Nhu cầu lương thực gia tăng không ngừng trên thế giới nhưng Thái Lan tính chuyện thay đổi chiến lược lúa gạo theo hướng giảm diện tích trồng lúa. 'For Entry and Pay Online, click here' Việt Nam sẽ nhân cơ hội này để vượt qua Thái Lan hay không. Nam Nguyên phỏng vấn TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông Nghiệp Nông thôn Việt Nam trụ sở tại Hà Nội về vấn đề liên quan.
Hướng về chất lượng, giá trị và khả năng chống chịu
Nam Nguyên: Thông tin quốc tế cho biết Thái Lan có ý định từ bỏ vị trí xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, bỏ hẳn vụ 3 trồng lúa giá thấp, để chống sâu bệnh, giảm xuất khẩu 2 triệu tấn gạo. Thưa ông Việt Nam có đủ nguồn lực để thay thế vị trí thứ 1 này hay không?TS Đặng Kim Sơn: Tôi nghĩ nếu Thái Lan giảm xuất khẩu lúa gạo thì đương nhiên sản xuất của Việt Nam sẽ tự động vươn lên. Tuy nhiên điều quan trọng không phải là số lượng 1 triệu hay 2 triệu tấn, điều này phải tùy thuộc vào vấn đề giá cả ở trên thị trường. Năm nay giá trên thị trường thế giới tốt thì nông dân đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng sản xuất lên, sản lượng ở Việt Nam sẽ tăng lên, nhưng tôi không nghĩ là có thể tăng lên tới 2 triệu tấn được. Chắc chắn sản lượng lúa của Việt Nam sẽ tăng lên nhưng nó vẫn theo cơ chế thị trường và còn bị tùy thuộc vào tác động của biến đổi khí hậu vì ngay như hiện nay sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long cũng gặp khó khăn như bị xâm nhập mặn, thiếu nước trong mùa khô. Cho nên mức độ tăng sản lượng sẽ chỉ ở mức độ nhất định.
Nam Nguyên: Thái Lan điều chỉnh chiến lược trồng lúa chỉ tập trung lúa thơm giá trị cao, nhường lại thị trường gạo trắng giá rẻ cho Việt nam và các nước khác. Theo ông, kế hoạch phát triển “Cánh đồng mẫu lớn” sản xuất tập trung ở ĐBSCL có phải là sự điều chỉnh chiến lược của Việt Nam?
TS Đặng Kim Sơn: Vấn đề điều chỉnh chiến lược sản xuất lúa ở Việt Nam có nhiều góc độ khác nhau. Góc độ thứ nhất là tăng về chất lượng, sử dụng các loại giống chất lượng cao hơn và có thể có giá bán tốt hơn. Có góc độ tăng về sử dụng giống chống chịu tốt hơn để sau này có thể chống cự với biến đổi khí hậu tốt hơn, có sự thay đổi làm thế nào điều chỉnh mức nước và kỹ thuật canh tác để giảm thải các-bon vào môi trường. Có thể nói có nhiều sự điều chỉnh khác nhau đang diễn ra ở trên đồng bằng, nó chịu tác động của cả yếu tố thị trường cả yếu tố về thay đổi môi trường và cả yếu tố về thay đổi qui mô sản xuất, tổ chức sản xuất. Như vậy sẽ có một góc độ tổng hợp làm thay đổi dần cơ cấu sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long theo hướng chất lượng, giá trị và khả năng chống chịu tăng lên.
Cảnh giác về biến đổi môi trường trên dòng Mekong
Nam Nguyên: Với nguy cơ các đập thủy điện trên dòng Mekong ở thượng nguồn và gần đây nhất là ở Lào, đe dọa đến sản xuất lúa, nguồn lợi nghề cá, môi trường sinh thái, dân sinh ở đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam làm gì để tồn tại nếu như dòng chảy sông Mekong bị ngăn trở vì các đập thủy điện
TS Đặng Kim Sơn: Việt Nam theo dõi rất chặt chẽ tình hình thay đổi ở phía thượng nguồn của sông Mekong và chúng tôi quan tâm sâu sắc và lo lắng đến những thay đổi tác động đến môi trường cũng như tác động đến sinh kế của người dân. Một mặt chúng tôi phối hợp với các nước trên thượng nguồn để có kế họach xây dựng hợp lý.
Ở Việt Nam có nhiều ý kiến, nhiều cuộc hội thảo cả chính thức lẫn trong nhân dân về vấn đề này. Mặt khác chúng tôi phối hợp với Viện lúa Quốc tế, các cơ quan nghiên cứu quốc tế để tìm ra những giống lúa chống chịu, tăng khả năng chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập của cây trồng nhất là với lúa. Đồng thời tiến hành các giải pháp về thủy lợi, các giải pháp về tổ chức sản xuất, điều chỉnh lại mùa vụ để tăng hiệu quả sản xuất nông sản. Nói chung theo chúng tôi điều quan trọng nhất là hiệu quả sản xuất, giá trị sản xuất chứ không phải là khối lượng. Thế thì tất cả quá trình điều chỉnh này phối hợp với quốc tế để điều chỉnh sử dụng nước ở sông một cách hợp lý và tất cả các hoạt động liên quan phải đồng bộ và tổng hợp với nhau, cái này bổ xung cho cái kia không thể thiếu một mặt nào, đảm bảo sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục phát triển bền vững và hiệu quả, đảm bảo cuộc sống của khối lượng đông đảo người dân đồng bằng sông Cửu Long.
Nam Nguyên: Cảm ơn Tiến sĩ Đặng Kim Sơn đã trả lời đài chúng tôi.
No comments:
Post a Comment