Sau các vụ đàn áp biểu tình đẫm máu, chế độ của Tổng thống Syria Bachar al-Assad đang bị áp lực ngày càng mạnh từ quốc tế cũng như từ trong nước.
Hơn 150 nhà đối lập Syria hôm qua đã kêu gọi chế độ Damas tiến hành « một thay đổi dân chủ thật sự », nếu không sẽ bị nhân dân làm cách mạng lật đổ. Các nhà đối lập này đề nghị là trước hết, phải thảo ra một Hiến pháp mới bảo đảm các quyền thiết yếu của công dân và bảo đảm tam quyền phân lập một cách toàn diện. Họ cũng yêu cầu phải cải tổ triệt để hệ thống tư pháp tham nhũng thối nát của Syria. Các nhà đối lập Syria còn đòi chính quyền trả tự do cho toàn bộ các tù chính trị và thông qua các luật về các chính đảng, về báo chí và về bầu cử.
Ngay trong nội bộ chế độ Damas cũng đã bắt đầu rạn nứt. Hôm qua, hơn 230 đảng viên đảng Baas đang cầm quyền đã tuyên bố ra khỏi đảng. Trong bản tuyên bố, các đảng viên này viết: « Các lực lượng an ninh đã phá hủy những giá trị mà trong đó chúng tôi được nuôi dưỡng. Những hành động của lực lượng an ninh nhắm vào các công dân không một tấc sắt trong tay là trái với những giá trị của nhân loại, và trái với những khẩu hiệu của Đảng ». Các đảng viên ly khai cũng lên án cách thức mà báo chí Syria mô tả những người biểu tình bị giết chết, bị thương hoặc bị tra tấn, gọi những người này là « các băng đảng tội phạm vũ trang ».
Theo thống kê của tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria, kể từ khi bắt đầu phong trào biểu tình phản kháng đến nay, đã có ít nhất 453 người thiệt mạng. Việc hàng trăm thường dân bị hạ sát trong những cuộc biểu tình ôn hòa đã gây phẫn nộ dư luận quốc tế. Nhiều nước châu Âu, trong đó có Pháp, Anh, Ý và Đức đã triệu đại sứ Syria ở các nước này để bày tỏ thái độ lên án hành động đàn áp biểu tình.
Đại diện của 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu ngày mai sẽ họp lại ở Bruxelles để thảo luận về các biện pháp trừng phạt có thể được ban hành đối với Syria. Cũng ngày mai, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ họp phiên đặc biệt về Syria theo yêu cầu của Hoa Kỳ.
Thế nhưng, 15 nước thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm qua đã không đồng ý được với nhau về một bản tuyên bố lên án đàn áp biểu tình ở Syria. Ba nước Syria, Nga và Trung Quốc đã ngăn chận bản tuyên bố này. Đại diện của Nga tại Liên Hiệp Quốc cho rằng sự can thiệp từ bên ngoài có thể sẽ gây ra « nội chiến » ở Syria.
Tình hình ở Syria khiến một số người đặt vấn đề : cộng đồng quốc tế đã can thiệp rất nhanh chóng vào Libya, khi quân của Kadhafi tấn công phe nổi dậy, trong khi tại Syria, chính quyền cũng tàn sát thường dân, vì sao quốc tế chỉ lên án suông ?
Thật ra, thứ nhất, về mặt địa lý, ở Libya, ít ra đã có một vùng giải phóng, có một mặt trận rõ ràng, quốc tế dễ can thiệp quân sự hơn, trong khi ở Syria, dân chúng nổi dậy ngay trong thành phố, can thiệp quân sự sẽ phức tạp hơn nhiều. Thứ hai, vào lúc mà chiến dịch can thiệp quân sự có nguy cơ kéo dài ở Libya, các nước phương Tây rất ngại mở một mặt trận mới. Hơn nữa, sẽ rất khó mà thuyết phục Nga và Trung Quốc, hai thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chấp nhận một nghị quyết theo hướng này. Lý do thứ ba, can thiệp vào Syria có nguy cơ gây mất ổn định cả khu vực Trung Đông, nhất là vì Syria là đồng minh của Iran. Khác với Kadhafi, bị cô lập hoàn toàn, Tổng thống Bachar al- Assad vẫn còn được sự ủng hộ của các lãnh đạo Ả Rập. Bây giờ chỉ còn duy nhất giải pháp ban hành các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, nhưng cũng chưa chắc là Nga và Trung Quốc sẽ bỏ phiếu thuận.
No comments:
Post a Comment