Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, April 28, 2011

Hướng đến ngày phong Chân phước Gioan Phaolo II: Vị Giáo hoàng của Thiên mệnh



Chúng ta cùng toàn thế Giáo hội hướng tới ngày 1/5/2011, ngày Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II được phong Chân phước tại Roma.

Những ký ức về Chân phước Gioan Phaolo II, chúng tôi xin chia sẻ với bạn đọc.



Nguyện đường Sistine, nơi Hồng Y Đoàn được triệu tập để cầu nguyện, xin ơn soi sáng trong việc bỏ thăm chọn Giáo Hoàng, là một căn phòng chữ nhật nối liền Đại Giáo Đường Thánh Phêrô ở phía bắc. Nguyện đường do Đức Thánh Cha Sixtus VI khánh thành năm 1483, và ngày nay trở thành một phần của Bảo Tàng Viện Vatican. Cách trang trí bên trong Nguyện đường tạo nên một khung cảnh linh thiêng, huyền nhiệm khác thường.



Trên bức tường phía bắc, phía dưới bàn thờ là họa phẩm lừng danh “The Last Judgment” (Chung Thẩm) do Michelangelo hoàn tất năm 1541. Từ hướng bàn thờ nhìn lên trần cao là tuyệt phẩm “The Creation” (Tạo Dựng) mang hình ảnh Thiên Chúa Cha đang vươn tay tiếp xúc với bàn tay Adam, nguyên tổ loài người do chính Ngài tác tạo. Kiệt phẩm này cũng do thiên tài Michelangelo thực hiện. Dọc theo tường phía dưới là những tác phẩm gợi ý từ trong Thánh Kinh của các nhà danh họa Botticelli, Perugino, Ghirlandaio, Rosselli và Signorelli, được trang trí bên cạnh chân dung của các vị Giáo Hoàng trải dài trong ngót 20 thế kỷ qua.







Giữa khung cảnh linh thiêng, huyền nhiệm ấy, vào lúc 5 giờ chiều ngày Thứ Hai 16-10-1978, 111 Đức Hồng Y của thế giới Công Giáo lặng lẽ trao cho nhau những tia nhìn vừa băn khoăn vừa lo lắng. Sau bảy vòng đầu phiếu (4 trong ngày Chúa Nhật, và 3 trong ngày Thứ Hai), các Ngài vẫn chưa tìm được người kế vị Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I vừa qua đời hôm 29-9 sau khi ở ngôi mới vỏn vẹn được 33 ngày!



Hàng trăm ngàn dân chúng tựu tập ngoài Công Trường Thánh Phêrô cũng vừa cầu nguyẹân vừa nôn nóng chờ kết quả. Họ kiên nhẫn dán mắt vào miệng ống khói trên cao. Nhưng bảy lần khói bốc lên vẫn chỉ là một màu đen ảm đạm, báo cho họ hay là việc đề cử vị lãnh đạo tinh thần của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ vẫn còn gặp trở ngại. Bên trong Nguyện đường Sistine, vòng phiếu thứ tám bắt đầu trong không khí trang nghiêm, căng thẳng.



Lắng sâu trong tâm tình cầu nguyện để xin ơn soi sáng, các Hồng Y âm thầm tự tay bỏ lá thăm của mình vào chén Thánh. Sau lá thăm cuối cùng, cuộc kiểm phiếu bắt đầu. Ba vị Hồng Y đọc tên ứng viên trên mỗi lá phiếu trong khi ba vị khác đứng quan sát.




Đúng 6 giờ 18 phút, Đức Hồng Y Tisserant trang trọng đứng lên tuyên bố:



“Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Hồng Y Đoàn đã tín nhiệm Đức Hồng Y Karol Wojtyla, Tổng Giám Mục Krakow, Ba Lan, vào ngôi vị Giáo Hoàng của thế giới Công Giáo”. Không khí Nguyện Đường Sistine như bừng lên một nguồn sinh khí mới. Niềm vui nở rộ trên khuôn mặt các Hồng Y.



Theo truyền thống, Đức Hồng Y Villo nghiêm trang cất tiếng hỏi vị tân Giáo Hoàng vừa đắc cử bằng La ngữ: “Chiếu theo giáo luật, xin Ngài cho biết là Ngài có chuẩn nhận việc đề cử này không?” Với sự xúc động hiện rõ trên gương mặt, Đức Hồng Y Wojtyla nhìn bao quát Hồng Y Đoàn, chậm rãi cất tiếng trả lời không do dự:



“Với niềm tin và sự vâng phục Đức Kitô, Chúa tôi, và với sự tín thác nơi Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ Giáo Hội, tôi xin chấp nhận, dù biết trước những khó khăn đang chờ trước mặt.”



Nguyện đường Sistine òa vỡ.



Tất cả các Hồng Y nhất loại đứng lên trong tiếng vỗ tay chào mừng vị tân Giáo Chủ của thế giới Công Giáo. Tiếng vỗ tay làm rung chuyển ngôi Nguyện đường. Từ trên cao, cánh tay trần của Thiên Chúa Cha trong họa phẩm “Tạo Dựng” dường như lay động và vươn dài thêm để nắm lấy bàn tay Adam nguyên tổ loài người.







Kể từ giây phút trang nghiêm, trọng đại ấy, do sự an bài của Thiên Mệnh, lần đầu tiên sau 455 năm, một vị Hồng Y ngoài Ý Đại Lợi đã được chọn làm nhân vật thứ 263 kế thừa Ngai Thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi, mở đầu những biến cố lớn lao làm thay đổi bộ mặt Giáo Hội và thế giới trong những thập niên cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai.







Từ phòng áo trở lại Nguyện Đường, vị Giáo Hoàng tân cử thấy một chiếc ghế bành đã được kê sẵn trước bàn thờ, mà theo nghi thức truyền thống, Ngài sẽ ngồi vào để tiếp nhận các Hồng Y lần lượt tiến lên hôn nhẫn và tuyên hứa trung thành. Nhưng khi vị Giáo Sĩ đặc trách nghi lễ mời ngồi, Đức Gioan Phaolô II ra dấu khước từ và nói:



“Không, tôi sẽ đứng để tiếp những người anh em của tôi.” Lần lượt 120 vị trong Hồng Y Đoàn (bao gồm 9 vị trên 80 tuổi không tham dự đầu phiếu theo luật mới từ đời Đức Phaolô VI), tiến lên ôm hôn Đức Giáo Hoàng mới. Đến lượt Hồng Y Wyszynski, Giáo Chủ Ba Lan, vị tân Giáo Hoàng giữ Ngài hồi lâu trong vòng tay với một cử chỉ vô cùng trân trọng. Buổi lễ kéo dài trong vòng hơn nửa tiếng đồng hồ.



Đúng 7 giờ 20 phút, Đức tân Giáo Chủ tiến ra ban công để được giới thiệu với đám đông quần chúng hàng trăm ngàn người đang chờ đợi dưới công trường Thánh Phêrô. Khi danh tính Karol Wojtyla được xướng lên, mọi người ngơ ngác nhìn nhau. Đối với họ, và có thể với toàn thể tín hữu năm châu, đấy là một điều that bất ngờ, không ai nghĩ tới.



Với tấm áo choàng màu đỏ phủ ngoài áo trắng nổi bật cây thánh giá ngực, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tươi cười giơ cao tay ban phép lành đầu tiên cho các tín hữu của Ngài. Tiếp đó, thay vì lên tiếng bằng La ngữ theo truyền thống Urbi et Orbi (gửi tới Giáo Hội Hoàn Vũ), Ngài thân mật nói với đám đông bằng ngôn ngữ Ý Đại Lợi. Và điều này đã tạo nên một xúc động bất ngờ giữa biển người mà tuyệt đại đa số là người Ý tại công trường Thánh Phêrô trong phút giây lịch sử ấy 1.







“Vinh danh Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta.



Anh Chị Em thân mến.



Chúng ta vừa trải qua những ngày đau buồn trước sự ra đi của vị Giáo Hoàng khả kính là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I. Và hôm nay, các Đức Hồng Y đã mời gọi một Giám Mục mới cho kinh thành Rôma. Các Ngài đã mời gọi một kẻ từ một xứ sở xa xôi -xa xôi trong không gian nhưng lại rất gần gũi qua sự hiệp thông trong truyền thống và niềm tin nơi đức Kitô…….Tôi không rõ là có thể thông đạt những gì tôi muốn nói với anh chị em bằng tiếng Ý của chúng ta không? Nếu tôi có sai lỗi gì xin anh chị em sửa giùm tôi. Và bây giờ tôi muốn tự giới thiệu cùng anh chị em với tất cả niềm hy vọng và tín thác nơi Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Giáo Hội trước khi khởi sự đoạn đường lịch sử của Giáo Hội với sự trợ giúp của Thiên Chúa và mọi người”2.







* * *







Trên đây là những chi tiết diễn tả những nghi thức quen thuộc tại Vatican khi một vị tân Giáo Hoàng được bầu lên. Riêng với các tín hữu Rôma, mới trong vòng chưa đầy hai tháng, họ đã được chứng kiến tới hai lần những nghi thức này. Hơn ai hết, đối với chính vị Giáo Chủ thế giới Công Giáo vừa được chọn, sự kiện Ngài được mời gọi từ một xứ sở xa xôi tới Vatican để trở thành người kế vị Thánh Phêrô, chắc chắn không phải là một chuyện ngẫu nhiên thường tình, mà là do bàn tay sắp xếp, định đặt của Đấng trên cao.



Ngược dòng thời gian trong khoảng hơn nửa thế kỷ về trước, có ai ngờ rằng cậu bé Lolek sinh ra và lớn lên tại một khu phố nhỏ Wadowice thuở nào, lại có ngày được chọn làm người lãnh đạo tinh thần tối cao của một Giáo Hội với trên dưới một tỷ tín đồ trên thế giới!



Cho tới năm Karol 18 tuổi, khi Đức Tổng Giám Mục Sapieha lên tiếng hỏi là sau khi tốt nghiệp trung học cậu có tính gia nhập chủng viện để trở thành Linh Mục không thì cậu đã thẳng thắn trả lời là “không!” Và liên tiếp 4 năm sau đó, trong khi vùi đầu vào văn chương, triết học, thi ca, kịch nghệ, mỗi khi có ai hỏi về ơn gọi làm Linh Mục, chàng sinh viên Wojtyla vẫn một mực trả lời một cách khiêm tốn là anh không xứng đáng.



Cho tới khi tình nguyện gia nhập chủng viện chui do Đức Tổng Giám Mục Sapieha điều khiển, Wojtyla lại tha thiết mong mỏi được vào Dòng Kín, được trở thành một Linh Mục suốt đời sống âm thầm, ẩn dật như những chiếc bóng sau bốn bức tường cao. Khát vọng này đeo đuổi Karol Wojtyla cho tới khi đã thụ phong Linh Mục, và nếu không có sự can ngăn quyết liệt của Đức Tổng Giám Mục Sapieha thì hẳn rằng mọi chuyện đã ra khác.



Mỗi khi hồi tưởng lại những chặng đường mà Ngài đã trải qua, Đức Gioan Phaolô II không khỏi bồi hồi xúc động và thầm cảm tạ, ngợi khen Thiên Chúa, Đấng đã dẫn giắt Ngài từ thuở ấu thơ cho tới ngày nay. Biết bao nhiêu sự kiện mà bằng con mắt thế tục người ta quen gọi là tình cờ chằng chịt đan chéo vào nhau, đã xuất hiện trong suốt cuộc đời nhân vật mang tên Wojtyla trước khi được bầu vào ngôi vị Giáo Hoàng, mà chỉ một chút sai lệch thì cuộc diện sẽ hoàn toàn đổi khác.







Đấy chính là con đường định mệnh, là Thiên Ý, là sự an bài của Đấng Tối Cao. Vị đương kim Giáo Hoàng của thế giới Công Giáo tin như thế. Và mọi tín hữu do Ngài dẫn giắt cũng tin như thế.







Cái gọi là tình cờ đầu tiên là cậu bé Lolek đã được sinh ra trong một gia đình đạo hạnh, kế cận một ngôi giáo đường mà mỗi độ tháng 5 trở về -và cũng là tháng kỷ niệm ngày sinh của Lolek- bên tai cậu lại vang lên những lời kinh, tiếng hát ca khen Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Nếu trong vòng 20 năm đầu đời, ba người thân yêu nhất của Karol Wojtyla không vội vã ra đi (thân mẫu qua đời năm Lolek gần 9 tuổi, người anh duy nhất và là nguồn hy vọng của gia đình vĩnh viễn ra đi năm cậu 12, và tám năm sau, đến lượt người cha thân yêu cũng được Chúa gọi về), nhất là giữa thời gian cô đơn ấy Wojtyla không gặp Jan Tyranowski để chịu ảnh hưởng nơi anh những suy tư bí nhiệm của Thánh Gioan Thánh Giá và Thánh Nữ Têrêsa thành Avila, thì hẳn rằng ơn gọi sống đờùi sống tu trì chưa chắc đã đến với người sinh viên trẻ này hai năm sau đó?



Suốt dọc dài bước đường mục vụ, từ khi vào chủng viện tới khi nhận mũ áo Hồng Y, người mục tử này đã trải qua những khúc quanh kỳ thú, mà nếu vì bất cứ một căn do nào mà thiếu vắng, dù chỉ là một chi tiết nhỏ, cũng sẽ bị đảo lộn hoàn toàn. Cho tới nay, đã hơn sáu chục mùa xuân trôi qua, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vẫn không bao giờ quên được giây phút Ngài bị tai nạn trên đường trở về nhà sau ca làm việc ở xưởng hóa chất Solvay. Người lính Đức lái xe đụng Karol, hất anh vào lề đường khiến anh bị thương nặng nơi đầu đến ngất xỉu rồi bỏ chạy. Người sĩ quan Đức bắt gặp sau đó động lòng trắc ẩn, thấy tim Karol còn thoi thóp đã vực lên xe chở tới nhà thương cấp cứu.



Tại sao, và do nguyên nhân, động lực nào lại xuất hiện một người trong quân đội Đức quốc xã tốt bụng như thế? Đúng là một thứ Samaritanô thời đại. Và nếu mọi sự không diễn ra một cách nhịp nhàng, và cũng hết sức khó hiểu như thế thì sự thể sẽ ra sao? Hẳn là mạng sống của người công nhân mang tên Karol Wojtyla sẽ không còn. Và nếu anh chết thì mọi chuyện sẽ khép lại vĩnh viễn từ đấy. Làm gì còn có chuyện vị Giáo Hoàng thứ 264 của Giáo Hội Công Giáo là một người gốc Đông Âu để làm đứt đoạn cái truyền thống đã có từ 455 năm là chỉ có Giáo Hoàng người Ý?



Và dĩ nhiên cũng sẽ khó có những biến động làm rung chuyển cuộc diện thế giới sau này.







Việc Đức Hồng Y Sapieha quyết liệt can thiệp vào ý hướng tu trì của Wojtyla cũng được coi là một trong cái chuỗi tình cờ trên bước đường mục vụ của người tu sinh này. Tác giả những tác phẩm “Pope John Paul II -The Biography” (Tiểu Sử Đức Gioan Phaolô II), và “His Holiness…” (Đức Thánh Cha…) đều ghi nhận rằng trong thời gian còn ở trong chủng viện, vì bị lôi cuốn bởi lối sống giản dị, đi chân đất của các chủng sinh và linh mục Dòng Kín, nhiều lần Karol xin Đức Hồng Y Sapieha (thời gian Ngài chưa nhận mũ áo Hồng Y) cho phép nhập Dòng, nhưng Ngài một mực không chấp thuận và cũng không hề giải thích tại sao.



Sau khi thụ phong linh mục, du học ở Rôma trở về Ba Lan, thêm một lần nữa Cha Wojtyla lại lên tiếng khẩn khoản xin được gia nhập Dòng Kín. Lần này Đức Hồng Y nói rõ hơn nhưng vẫn với giọng đanh thép, quả đoán: “Tôi đã chấp thuận cho cả trăm chủng sinh nhập Dòng, nhưng với Cha thì không.” Sau này khi có sự can thiệp trực tiếp của Bề Trên Dòng Kín, Ngài nêu lý do là khi chiến tranh kết liễu Giáo Hội Ba Lan cần nhiều linh mục nên Ngài muốn giữ Cha Wojtyla. Rồi như có linh kiến về vai trò quan trọng sau này của vị linh mục trẻ, Ngài trầm ngâm nói tiếp: “Vả chăng mai ngày Cha Karol sẽ còn cần thiết cho Giáo Hội toàn cầu.”



Chẵn 30 năm sau, nhận định có tính bất ngờ tựa như một lời tiên tri của vị Tổng Giám Mục Giáo Phận Krakow đã trở thành hiện thực: Ngày 16-10-1978, người mục tử 28 tuổi vừa chập chững học làm người chăn giắt linh hồn thuở ấy, đã được Thiên Chúa chọn vào ngôi vị người lãnh đạo Công Giáo hoàn vũ. Và cũng từ đấy đã mở ra một kỷ nguyên đầy những chuyển biến bất ngờ và lớn lao, không chỉ giới hạn trong nội bộ Giáo Hội mà còn ảnh hưởng tới sự quân bình của bàn cờ chính trị thế giới trong khi nhân loại sửa soạn bước vào ngưỡng cửa đệ tam thiên niên.



Một trường hợp khác cũng được coi là một yếu tố lạ lùng và bất ngờ làm nên định mệnh của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Ngày 8-7-1958, Cha Wojtyla nhận được giấy mời của Đức Hồng Y Wyszynski, Giáo Chủ Ba Lan. Tại tư dinh Hồng Y, Cha được cho biết là thể theo lời đề nghị của Đức Tổng Giám Mục Krakow lúc ấy là Đức Cha Baziak, Đức Thánh Cha Piô XII phong Cha làm Giám Mục Phụ Tá giáo phận Krakow.



Trong tác phẩm “The Pope John Paul II -The Biography”, Tad Szulc đã trưng dẫn những chứng liệu cho thấy vai trò quyết định của Đức Cha Baziak trong cuộc đời mục vụ của vị Giáo Hoàng gốc Ba Lan tương lai. Sau khi đưa ra một số nhận định riêng, Tad Szulc đã ghi lại câu nói của Stanislaw Stomma, một khuôn mặt nổi tiếng trong hàng giáo sĩ Ba Lan lúc bấy giờ, như sau: “Nếu đức cha Baziak không đề cử linh mục Karol Wojtyla làm Giám Mục Phụ Tá cho Ngài thì trọn đời Wojtyla sẽ chôn chân trong vai trò giáo sư ở Đại Học Lublin, và như thế sẽ không bao giờ có cơ hội trở thành người cầm đầu Giáo Hội Công Giáo sau này”3.



Ngày 28-9-1958, cha Karol Wojtyla chính thức thụ phong Giám Mục tại Nhà Thờ Lớn Wawel ở Krakow. Năm ấy Ngài mới 38 tuổi và là một Giám Mục trẻ nhất trong Giáo Hội Ba Lan.



Có hai sự kiện dị thường được ghi nhận.



Trước hết, đây là lần đầu tiên một Giám Mục Ba Lan dưới thời Giáo Chủ Wyszynski, đã được Tòa Thánh sắc phong trực tiếp mà không qua đề nghị của vị Giáo Chủ. Tác giả “His Holiness…” đã trang trọng ghi lại sự kiện này như sau:



“Kể từ khi nhà nước cộng sản Ba Lan tạo ra những điều kiện khó khăn trong việc điều hành Giáo Hội, Đức Thánh Cha Piô XII đã ưu tiên cho phép Đức Hồng Y Wyszynski được quyền chọn lựa và lập danh sách những Giám Mục tương lai trước khi đệ trình Tòa Thánh. Khi Đức Hồng Y muốn đề cử ai, Ngài chỉ việc gửi một tín hiệu mật qua Rôma là xong. Trường hợp cha Karol Wojtyla không nằm trong danh sách đề cử của vị Giáo Chủ. Và đây là lần thứ nhất có chuyện khác thường như vậy”4.



Thứ đến, cũng phải kể tới thời điểm Đức Thánh Cha Piô XII gửi điện thư cho Đức Hồng Y Wyszynski thông báo việc phong chức Giám Mục cho Cha Wojtyla. Lúc ấy Đức Giáo Hoàng đã già yếu, và chỉ 3 tháng sau đó, Ngài được Chúa gọi về, thọ 82 tuổi. Sự việc đã đến thật đúng lúc, không sớm, và cũng khó hoặc không thể xảy ra, nếu muộn hơn.



Một hiện tượng không bình thường nữa được phát hiện khi Đức Cha Karol Wojtyla được phong làm Tổng Giám Mục Krakow ngày 30-12-1963, thay thế Đức Cha Baziak vừa qua đời. Sự bất bình thường này nảy sinh nơi cách nhìn của cả hai phía: phía Đức Hồng Y Giáo Chủ Wyszynski cũng như phía nhà nước cộng sản Ba Lan đối với nhân cách và thái độ của vị Giám Mục trẻ.



Hầu hết các tác giả Tad Szulc trong “Pope John Paul II -The Biography”, Carl Bernstein & Marco Politi trong “His Holiness…” và Malachi Martin trong “The Keys Of This Blood” đều có chung một nhận định là trên một khía cạnh nào đó, vị Hồng Y Giáo Chủ thường tỏ ra xa cách và không mấy có thiện cảm với Đức Cha Karol Wojtyla, ít nữa là trong thời gian đầu khi Đức Cha mới nhận chức Giám mục phụ tá giáo phận Krakow.



Một bên, vị Hồng Y Giáo Chủ là một nhà xã hội học trong khi vị Giám Mục trẻ là một triết gia, nên cách nhìn và phân tích sự việc chung quanh có nhiều dị biệt. Đàng khác, Đức Hồng Y Wyszynski là người hiếu động và trong quá khứ Ngài từng bị nhà nước quản thúc trong mấy năm. Trong khi ấy, Đức Cha Wojtyla lại tỏ ra trầm tĩnh và luôn giữ một thái độ chừng mực đối với chế độ, ít nhất là cho tới thời gian trước khi Ngài được phong lên làm Tổng Giám Mục giáo phận Krakow.



Thêm một khía cạnh khác là vị Hồng Y Giáo Chủ thường chỉ cảm thấy thoải mái trước đám đông quần chúng. Về phần Đức Cha Wojtyla lại tỏ ra dễ dàng hòa nhập với tất cả mọi giới, nhất là với giới trẻ, giới trí thức cũng như các văn nhân, nghệ sĩ. Chính những dị biệt này đã khiến Đức Hồng Y đánh giá không đúng mức khả năng và tư cách của người Giám Mục trẻ dưới quyền Ngài.



Sau khi Đức Tổng Giám Mục Baziak qua đời, Đức Hồng Y Wyszynski phải đối diện với một vấn đề mới là tìm người lên thay thế. Theo chính sách của nhà nước cộng sản Ba Lan lúc ấy thì vị Giáo Chủ phải trình lên nhà cầm quyền một danh sách ba ứng viên (đã được Vatican chấp thuận) để được thông qua. Trong cả hai danh sách gồm 6 ứng viên ban đầu đều không có tên Đức Cha Wojtyla, nhân vật đáng lẽ phải được ưu tiên đề nghị vì đang là Giám Mục phụ tá cho vị Tổng Giám Mục quá cố. Vấn đề khó khăn cho Vị Giáo Chủ là cả hai danh sách này đều lần lươtï bị chế độ bác bỏ không nương tay.



Trong hoàn cảnh ấy, vị Giáo Chủ không còn chọn lựa nào khác hơn là trình lên nhà nước danh sách thứ ba trong đó bao gồm danh tính Đức Cha Karol Wojtyla. Và, như một phép lạ. Giới hữu quyền công sản Varsovie đã bật đèn xanh cho Giáo Hội Ba Lan cử vị Giám Mục 43 tuổi này lãnh chức Tổng Giám Mục Krakow. Đây là một cơ duyên thật hy hữu.



Số là từ lâu những người cộng sản vẫn thường tỏ ra yên tâm đối với dáng vẻ trí thức và tuồng như không quan tâm tới những vấn đề chính trị của Đức Cha Wojtyla. Ngoài ra, hơn ai hết họ biết rõ những khía cạnh không ăn ý giữa vị Hồng Y Giáo Chủ và người Giám Mục phụ tá giáo phận Krakow. Do đó, chế độ có thêm một lý do để chấp thuận cho Đức Cha Wojtyla lãnh chức Tổng Giám Mục giáo phận Krakow với ý đồ tạo thêm mâu thuẫn trong nội bộ Giáo Hội Ba Lan.



Một mũi tên bắn ra với hy vọng hạ hai con chim cùng một lúc!







Trước ngày Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I qua đời sau khi ở ngôi mới chỉ vỏn vẹn có 33 ngày, dư luận giới thân cận Tòa Thánh cũng bàn tán nhiều tới những sự kiện có tính cách báo trước về vai trò tương lai của vị Hồng Y 58 tuổi gốc Ba Lan lúc bấy giờ. Theo lời kể lại của Đức Ông Magee được tác giả “His Holiness…” trình thuật trong tác phẩm của ông, thì ngay sau bữa ăn tối trước khi được Chúa gọi về, Đức Gioan Phaolô I đã nói tới việc chuẩn bị một cuộc tĩnh tâm riêng cho Ngài. Đức Thánh Cha nói: “Cuộc tĩnh tâm mà tôi muốn thực hiện sẽ là một cuộc tĩnh tâm để sửa soạn cho ơn chết lành.”



Trong khi ấy, theo Đức Hồng Y Ngoại Trưởng Villot thì chỉ ít ngày trước khi từ giã cõi đời, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I đã âm thầm lên tiếng tâm sự như sau:



“Một người khác có tư cách hơn tôi sẽ được chọn. Chính vị Giáo Hoàng tiền nhiệm là Đức Phaolô VI đã có ý chỉ định Ngài. Đó là người ngồi ngay phía trước tôi tại nguyện đường Sistine……Tôi sẽ ra đi và Ngài sẽ tới”5.



Người đó không ai khác hơn là Hồng Y Karol Wojtyla, Tổng Giám Mục Krakow, thuộc Giáo Hội Ba Lan.




Dưới mắt con người thế tục, những sự kiện vừa nói cũng chỉ giản dị là những tình cờ trong muôn vạn điều tình cờ khác xảy ra trong đời sống. Nhưng bằng con mắt đức tin, người ta không thể phủ nhận một sự thật là đã có sự can thiệp bằng cách này hay cách khác của Thiên Chúa.



Tất cả những người từng theo dõi rất sát cuộc đời cùng những hoạt động của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đều đồng ý rằng, sau khi Đức Tổng Giám Mục Baziak qua đời nếu vì bất cứ lý do nào, Đức Cha Karol Wojtyla không được lên kế vị thì vai trò ngày nay của Ngài sẽ không bao giờ được đặt ra, nói chi đến chuyện có thể trở thành hiện thực!



Bên cạnh những sự kiện chằng chịt, mà theo nhãn quan người đời, coi là tình cờ nhưng lại sắm một vai trò then chốt trong cuộc đời Đức Gioan Phaolô II trên đây, giới cầm bút cũng ghi nhận thêm một số dữ kiện khác mang tính chất tiên tri, thần bí để gián tiếp nói lên cái định mệnh được sắp xếp từ thuở nào để dẫn đưa một cậu bé, một thanh niên, một Linh Mục tầm thường ở một xứ sở xa xôi trong quỹ đạo cộng sản Liên xô tới ngôi vị Giáo Hoàng của một tôn giáo lớn.



Trong tác phẩm “Pope John Paul II -The Biography”, Tad Szulc thuật lại rằng, tháng 3 năm 1947, ngay sau lễ Phục Sinh, Cha Wojtyla cùng với Starowieyski tới San Giovanni Rotondo, gần thành Naples để tham dự thánh lễ. Thánh lễ này được cử hành bởi vị linh mục nổi tiếng về những phép lạ Ngài làm và những vết thương nơi tay chân, cạnh sườn của Ngài tương tự như 5 dấu thánh của Chúa Kitô. Đó là Cha Francesco Forgione Pio (mà người Việt Nam quen gọi là Cha Piô Năm Dấu Thánh). Dịp này hàng ngàn vạn tín hữu đã chen chúc nhau tới xưng tội với Cha Piô.



Có lời đồn đại rằng khi Cha Karol Wojtyla bước tới xin giải tội thì Cha Piô đã bước ra khỏi Tòa Hòa Giải phủ phục dưới chân vị Linh Mục 27 tuổi và lên tiếng tiên tri là mai ngày Cha Wojtyla sẽ được Thiên Chúa chọn làm người kế vị Thánh Phêrô. Ngoài ra, Cha Piô cũng tiên báo là rồi đây vị linh mục trẻ sẽ là đối tượng cho những âm mưu sát hại Ngài 6. (Cả Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Tòa Thánh Vatican đều không lên tiếng bình luận gì về những lời đồn đại kể trên).



Vẫn theo Tad Szulc thì vào năm 1962, với tư cách Giám Mục, Đức Cha Vojtyla đã viết thư xin Cha Piô cầu nguyện cho một nữ học giả tại Krakow, mẹ của 5 người con hiện đang mắc bệnh ung thư. Và chỉ một tuần sau Ngài đã chuyển tới Cha Piô lời cám ơn của gia đình đương sự khi chứng nan y đột nhiên biến mất, mà mọi người tin là nhờ lời cầu thay nguyện giúp của vị linh mục thánh thiện. Cả hai bức thư trên đây của Đức Cha Vojtyla hiện nằm trong hồ sơ của Vatican, trong số hàng trăm chứng liệu khác, nhằm xúc tiến việc phong Chân Phước cho Cha Padre Piô.



Ngoài ra, trong tác phẩm ‘The Keys Of This Blood”, Malachi Martin cũng nhắc đến vài huyền thoại khá hấp dẫn liên quan tới cái định mệnh của vị Giáo Hoàng gốc Ba Lan, một quốc gia nằm trong quỹ đạo cộng sản. Huyền thoại thứ nhất được người ta nói tới là các tiên tri thời xưa từng tiên báo là vị Giáo Hoàng thứ 264 sẽ ra đời dưới dấu chỉ Labor Solis (theo cách giải thích cổ điển có nghĩa là Nhật Thực.) Trong khi ấy, ngày 18-5-1920, ngày cậu bé Lolek ra đời lại nhằm đúng ngày nhật thực.



Huyền thoại thứ hai liên hệ tới cái chết của ba người thân yêu của vị đương kim Giáo Hoàng Công Giáo. Theo truyền thuyết từ xa xưa thì một người còn trẻ mà có ba thân nhân ruột thịt quan trọng qua đời thì có ngày người đó sẽ mang Miện Ba Tầng (triple crown) 7. (Trên thực tế, theo Tad Szulc trong cuốn “Pope John Paul II -The Biography” thì giống như vị tiền nhiệm là Đức Gioan Phaolô I, vị tân Giáo Hoàng đã từ chối mang miện ba tầng, loại miện truyền thống mà cho đến triều đại Đức Phaolô VI vẫn còn dùng trong ngày lễ Đăng Quang).



Cho dù tất cả những chuyện truyền miệng có tính cách hoang đường, thần thoại kể trên không bao giờ được Tòa Thánh Vatican nhìn nhận, nhưng ít nhiều nó cũng góp phần vào những dữ kiện cụ thể, có thật trong cuộc đời Đức Gioan Phaolô II. Tất cả để nói lên cái định mệnh đã đẩy đưa nhân vật Đông Âu mang tên Karol Wojtyla vào ngôi vị lãnh đạo tinh thần tối cao của một tôn giáo lớn với trên dưới một tỷ tín đồ trên hoàn vũ để mở ra một giai đoạn quan trọng đầy những biến cố lớn lao làm biến đổi bộ mặt thế giới trong vài thập niên cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai này.







______________________________



* Trích chương VI “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Vĩ Nhân Thời Đại” biên khảo của Trần Phong Vũ, tủ sách Tiếng Quê Hương, Virginia, Hoa Kỳ in lần đầu năm 2005, tái bản lần thứ nhất năm 2006, từ trang 91 đến trang 104 (sách dày 540 trang, khổ lớn, bìa cứng, mạ vàng, có bọc ngoài in offset 4 màu)



1 Lord Longford, “Pope John Paul II – An Authorized Biography”, tr. 9-10.



2 Tad Szulc, “Pope John Paul II – The Biography”, tr. 282.



3 Tad Szulc, “Pope John Paul II – The Biography”, tr 194.



4 Carl Bernstein & Marco Politi, “His Holiness…”, tr 88.



5 Carl Bernstein & Marco Politi, “His Holiness…”, tr. 152.



6 Tad Szulc, “Pope John Paul II – The Biography”, tr. 141.



7 Malachi Martin, “The Keys Of This Blood”, tr. 60.

No comments:

Post a Comment