Hôm Thứ Hai 18, doanh nghiệp lượng cấp tín dụng Standard and Poor's đã làm các thị trường tài chính rúng động khi hạ thấp giá trị trái phiếu của Chính quyền Hoa Kỳ.Giới quan sát cho rằng quyết định của công ty Standard and Poor's là một lời phê phán nghiêm khắc về tình trạng nợ nần của nước Mỹ và về cách đối phó đầy những ách tắc trì trệ với bài toán bội chi ngân sách quá nặng hiện nay của Hoa Kỳ. Nhưng vì sao một doanh nghiệp nghiên cứu của tư nhân lại có quyền phê phán hoạt động của giới lãnh đạo trong chính quyền như vậy?Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi cho nhà tư vấn Nguyễn Xuân Nghĩa qua phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.
S&P Tìm hiểu và phán đoán tình hình tài chính thế giới
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Hôm nay, chúng ta xin nói về công ty Standard and Poor's và về quyết định của công ty này khi đánh sụt mức độ tin cậy của trái phiếu Mỹ từ cấp "ổn định" xuống cấp "tiêu cực". Thưa ông, trước tiên, Standard and Poor's là gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa rằng Standard and Poor's, gọi tắt là S&P, là doanh nghiệp Hoa Kỳ chuyên cung cấp dịch vụ tài chính cho các thị trường và chính quyền trên thế giới. Dịch vụ đó có thể là niêm yết giá cả trên các thị trường cổ phiếu của Mỹ, Canada, Ý, Úc, hay Ấn Độ qua các chỉ số ta gọi là S&P. Dịch vụ ấy có khi là lượng giá trái phiếu hay lượng cấp tín dụng cho công ty hay chính quyền nào muốn đi vay bằng cách phát hành trái phiếu, là một thứ giấy nợ. Dịch vụ ấy cũng có thể là nghiên cứu thị trường và đưa ra nhận xét vô tư của mình. - Nguyên thủy thì S&P được thành lập từ năm 1860, là vào thời Tự Đức của nước ta, và hiện là một trong ba đại gia toàn cầu về nghề "lượng cấp tín dụng". Hai công ty kia là Moody's Investor's Service cũng của Mỹ, và Fitch Ratings của Pháp. Nói chung, khi các công ty này phán đoán về giá trị của các trái phiếu, công cũng như tư, thì các thị trường đều chú ý.Chính là mức độ đáng tin, hay khả tín, của họ mới khiến doanh nghiệp hay chính quyền nào mà muốn vay tiền và phát hành trái phiếu hay công khố phiếu thì trả tiền mời họ nghiên cứu, và đưa ra đánh giá vô tư để thuyết phục khách đầu tư. Họ cũng có thể tự động nghiên cứu và phê phán mà khỏi cần ai mời, là trường hợp ta nói tới ở đây, khi S&P nghiên cứu về tình trạng nợ nần và phương thức đối phó của chính quyền Mỹ với kết luận là một lời phê phán khá nghiêm trọng.
Vũ Hoàng: Như vậy, một doanh nghiệp tư nhân về thông tin thị trường cũng có quyền tìm hiểu và phán đoán về tình hình tài chính hoặc quy cách làm việc của một chính quyền, kể cả chính quyền Hoa Kỳ. Và lời phê phán đó tất nhiên chi phối phản ứng của các thị trường, như Standard and Poor's đã từng phê phán tình hình ngoại hối hay tài chính của Việt Nam. Thưa ông, thế công ty này phê bình thế nào về tình trạng nợ nần của Hoa Kỳ mà làm thị trường cổ phiếu Mỹ sụt giá mạnh vào ngày Thứ Hai tuần trước?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết thì xin nói về bối cảnh, là khuôn khổ làm việc của loại công ty như S&P mà từ nay tôi xin phép gọi theo một từ thống nhất là "lượng cấp tín dụng". S&P là loại công ty lượng cấp được Hội đồng Kiểm soát Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ công nhận.
- Về quy cách làm việc, họ nghiên cứu tường tận các thống kê và tham khảo ý kiến mọi giới và định ra dự phóng cho tương lai trên cơ sở của nhiều kịch bản. Rồi họ xếp trái phiếu theo tư cách pháp nhân của khách đi vay, là của tư doanh, chính quyền địa phương, như tỉnh hay thị xã, hay chính quyền cấp quốc gia. Trái phiếu quốc gia do chính quyền trung ương phát hành, thì gọi là "công khố phiếu". Về thời hạn thì họ còn phân biệt từ ngắn đến dài là "notes", "bills" hay "bonds". Nói chung, khi nói đến mức khả tín của công khố phiếu quốc gia thì người ta dùng chữ "sovereign" mà ta hiểu là chủ quyền tối cao, tức là trách nhiệm cũng tối cao của cấp quốc gia.
- Về đẳng trật giá trị trái phiếu từ dài hạn đến ngắn hạn thì họ có khoảng hai chục cấp cao thấp. Trong loại trái phiếu dài hạn, họ có hai thành phần. Cao nhất vì có giá trị như khí cụ đầu tư đáng tin và ít rủi ro là thành phần được đánh giá với ba chữ A trở xuống, hoặc kém lắm là ba chữ B. Thành phần thấp hơn và thiếu uy tín thì gọi là "junk bond" hay "giấy lộn", từ hai chữ B xuống tới chữ D là khi vỡ nợ hoặc có nguy cơ phá sản!
- Cách đánh giá về mức độ an toàn như vậy trực tiếp ảnh hưởng đến thị trường và sự suy tính của chủ nợ là khách đầu tư có tiền cho vay. Nếu sợ rủi ro thì khách đầu tư đòi phân lời cao hơn, gọi là "yield". Phân lời càng cao thì trị giá trái phiếu càng thấp và phân lời của trái phiếu dài hạn chính là lãi suất dài hạn của thị trường tài chính.
Lời cảnh báo của S&P về tình hình nợ nần của Mỹ
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông đã trình bày cho bối cảnh này vì trong lĩnh vực truyền thông nhiều khi chúng ta không hiểu hết quy cách làm việc và thống nhất thuật ngữ chuyên môn của loại công ty này để khán thính giả cùng biết rõ. Thưa ông, trở lại tình trạng nợ nần của Chính quyền Hoa Kỳ thì công ty Standard and Poor's phê phán ra sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết, S&P cho rằng Hoa Kỳ có một số ưu điểm và lợi thế so sánh với các nước có cùng đẳng cấp trái phiếu cao nhất là ba chữ A, như Anh, Pháp, Đức hay Canada. Các ưu điểm là thị trường linh động, là vai trò rất lớn của tư doanh, là tính chất đa năng đa diện của nền kinh tế và thành tích đáng tin của chính sách tiền tệ. Lợi thế là vai trò ngoại tệ dự trữ của đồng Mỹ kim, đơn vị tiền tệ có sức phổ biến cao nhất, rộng nhất.
- Nhưng, với ưu điểm và lợi thế ấy, chính sách công chi thu của nước Mỹ cứ sa sút dần từ một chục năm nay và còn tệ hại hơn nhiều trong hai năm qua sau khi đã bị khủng hoảng tài chính. Tình trạng sa sút ấy lại chưa có hướng chấm dứt và giới lãnh đạo chưa đạt thỏa thuận về một chiến lược chấn chỉnh hệ thống tài chính công để tái lập quân bình giữa chi và thu.Nếu tìm hiểu kỹ thì lạc quan mà nói, dù rằng chính quyền có đạt nổi đồng thuận ngay bây giờ, việc chấn chỉnh ấy chỉ hy vọng thành hình trong lâu dài, với rất nhiều bất trắc từ nay đến đó khi Quốc hội đi vào những biện pháp áp dụng. Huống hồ là vì không có nổi sự thoả thuận quá cần thiết ngay bây giờ, chính trường Hoa Kỳ sẽ gây họa cho thị trường sau này.
- Kết quả thì S&P hạ một nấc công khố phiếu dài hạn của Mỹ, vẫn ở loại "AAA" đáng tin nhất, nhưng từ "ổn định" xuống "tiêu cực"; và công khố phiếu ngắn hạn của Mỹ cũng bị hạ tới cấp gọi là "A-1+". Tức là doanh nghiệp tư nhân này vừa nghiêm khắc phê phán tình trạng nợ nần của nước Mỹ. Công ty còn thông báo rằng trong hai năm tới, với xác suất rủi ro là một trên ba, công khố phiếu Mỹ có thể tuột hạng nữa, nếu Chính quyền không sớm thực thi việc chấn chỉnh.
Vũ Hoàng: Như vậy, nếu chúng tôi hiểu không lầm thì Standard and Poor's vừa phê bình Chính quyền Hoa Kỳ, gồm cả Quốc hội lẫn Hành pháp, là đã gây bội chi nặng và vay mượn quá nhiều mà chưa có giải pháp đồng thuận để chấn chỉnh lại việc tiêu xài này. Nhưng thưa ông tình trạng nợ nần của nước Mỹ ra sao mà để bị phê phán như vậy?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa rằng Chính quyền Liên bang Mỹ có gánh nợ gọi là "công trái", là nợ của quốc gia, mà ta không nên dịch theo kiểu nửa hán nữa Nôm là "công nợ" vì dễ bị hiểu sai.
- Gánh công trái này gồm hai khoản. Khoản thứ nhất là nợ công chúng ở trong và ngoài nước Mỹ, của giới đầu tư lẫn chính quyền nước ngoài. Thứ hai là nợ các cơ quan công quyền Mỹ với nhau, thí dụ như nợ của quỹ An sinh Xã hội.
Tổng cộng lại và tính đến cuối tháng Ba thì số công trái này lên tới hơn 14.000 tỷ đô la. So với Tổng sản lượng Nội địa thì lên tới hơn 97%. So với các xứ khác thì đứng hạng thứ 12 của các nước mắc nợ nhiều nhất.
- Chuyện thứ hai là về nhịp độ thì mức nợ nần ấy đã tăng mạnh trong mấy năm qua. Từ khoảng 500 tỷ một năm vào năm 2003, gánh nợ nần đã tăng gấp đôi là gần ngàn tỷ vào năm 2008 và gấp bốn là gần hai ngàn tỷ vào năm 2009, qua năm 2010 thì nợ thêm một ngàn bảy trăm tỷ đô la. Tình trạng nợ nần gia tốc ấy khiến công ty S&P phải lên tiếng báo động, dù chẳng ai khiến!
Vũ Hoàng: Khi mắc nợ như vậy thì Hoa Kỳ phải vừa trả nợ vừa ra soát lại việc chi thu của công quỹ để giảm dần bội chi ngân sách chứ? Thế Chính quyền Mỹ tính toán ra sao mà để Standard and Poor's ước tính là trong vòng hai năm tới công khố phiếu của Mỹ có thể còn tuột hạng nữa?Nguyễn Xuân Nghĩa: - Sau cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái, đảng Cộng Hoà được cử tri đưa lên kiểm soát Hạ viện và đảng này tự cho sứ mạng giảm chi để quân bình lại ngân sách quốc gia.
- Hôm mùng năm vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện là Dân biểu Paul Ryan bên Cộng Hoà, đề nghị giảm chi hơn 6.000 tỷ trong 10 năm tới và còn dám đề nghị cắt giảm và cải tổ hai quỹ trợ cấp y tế Medicare và Medicaid mà không tăng thuế, với tham vọng quân bình ngân sách vào năm 2040. Mười ngày sau, đề nghị này được Hạ viện đồng ý với đa số Cộng Hoà mà không có một lá phiếu Dân Chủ. Ngày 13, đến lượt Tổng thống Obama đưa ra đề nghị khác, như tăng thuế và giảm chi 4.000 tỷ trong 12 năm. Khác biệt quá lớn và khó dung hợp giữa hai đảng trong một năm trước khi tranh cử là một vấn đề nghiêm trọng khiến S&P mới nhảy vào cuộc tranh luận với lời phê bình khá nặng.
Một số nguồn tin báo chí cho rằng trước đó Chính quyền Obama muốn can gián công ty S&P mà không được. Nhiều người thì cho là S&P có dụng ý chính trị khi lên tiếng và tôi cho rằng đúng. Dụng ý ở đây là nói lên sự thật để thị trường, dân chúng và chính trường nên có quyết định trách nhiệm hơn với việc chi thu công quỹ trước khi trở thành quá trễ.
- Chỉ vì các thí dụ, kịch bản hay dự phóng mà công ty S&P nêu ra đều đáng ngại: từ các khoản chi bắt buộc cho quỹ An sinh Xã hội, Medicare và Medicaid sẽ là gánh nặng ngân sách dẫn tới phá sản, đến việc nợ nần nước ngoài sẽ bằng 300% số thu nhập của cán cân vãng lai khiến nước Mỹ sẽ là khách nợ lớn nhất trong các nước được xếp loại "AAA". Hoặc tiền lời của khoản công trái hay yêu cầu chấn chỉnh hai doanh nghiệp bán công bị vỡ nợ là Fannie Mae và Freddy Mac sẽ còn là một gánh nợ hết sức nguy ngập sau này.
Vũ Hoàng: Đó là về lời phê phán, chứ công ty Standard and Poor's có khuyến nghị gì không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Về các khuyến cáo, S&P nêu thí dụ của các nước khác để làm gương.
- Năm 2009, Anh quốc bị suy trầm nặng gấp đôi Hoa Kỳ và nhất thời bị đánh sụt đẳng cấp công trái nhưng từ tháng Sáu năm ngoái, Anh thắt lưng buộc bụng và chấn chỉnh công chi thu và giảm dần bội chi. Chương trình kinh tế khắc khổ của Pháp cũng có triển vọng trung hạn sáng sủa hơn Mỹ dù Pháp không bị bội chi nặng như Anh và Mỹ. Hoặc nước Đức cũng bị suy trầm nặng như Anh quốc nhưng ngay từ năm 2009 đã viện dẫn Hiến pháp để hạn chế bội chi ngân sách và thực tế thì đưa bội chi về mức 3% của Tổng sản lượng GDP từ năm ngoái. Nói chung, lời cảnh báo của S&P cho thấy các nước kia đã có quyết tâm cao hơn và là gương sáng cho Mỹ!
Vũ Hoàng: Trong kịch bản bi quan là các chính khách Hoa Kỳ không đạt nổi đồng thuận để giảm chi và bớt gánh nợ nần thì chuyện gì sẽ xảy ra cho kinh tế Hoa Kỳ?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng nước Mỹ đang vay mượn quá khả năng hoàn trái và tùy thuộc vào thành phần... bỏ phiếu bằng tiền, bằng trái phiếu. Là giới đầu tư hay các quốc gia khác sẽ mua Công khố phiếu của Mỹ để kiếm lời. Họ chỉ cho vay khi lấy phân lời đủ cao, mà phân lời ấy chính là lãi suất dài hạn trên thị trường tín dụng. Nếu Hoa Kỳ tiếp tục tăng chi và mắc nợ thì Chính quyền Mỹ đi vay đắt hơn, với lãi suất cao hơn. Lãi suất gia tăng sẽ làm kinh tế Mỹ khó tăng trưởng mạnh và nếu tiền thuế thu được thì chỉ đủ trả tiền lời đi vay thì cả xã hội chứ không chỉ kinh tế mới sa sút. Đó là kịch bản rất đáng ngại. Ngày 28 tới đây, dân Mỹ có thể được biết là hy vọng tăng trưởng kinh tế ngay trước mắt sẽ sa sút chứ khó đạt tốc độ 4,4% như dự báo.
- Trước một năm có tranh cử mà kinh tế lại bị nguy cơ trôi vào suy trầm nữa thì các chính khách đều sợ thất cử nên sẽ cẩn trọng hơn và đấy là ưu điểm của dân chủ vì dân chúng và thị trường có thể tác động thẳng vào chính trường qua sự phê phán, qua giá cả rồi qua lá phiếu của cử tri.
Vũ Hoàng: Đài Á châu Tự do xin trân trọng cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.
No comments:
Post a Comment