Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, April 27, 2011

Hội Đồng Giám mục Việt Nam họp giữa những bộn bề của thời cuộc

Có thể nói rằng, những gì xảy ra trong Giáo hội Việt Nam thời gian qua đã là ơn Chúa, để mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo hội, nhận ra được sự thật về mình, hầu ứng đáp với những đòi hỏi của Tin mừng, ngang qua những sự kiện cụ thể của thời cuộc; đồng thời, giúp Giáo hội thấy được đâu là ý Chúa để cộng tác với ngài xây dựng một Giáo hội của “Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ”.



Chiều ngày 25/4, Hội nghị Thường niên kỳ I, năm 2011 của Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã khai mạc tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn và sẽ kéo dài tới ngày 29/4/2011.

Tham dự kỳ họp, ngoài sự hiện diện của các giám mục thuộc 26 giáo phận, còn có sự hiện diện của Đức tổng giám mục Leopoldo Girelli – Đại diện Không thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam. Ngài sẽ hiện diện trong lễ khai mạc và tham dự một vài sinh hoạt của Hội nghị.
Trong lời phát biểu khai mạc Hội nghị, Đức Tổng giám mục Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn – Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam, đã nêu lên mục đích và nội dung của kỳ họp lần này, là “lắng nghe, trao đổi và thảo luận những vấn đề liên quan tới Hội Thánh”.

Chưa biết, Hội nghị lần này, Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ dành thời gian để thảo luận về vấn đề gì liên quan tới Hội Thánh và nội dung Thư chung sẽ được công bố nay mai, có đáp ứng được sự chờ đợi của cộng đồng Dân Chúa Việt Nam hay không, còn là câu hỏi đang chờ câu trả lời?

Tuy nhiên, có một thực tế rằng, những sự kiện diễn ra trong Giáo hội Việt Nam những năm qua, đã tới lúc cần được các giám mục đưa ra thảo luận, trao đổi để tìm một hướng đi hài hòa cho Giáo Hội Việt Nam.

Có lẽ điều cần thiết trước tiên, Hội nghị lần này phải trao đổi để đưa tới sự thông nhất đó chính là những khác biệt về quan điểm trong nội bộ các Giám mục Việt Nam.

Trong cuộc nói chuyện với một số thân hữu nhân cuộc dừng chân tại San Jose, Bắc Cali, ngày 6/3/2011, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục Giáo phận Thanh Hóa, Phó Chủ tịch HĐGMVN, đã thừa nhận “Hội Đồng Giám mục Việt Nam có khác biệt, nhưng không chia rẽ”.

Thực tế, sự bất đồng quan điểm đến độ chia rẽ ấy thì ai cũng đã thấy, đặc biệt trong sự kiện Đức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt. Một số giám mục chủ trương “thỏa hiệp” bằng mỹ từ “đối thoại” bằng mọi giá, cốt được việc mình. Một số nhỏ các vị còn lại thì chủ trương “đối thoại trong đối kháng” và đã đạt được những thành quả cho Giáo hội, được dân Chúa tin yêu mến mộ.
Những sự kiện tang thương gần đây liên quan tới Giáo hội tại Trung Quốc, hệ quả đau lòng từ cái chủ trương ‘đối thoại bằng mọi giá” của Tòa Thánh, phải là bài học và cần phải được các giám mục Việt Nam đưa lên bàn cân suy xét trong kỳ Hội nghị lần này.

Bên cạnh đó, tình hình các giáo phận tại Miền Bắc, đặc biệt Tổng Giáo phận Hà Nội, với số lượng giáo dân ngày càng thưa vắng trong các dịp lễ đại trào, cũng phải là lời cật vấn các vị hữu trách Giáo Hội, phải có những hành động cụ thể thế nào để tái xây dựng lại sự hiệp thông trong Giáo Hội đã bị phân hóa xuất phát từ chủ chương “đối thoại bằng mọi giá” xem ra thắng thế suốt mấy năm qua.

Có một thực tế rằng, các vị giám mục được dân chúng mến mộ và nhận được sự kính trọng của mọi người, thì lại không phải là các giám mục đã “chủ trương đối thoại bằng mọi giá” cốt được yên; trái lại, đó lại là những vị giám mục đã dám xả thân cho công lý, hòa bình, cho những người bị oan khiên.

Việc Đức giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình ký tên kiến nghị trả tự do cho tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, cũng chỉ là một hành động bình thường như hàng ngàn người khác, nhưng lại được các tín hữu và những ai yêu mến lẽ phải, xưng tụng, ca ngợi, cho thấy sự mong chờ của các tín hữu Chúa nơi các mục tử.

Cũng vậy, những ngọn nến đã được các tín hữu thắp lên tại rất nhiều nơi thuộc giáo tỉnh Hà Nội để cầu nguyện cho luật sư Lê Quốc Quân, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, khiến nhà cầm quyền cộng sản khiếp sợ tức khắc trả tự do cho họ, chính là cái khao khát tự do mà người dân nói chung và tín hữu Chúa nói riêng mong chờ các vị mục tử hy sinh cho họ.

Trong bối cảnh xã hội Việt Nam mà nền đạo đức ngày càng xuống cấp, tình trạng nạo phá thai tràn lan, cảnh công an cảnh sát giết người không thương tiếc, biển đảo bị rơi vào tay ngoại bang, tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá đến cùng kiệt, dân oan bị cướp đất cướp nhà với mức đền bù rẻ mạt, tình trạng người công nhân bị bóc lột cạn kiệt sức lao động với một đồng lương rẻ mạt…không thể không được các mục tử Giáo hội lưu tâm, bởi Giáo hội được thiết lập và hiện hữu là do và cho những hoàn cảnh và những mảnh đời như thế.

Giáo hội là Dân Thiên Chúa. Mục tử được sinh ra là để phục vụ người dân, chứ không phải ngược lại, như có người quan niệm, giáo dân có mặt là để phục vụ cho ý chí và ước muốn của mục tử.

Có thể nói rằng, những gì xảy ra trong Giáo hội Việt Nam thời gian qua đã là ơn Chúa, để mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo hội, nhận ra được sự thật về mình, hầu ứng đáp với những đòi hỏi của Tin mừng, ngang qua những sự kiện cụ thể của thời cuộc; đồng thời, giúp Giáo hội thấy được đâu là ý Chúa để cộng tác với ngài xây dựng một Giáo hội của “Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ”.

Trong khi chờ đợi kết quả của kỳ họp thường niên lần I năm 2011 của Hội đồng Giám mục Việt Nam kỳ này, việc mọi thành phần Dân Chúa Việt Nam tích cực tham gia cầu nguyện cho ký họp HĐGMVN được đẹp ý Chúa là điều cần thiết.



27/4/2011

Nữ Vương Công Lý

No comments:

Post a Comment