Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, June 1, 2011

Nguy cơ một cuộc chiến ở Biển Đông?

Những tuyên bố của bà Khương Du, người phát ngôn của bộ ngoại giao Trung Quốc sau khi vụ tàu Bình Minh 02 bị 3 chiếc tàu Hải chính của Trung Quốc bao vây, cắt dây cable đang làm cho không những dư luận Việt Nam trong và ngoài nước quan tâm mà các nước trong khu vực cũng đang xét lại những hành động của Trung Quốc đối với vấn đề này. Mặc Lâm có bài viết sau đây.

Chiến lược đánh đòn phủ đầu của Trung Quốc
Sau khi vụ tàu Bình Minh 02 xảy ra, ngay lập tức đánh động sự quan tâm và dè chừng của các nước khác trong khu vực, đặc biệt đối với Trung Quốc là nước có sức mạnh được xem là bao trùm tất cả các nước thuộc khối ASEAN
So với những vụ va chạm trong quá khứ của Trung Quốc đối với Việt Nam thì lần này mức độ và mục đích của Trung Quốc nghiêm trọng hơn rất nhiều. Địa điểm mà tàu Trung Quốc xuất hiện và bao vây tàu Bình Minh chỉ cách mũi Đại Lãnh của tỉnh Phú Yên chỉ 120 hải lý. Khu vực này đã được luật biển quốc tế công nhận là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Tất cả những hãng tin quốc tế trong đó có Reuters ghi nhận việc này xảy ra tại địa điểm cách bờ biển Trung Nam bộ của Việt Nam khoảng 120 hải lý và cách bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 340 hải lý.
Trước sự việc này Giáo sư Carl Thayer, giáo sư khoa Nhân Văn và Xã Hội Học tại Ðại Học New South Wales, Úc Châu. Ông là chuyên gia nghiên cứu quân sự, kiêm giám đốc diễn đàn Nghiên Cứu Quốc Phòng cho biết những nhận định của ông.
-Hành động cắt dây cable của Trung Quốc trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm luật biển quốc tế và làm cho vùng biển này không còn an toàn như trước. Tàu Việt Nam đang làm việc trong vùng biển đặc quyền kinh tế mà Công ước về luật biển quốc tế đã quy định cho họ. Hành động này rõ ràng đã chấm dứt những gì lạc quan nhất mà Trung Quốc và ASEAN đã và đang thương thảo về biển Đông, hay còn được Trung Quốc gọi là Biển Nam Trung Hoa. Vấn đề này cũng làm cho Hoa Kỳ quan tâm và một lần nữa vấn đề biển Đông sẽ là nghị trình quan trọng nhất trên bàn làm việc của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng chống đối hành vi này của Trung Quốc thì bà Khương Du người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Việt Nam cần tránh tạo “những sự cố mới” tại Biển Đông. Bà Khương Du khẳng định:
"Các hoạt động thực thi mà các tàu hàng hải của Trung Quốc đã tiến hành đối với các hoạt động bất hợp pháp của tàu Việt Nam là hoàn toàn hợp lý”.
Thậm chí, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc còn yêu cầu phía Việt Nam chấm dứt ngay các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Trung quốc và tránh tạo ra những sự cố mới.
Bà Khương Du cũng mạnh mẽ nói rằng tàu hải giám của Trung Quốc đã thực thi hành động chấp pháp đối với tàu Việt Nam đang hoạt động phi pháp trên vùng biển của Trung Quốc. Bà Du khẳng định hành động này của Trung Quốc là hoàn toàn chính đáng. Trung Quốc yêu cầu phía Việt Nam lập tức dừng mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh hải không được tạo ra những vụ tranh chấp mới trong vùng biển của Trung Quốc. Tất cả những lập luận khá lạ lùng này chủ yếu căn cứ trên tấm bản đồ mà Trung Quốc tự vẽ ra mang tên Đường Lưỡi bò, trong đó khu vực thuộc về Trung Quốc chiếm tới 80% của tổng diện tích Biển Đông. Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên đại học luật TPHCM cho biết những nhận định của ông:
-Rõ ràng tại sao Trung Quốc lại hành động trong lúc này. Sau cuộc viếng thăm Indonisia và Philippines của Bộ trưởng quốc phòng Lương Quang Liệt. Thứ hai là qua hành động vừa rồi và đặc biệt tuyên bố mới đây nhất của bà Khương Du cho thấy một vấn đề là Trung Quốc muốn biến đường lưỡi bò trở thành sự thực và cho rằng tất cả vùng biển nằm trong vùng đường lưỡi bò là thuộc khu vực tranh chấp, và như vậy nếu các quốc gia chấp nhận vùng tranh chấp đó thì Trung Quốc đã đặt một cái thòng lọng sẵn: đó là giải pháp gác tranh chấp lại để cùng khai thác!

Hoa Kỳ sẽ có phản ứng?

Việc làm sai trái của Trung Quốc làm cho không riêng Việt Nam bức xúc mà các nước trong cả khu vực cũng rất quan tâm. Ngày 31 tháng 5 vừa qua cuộc hội thảo quốc tế "Triển vọng hợp tác, những vấn đề hội tụ và động lực ở Biển Đông", do Trung tâm Habibie của Indonesia phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Á (CASS) của Ấn Độ đồng tổ chức, đã thúc đẩy trung Quốc và ASEAN hợp tác với nhau chặt chẽ hơn nữa nhằm tránh gây bất ổn thêm cho Biển Đông.
Trong cuối tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng sẽ tham dự hội nghị an ninh tổ chức ở Singapore và người ta kỳ vọng rằng ông Gates sẽ có những xác quyết mới với các đồng minh của Hoa Kỳ tại khu vực rằng Mỹ sẽ không ngớt quan tâm tới vấn đề Biển Đông bất kể những vấn đề khác đang xảy ra trên khắp thế giới như thế nào đi chăng nữa Giáo sư Carl Thayer cho biết ý kiến của ông về sự hiện diện của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates như sau:
-Một lần nữa tôi nghĩ Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates sẽ khẳng định quyền lợi của Hoa Kỳ tại vùng biển này. Ông ta sẽ kêu gọi giải pháp hòa bình cho các bên và sẽ nhấn mạnh đến điểm mấu chốt là giữ an ninh cho hàng hải trên vùng biển này. Năm ngoái trước những tuyên bố của ngoại trưởng Hoa Kỳ thì Trung Quốc đã phản ứng là không muốn Hoa Kỳ tham dự vào vấn đề Biển Đông và nhấn mạnh rằng sự có mặt của Hoa kỳ làm cho vấn đề thêm phức tạp hơn. Hành động của Trung Quốc thật sự làm cho Hoa kỳ quan tâm và phải có phản hồi thích hợp.
Theo nguyên tắc của pháp luật quốc tế từ trước tới nay thì việc xác định vùng biển bắt nguồn từ một vấn đề rất căn bản: “Đất thống trị biển”. Có nghĩa là quốc gia nào có bờ biển ở đâu thì sẽ có vùng biển ở đó.
Với thực tế địa lý của mình Trung Quốc không thể có yêu sách gì về vùng biển theo quy định của Công ước Luật Biển tại khu vực xảy ra vụ tàu Bình Minh 02 vì nơi này cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 340 hải lý. Trong khi chỉ cách Việt Nam 120 hải lý. Sở dĩ con số chênh lệch này không làm bà Khương Du ngập ngừng vì bà ta mang Đường lưỡi bò ra mà áp đặt.
Lập luận này của Trung Quốc làm cho không riêng gì Việt Nam mà chung cho toàn khu vực thấy rõ thêm sự thèm khát nhiên liệu của Bắc Kinh đã lên đỉnh điểm. Đối với Việt Nam việc cần làm trước mắt hiện nay là gì? Theo kinh nghiêm nghiên cứu và tư vấn quốc phòng cho Australia, giáo sư Carl Thayer chia sẻ:
-Việt Nam cần phải tận dụng truyền đi những thông tin mà Trung Quốc vi phạm để đánh động dư luận trong vùng và ngăn ngừa trường hợp này lại sẽ xảy ra. Việt Nam cũng được xem là nước có khả năng quân sự trung bình nên cần tận dụng mọi khả năng để phòng vệ lãnh thổ một cách cứng rắn hơn.
Việt Nam cũng cần vận động dư luận quốc tế đặc biệt là Hoa Kỳ. Và cuối cùng thì Việt Nam cần phải tận dụng phương tiện hiện có của mình nhất là lực lượng hải quân và không quân để theo dõi ngày đêm trên biển Đông. Cũng có thể Việt Nam phải cần những tàu bảo vệ đi theo các tàu khai thác dầu của chính phủ.
Chính phủ Việt Nam hơn lúc nào hết phải xem đây là vấn đề sinh tử, vì nếu dựa vào dư luận cho là Trung Quốc đang nắn gân Việt Nam, thì sự thờ ơ có thể làm cho Việt Nam mất cảnh giác và bỏ qua rất nhiều cơ hội mà trước mắt là tận dụng sự quyết tâm bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ trong vùng biển đầy sóng gió này.

No comments:

Post a Comment