên dựa vào các thông tin trên báo chí, mà phải căn cứ vào các báo cáo chính thức. Thực tế là, theo đại diện Ngoại giao của Damas, các nhóm vũ trang đã lợi dụng các cuộc biểu tình và bắn vào lực lượng an ninh. Chính vì thế mà đã có hàng chục người thiệt mạng, chứ an ninh Syria không hề nổ súng.


Ngay cả khi Phương Tây thuyết phục được Nga không phủ quyết tuyên bố kể trên, thì thái độ của Liban, nước Ả Rập duy nhất là thành viên Hội đồng Bảo an, vẫn còn không rõ. Beyrouth đã ra chỉ thị cho đại sứ phản đối bản tuyên bố, để không làm cho “người anh Syria” phải lúng túng.

Trong hậu trường, các nhà ngoại giao Liban cho biết họ bất lực. Syria là đồng minh của phong trào Hezbollah Liban và giới chức ngoại giao Liban sợ rằng, việc làm bất ổn định chế độ Damas có thể sẽ mang lại những hệ quả tiêu cực cho Liban".

Tổng thư ký LHQ đề nghị tiến hành một điều tra độc lập về cái chết của những người biểu tình

Ngày hôm qua, tổng thư ký LHQ đã cho biết “sự quan ngại ngày càng tăng của ông” đối với việc Damas tiến hành các đàn áp đẫm máu chống lại những người biểu tình, cụ thể là việc dùng xe tăng và đạn thật. Ông đề nghị tiến hành một điều tra độc lập để xác định nguyên nhân cái chết của những người biểu tình.

Cũng ngày hôm qua, Tổ chức Syria về nhân quyền (Sawassiya) cho biết đã có ít nhất 400 người bị an ninh của chính quyền giết chết, kể từ đầu phong trào phản kháng đến nay. Riêng trong khoảng thời gian ba ngày cuối tuần trước, đã có 107 người thiệt mạng.

Tối hôm qua, theo AFP, lực lượng tăng viện của quân đội và an ninh đã tới Deraa, thành phố nằm ở 100 km về phía nam thủ đô Damas, nơi cuộc phản kháng bùng nổ vào ngày 15/3. Có ít nhất sáu người bị giết, trong đó có một tu sĩ Hồi giáo. Theo một nhà hoạt động nhân quyền Syria, có một số binh sĩ đã đứng về phía đối lập chống lại quân đội chính phủ.

Phiên họp bất thường của Hội đồng Nhân quyền LHQ về Syria

Theo đề xuất của Hoa Kỳ, một phiên họp đặc biệt của Hội đồng nhân quyền LHQ về Syria sẽ được tổ chức vào ngày thứ Sáu tuần này 29/4. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của ít nhất 16 thành viên của Hội đồng, tức 1/3 số phiếu cần thiết cho một phiên họp đặc biệt. Điều trớ trêu là phiên họp đặc biệt về tình trạng bạo lực tại Syria sẽ diễn ra đúng vào lúc nước này vừa mới đệ đơn ứng cử vào Hội đồng nhân quyền hồi đầu tháng 3.

Ngày thứ Sáu tới, Liên hiệp Châu Âu cũng sẽ họp để thảo luận về các biện pháp trừng phạt đối với Syria, theo lời người phát ngôn của tổ chức này. Nếu như 27 nước đều đồng ý, các trừng phạt sẽ bắt đầu với việc phong tỏa các tài khoản của Syria và giới hạn sự di chuyển của các đại diện chính quyền và giới ngoại giao Syria. Ngày hôm nay, Pháp, Ý, Anh và Đức đã triệu hồi đại sứ Syria để trao quyết định phản đối.

No comments:

Post a Comment