HÀ NỘI (TH) - Một số tiếng súng phát ra từ tàu tuần Trung Quốc bắn vào tầu đánh cá của Việt Nam tại khu vực quần đảo Trường Sa.
Một tiếng súng khác “bắn pháo hiệu cảnh cáo” các tàu tuần Trung Quốc phát ra từ “tàu bảo vệ” của Việt Nam ở khu vực 150 hải lý phía Ðông Vũng Tàu.
Các tiếng súng này báo hiệu sự tranh chấp căng thẳng chủ quyền biển đảo và nguồn lợi thủy sản và dầu khí ngày một sôi nổi.
Theo tin của một số báo Việt Nam như Tuổi Trẻ và VNExpress, 3 tàu Trung Quốc mang số hiệu 989, 27 và 28 đã tiến rất gần đến 4 tàu đánh cá của ngư dân Phú Yên bắn xuống nước đe dọa.
Các tàu đánh cá của ngư dân Phú Yên câu cá ngừ đang hoạt động ở tọa độ 8 độ 56' vĩ Bắc, 112 độ 45' kinh Ðông, cách đảo Ðá Ðông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam khoảng 15 hải lý về phía Ðông Nam.
“Các tàu của Trung Quốc chỉ cách tàu chúng tôi khoảng 40m, họ dùng súng bắn xuống nước, uy hiếp không cho chúng tôi đánh bắt.”
Ông Lê Văn Giúp, 49 tuổi, thuyền trưởng tàu đánh cá mang số PY92305TS, cho biết qua máy bộ đàm kể lại vụ việc xảy ra vào chiều tối 31 tháng 5, 2011.
Vì bị uy hiếp, 4 tàu đánh cá Phú Yên nói trên đã phải “rời khỏi nơi đánh bắt và tìm nơi khác tiếp tục hoạt động.”
Tờ Tuổi Trẻ nói vậy và tường thuật tiếp rằng: “Tin từ Bộ Ðội Biên Phòng Phú Yên cho biết hiện bốn chiếc tàu với 40 lao động đều an toàn. Bộ Ðội Biên Phòng Phú Yên đề nghị Bộ Tư Lệnh Bộ Ðội Biên Phòng và UBND tỉnh Phú Yên báo cáo Bộ Ngoại Giao để có biện pháp can thiệp, bảo vệ ngư dân.”
VNExpress thuật theo lời ông Ðại Tá Nguyễn Trọng Huyền, chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Biên Phòng tỉnh Phú Yên, cho hay: “Từ đầu tháng 3, tàu hành nghề của Trung Quốc chèn ép ngư dân, xâm chiếm ngư trường Việt Nam diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, theo báo cáo cáo và mô tả của ngư dân thì lần này là tàu quân sự của Trung Quốc vì tàu có trang bị vũ khí.”
Trong khi đó, theo một bản tin khác của báo Tuổi Trẻ ngày Thứ Tư, ngày 31 tháng 5, 2011 “tàu bảo vệ” (hiểu ngầm là tàu hải quân ngụy trang) của Việt Nam đã “bắn pháo hiệu cảnh cáo” các “tàu quấy rối” nhờ vậy các tàu này mới bỏ đi.
Không thấy báo Tuổi Trẻ gọi là “tàu lạ” hay tàu nước nào mà chỉ dám gọi là “tàu quấy rối” trong vụ việc này trái với bản tin bắn dọa ngư dân Việt Nam thì nói rõ là tàu Trung Quốc.
Bản tin Tuổi Trẻ kể chi tiết cho biết vụ việc xảy ra khi chiếc tàu khảo sát Viking 2 của liên doanh Pháp CGG Veritas (mang cờ hiệu Na Uy) do Tổng Công Ty Dịch Vụ Kỹ Thuật Dầu Khí Việt Nam (PTSC) (thành viên của tập đoàn Petro Vietnam) thuê mướn thăm dò địa chấn ở khu vực gần mỏ dầu Ðại Hùng, khoảng 270 km (hay 145 hải lý) phía Ðông Vũng Tàu.
“Khoảng 7g15-8g30 ngày 31 tháng 5, tàu Viking 2 đang khảo sát địa chấn ở tọa độ 8 độ 24'8'' N - 108 độ 52'5'' E thì xuất hiện hai tàu quấy rối. Mặc dù tàu Viking 2 đã gọi hỏi (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) nhưng hai tàu này không trả lời.
“Cũng theo nguồn tin này, tàu thứ nhất cách tàu Viking 2 gần 8 hải lý, chạy với tốc độ hơn 13 hải lý/giờ và có xu hướng chạy cắt qua phao đuôi tàu Viking 2. Tàu bảo vệ Vạn Hoa 731 đã áp sát, ngăn cản và chụp được tên tàu này là FEI SHENG No. 16.
“Tàu thứ hai cũng cách tàu Viking 2 hơn 8 hải lý, chạy với tốc độ hơn 11 hải lý/giờ, cùng hướng với tàu thứ nhất nhưng đi phía sau. Ngay lúc này, tàu bảo vệ Vạn Hoa 740 đã áp sát, ngăn cản. Qua quan sát không thấy tên tàu thứ hai, chỉ thấy số hiệu BI 2549.
“Trước đó, khoảng 21g-23g ngày 29 tháng 5, một tàu khác đã cố tình quấy rối, chạy vào khu vực tàu Viking 2 đang khảo sát địa chấn. Tàu này đã chạy vào phao đuôi của Viking 2 khi tàu đang thực hiện thu nổ khảo sát địa chấn. Khi sự việc xảy ra, tàu Viking 2 đã điều tàu bảo vệ áp sát tàu quấy rối và yêu cầu chuyển hướng (bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh) nhưng họ không trả lời.
Do đó, tàu Viking 2 tiếp tục điều thêm một tàu bảo vệ khác tới để ép không cho tàu này vào khu vực đang khảo sát. Lúc này, tàu quấy rối tăng tốc dần dần từ 7 hải lý đến 11 hải lý lên phía trước tàu Viking 2, buộc hai tàu bảo vệ và tàu Viking 2 phải bắn pháo hiệu cảnh báo. Khi tàu Viking 2 đã thu nổ xong và quay đầu thì tàu quấy rối cũng quay đầu rời đi.”
Ðược biết, tàu Viking 2 là của công ty Idemitshu của Nhật thuê từ Pháp và tàu mang cờ Na Uy. Idemitshu là hãng có hợp đồng khai thác dầu khí với Petro Vietnam.
Cũng trong ngày Thứ Tư, chính phủ Phi đã chính thức phản đối Trung Quốc dự tính đặt dàn khoan dầu ở một khu vực trên biển Ðông. Phi quan sát thấy hoạt động thả các vật liệu, trụ cột xuống khu vực bãi Reef-Amy Douglas chỉ cách đảo Palawan khoảng 125 hải lý, tức trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi theo Công ước Quốc tế về Luật biển.
Ngày 26 tháng 5, 2011, ba chiếc tàu hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu khảo sát Bình Minh 02 của Việt Nam ở khu vực cách bờ biển Phú Yên 120 hải lý, nơi thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Sau vụ này, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã cực lực lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, trong khi đó, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói ngược lại.
Theo bản tin Bloomberg, Ðô Ðốc Robert Willard, tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương, bầy tỏ lo ngại về sự gia tăng căng thẳng tại Biển Ðông. Ông nói Mỹ trung lập trong cuộc tranh chấp và muốn các nước thương thảo hòa bình và qua đối thoại thay vì kình chống nhau trên biển. (TN)
* Quý độc giả có thể gởi ý kiến của mình về vấn đề này tại đây.
No comments:
Post a Comment