Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, April 11, 2011

'Chơi Vơi': Phỏng vấn đạo diễn Bùi Thạc Chuyên

Trong năm 2009, một hiện tượng điện ảnh xuất hiện, với phim Chơi Vơi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, kịch bản của Phan Ðăng Di. Cuốn phim được mời tham dự Ðại hội Ðiện ảnh Venice, là ÐHÐA hàng đầu của thế giới.

Nếu không kể phim Mùi Ðu Ðủ Xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng, thực hiện tại Pháp, phim Chơi Vơi là phim truyện dài đầu tiên của Việt Nam tham dự ÐHÐA Venice.

Tại Venice, cuốn phim đoạt giải “Orizzonti” của Hiệp Hội Phê Bình Quốc Tế (FIPRESCI). Phim cũng đoạt giải Âm Thanh tại ÐHÐA Á Châu-Thái Bình Dương ở Ðài Loan, giải Taiga Ðồng tại ÐHÐA quốc tế Khanty-Mansiysk, Nga.

Chơi Vơi là phim truyện thứ nhì của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Cuốn phim đầu tay của anh là “Sống Trong Sợ Hãi” đoạt giải Tài Năng Mới ở ÐHÐA Thượng Hải năm 2006. Phim đó chiếu tại Ðại hội Ðiện ảnh Việt Nam Quốc tế (ViFF) ở miền Nam California năm 2007.

Mới đây nhất, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thắng giải thưởng chính của Diễn đàn Tài trợ Ðiện ảnh Á Châu Hong Kong (HAF: Hong Kong-Asia Film Financing Forum), là giải thưởng được trao để giúp các đạo diễn Á Châu có một phần vốn chi phí để làm phim. Dự án “Dream State” thắng phần thưởng 150,000 đô la Hong Kong, tương đương hơn 19,000 đô la Mỹ.

Phim Chơi Vơi có hai nhân vật nữ chính là hai bạn thân Duyên (Ðỗ thị Hải Yến) và Cầm (Phạm Linh Ðan, tài tử chính trong Indochine). Duyên lấy chồng nhỏ tuổi, Hải (Nguyễn Duy Khoa), và gần như ngay lập tức thấy mình không có được hạnh phúc bên người chồng này. Duyên tìm đến bạn mình, nhưng không biết Cầm, một nữ văn sĩ, lại yêu Duyên. Yêu không được, Cầm xúi giục đẩy Duyên vào vòng tay của Thổ (Johnny Trí Nguyễn), một tay chơi.

Cuối tuần này, Chủ Nhật 10 tháng 4, phim Chơi Vơi sẽ chiếu tại Ðại hội Ðiện ảnh Việt Nam Quốc tế (ViFF). Suất chiếu bắt đầu lúc 7:30 tối tại đại học UC Irvine, phòng HG 1070.



Báo Người Việt trao đổi với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên về phim Chơi Vơi và các đề tài điện ảnh.



-Vũ Quí Hạo Nhiên (NV): Anh có thể giải thích hộ chữ “chơi vơi” trong tựa? Sự chơi vơi đó nằm ở nhân vật Duyên là chính, hay là Cầm? Hay là cả bốn nhân vật chính Duyên, Cầm, Thổ, Hải?

-Ðạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Chơi vơi là một cảm giác mất phương hướng, tiến thoái lưỡng nan, một cảm giác khi con người ta không được thỏa mãn. Sự chơi vơi này nằm ở tất cả các nhân vật, ở tất cả chúng ta vì theo tôi, con người ai cũng có những ham muốn, những dục vọng mà hầu không được thỏa mãn. Quả thực đây là cảm giác không dễ chịu cho lắm.

-NV: Một tác phẩm nghệ thuật chắc chắn thế nào cũng có người khen người chê. Khi nói chuyện với những người khen cuốn phim này, họ nói với anh họ thích cuốn phim ở những điểm nào?

-Ðạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Họ nói là phim có được một không khí riêng rất đậm đặc. Một phong cách nhất quán.

-NV: Ðến lúc nói chuyện với những người chê cuốn phim, thì thường họ không thích cuốn phim ở những điểm nào?

-Ðạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Ôi chê thì nhiều lắm, tôi không nhớ hết được. Nhưng chủ yếu là do họ không mở cánh cửa đầu tiên để bước vào bộ phim. Họ quay đi ngay khi chưa vặn nắm đấm. Họ chê bộ phim vì bộ phim không giống những gì họ quen thuộc.

-NV: Phim xây dựng những nhân vật thiếu thốn hạnh phúc, nhưng lại rất chần chừ và chậm chạp (nếu so với các phim tình cảm xã hội tiêu biểu) trong việc đi tìm hạnh phúc ở chỗ khác. Sự kéo dài thời gian đó có phải là cố ý? Có phải muốn nói lên điều gì?

-Ðạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Sự chần chừ và chậm chạp ấy là cái mà tôi thích trong câu chuyện này. Có lẽ đó chính là trạng thái của người lưỡng lự, của người đang chơi vơi. Làm sao mà ta có thể nhanh được khi ta không biết mình sẽ làm gì? Sẽ đi đâu?

-NV: Phim có nhiều cảnh nước chảy, như trời mưa, tắm vòi sen, hay bồn nước tràn. Không nói thì chắc khán giả nào cũng nghi là nước là biểu tượng của cái gì đó đây! Vậy anh có thể nói trắng ra nước là biểu tượng của cái gì không?

-Ðạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Ðây là câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra với tôi. Có lẽ mưa, nước trong phim khá đậm đặc. Nó chính là một phần của cuộc sống con người, nó biểu tượng cho tính dục. Người ta không thể ngăn nó lại được, chỉ có thể tạm thời trốn tránh nó, nhưng rồi thể nào cuối cùng họ cũng sẽ phải tắm mình trong nó, chìm ngập trong nó.

-NV: Hai trong bốn diễn viên chính là Việt kiều: Johnny Trí Nguyễn (Mỹ) và Linh Ðan Phạm (Pháp). Anh thấy họ làm việc với một đoàn làm phim Việt Nam ra sao?

-Ðạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Linh Ðan và Trí rất tuyệt vời, rất chuyên nghiệp. Họ là những người làm nên thành công của bộ phim. Sự chuyên nghiệp của họ đã mang lại rất nhiều những bài học cho những người làm phim ở Việt Nam, trong đó có cả tôi nữa. Vì quả thật nền điện ảnh Việt Nam hiện nay rất thiếu tính chuyên nghiệp.

-NV: Vừa qua có tin anh đoạt giải thưởng của Hong Kong cho dự án phim “Dream State.” Anh có thể cho biết thêm về dự án sắp tới này? Tựa tiếng Việt của Dream State là gì?

-Ðạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Dự án mới của tôi tên tiếng Việt tạm đặt là Ngủ Mơ. Hiện nay đang hoàn thiện kịch bản nên chưa thể nói được điều gì cả.

-NV: Trong vòng khoảng 7-8 năm qua, điện ảnh Việt Nam tiến bộ với tốc độ nhanh hơn hẳn trước đó. Nếu theo đà này thì chẳng mấy chốc những nhà làm phim mới ra lò sẽ vượt qua hết thế hệ hiện nay. Anh nghĩ gì về điều này?

-Ðạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Nếu được như thế là một điều đang mừng cho điện ảnh Việt Nam. Tôi cũng đang nỗ lực để góp phần làm nên việc ấy đây. Tôi tham gia sáng lập và điều hành Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Ðiện ảnh TPD ở Hà Nội. Chúng tôi thực hiện những dự án giúp đỡ cho những nhà làm phim trẻ. VIFF năm nay có chiếu nhiều phim được thực hiện với sự tài trợ và giúp đỡ của TPD. Trong đó có cả những em rất trẻ, đang học phổ thông đã làm được những phim ngắn rất hay.

No comments:

Post a Comment