HÀ NỘI (PL) - Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam vừa công bố dự thảo theo đó chỉ cho phép một người mang theo 15 triệu đồng tiền Việt Nam khi xuất ngoại.
Hơn 10 năm trước, chính quyền Việt Nam cũng từng qui định hạn mức nội tệ mà một người mang theo khi xuất ngoại. Tuy vậy, qui định này trở thành giấy lộn vì thực tế không có ai mang theo tiền Việt Nam ra ngoại quốc. Từ đó đến nay, người ta chỉ giữ ngoại tệ chứ không chú ý đến đồng nội tệ.
Thực tế cũng cho thấy, đồng Việt Nam không có giá trị thanh toán trên thế giới, được coi là đồng tiền “chưa tự do chuyển đổi” ngoại trừ một số cửa hàng ở Cambodia và Lào. Gần đây, các casino ở Cambodia bắt đầu chấp nhận cho du khách Việt cờ bạc bằng đồng Việt Nam.
Bên cạnh việc giới hạn đồng nội tệ, dự thảo này cũng quy định số ngoại tệ mà một người được mang theo là không quá 5,000 đô la Mỹ và không cần khai báo với nhân viên thuế quan, thay vì được mang 7,000 đô la Mỹ như hiện nay.
Theo báo Pháp Luật Sài Gòn, “Dự thảo cũng đề cập đến việc các cá nhân mang theo ngoại tệ nhiều hơn 5,000 đô la Mỹ vào Việt Nam có thể mang trở ra số ngoại tệ tương đương với điều kiện ‘phải có sự xác nhận của nhân viên thuế quan tại Tân Sơn Nhất về số tiền đã mang vào.’”
Câu hỏi được đặt ra là, đồng tiền Việt Nam không có giá trị thanh toán quốc tế, vậy người ta cầm tiền Việt Nam ra ngoại quốc để làm gì?
Dư luận cho rằng tin đồn ngoại kiều vào Việt Nam phải đổi ngoại tệ tại phi trường lấy đồng Việt Nam để xài có thể dẫn tới việc dự trữ đồng Việt Nam tại ngoại quốc.
Thay vì cầm ngoại tệ vào để đổi thì người ta mang tiền Việt Nam vào trong nước để xài... cho khỏe. Hẳn vì thế mà Ngân Hàng Nhà Nước bắt đầu đặt ra hạn mức mang theo đồng Việt Nam khi xuất ngoại chăng?
Báo Pháp Luật còn cho biết thêm, dự thảo này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2011 tới đây.
No comments:
Post a Comment