Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, April 27, 2011

Trung Quốc và Việt Nam giúp giải quyết xung đột biên giới Thái – Campuchia?

Xung đột giữa Campuchia và Thái Lan đã bước sang ngày thứ 6 tại khu vực biên giới. Hôm thứ Tư, tiếng nổ của súng máy, súng cối, pháo binh và cả tên lửa, vẫn vang lên ở cả hai phía dọc theo biên giới. Phía Thái Lan đã ngỏ lời mời Trung Quốc và Việt Nam thuyết phục Campuchia trở lại bàn đàm phán song phương. Liệu Campuchia có đồng ý hay không ? Quốc Việt từ Campuchia có bài tường trình sau đây.


Thái Lan hy vọng vào áp lực của Trung Quốc và Việt Nam

Các cuộc giao tranh ác liệt giữa quân đội Campuchia và Thái đang tiếp diễn tại khu vực biên giới tỉnh Uddar Meanchey của Campuchia giáp tỉnh Surin của Thái Lan và cũng đang lan rộng gần đến khu vực đền Preah Vihear, một di sản văn hóa thế giới thuộc tỉnh Preah Vihear, khiến hơn 250.000 dân Campuchia và gần 30.000 dân Thái sống tại khu vực này buộc phải di tản đến nơi an toàn. Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Kasit Phiromya đã yêu cầu Trung Quốc và Việt Nam thuyết phục Campuchia trở lại bàn thương lượng.
Lời yêu cầu này được thực hiện thông qua đại sứ Trung Quốc Quan Mu và đại sứ Việt Nam là ông Ngô Đức Thắng trong một cuộc gặp với Bí thư thường trực Theerakun Niyom tại Bangkok vào hôm 26/4 vừa được báo Bưu điện Bangkok đăng tải. Thái Lan cho rằng, khi Trung Quốc và Việt Nam có mối quan hệ tốt đẹp với Campuchia, thì hai nước này sẽ giúp nói chuyện với chính phủ Phnom Penh để có cuộc đàm phán song phương ngừng bắn vĩnh viễn.
Phía Thái Lan cũng cho biết, đặc phái viên Trung Quốc tiết lộ chính phủ của ông đã theo dõi sát tình hình và sẽ cố gắng để giúp đỡ. Còn ông Ngô Đức Thắng nói rằng Việt Nam là một người bạn tốt của cả Thái Lan và Campuchia và sẽ đóng vai trò trung lập.


Campuchia muốn có sự tham gia của LHQ hoặc ASEAN

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia Koy Kuong cho biết Liên hiệp quốc hay Chủ tịch ASEAN mới có khả năng hòa giải tình hình xung đột biên giới hiện nay. Campuchia không thể đàm phán song phương vì phía Thái Lan không tôn trọng kết quả thỏa thuận đó.
Theo ông Koy Kuong, Bộ trưởng ngoại giao của hai nước sẽ gặp nhau tại cuộc họp các Bộ trưởng của ASEAN đầu tháng 5 tới, đồng thời ông kêu gọi phía Thái Lan chấm dứt vĩnh viễn những động thái thù địch quân sự của mình đối với Campuchia trong lúc Campuchia cố gắng kiềm chế và tôn trọng quan hệ ngoại giao của hai nước.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia Koy Kuong cho biết Liên hiệp quốc hay Chủ tịch ASEAN mới có khả năng hòa giải tình hình xung đột biên giới hiện nay. Campuchia không thể đàm phán song phương vì phía Thái Lan không tôn trọng kết quả thỏa thuận đó.


Báo bưu điện Bangkok dẫn lời Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đưa ra hôm thứ tư rằng, Thái Lan đã hủy bỏ kế hoạch đến thủ đô Phnom Penh để đàm phán ngừng bắn. Ông nói, Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwon đang bận nhiệm vụ ở Trung Quốc từ ngày 27 đến ngày 30 tháng 4 này, do đó cuộc đàm phán với Campuchia sẽ phải dời lại sau đó. Ông cũng nhấn mạnh, chuyến công du đến Trung Quốc để yêu cầu giúp đỡ đàm phán với Campuchia, và Thái Lan sẽ thực hiện một cuộc hẹn mới với Campuchia để thảo luận và thỏa thuận ngừng bắn với Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh sau khi tướng Prawit trở về từ Trung Quốc.
Trước đó, Thái Lan cũng tuyên bố sẽ xem xét lại mọi quan hệ với Campuchia bởi vì Phnom Penh không thể hiện thiện chí, mang tranh chấp biên giới đến bàn đàm phán và tiếp tục có những hành động thù địch chống Thái Lan. Quân đội Thái sẽ có hành động đáp trả để đánh bật binh lính Campuchia ra khỏi khu vực biên giới tranh chấp.
Tuy nhiên, Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong một bài phát biểu tại thủ đô Phnom Penh sáng thứ Tư nói rằng, khu vực đền Ta Moan và Ta Krabei là điểm các quân đội cùng dân Campuchia tổ chức vui chơi giải trí vào ngày 17/4 nhân dịp Tết cổ truyền Dân tộc. Cuộc giao tranh bước sang ngày thứ 6 này vì Thái Lan đã chủ động khai hỏa tấn công để xâm chiếm hai đền trên. Theo ông Hun Sen, Campuchia kêu gọi một lệnh ngừng bắn và ông cho biết sẵn sàng đàm phán với người đồng cấp Thái Lan tại Hội nghị khu vực ở Jakarta vào đầu tháng 5 tới.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã lên tiếng bác bỏ việc Phó thủ tướng Thái Lan cáo buộc đã có mặt quân đội Việt Nam tại khu vực biên giới đang giao tranh. Ông cũng cho biết các vụ đụng độ biên giới đã bước sang ngày thứ 6 và khiến 14 người ở hai bên thiệt mạng và hơn 50 người bị thương.

No comments:

Post a Comment