Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Saturday, April 9, 2011

LHQ tố giác hiện tượng các nhà ly khai Trung Quốc « đột nhiên mất tích »

Trong thông cáo công bố hôm qua 08/04/2011, Nhóm chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc đặc trách về trường hợp « mất tích bằng cưỡng bách hay ngoài ý muốn » cho biết nhận được nhiều thông tin về các vụ mất tích mới đây tại Trung Quốc. Trong số các nạn nhân mới này có 4 luật sư nhân quyền chuyên bảo vệ dân oan bị ức hiếp trong một chế độ chính trị mà hồi đầu tháng 3, thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định là đang bị dân chúng căm ghét.




Thông cáo của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nêu lên trường hợp của các luật sư Đằng Bưu, Đường Cát Điền, Giang Thiên Dũng và Đường Kinh Lăng.

Đây là những luật sư được xem là chuyên gia nhân quyền, bảo vệ thân chủ tại tòa bằng lập luận dựa vào luật pháp Trung Quốc và các văn kiện mà chính quyền đã ký với quốc tế.

Theo thông tin của Liên Hiệp Quốc thì trong những tuần lễ vừa qua, hàng chục nhà phản kháng đã bị bắt, bị quản thúc tại gia.

Hiện tượng « biệt tích bắt buộc » này diễn ra theo một kịch bản cố định : Những người bị chính quyền nghi ngờ là thành phần phản kháng bị đưa đi giam giữ ở những nơi bí mật, bị hù dọa, tra tấn, trước khi được thả ra một cách âm thầm, bị quản thúc tại nhà và bị cấm tiếp xúc với «bên ngoài».

Theo Nhóm chuyên gia của Liên Hiệp Quốc thì những người «bị mất tích» hầu như là thành viên bảo vệ nhân quyền, luật sư, sinh viên, trí thức.

Liên Hiệp Quốc cảnh báo chính quyền Trung Quốc là «dù có giam cầm trong một thời gian ngắn thì đây cũng là những vụ mất tích bằng cưỡng bách và bị xem là một tội ác chiếu theo luật quốc tế».

Trong bản thông cáo, Nhóm chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh «hiện tượng biệt tích» không phải là hiện tượng mới tại Trung Quốc. Năm 1995, một cậu bé Tây Tạng 6 tuổi tên Gedhun Choekyi Nyima đã bị an ninh Trung Quốc bắt đi không biết hiện nay ra sao. Cậu bé này trước đó đã được Đức Đạt Lai Lạt Ma công nhận là hậu thân của Ban Thiền Lạt Ma. Một trường hợp khác là luật sư Cao Trí Thịnh, một người bảo vệ dân oan bị chính quyền cướp đất bị «mất tích» từ năm 2009.

Tuy nhiên từ khi phong trào cách mạng ở Ả Rập bùng dậy lật đổ hoặc đang làm lung lay những chế độ độc tài tưởng là vững chắc nhất tại Trung Đông, tình hình nhân quyền tại Trung Quốc xấu đi rõ rệt, các biện pháp đàn áp dân chúng gia tăng. Cuối tháng ba, công an Vân Nam truy tố các nhà dân chủ Đinh Mậu, Nhiễm Vân Phi và Trần Vệ với tội danh «âm mưu lật đổ chế độ».

Cùng thời điểm khoảng 20 người dân ở Thượng Hải bị truy tố vì đưa lời kêu gọi biểu tình lên mạng internet theo tinh thần Hoa Lài. Gần đây nhất, ngày 3/04/2011, họa sĩ tài hoa Ngãi Vị Vị, tác giả vận động trường Tổ Yến nơi khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 bị «mất tich» tại phi trường Bắc Kinh. Ba ngày sau, trước áp lực quốc tế, chính phủ Trung Quốc mới thú nhận là đã bắt giam họa sĩ Ngải Vị Vị với lý do mù mờ là ông phạm «tội kinh tế».

Theo tổ chức nhân quyền Human Rights Watch thì cường độ đàn áp hiện nay chẳng qua là tiếp nối chính sách «cú đấm» đề ra từ Thế Vận Hội 2008. Giáo sư Lưu Hiểu Ba, người « đứng mũi chịu sào » của Hiến Chương 08 đề ra con đường dân chủ để cứu nguy cho chế độ đã lãnh bản án 11 năm tù với tội danh «khuynh đảo». Một năm sau ngày được ân thưởng Giải Nobel Hòa bình 2010, không ai rõ số phận của ông ra sao.

« Xóa bỏ ký ức »

Chính sách trấn áp tiếng nói khác biệt là chuyện bình thường trong các chế độ chuyên chế. Nhưng theo AFP, chính quyền Trung Quốc hiện nay còn muốn xóa tan trí nhớ và ký ức của người dân. Do vậy, bằng mọi giá phải trừng phạt nặng nề các nhà trí thức không đầu hàng chế độ, không để bị mua chuộc bằng địa vị và tiền bạc.

Trong tuyển tập «Triết lý của lợn», giáo sư Lưu Hiểu Ba đã phân tích rất rõ là đảng Cộng sản đã «ký» với thành phần có học thức một thỏa hiệp từ sau vụ Thiên An Môn : thành phần này để cho mua chuộc bằng danh lợi, đổi lại họ để yên cho chính quyền đàn áp nhân quyền.

Ông Lưu Hiểu Ba không bỏ sót một ai từ những cán bộ tham ô, doanh nhân hám lợi, đến trí thức khoa bảng hay nghệ sĩ háo danh, kể cả đạo diễn tài danh Trương Nghệ Mưu, sau một thời làm phim bị cấm ở Hoa Lục, đã «bán mình» hợp tác với chế độ.

Chính quyền Trung Quốc còn sửa đổi lịch sử và ngăn cấm thông tin để tạo ra tình trạng vô cảm trong xã hội và một khoảng trống trong ký ức dân tộc.

Hậu quả là khi một «đứa con» của mình được thế giới ngưỡng mộ trao tặng giải Nobel Hòa bình làm người dân Đài Loan, Singapor và nhiều nước châu Á khác hãnh diện, thế mà đại đa số người dân sống ở Hoa Lục không biết ông Lưu Hiểu Ba là ai, tưởng ông là một tên tội phạm nên mới ở tù.

« Dự báo Hoa Lài »

Ba năm trước khi «cách mạng Hoa Lài» xảy ra tại Tunisia, ông Lưu Hiểu Ba đã cảnh báo, nếu đảng Cộng sản ngăn chận mọi hy vọng cải cách chính trị thì chỉ cần một hành động bất công quá mức, một thái độ thô bạo của công an thì người ta sẽ thấy «một cơn thủy triều trăm con sông đổ về biển cả, một cuộc khủng hoảng bạo lực mà Trung Quốc sẽ phải đối phó. Trong cơn đại biến này, tất cả mọi người đều thất bại, kể cả đảng Cộng sản».

Cuộc cách mạng Hoa Lài đã xảy ra tại Trung Đông càng làm cho chính quyền Trung Quốc không thể khinh thường lời tiên tri này.

No comments:

Post a Comment