Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, June 1, 2011

Công giáo Việt Nam, công lý và đối thoại (phần 1)

Cuối tháng 10 năm ngoái, Hội đồng Giám mục Việt Nam loan báo quyết định thành lập Ủy ban Công lý và Hòa bình. Tuy nhiên, mãi đến ngày 27 tháng 5 vừa qua, Ủy ban này mới tổ chức một buổi tọa đàm để ra mắt tại TP.HCM.
Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam nhắm đến những mục tiêu nào và sẽ hoạt động ra sao trong bối cảnh xã hội Việt Nam như hiện nay? Mời qúy vị nghe cuộc trò chuyện giữa Trân Văn với Giám mục Nguyễn Thái Hợp – người được Hội đồng Giám mục Việt Nam cử làm Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình…


Đáp ứng đòi hỏi của xã hội


Trân Văn: Thưa Giám mục, hồi cuối tháng 10 năm ngoái, Hội đồng Giám mục Việt Nam công bố quyết định thành lập Ủy ban Công lý và Hòa bình, nhằm bảo vệ các quyền chính đáng của con người, như một trong những cách loan báo Tin Mừng của Giáo hội Công giáo Việt Nam.


Bây giờ thì Ủy ban Công lý và Hòa bình chính thức ra mắt cộng đồng Công giáo Việt Nam.


Xin Ngài cho biết, tại sao Hội đồng Giám mục Việt Nam quyết định thành lập Ủy ban Công lý và Hòa bình? Bối cảnh xã hội Việt Nam như hiện nay có phải là nguyên nhân chính thúc đẩy Hội đồng Giám mục Việt Nam thành lập Ủy ban Công lý và Hòa bình không?
Giám mục Nguyễn Thái Hợp: "Khi thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam, ở nhiệm kỳ thứ nhất, từ năm 1980 đến 1983 chỉ có ba tiểu ban về phụng sự, linh mục, giáo dân.


Đến năm 2000 thì số tiểu ban tăng lên thành bảy và trong thập niên sau cùng này thì các tiểu ban tăng thêm. Hiện thời thì khoảng 16 tiểu ban. Tiểu ban Công lý và Hòa bình là tiểu ban sau cùng.


Con số các tiểu ban tăng lên theo nhu cầu cụ thể của Giáo hội. Đồng thời cũng do hoàn cảnh xã hội thay đổi.


Lúc đầu chỉ có ba tiểu ban có lẽ không phải vì các vị không muốn nhưng mà vì điều kiện xã hội lúc đó có lẽ chỉ cho phép được như vậy thôi và trong thập niên sau cùng này thì tăng lên nhiều hơn.


Giáo hội đã thành lập thêm những tiểu ban khác nữa để đáp ứng nhu cầu mục vụ cũng như đòi hòi của xã hội và bối cảnh xã hội Việt Nam lúc này cho phép như vậy."


Hội đồng Giám mục – Tin Mừng - nhân phẩm, nhân quyền


Trân Văn: Thưa Giám mục, Nếu chúng tôi nhớ không lầm thì Ngài đã từng cho biết, Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ cố gắng thay mặt Hội đồng Giám mục Việt Nam “đối thoại thẳng thắn và cộng tác chân thành” với chính quyền, cũng như các tổ chức xã hội dân sự, như định hướng của Đức Giáo hoàng Benedicto 16.


Theo dõi các diễn biến tại Việt Nam, nhiều người có cảm giác là tại Việt Nam, hình như “đối thoại thẳng thắn” chưa bao giờ được xem như thiện ý “cộng tác chân thành”. Cũng vì vậy, sau khi chính thức ra mắt cộng đồng Công giáo Việt Nam, Ủy ban Công lý và Hòa bình dự định sẽ thực hiện tiêu chí “đối thoại thẳng thắn và cộng tác chân thành” với chính quyền, cũng như các tổ chức xã hội dân sự về những vấn nạn đang ảnh hưởng trực tiếp đến dân trí, dân khí, dân sinh như thế nào?

Giám mục Nguyễn Thái Hợp: "Có thể nói một cách tóm tắt là loan báo Tin Mừng cho xã hội, cho thế giới, cho thời đại mà chúng tôi phải sống và đang sống là nhiệm vụ của tất cả các Ky tô hữu, đặc biệt là nhiệm vụ của tất cả các ủy ban của Hội đồng Giám mục, thế nhưng mỗi ủy ban có một góc cạnh và mang lại một màu sắc khác hơn trong việc thi hành con đường loan báo Tin Mừng đó.


Ủy ban Công lý và Hòa bình đặt nặng vấn đề đối thoại theo chiều kích xã hội, chính trị, kinh tế và đó là con đường mà Đức Giáo hoàng Benedicto 16 đã nêu ra một cách rất đặc biệt cho Giáo hội Việt Nam và cũng là con đường của Vatican II.


Thế nhưng đúng như anh nhận định, đối thoại trong xã hội Việt Nam rất là khó và đối thoại thẳng thắn càng khó hơn. Nhiều người nhận định rằng, có lẽ hiện thời, Nhà nước Việt Nam chưa có thói quen đối thoại thẳng thắn với các tổ chức khác. Hầu như trong quá khứ chỉ thường dùng biện pháp là xin-cho, hay là áp đặt, hay là áp lực nhiều hơn là đối thoại thẳng thắn.


Rồi tại Việt Nam thì xã hội dân sự cũng chưa thành hình, thành thử các tổ chức ngoài Mặt trận, ngoài Nhà nước, ngoài Đảng rất ít và sự hiện diện cũng rất là thầm kín, thầm lặng, hoạt động không năng động. Chính vì vậy, để thực hiện được chủ trương “đối thoại thẳng thắn, cộng tác chân thành” chắc còn phải chờ một tiến trình nữa trong lịch sử nhưng chúng tôi nghĩ rằng, đó là con đường mà Đức Giáo hoàng đã vạch ra và con đường đó cũng phù hợp với vấn đề loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay.


Để thực hiện con đường đó đòi hỏi Hội đồng Giám mục phải nói lên những gì mà Tin Mừng đòi hỏi, cũng phải có những nhận định thẳng thắn về những sự kiện và trường hợp vi phạm nhân phẩm, nhân quyền. Tuy nhiên cũng phải công nhận hay tán thành khi nhà cầm quyền làm những gì ích quốc, lợi dân.


Trong hướng đó thì Giáo hội Công giáo, Hội đồng Giám mục và đặc biệt là Ủy ban Công lý và Hòa bình đang tiếp tục cố gắng thực hiện nhưng có lẽ phải lâu lắm mới thực hiện được chuyện đó.
Trong lễ ra mắt vừa rồi, tôi cũng đã nhìn lại chuyện đó và có một câu hỏi đặt ra để cho các thành viên thảo luận, là làm sao để trở nên người Công giáo tốt và người công dân tốt… thì chưa có câu trả lời nào thỏa đáng cho câu hỏi đó. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đào sâu chuyện đó để làm sao có thể thực hiện được điều mà Đức Giáo hoàng Benedicto 16 đã nêu ra trên phương diện lý thuyết nhưng trong thực tại Việt Nam thì như thế nào (?).


Rất có thể là các ủy ban của Hội đồng Giám mục Việt Nam phải cố gắng hơn nữa để nói lên tiếng nói của Tin Mừng, tiếng nói của lẽ phải để làm chứng cho điều đó. Đồng thời phải cố gắng để sống Tin Mừng nhiều hơn, đó là đòi hỏi đặc biệt cho Ủy ban Công lý và Hòa bình của chúng tôi."


Quý vị vừa nghe phần đầu cuộc trò chuyện giữa Ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự do với Giám mục Nguyễn Thái Hợp, về mục tiêu và đường hướng hoạt động của Ủy ban Công lý và Hòa bình trong bối cảnh xã hội Việt Nam như hiện nay. Sau đó, cuộc trò chuyện của chúng tôi với Giám mục Nguyễn Thái Hợp – Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam, bắt đầu chuyển sang nội dung mà trước nay, vẫn được xem là hết sức tế nhị: Tương quan giữa chính trị và tôn giáo, cũng như tương quan giữa giáo quyền với chính quyền, giữa vai trò giáo dân với tư cách công dân,… Nội dung cuộc trò chuyện về các tương quan này sẽ được giới thiệu trong lần phát thanh tới, mời quý vị đón nghe.

No comments:

Post a Comment