Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Friday, April 29, 2011

Công an ép vợ nạn nhân vào khách sạn

Vụ người chết trong đồn công an ở Bình Dương



BÌNH DƯƠNG (TH) - Vợ người công nhân hãng sản xuất bánh xe Kumho ở Bến Cát, Bình Dương, chuyển cho báo chí hai đoạn băng ghi âm, bằng chứng chị đã bị một viên chức công an điều tra huyện Bến Cát ép chị vào khách sạn sau ngày chồng chị bị bắt vào đồn công an.
Chi tiết bất bình thường này được một số báo ở Việt Nam như Người Lao Ðộng, Dân Việt, VNExpress tiết lộ một phần nào vì họ được bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền cung cấp các đoạn băng ghi âm.

Nguyễn Công Nhựt, 30 tuổi, quản kho của công ty Kumho bị bắt điều tra ngày 21 tháng 4, 2011 liên quan vụ mất 56 “lốp ô tô” tức bánh xe hơi. Từ khi ông bị bắt điều tra cho đến khi ông chết 4 ngày sau (25 tháng 4, 2011) ở nhà tạm giam của công an huyện Bến Cát, vợ ông (Nguyễn Thị Thanh Tuyền) không được gặp mặt hay nói chuyện dù là qua điện thoại.

Bà Tuyền chỉ được thông báo là ông chồng đã tự tử và để lại hai bức “thư tuyệt mệnh” gửi cho vợ và bạn đồng nghiệp. Trên cổ ông có một sợ dây màu đen cột chặt và thân thể ông có nhiều vết bầm giập.

Tin tức sơ khởi của một số báo nói rằng bà Tuyền không tin chồng bà tự tử nên đòi thuê một cơ quan độc lập giảo nghiệm tử thi.

Bà Tuyền đã được công an huyện Bến Cát đưa cho bản sao 2 “lá thư tuyệt mệnh” chứ không đưa bản chính nói do ông Nhựt để lại.

“Chị Tuyền và cả em ruột của Nhựt đều khẳng định nét chữ trong lá thư tuyệt mệnh không giống chữ của anh. Chị Tuyền còn đưa ra một quyển sổ có bút tích của chồng để đối chiếu. Theo chị, chữ của anh Nhựt to, khoảng cách giữa các chữ rộng chứ không nhỏ và khít như lá thư trên. Do nét chữ quá khác nên chị cũng không muốn đọc hết nội dung thư.” Báo Người Lao Ðộng tường thuật.

Trong một bức thư tuyệt mệnh gửi cho vợ, còn có đoạn ông Nhựt khen ngợi công an huyện Bến Cát “là những người điều tra tuyệt vời nhất.”

Một bước ngoặt đặc biệt liên quan đến cái chết của Nguyễn Công Nhựt là hai đoạn băng ghi âm các lời đối thoại tên công an tên Phú gạ gẫm và ép bà Tuyền “đi khách sạn.”
Trong ngày 28 tháng 4, 2011, báo Ðất Việt trích và chép lại một số lời đối thoại đó phổ biến trên Internet gồm cả lời gạ: “Cái gì em không cho được là anh đòi cái đó,” lẫn lời từ chối của bà Tuyền: “Thôi, cái đó không được.”

Lời bắn tiếng ngầm đe dọa của Phú là: “Bây giờ chỉ có em mới cứu được chồng em thôi à!”... Những gì được nêu ra trên tờ Ðất Việt và VNExperss chỉ là một phần rất nhỏ chi tiết trong hai đoạn băng ghi âm mà bà Tuyền cung cấp cho báo chí. Ðề phòng bị cắt sửa, bà đã sao chép các đoạn băng này làm nhiều bản, lưu trữ ở nhiều nơi.

“...2 ngày sau khi anh Nhựt bị giữ lại trụ sở công an huyện Bến Cát, có số điện thoại gọi cho chị Tuyền. Sau đó, chị đã lấy máy bàn của công ty gọi lại thì được anh này giới thiệu là người trực tiếp thụ lý điều tra vụ án của anh Nhựt. Nghi ngờ người đàn ông chưa thấy mặt, nên chị Tuyền cùng với một số người làm chung công ty dùng điện thoại để ghi âm.”

VNExpress kể như vậy và dẫn lời bà Tuyền: “Ðêm trước khi anh Nhựt mất (tức 24 tháng 5), người đàn ông trên nhiều lần gọi điện và dùng những lời lẽ khiếm nhã để gạ gẫm, nhưng tôi nhất quyết từ chối. Ðến sáng hôm sau thì hay tin chồng mình đã chết,” chị Tuyền đau đớn nói.

Theo VNExpress, ngay sau khi vụ việc xảy ra, “Hội đồng giám định y khoa của tỉnh Bình Dương đã tiến hành khám nghiệm tử thi và gia đình đã mang thi hài anh Nhựt về quê mai táng. Tuy nhiên kết quả cụ thể việc khám nghiệm tử thi vẫn chưa được công bố.”

Bà Ngô Thị Ngọc Thanh, viện trưởng VKSND huyện Bến Cát cho VNExpress hay là “mọi việc viện chỉ biết khi nghe thông tin trên báo chí. Trước đó, viện không hề phê chuẩn bất cứ quyết định bắt tạm giam nào đối với anh Nguyễn Công Nhựt để phục vụ công tác điều tra.”

Vẫn theo VNExpress, công an tỉnh Bình Dương đã “triệu tập” một cán bộ công an của huyện Bến Cát “để tường trình và làm rõ việc liên quan đến 2 đoạn băng ghi âm.”

VNExpress nói nội dung đoạn băng ghi âm là “những cuộc nói chuyện giữa chị Tuyền với một người tự xưng là cán bộ công an đang trực tiếp điều tra về anh Nhựt.”

Khi được ký giả báo Người Lao Ðộng gọi tới số điện thoại của người đàn ông tên P. mà bà Tuyền cung cấp và nói đã bị “gạ gẫm” thì “khi nghe phóng viên giới thiệu và đề nghị được gặp để xác minh những thông tin trong đoạn ghi âm mà chị Tuyền cung cấp thì bên kia đầu dây tắt máy.”

Nguyễn Công Nhựt là nạn nhân thứ 5 chết trong tay công an tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2011.

Báo Người Lao Ðộng cho hay gia đình nạn nhân đã tìm luật sư tư vấn để thúc đẩy làm rõ cái chết đầy nghi vấn của ông Nguyễn Công Nhựt.

No comments:

Post a Comment