Các chuyên gia lịch sử nói về những bằng chứng và cơ sở pháp lý chứng tỏ hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn thuộc về Việt Nam.Nhân Hội nghị quốc gia lần thứ 2 về chủ đề “Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông” đang diễn ta tại Hà Nội. Đỗ Hiếu hỏi chuyện hai chuyên gia về lịch sử, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã và đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, về những bằng chứng và cơ sở pháp lý chứng tỏ hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn thuộc về Việt Nam.
Văn bản và chính sử
Là một trong số 80 nhà nghiên cứu về lịch sử, biển đảo, luật pháp hàng đầu của Việt Nam tham gia cuộc hội thảo vừa diễn ra hôm thứ ba 26 tháng 4 vừa qua tại Hà Nội, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã khẳng định chủ quyền của Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, tại hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa:
“Việt Nam có những văn bản và chính sử, trong châu bản ngày nay còn tàng trữ, về chính sử thì còn có Đại Nam Tự Lục Chí Biên, hoặc sách Pháp chế của Việt Nam có nhiều đoạn nói về điều đó, vua hay triều đình Việt Nam khẳng định là Hoàng Sa nằm trong khu vực của Việt Nam. Trong tất cả các sách, nhất là Đại Nam Nhất Thống Chí cũng ghi rất rõ là nó nằm trong tỉnh Quảng Ngãi, thuộc xã An Vĩnh. Những bằng chứng mang tính nhà nước đã nói rất nhiều, từ Đội Thủy quân năm 1816, đã ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm cột móc, dựng bia chủ quyền. Trong thời gian đó, tài liệu Phương Tây cũng đã có rất nhiều tư liệu ghi nhận điều đó, đặc biệt là có An Nam Đại Quốc họa đồ xuất bản 1838 của Giám mục Taberd để trong cuốn tư điển La Tinh-An Nam, ghi rất rõ Paracel, “ou” hay là “Cát Vàng”, tức là Hoàng Sa, chứng cứ rất rõ ràng của Phương Tây, từ bản đồ cũng như tư liệu, nói về tọa độ của hai quần đảo đó.”
Từng tham dự nhiều hội nghị quốc tế tổ chức ở khắp các châu lục về chủ quyền của hai quần đảo này tại Biển Đông, ông Nhã nhấn mạnh qua câu chuyện với RFA rằng, chủ nghĩa bá quyền nước lớn sẽ không còn cơ sở để tồn tại lâu dài:
“Thời chiến tranh Việt Nam Cộng Hòa đã quản lý và xác định rõ ràng ở địa phương nào, chính quyền Việt Nam bây giờ, tiếp tục công bố chủ quyền của mình ở các vùng đó. Hiện nay, ở số 132 Yên Bái, Đà Nẵng có trụ sở chính quyền lưu vong của Hoàng Sa, có thể là công ước 1982 sẽ giải quyết được tranh chấp lãnh thổ giữa các nước Đông Nam Á, theo luận điểm mà các nước ký thì những chỗ nào chồng lấn, mình cùng giải quyết dễ thôi. Trung Quốc, với tham vọng bành trướng của mình, muốn phát triển chủ nghĩa Đại Hán, gần như xem Biển Đông là Nội thủy của Trung Quốc, mà không có một bằng chứng nào về lịch sử, cũng không có cơ sở nào về luật pháp quốc tế, mà người ta chấp nhận như vậy, theo như tuyên truyền, chỉ nghe tiếng nói của phía Trung Quốc. Hiện nay Việt Nam bắt đầu có hướng phổ biến về Hoàng Sa, Trường Sa bằng nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Anh, hy vọng là mọi người tiếp cận được. Cái thời “cá lớn nuốt cá bé” , cậy “muốn làm gì thì làm”, cái thời ấy đã qua rồi.”
Chủ quyền VN không thể chối cãi
Cùng góp ý về chủ quyền của Việt Nam và việc Hà Nội luôn thực thi chủ quyền của mình tại Hoàng Sa và Trường Sa, đại biểu quốc hội của dơn vị Đồng Nai, đồng thời cũng là một sử gia, ông Dương Trung Quốc phát biểu:
“Tôi không phải là một chuyên gia về lãnh vực này, nhưng với tư cách là một công dân, tôi nghĩ việc đầu tiên là phải coi đấy là một tinh thần nhất quán của chính người Việt Nam đã, cho nên việc giáo dục về lịch sử rồi xây dựng những hệ thống bằng chứng đủ sức thuyết phục để người Việt Nam tìm được sự đồng thuận cao dù mỗi người ở một cương vị , môt vị trí xã hội nào, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài, cũng phải nhất quán cái tinh thần đấy là chủ quyền của Việt Nam. Thế giới ngày càng hội nhập thì có những quy định về cam kết quốc tế, luật quốc tế thì chúng ta phải tuân thủ, nhất là những yếu tố về lịch sử, về chủ quyền. Đó là trách nhiệm của những nhà luật học, trong đó có giới sử học chúng tôi, phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn. Đứng trước những bằng chứng của người nước ngoài, mình phải có cơ sở không những để khẳng định quan điểm của mình, mà mình bác bỏ được quan điểm của họ.”
Ông hy vọng tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, đặc biệt là đối với Hoàng Sa và Trường Sa sẽ được giải quyết trong tinh thần hữu nghị, thiện chí và ôn hòa:
“Trên thực tế chúng ta phải nhìn nhận thế giới có một mái nhà chung, có trách nhiệm chung, có lợi ích chung thì cố gắng trên tất cả các phương tiện truyền thông, những khi giao tiếp quốc tế, chúng ta tìm cách thuyết phục để có giải pháp tốt nhất. Bên cạnh cái chủ quyền còn có lợi ích chung của cộng đồng, tìm ra giải pháp để từng bước tạo được sự ổn định. Tuy đây là việc rất không đơn giản, bởi vì quốc gia nào cũng có cách nghĩ của mình, cái lợi ích của mình, nhưng nếu có trách nhiệm chung, rồi từng bước cũng sẽ tìm được môt sự đồng thuận nào đó.”
Qua những cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử vững chắc, chứng tỏ chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam, có nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề với nhà nước Việt Nam là cần phải nói rõ ràng cho công luận thế giới biết về chủ quyền quốc gia tại Hoàng Sa và Trường Sa bằng cách tiếp tục sưu tầm, hoàn chỉnh các tài liệu, dịch sang các ngôn ngữ khác, rồi phổ biến, quảng bá rộng rãi trên mặt trận thông tin tuyên truyền, hầu thuyết phục và chứng minh cụ thể chủ quyền của mình.
Theo báo chí trong nước thì Việt Nam luôn chủ trương hòa bình tại vùng Biển Đông, trong khi đó Trung Quốc muốn thụ đắc lãnh thổ bằng sự chiếm hữu, vì họ không dựa trên yếu tố lịch sử, luật pháp quốc tế hay quy luật hành xử chung trong khu vực. Các công trình nghiên cứu của Bắc Kinh thường trích dẫn một cách ngắt đoạn đôi khi không đúng ngọn nguồn hoặc hiểu sai về nội dung.
No comments:
Post a Comment