Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, April 26, 2011

49 giáo dân Cồn Dầu được quy chế tị nạn

BPSOS: 'Họ đang sống trong nguy hiểm'



BANGKOK (NV) - Bốn mươi chín trong tổng số 55 Giáo dân Cồn Dầu hiện đang lánh nạn tại Thái Lan vừa được cơ quan Liên Hiệp Quốc thừa nhận tư cách tị nạn vào ngày 26 tháng 4, 2011.

Tiến sĩ (TS) Nguyễn Ðình Thắng, giám đốc điều hành Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS), xác nhận tin này với nhật báo Người Việt.

BPSOS có trụ sở tại Washington D.C. là tổ chức giúp đỡ trực tiếp các giáo dân Cồn Dầu đang lánh nạn tại Thái Lan.

TS Nguyễn Ðình Thắng cho báo Người Việt biết: “Sáng 26 tháng 4 chỉ có 31 nạn nhân có mặt tại văn phòng của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc để nhận quyết định. Trong khi đó 18 người đang trên đường đến Bangkok từ một vùng xa xôi.”

“Cuối năm ngoái chúng tôi đã di chuyển số người này ra khỏi thủ đô Bangkok vì lý do an toàn,” TS. Nguyễn Ðình Thắng, giải thích.

“Họ phải mất nửa ngày đường để di chuyển đến Bangkok và sẽ vào trình diện Cao Ủy Tị Nạn LHQ sau để nhận kết quả. Sáu người chưa nhận được kết quả vì họ đến sau và chưa hoàn tất thủ tục phỏng vấn.”

Dù được cấp quy chế tị nạn nhưng theo lời TS. Nguyễn Ðình Thắng, các giáo dân này vẫn đang sống trong nguy hiểm vì có thể bị cảnh sát Thái Lan bắt bất cứ lúc nào.

“Tình trạng an nguy của họ không thay đổi mặc dù nay đã được hưởng quy chế tị nạn,” TS Thắng nói.

Chính phủ Thái Lan không thừa nhận người tị nạn và đã từng trục xuất người tị nạn bất chấp sự phản đối của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc.

Theo TS Thắng, các giáo dân Cồn Dầu cần tiếp tục đề cao cảnh giác. Ông cũng mong rằng người ở trong nước hiểu được rằng việc xin hưởng quy chế tị nạn ở Thái Lan hiện nay rất khó khăn và có thể trở thành khó khăn hơn nữa vì chính phủ Thái Lan muốn ngăn chặn làn sóng tị nạn.

Ðối với số người dân Cồn Dầu đã được xét là tị nạn thì bước kế tiếp là chờ Cao Ủy Tị Nạn LHQ giới thiệu đến một quốc gia định cư. Thủ tục này có thể kéo dài từ 6 đến 9 tháng.

Trong thời gian này, số giáo dân Cồn Dầu vẫn tiếp tục cần được giúp đỡ sinh sống trong khi chờ đợi xin định cư ở một quốc gia khác.

“Chúng tôi cũng cần gởi người sang Thái Lan để can thiệp cho số trường hợp còn lại và vận động việc định cư cho những người đã được xét là tị nạn,” TS Thắng nói.

Các giáo dân của Giáo xứ Cồn Dầu đã chạy sang Thái Lan lánh nạn sau vụ nhà cầm quyền thành phố Ðà Nẵng trấn áp, và bắt bớ những giáo dân tham gia đám tang cụ bà Hồ Nhu đến khu nghĩa trang của giáo xứ hồi đầu tháng 5, 2010 và sau cái chết của anh Nguyễn Thành Năm.

Trong vụ này, 6 giáo dân bị bắt giam và đưa ra tòa án xét xử.

Vẫn theo lời TS Nguyễn Ðình Thắng, các giáo dân Cồn Dầu lánh nạn tại Thái Lan đang rất cần sự giúp đỡ để tồn tại trên đất Thái Lan cho đến khi được đi tị nạn. Mọi đóng góp cho quỹ Cứu Cồn Dầu xin gửi về: BPSOS/Cồn Dầu, PO Box 8065, Falls Church, VA 22042 USA.

No comments:

Post a Comment