Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, April 27, 2011

Xung đột biên giới Thái – Cam Bốt phục vụ tính toán chính trị nội bộ mỗi bên ?

Xung đột biên giới Cam Bốt – Thái Lan bước sang ngày thứ sáu và triển vọng về một cuộc ngừng bắn tỏ ra xa vời sau khi vào giờ phút chót, bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwo đã hủy bỏ cuộc gặp với đồng nhiệm Cam Bốt Tea Banh, dự kiến tổ chức ngày hôm nay, 27/04/2011, tại Phnom Penh.




Từ Bangkok, thông tín viên Arnaud Dubus phân tích ý đồ của quân đội Thái Lan.

"Rất nhiều hy vọng được đặt vào cuộc gặp giữa bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon và đồng nhiệm Cam Bốt Tea Banh. Hơn nữa, hai người lại quen biết nhau từ lâu. Sự trở mặt của quân đội Thái Lan vào giờ phút cuối cho thấy hố ngăn cách giữa hai nước láng giềng rất lớn. Các giải thích về việc hủy bỏ cuộc gặp mà phát ngôn viên quân đội Thái Lan đưa ra có ít sức thuyết phục.


Theo đó, quân đội Thái Lan ra quyết định như vậy bởi vì một số báo chí Cam Bốt viết rằng Thái Lan đã chấp nhận sự thất bại trong cuộc xung đột biên giới. Quân đội Thái Lan cũng đòi phía Cam Bốt phải chấm dứt nã pháo trong nhiều ngày, trước khi hai bên tiến hành thương lượng về một cuộc ngừng bắn. Điều này cho thấy sự mâu thuẫn trong lập luận của phía Thái Lan.


Sau khi chính quyền Bangkok không chấp nhận để cho các quan sát viên Indonesia tới vùng biên giới Thái Lan - Cam Bốt, việc hủy bỏ cuộc gặp ngày hôm nay có thể cho thấy sự thiếu thiện chí của quân đội Thái Lan trong việc giải quyết cuộc xung đột bởi vì việc kéo dài giao tranh vũ trang song phương dường như có lợi cho tính toán của họ, cho phép củng cố vị thế của quân đội trên bàn cờ chính trị nội bộ Thái Lan".

Quan hệ Thái Lan – Cam Bốt đã trở nên căng thẳng sau khi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc – UNESCO, vào năm 2008, đã xếp khu đền cổ Preah Vihear là di sản thế giới. Khu đền này nằm trên đường biên giới chung, thuộc chủ quyền của Cam Bốt, nhưng lối đi vào lại nằm bên lãnh thổ Thái Lan.

Cuộc xung đột quân sự gần đây nhất giữa hai nước, từ 04 đến 07 tháng Hai vừa qua, đã làm 10 người thiệt mạng.

Theo giới phân tích, cuộc giao tranh quân sự lần này, làm 14 người thiệt mạng ở cả hai phía và hàng chục ngày người phải di tản, diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo chính trị và quân đội ở cả hai nước đều muốn khai thác để phục vụ cho các tính toán chính trị nội bộ.

Mặc dù thủ tướng Cam Bốt Hun Sen kêu gọi ngừng bắn, nhưng theo Reuters, chính quyền Phnom Penh muốn kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa, nâng cao uy tín của mình trong công luận, muốn chứng minh rằng quân đội Cam Bốt đủ sức đương đầu với đối thủ truyền thống láng giềng là Thái Lan.

Còn tại Thái Lan, sau cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng cách nay một năm, thủ tướng Abhisit Vejjajiva có kế hoạch giải tán Quốc hội trước ngày 05/06/2011. Có thể một số tướng lĩnh Thái Lan gần gữi với giới dân tộc chủ nghĩa cực đoan, nhằm tạo ra bối cảnh thuận lợi cho một cuộc đảo chính, ngăn chặn việc tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn vào cuối tháng Sáu hoặc đầu tháng Bẩy.

Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng phía Thái Lan muốn kéo dài xung đột quân sự để gây sức ép, buộc Cam Bốt chấp nhận đàm phán song phương trực tiếp giải quyết tranh chấp biên giới, trong khi chính quyền Phnom Penh chủ trương kêu gọi quốc tế can thiệp.

Thủ tướng Hun Sen cho biết là ông sẽ nêu vấn đề xung đột biên giới với Thái Lan nhân Hội nghị Thượng đỉnh khối các nước Đông Nam Á, ASEAN, được tổ chức trong các ngày 7 và 8 tháng Năm sắp tới, tại Jakarta, Indonesia.

No comments:

Post a Comment