Tổ chức Y tế Thế giới OMS, vào hôm qua đã chính thức xác nhận tính chất vô cùng nguy hiểm của chủng vi khuẩn E.Coli đã làm 18 người thiệt mạng và gây hoang mang ở Châu Âu. Theo OMS, đây là một chủng ‘‘rất hiếm, rất độc hại và có khả năng kháng thuốc.’’
Từ Genève, thông tín viên Laurent Mossu, cho biết thêm chi tiết :
‘‘Tổ chức Y tế Thế giới vẫn tỏ ra rất thận trọng. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu các thông tin khoa học thu thập được, phát ngôn viên của Tổ chức nói đến một chủng vi khuẩn rất hiếm và ‘’ cho đến nay chưa bao giờ gây ra dịch bệnh.’’
Thật ra, chủng vi khuẩn này không hoàn toàn mới lạ vì đã từng xuất hiện ‘trong những trường hợp lẻ tẻ và rất hiếm’. Tuy nhiên, đây là loại vi khuẩn độc hại, có khả năng chống được thuốc kháng sinh, do đó rất nguy hiểm.
OMS cũng xác nhận là nguyên nhân và xuất xứ việc lây nhiễm hiện nay ở Châu Âu vẫn chưa rõ. Kết quả những phân tích gen đầu tiên cho thấy là người ta đứng trước một sự chuyển biến của hai chủng vi khuẩn mang gen độc hại chết người.
Công cuộc tìm kiếm hiện nay nhằm xác định vật chủ truyền bệnh, vì những yếu tố liên quan được nhắc tới đến trước đây, như rau quả, dưa leo từ Tây Ban Nha, giờ đây đã hoàn toàn bị gạt qua một bên.’’
Xuất xứ bệnh dịch chưa xác định được không chỉ gây hoang mang cho người tiêu dùng Châu Âu mà còn tạo ra bất hòa giữa các nước châu Âu.
Ủy ban Châu Âu đã bãi bỏ lệnh cảnh báo đối với rau quả Tây Ban Nha, đặc biệt là dưa leo, từng bị cơ quan y tế ở Hamburg, tố cáo là mầm mống gây hoạ.
Thế nhưng trước các thiệt hại đã quá lớn đối với nước ông, Thủ tướng Tây Ban Nha Zapatero hôm qua thông báo là ông sẽ đòi Châu Âu ‘những khoản tài trợ lớn’ để ‘đền bù thiệt hại’ cho ngành nông nghiệp Tây Ban Nha.
Thủ tướng Zapatero cũng đã gọi điện thoại nói chuyện với thủ tướng Angela Merkel và được hứa là Đức sẽ nghiên cứu những phương thức trong khuôn khổ Châu Âu để đến bù thiệt hại cho nông dân Tây Ban Nha.
Sau khi rau quả của mình đã không còn bị coi là nguy hiểm, Liên Hiệp Châu Âu hôm qua đã phản đối quyết định của Nga cấm nhập rau quả tươi từ các nước Châu Âu. Tuy nhiên việc cấm hàng nhập lại là phương thức để hỗ trợ nông dân của mình, vì thế Maxcơva cho biết chỉ cho nhập trở lại khi nào xuất xứ của bệnh dịch được xác định rõ ràng.
Cho đến giờ, tại Đức đã có khoảng 2.000 người phải nhập viện vì bệnh dịch, bác sĩ tại đây đang cố gắng tìm phương án chữa trị thích ứng
No comments:
Post a Comment