Chiều ngày 26 tháng 4 cuộc Hội thảo về Biển Đông lần thứ hai đựơc Bộ Ngoại giao và Học viện Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội đã bế mạc với sự tham dự của các học giả, nhà nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực
Với chủ đề “Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông: Lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế”, cuộc hội thảo lần này là diễn đàn quy tụ nhiều đại biểu, đại diện các cơ quan nghiên cứu trong nước, và quốc tế cũng như các học giả độc lập từ nhiều lĩnh vực liên quan đến Biển Đông. Mặc Lâm phỏng vấn Thạc sĩ Hoàng Việt người tham dự để biết thêm những chi tiết sau đây
Tình hình an ninh và viễn cảnh Biển Đông
Mặc Lâm : Xin cảm ơn ông đã nhận lời trả lời phỏng vấn của chúng tôi ngày hôm nay. Trước tiên xin ông cho biết mục tiêu của cuộc hội thảo Biển Đông lần thứ hai này là gì ạ?
Thạc Sĩ Hoàng Việt : Mục tiêu quan trọng nhất của cuộc hội thảo là chúng ta đánh giá lại toàn bộ các diễn biến ở Biển Đông trong thời gian vừa qua, và từ đó đưa ra những định hướng, những gợi ý cho chính sách của chúng ta hướng tới việc giải quyết những tranh chấp như thế nào.
Mặc Lâm : Nếu được thì xin ông vui long điểm qua một vài bài tham luận mà ông cho là nổi bật được đọc trong cuộc hội thảo lần này.
ThS Hoàng Việt : Nói chung là có rất nhiều tham luận đáng chú ý, tôi chỉ điểm được một số thôi.
Mặc Lâm : Dạ.
ThS Hoàng Việt : Tức là, thứ nhất là chẳng hạn như tham luận của chị Nguyễn Minh Ngọc, là một nhà nghiên cứu trong chương trình Nghiên Cứu Biển Đông, theo tôi cho rằng cũng là một trong những cái nhìn tổng thể, tức là chỉ đánh giá các chủ thể nó tác động tới chính sách của Trung Quốc như thế nào trong vụ tranh chấp ở Biển Đông đó. Cái chủ đề của Trung Quốc ví dụ như là Thường Vụ của Bộ Chính Trị Trung Quốc thì có ảnh hưởng như thế nào, hay là các tướng lĩnh quân đội có ảnh hưởng như thế nào trong việc đề ra chính sách, và đặc biệt chỉ ra vấn đề là các nhóm lợi ích tức là các tập đoàn kinh tế, cụ thể như là Tập Đoàn Dầu Khí tác động tới chính sách của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp Biển Đông rất nhiều. Và nếu để có những cái hướng tốt để nghiên cứu về vấn đề này có đường hướng tốt thì chúng ta phải xem xét và nhận biết được rõ những cái quan trọng nó tác động tới việc đưa ra chính sách của Trung Quốc trong việc tranh chấp như vậy.
Hay là tham luận của anh Nguyễn Hồng Thao thì phân tích xem là toàn bộ bức công hàm của Philippines phản đối Trung Quốc ngày 5 tháng 4 và sau đó là công hàm của Trung Quốc phản đối lại Philippines ngày 14 tháng 4, và so sánh với công hàm của Trung Quốc đã phản đối trước đó tức là phản đối Việt Nam với Malaysia ngày 7 tháng 5 thì đã có những bước khác biệt nhau rất nhiều.
Bài của anh Phạm Hòang Quân đưa ra vấn đề nghiên cứu địa danh các đảo và khái quát lại tất cả các công trình nghiên cứu địa danh học của Trung Quốc. Địa danh học là ngành học có lẽ bắt đầu từ Phương Tây. Trung Quốc thì khoảng tới 1930 thì có viết nhưng các công trình của họ rất là tản mác và ở mức độ thấp, nhưng sau 1950 và cho đến năm 1980 thì giới nghiên cứu địa danh học ở Trung Quốc cũng rất là mạnh mẽ hơn và họ đã đưa ra được nhiều công trình tổng hợp địa danh của các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, anh Phạm Hòang Quân chỉ đưa ra một vấn đề là thứ nhất là những tài liệu gốc của họ không bao giờ đưa ra các hình chụp kèm theo, và như vậy là tính xác thực của nó rất là thấp vì không thể kiểm tra được nó. Và thứ hai là có những đoạn văn trích dẫn đưa ra những tên đảo đó nhiều khi trích tài liệu thì đúng nhưng mà có khi nó bị cắt xén rất nhiều và làm cho sai lệch nội dung đi và như vậy làm ảnh hưởng tới tính khoa học, thực chất của vấn đề.
Ngoài ra, còn rất nhiều các tham luận khác mà đặc biệt là tập trung vào cái mảng như là luật quốc tế này hay là về tính chiến lược, về chính sách, vân vân.
Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc
Mặc Lâm : Chúng tôi được biết là ông cũng có đưa ra vài vấn đề trong cuộc hội thảo, xin ông vui long cho biết chi tiết những vấn đề ấy là gì?
ThS Hoàng Việt : Dạ vâng. Ba vấn đề tôi đưa ra gọi là 3 yếu tố quan trọng, 3 vấn đề chính trong cuộc chiến pháp lý trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Vấn đề thứ nhất là chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tức là xác định chủ quyền đó của ai.
Thứ hai là yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông, mà trước đây Trung Quốc cứ giải thích thế này thế kia nhưng mà rõ ràng là cái tranh chấp này bắt đầu chính thức được đưa ra Liên Hiệp Quốc với bản đồ kèm theo công hàm phản đối bản báo cáo chung về thềm lục địa của Việt Nam và Mã Lai, bản báo cáo riêng của Việt Nam đấy, thì Trung Quốc đã đưa ra bản đồ hình lưỡi bò. Có lẽ đây là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức đưa ra trước cộng đồng quốc tế. Cho đến bây giờ Trung Quốc họ cho rằng là “được sự thừa nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế”, thế nhưng tất cả các nước, các quốc gia liên quan trực tiếp như là các nước ASEAN liên quan tới tranh chấp đều phản đối đường lưỡi bò này. Việt Nam và Malaysia phản đối ngay sau cái công hàm phản đối của Trung Quốc ngày 10 tháng 5 rồi, còn Indonesia thì đưa ra công hàm ngày 8 tháng 7 năm 2010 và theo tin mới đây là công hàm ngày 5 tháng 4 năm 2011 đều phản đối yêu sách đường lưỡi bò này của Trung Quốc.
Và ngay cả tuyên bố của Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton vào ngày 21 tháng 3 cũng nhắc vấn đề đó cũng là phản đối đường lưỡi bò Trung Quốc, tức là bà ấy nói là nguyên tắc trong luật quốc tế đó là “đất thống trị biển” và phải có yêu sách trên các đất tức là các đất liền hoặc là các đảo và từ đó mở rộng vùng biển, chứ không thể vẽ một đường trên cả vùng biển rồi sau đó yêu sách tất cả những cái đảo nằm trong đó, như vậy nó ngược nguyên tắc “đất thống trị biển” của Luật Biển Quốc Tế.
Và gần như tất cả các nước đều phản đối đường lưỡi bò này vì nó quá vô lý và nó không dựa trên cơ sở nào cả.Vấn đề thứ ba là xác định quy chế pháp lý của các đảo trong hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Nó có phải là đảo hay không theo điều 121 của Luật Biển. Hầu hết các học giả Trung Quốc thì họ đang chứng minh rằng, như vừa rồi ở hội thảo quốc tế năm 2009 một học giả Đài Loan là Tôn Vĩnh Nguyên đã biện minh, tức là giải thích vấn đề một số đảo thuộc hai quần đảo này nó phải là đảo vì nó có nhà dân, có sân bay, có người sinh sống, và như vậy nó có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa xung quanh nó.
Nhưng mà quan niệm của gần như tất cả các quốc gia ASEAN cũng như của Hoa Kỳ đưa ra thì gần như là không công nhận đó là các đảo. Chẳng hạn Hoa Kỳ nói đó là các điểm đất liền, còn một số quốc gia khác thì gọi đó là các cấu trúc địa chất chứ không gọi đó là đảo, không thừa nhận đó là đảo, như vậy nó chỉ có vùng biển xung quanh là 12 hải lý mà thôi.
Đấy là 3 vấn đề chính yếu trong tranh chấp Biền Đông và chỉ xoay quanh 3 vấn đề đó mà thôi.
Nguyên Tắc Ứng Xử Biển Đông COC
Mặc Lâm : Có lẽ Bộ Nguyên Tắc Ứng Xử Biển Đông, gọi tắt là COC, vẫn là vấn đề hang đầu mà cuộc hội thảo chú ý nhất. Ông có thể cho biết lần này thì COC có nét gì mới hay không ạ?
ThS Hoàng Việt : Về COC thì cũng có một tham luận chung của hai tác giả, một là Nguyễn Quang Thắng đang học tại Vương Quốc Anh, và của Nguyễn Thị Thanh Hà đang là chuyên viên của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc. Hai tác giả cũng đã đưa ra khai quát quá trình xuất hiện COC trên thế giới như thế nào và cái vai trò cũng như những điểm mạnh của COC ra sao, và cũng như là những điểm hạn chế còn tồn tại của COC. Trong đó hai tác giả chỉ ra vấn đề là gì? COC có nhiều hạn chế nhưng hạn chế lớn nhất của COC đó là gì? Là nó cũng không phải là ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, điểm mạnh của nó, nó phát triển hơn DOC. COC thật ra là gì? Là nó đã vạch ra những khu vực cụ thế, khu vực nào cách ứng xử sẽ ra sao, tức là quy định cụ thể. Chứ còn DOC thì nó quá chung chung cho nên cũng chưa giải quyết được vấn đề gì nhiều.
Vấn đề bây giờ có thể không chỉ COC dành cho một quần đảo như Trường Sa hay Hoàng Sa, hay là cho hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, mà là COC cho toàn bộ vùng Biển Đông, tức là nó dành cho toàn bộ vùng Biển Đông. Nếu xảy ra trường hợp như thế thì sẽ phải làm như thế nào, cụ thể ra sao, vân vân. Và nó càng chi tiết thì càng tốt.
Cả hai tác giả cũng đặt vấn đề nên chăng chúng ta không đưa ra, nếu mà trong trường hợp Trung Quốc chưa sẵn lòng ký kết COC, thì nên chăng ASEAN ra một COC riêng của ASEAN, các nước ASEAN ký với nhau, và sau đó từ đó mở rộng các thành viên tham dự nếu muốn, giống như là chúng ta đã làm với ASEAN+3 , ví dụ như vậy.
Mặc Lâm : Xin phép ông một câu hỏi cuối. Theo ông thì các thành phần xã hội khác nhau có vai trò gì mà nhà nước cần chú ý nhằm khai thác tiềm lực của họ để họ cống hiến vào công việc bảo vệ quyền lợi tổ quốc, cụ thể là chủ quyền của chúng ta trong vấn đề Biền Đông, thưa ông?ThS Hoàng Việt : Chúng ta phải có một chiến lược, hành động bài bản cũng như là khuyến khích mọi người dân có quyền và họ có đủ khả năng đi vào nghiên cứu sâu rộng. Cho đến bây giờ theo các thông tin thì có vẻ hình như chưa có, nhiều người chưa biết rõ rang các vấn đề đó, và đặc biệt trước đây Trung Quốc rất là không coi trọng luật quốc tế. Khi mà Trung Quốc trở thành thành viên chính thức Hội Đồng Bảo An LHQ thì Trung Quốc rất thiếu chuyên gia luật quốc tế, nhưng cho đến bây giờ thì họ đã có mặt ở hầu hết các định chế quốc tế quan trọng trên thế giới. Họ có người trong Tòa Án Công Lý Quốc Tế, có người trong Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển, vân vân và vân vân, trong khi Việt Nam thì chưa có chiến lược đó.
Cho nên Việt Nam bây giờ mới bắt đầu có chiến lược là đưa những người của Việt Nam vào trong các tổ chức quốc tế. Chúng ta phải kết hợp được sức mạnh của toàn dân tộc, tức là toàn bộ những người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có rất nhiều học giả Việt kiều hải ngoại.
Mặc Lâm : Xin được cảm ơn Thạc Sĩ Hoàng Việt đã giúp cho chúng tôi hoàn thành cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.
No comments:
Post a Comment