Sau khi Nhà nước Việt Nam tăng mức chuẩn nghèo, số hộ nghèo trên toàn quốc tăng 50%. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, hiện cả nước có 3 triệu 300 ngàn hộ nghèo.Chuẩn nghèo
Từ năm 2011, mức chuẩn nghèo được chính phủ Việt Nam điều chỉnh hàng năm, căn cứ vào thực tế của cuộc sống, giá cả sinh hoạt, nhu cầu tối thiểu của người dân.
Việc điều chỉnh này nhằm giúp phản ánh đúng thực tế và chính xác về số hộ nghèo và cận nghèo trong cả nước.
Mới đây, mức chuẩn nghèo được Hà Nội cho điều chỉnh từ mưc thu nhập 200 ngàn đồng, một người, mỗi tháng lên 400 ngàn đồng tại khu vực nông thôn và 260 ngàn đồng, một người, mỗi tháng lên 500 ngàn đồng nơi thành thị.
Căn cứ vào số liệu do Tổng cục Thống kê công bố vào cuối năm ngoái, số hộ cả nước là trên dưới 2 triệu hộ, sau khi áp dụng chuẩn nghèo mới, cả nước sẽ có trên 3 triệu hộ nghèo, tức là tăng hơn 50%.
Theo Cục Bảo Trợ Xã hội thì khu vực Tây Bắc Việt Nam có số hộ nghèo đông nhất, chiếm hơn 35%, khu vực Đông Bắc gần 26%, vùng Tây Nguyên gần 20%, vùng Đông, Nam Bộ, thấp nhất với chừng 3%.
Hộ cận nghèo là những hộ có thu nhập trung bình từ 401 ngàn đồng tới 520 ngàn đồng, mỗi đầu người, một tháng, ở thôn quê và từ 501 ngàn đồng tới 650 ngàn đồng, tại thị thành.
Việc xác định, kiểm tra số hộ nghèo tại từng địa phương là yếu tố quan trọng giúp chánh phủ thực hiện hiệu quả các chính sách xóa đói, giảm nghèo, ổn định an sinh xã hội và phát triển kinh tế.
Đánh giá về chính sách và thành tích giảm nghèo của Hà Nội, bà Đặng Thanh Trúc, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Xã Hội Việt Nam nhấn mạnh:
“Trước đây cái chuẩn nghèo thấp, giả dụ như là họ quy định hộ dưới 200 nghìn, một đầu người, đã cho là chuẩn nghèo rồi, bây giờ chuẩn nghèo lại tăng lên, tôi không biết đích xác là bao nhiêu nhưng mà ví dụ là tăng lên đến 300 hay 400 trăm nghìn, một đầu người, thì tự nhiên một số hộ lại rơi vào thành phần nghèo, vì vậy tỷ lệ nghèo tăng lên.
Theo như tiêu chuẩn trước đây, thì rõ ràng là chương trình giảm nghèo đã đạt được một số kết quả đáng kể, tức là tăng được bình quân thu nhập đầu người lên cho các hộ nghèo.”
Nghèo thật, nghèo giả
Tuy nhiên theo VnEconomy online thì do công tác quản lý, kiểm kê hộ nghèo ở một số địa phương thiếu chặt chẽ, nên còn để sót những hộ nghèo, trong khi đó có rất nhiều hộ không thuộc diện nghèo khó lại có tên trong danh sách được hưởng trợ cấp, ưu đãi dành cho người nghèo, điều đó có nghĩa là có “ người nghèo thật” và có “người nghèo trên giấy tờ”.
Báo chí cũng nói nhiều đến “căn bệnh thành tích” trong báo cáo từ các Tổng Cục, các Cục, các ủy ban nhân dân thôn làng, xã , quận, huyện tỉnh.
Giải thích về các hiện tượng “ thật giả” và “thổi phòng” thành tích, bà Nguyễn Nga My, thanh tra thuộc Viện Xã Hội Việt Nam cho biết:
“Về chính sách giảm nghèo thì rõ ràng chính phủ Việt Nam đã có chiều hướng tích cực, và rất quan tâm đến người nghèo, còn thực tế giúp các gia đình nghèo đến đâu thì về chính sách rất là nhân tâm, rất cụ thể, hướng đến người nghèo điều đó là đúng. Còn cụ thể, là hiệu quả đến đâu, từng địa phương thực hiện chính sách như thế nào, thì cần phải có một cuộc điều tra về xã hội học, hỏi chính những người nghèo, xem họ cảm nhận như thế nào”.
Còn chuyện không thống nhất số liệu, không phản ánh đúng thực trạng đời sống của người dân, báo cáo trùng lập có khi sai sót thì sao thưa bà ?
“Cái này phải nói với anh là cần có cuộc điều tra thôi, còn nói một cách võ đoán mà đưa ra nhận xét chủ quan thì tôi sợ không chính xác, tất nhiên là về thành tích cũng có nhưng mà nơi nọ nơi kia, cũng có bệnh thành tích chứ không phải là không có.
Tuy nhiên cũng phải nói ngược lại là rất nhiều nơi họ vẫn muốn cứ ở trong diện nghèo, thi nhau là hộ nghèo để được hưởng những ưu đãi của nhà nước. Tạo thành tích giảm nghèo cũng có thể nói giống lên, mà cũng có trường hợp người ta muốn ở lại hộ nghèo để được chia nhà, xây nhà tình nghĩa, được trâu, được xây bể nước… Tôi đã từng đi công tác các nơi và tìm hiểu nên được biết như thế, các xã chỉ muốn mãi mãi là nghèo để được hưởng ưu đãi của nhà nước.”
Một người dân oan từng đi từ Nam ra Bắc khiếu kiện, đòi nhà nước trả lại đất đai đã bị ngồi tù ở Ninh Bình, cô Kim Thu nói lên cảm nghĩ của mình đối với chính sách giảm nghèo mà nhà nước đang đẩy mạnh và đạt thành quả đáng kể:
“Nói chung, lúc nào cộng sản cũng bưng bít sự thật, như Kim Thu là người luôn đi sát với dân oan, mình cũng từng là nạn nhân đi khiếu kiện đã 24 năm rồi thì cũng biết quá rõ rồi. Hiện nay trong nước đang lạm phát làm gì có chuyện đó, còn những diện mà họ nói là xóa đói giảm nghèo, chuyện đó không có đâu, phải thuộc diện trong chính sách, được mượn.
Trong thực tế, tôi là một người dám làm nhân chứng, đang sống, đang ở trong đất nước này, tôi khẳng định rằng ngay ở địa phương tôi, những người mà vay mượn được tiền xóa đói, giảm nghèo, tuy là có mấy triệu đồng thôi, nhưng phải là cán bộ, những con ông, cháu cha mới được mượn tiền đó, hoặc là đoàn thể của phường, xã, những người có của, thì họ mới cho mượn chứ họ không cho mấy người nghèo mượn đâu.”
Tại các diễn đàn và hội nghị quốc tế nhà nước Việt Nam thường công bố những số liệu cụ thể chứng tỏ chính sách xóa đói giảm nghèo đạt nhiều thành quả đáng kể, tuy nhiên qua những thông tin do giới truyền thông, viên chức và người dân thì số người nghèo trong cả nước cứ tăng thêm chứ không giảm.
Sở dĩ hộ nghèo ngày càng tăng vì con số chuẩn nghèo mà nhà nước đưa ra để xin tiền trợ cấp không phù hợp với thực tế cuộc sống hiện nay. Với số tiền 500 ngàn tại thành phố thì một hộ dân chỉ hai người thôi sẽ không bao giờ sống nổi quá một tuần lễ. Vấn đề là người nghèo thật sự được giúp đỡ ra sao khi nhà nước luôn đưa ra những con số thoát nghèo đầy ấn tượng?
No comments:
Post a Comment