Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Friday, June 3, 2011

Nhiều người hưởng ứng biểu tình chống Trung Quốc

Phản đối TQ 'dùng súng uy hiếp' tàu đánh cá



HÀ NỘI (TH) - Lời kêu gọi “biểu tình tự phát” trước Tòa Ðại Sứ Trung Quốc ở Hà Nội và Tòa Tổng Lãnh Sự của họ ở Sài Gòn vào sáng ngày Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011 đang được cộng đồng mạng hưởng ứng và tiếp tay nhau chuyền đi mạnh mẽ.

Cùng với lời kêu gọi là một mẫu logo và biểu ngữ phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Việt Nam.

Ðể tránh bị bắt “làm việc” nếu công an xuất hiện, lời kêu gọi nói: “Cuộc tuần hành này không có người cầm đầu mà tất cả những ai cảm thấy bất bình, muốn bày tỏ lòng yêu nước đều có thể tham gia và vận động người thân, bạn bè tham gia!”

Nhóm chủ trương trang mạng “Nhật Ký Yêu Nước” nhắc nhở mọi người “đừng quên in, viết, vẽ những biểu ngữ phản đối Trung Quốc và khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa cho ngày 5 tháng 6” và kêu gọi tránh bạo động, tránh mang theo hung khí.

Hơn 3 năm trước, ngày 9 tháng 12, 2007, hàng trăm thanh niên, sinh viên đã biểu tình chống Trung Quốc khi Bắc Kinh ra quyết định thành lập thành phố Tam Sa cấp huyện trực thuộc tỉnh Hải Nam bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Nhà cầm quyền Hà Nội chỉ lơ cho cuộc biểu ngày đó khoảng 2 giờ đồng hồ.

Những cuộc biểu tình sau đều bị giải tán nhanh chóng. Một trong những người tích cực nhất trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Sài Gòn là nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải tức blogger Ðiếu Cày. Ông bị bắt bỏ tù chỉ 3 tháng sau các cuộc biểu tình, đến nay, dù mãn hạn tù mà vẫn không được thả.

Một số người tham dự các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội như Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Hùng, Phạm Thanh Nghiên, v.v... hiện cũng đang bị án tù vì bị vu cho tội “tuyên truyền chống nhà nước.”

Trong một lời bình luận của Blogger FB Hoan Thiện được Blogger Mẹ Nấm lấy lại cho rằng: “Thái độ của nhà cầm quyền trong ngày 5 tháng 6 sắp tới là phép thử cho bản lĩnh của chính quyền, với tư cách của một nhà cầm quyền hiểu biết và tôn trọng lòng yêu nước của chính nhân dân mình.”



* Tiếp tục phản đối Trung Quốc



Hôm 2 tháng 6, nhà cầm quyền Hà Nội chính thức phản đối Bắc Kinh đã “dùng súng uy hiếp” tàu đánh cá Việt Nam.

“Các cơ quan chức năng của Việt Nam cho biết ngày 1 tháng 6, ba tàu quân sự của Trung Quốc đã dùng súng uy hiếp tàu cá PY 92305 TS của ngư dân tỉnh Phú Yên trong khi họ đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.”

Bản tin phổ biến ngày 2 tháng 6, 2011 trên trang nhà của Bộ Ngoại Giao Hà Nội cho hay như vậy và nói tiếp là:

“Ngày 2 tháng 6, 2011, đại diện Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã trao công hàm cho đại diện Ðại Sứ Quán Trung Quốc tại Hà Nội phản đối việc lực lượng Hải Quân Trung Quốc dùng súng uy hiếp ngư dân Việt Nam trong khi họ đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhấn mạnh hành động trên đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC). Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và cản trở tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động tại khu vực này.”

Theo tin VNExpress, cùng ngày 2 tháng 6, 2011: “Lãnh đạo tỉnh Phú Yên gửi công văn hỏa tốc đề nghị Bộ Ngoại Giao can thiệp và có biện pháp bảo vệ tàu cá cùng ngư dân hành nghề câu cá ngừ đại dương trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.”

Như tin tức loan tải rộng rãi ngày hôm trước, vào hai ngày 31 tháng 5 và 1 tháng 6, 2011, tàu đánh cá của thuyền trưởng Lê Văn Giúp hoạt động ở vùng biển 8 độ 56 phút vĩ Bắc, 112 độ 45 phút kinh Ðông, cách đảo Ðá Ðông (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 5 hải lý về phía Ðông cùng với một số tàu đánh cá khác của Việt Nam. Tàu ông Giúp đã bị 3 tàu tuần Trung Quốc tiến đến uy hiếp, “bắn chỉ thiên và bắn xuống nước” dọa buộc phải rời khỏi khu vực.

Theo VNExpress thuật lời Nguyễn Ngọc Ry, thượng úy trạm trưởng Trạm Kiểm Soát Biên Phòng Ðà Rằng, dịp này nói tuy đánh cá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng ngư dân Việt Nam “bị tàu quân sự Trung Quốc quấy nhiễu, dùng vũ lực, súng để bắn, dọa và chèn ép đã từng nhiều lần xảy ra.”

No comments:

Post a Comment