Trong những ngày qua báo chí Việt Nam dồn dập với các sự kiện nóng bỏng trên Biển Đông, nhanh chóng đưa tin về những hành động bức hiếp Việt Nam của Trung Quốc. Báo chí Việt Nam được định hướng điều này đã rõ, nhưng chỉ cần không bị cấm nói thì tự thân các nhà báo cũng phải chạy theo những thông tin nóng đầy tính thời sự, cũng như lương tâm người cầm bút và lòng yêu nước. Đọc báo trên mạng tuần này, chúng tôi ghi nhận các diễn biến liên quan.
Phản ứng suông chưa đủ
Chưa lúc nào trên các trang báo điện tử Việt Nam lại nhiều thông tin về Biển Đông đến thế, dù rằng Trung Quốc đã xâm lấn chủ quyền lãnh hải Việt Nam từ lâu rồi.
Trong tháng 5 đã có nhiều vụ tàu Trung Quốc bắt giữ tàu cá hoặc trấn lột ngư dân Quảng Ngãi. Nhưng vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn hẳn với sự kiện ngày 26/5, ba tàu Hải Giám Trung Quốc phá hoại phương tiện cản trở hoạt động nghiên cứu thăm dò dầu khí của Tàu Bình Minh 2 ở vị trí chỉ cách mũi Đại Lãnh Phú Yên 120 hải lý, khu vực này nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam và không thuộc phạm vi chồng lấn tranh chấp. Trên VietnamNet Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an nhận định:
“Trung Quốc luôn mềm rắn nắn buông, người ta gọi sự kiện Bình Minh 2 là phép thử là vì lẽ như vậy. Có hay không những vụ Bình Minh 02 khác hoàn toàn phụ thuộc vào hành xử của Việt Nam.”
Tướng Lê Văn Cương cho rằng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam có những tuyên bố đúng nhưng chưa đủ. Khẩu hiệu phương châm cho bất kỳ mối quan hệ song phương nào cũng đều có hiệu lực trong thời gian nhất định, hoàn toàn không trường tồn vĩnh viễn. Tướng Cương nhấn mạnh, không ai có quyền được mặc cả độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia mình.Trách nhiệm pháp lý ở cấp Nhà nước phải làm nhiều hơn nữa.
Theo dõi báo chí những ngày này, rõ ràng chưa thấy ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội hay Thủ tướng Việt Nam có tuyên bố gì về hành động ngang ngược của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế. Có chăng chỉ là những tuyên bố quen thuộc của người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nguyên đại sứ Việt nam tại Trung Quốc từ năm 1974 đến năm 1989, nhận định, bản chất của Trung Quốc là nước lớn cậy mạnh, bắt nạt nước nhỏ. Trong khi đó lại vẫn giương cái 16 chữ vàng và 4 tốt để lừa phỉnh những người ngân thơ, nhẹ dạ. Vị tướng từng làm đại sứ 15 năm tại Bắc Kinh nhấn mạnh:
-“Chúng tôi không muốn đối đầu quân sự với Trung Quốc; nhưng chúng tôi có đầy đủ lý lẽ, chứng cứ lịch sử về chủ quyền của chúng tôi ở Biển Đông và các quần đảo tại đó. Đáng lẽ chúng tôi phải đưa những chứng cứ đó ra để đấu tranh với họ, vì họ chẳng có chứng cứ gì đâu. Làm thế thứ nhất để cho thấy họ chẳng có lý lẽ gì, thứ hai để thế giới biết thực chất vấn đề là gì. Ai đúng, ai sai. Tôi cho như thế, nhưng rất tiếc lãnh đạo của chúng tôi không làm như thế. Nếu đưa bằng chứng ra công khai, thế giới sẽ hưởng ứng. Mặt khác theo tôi, chúng tôi phải tăng cường lực lượng hơn nữa để bảo vệ mình, bảo vệ lợi ích của mình.
Đối với vụ việc vừa rồi, nếu như tôi là người nắm quyền, tôi vừa đấu tranh vừa gửi thư tố cáo lên Liên Hiệp Quốc. Lý do vì họ vi phạm luật biển mà Liên Hiệp Quốc ban ra; đồng thời họ vi phạm hải phận chúng tôi và làm việc ‘nước lớn, bắt nạt nước nhỏ’
Báo Lao Động ngày 2/6 đưa lên mạng bài phỏng vấn PGS-TS Luật sư Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế, theo đó Việt Nam nên gửi khiếu nại lên Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng LHQ. Sau đó có thể khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Luật Biển, Tòa án Công lý Quốc tế.
Cùng về vấn đề này Thạc sĩ Hoàng Việt, Giảng viên Đại học Luật TPHCM nhìn nhận là khó tarnh chấp với Trung Quốc ở các tòa án quốc tế vì tòa chỉ thụ lý khi được cả hai bên chấp nhận. Còn khiếu nại lên Hội đồng Bảo an LHQ thì cũng gặp nhiều trở ngại, Trung Quốc là một trong 5 nước thành viên thường trực có quyền phủ quyết ở Hội Đồng Bảo an. Thạc sĩ Hoàng Việt nhấn mạnh:
-“Tuy nhiên ở đây vấn đề quan trọng nhất là gì? Đó là công luận của thế giới. Toàn bộ công luận thế giới và những người yêu chuộng hòa bình, công bằng công lý họ sẽ nhận biết được vấn đề và đấy cũng là một sức mạnh rất lớn.”
Khả năng đụng độ
Thử nghe ý kiến của một học giả nước ngoài đối với tình trạng Biển Đông ngày một căng thẳng hơn. GS Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định với Đài RFA rằng, các nước trong khu vực cần phải cẩn trọng với những hành động tương lai của Trung Quốc bởi các nước ngày một lệ thuộc nhiều hơn vào năng lượng và Biển Đông có trữ lượng lớn về dầu và khí đốt. Do đó có thể dẫn đến những đụng độ và căng thẳng, cho nên các nước cần phải làm việc cùng nhau để tìm ra cách tốt nhất cho mình. GS Carl Thayer nhấn mạnh:
-“Những nước có ít đường biển có thể đòi chủ quyền tới 200 hải lý cho vùng đặc quyền kinh tế của mình. Cả Việt Nam và Philippine đều đã làm như vậy và theo luật quốc tế thì họ có quyền khai thác tài nguyên trong vùng này. Những gì mà Trung Quốc đòi chủ quyền không dựa vào luật pháp quốc tế. Trung quốc không có đường biển với biển Đông nhưng vẫn đòi chủ quyền ở các đảo và thậm chí dựa vào các bãi đá tại đây và đã dẫn đến những căng thẳng, đụng độ bởi những bãi đá đó không được coi là các đảo vì các đảo thì cũng có yếu tố 200 hải lý.”
Trong khi người Việt Nam chưa hết bàng hoàng về sự kiện Bình Minh 02, thì ba ngày sau hôm 31/5 lại có sự kiện 4 tàu cá của ngư dân Phú Yên bị 3 tàu quân sự Trung Quốc bao vây nổ súng AK bắn xuống nước sát các tàu cá để uy hiếp không cho đánh bắt, vụ việc xảy ra gần đảo Đá Đông quần đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa thuộc chủ quyền Việt Nam. Theo VnExpress 4 tàu cá Phú Yên đã phải lùi sâu vào trong tránh sự uy hiếp vì tàu vũ trang của Trung Quốc bám sát cả đêm. VnExpress và các báo đã cho phổ biến một đoạn điện đàm giữa Thuyền trưởng Lê Văn Giúp và Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry, đội phó kiểm soát Đà Rằng thuộc lực lượng Biên Phòng:
“
Nó bắn mấy loạt súng, khi mình bắt đầu buông lưới thả câu, nó lại nó cặp áp sát mạn tàu chĩa súng không cho mình làm
Thuyền trưởng Lê Văn Giúp
Trong diễn biến mới nhất, ngày 2/6 báo Người Lao Động đưa lên mạng thông tin Hội nghề cá Việt Nam đẩy mạnh hỗ trợ ngư dân bám biển và tăng cường bảo vệ an ninh trên Biển. Trả lời Đài Á Châu tối 2/6 ông Nguyễn Tử Cương Ủy viên thường vụ Hội nghề cá Việt Nam cho biết:
-“Sẽ duy trì trở lại chế độ hỗ trợ một phần chênh lệch giá dầu để ngư dân có thể đi biển được. Thứ hai nâng cấp lực lượng bảo vệ nguồn lợi hải sản thành lực lượng kiểm ngư, bên cạnh việc bảo vệ nguồn lợi khai thác đúng, thì lực lượng kiểm ngư còn có nhiệm vụ hỗ trợ và bảo vệ ngư dân trong những lúc người ta gặp khó khăn, thí dụ như thiên tai hoặc có những tàu lạ quấy rối.”
Trong vòng 14 năm cùng với việc phát triển kinh tế thành công vượt bực, Trung Quốc hiện đại hóa quân đội và đến năm ngoái thì khởi sự công khai hóa tham vọng bá quyền coi Biển Đông là ao nhà của mình. Việt Nam ở trong vị thế đầy khó khăn về mọi mặt, không những về tương quan lực lượng mà còn việc ban lãnh đạo Việt Nam vẫn tỏ ra chịu nhiều ảnh hưởng từ Bắc Kinh.
Lòng yêu nước thì nhân dân Việt Nam có thừa nhưng thể hiện bằng hành động thì rất khó, ngay chỉ một cuộc biểu tình trong trật tự để phản đối Bắc Kinh cũng sẽ khó lòng được chính quyền chấp nhận.
No comments:
Post a Comment