Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, June 1, 2011

Ủy ban Công lý và Hòa bình: “vận hội và thách đố”

Vẫn biết “vạn sự khởi đầu nan”. Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Trước những vận hội và thách đố hiện nay, nếu Giáo hội Chúa Kitô ở Việt Nam, đặc biệt là Ủy ban Công lý và Hòa bình chấp nhận trả giá, quyết liệt đi tới cùng con đường đã chọn, thì ắt sẽ thành công.



Ngày 27/5/2011 vừa qua, Ủy ban Công lý và Hòa đã tổ chức buổi tọa đàm về Công lý và Hòa bình, đồng thời, làm lễ ra mắt Ban điều hành Ủy ban Công lý Hòa bình Trung ương, tại Trung tâm Mục vụ Sài Gòn.

Tham dự buổi tọa đàm và lễ ra mắt Ủy ban Công lý và Hòa bình có 262 tham dự viên, trong đó có ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGMVN, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch UBCLHB, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, GM. GP. Lạng Sơn, Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, GM. GP. Cần Thơ, và 59 linh mục, 110 tu sĩ nam nữ của 45 dòng tu và 88 giáo dân và khách mời thuộc Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, Nhóm Văn hoá Đức tin, Nhóm Doanh Trí và 19 đoàn thể khác.
Cũng trong buổi tọa đàm này, Ban Tổ chức đã làm thủ tục ra mắt Ủy Ban Công lý Hòa bình, đồng thời giới thiệu Ban Điều hành Uỷ ban Trung ương: Chủ tịch: Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp; Tổng Thư ký: Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn; Trợ lý Tổng Thư ký: Ông Augustinô Vương Đình Chữ; và 22 linh mục đại diện 22 giáo phận tham dự buổi Toạ đàm và Lễ Ra mắt: Hà Nội, Bắc Ninh, Bùi Chu, Hưng Hoá, Hải Phòng, Phát Diệm, Thanh Hoá, Vinh, Huế, Ban Mê Thuật, Kontum, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM, Mỹ Tho, Bà Rịa, Cần Thơ, Long Xuyên, Vĩnh Long, Xuân Lộc, Phan Thiết.

Không thấy có đại diện của các dòng tu trong Ủy ban Trung ương Công lý và Hòa bình.

Cho tới thời điểm ngày 26/5/2011, mới chỉ có 16/26 giáo phận chính thức thành lập ban mục vụ công lý và hòa bình, gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Bùi Chu, Hải Phòng, Phát Diệm, Thanh Hoá, Vinh, Huế, Ban Mê Thuột, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM, Bà Rịa, Cần Thơ, Long Xuyên, Vĩnh Long.
Cơ cấu tổ chức của Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam gồm 3 cấp chính: UBCLHB Trung ương, Ban CLHB Giáo phận và Ban CLHB Giáo xứ, đi từ Hội đồng Giám mục xuống từng tình nguyện viên (TNV) CLHB Việt Nam. Các tình nguyện viên là tất cả mọi thành phần dân Chúa trong các giáo xứ có ước muốn tham gia dấn thân cho công lý và hòa bình.

Theo thông tin nhận được, chính quyền Việt Nam đã dùng nhiều áp lực để ngăn chặn việc Ủy ban Công lý Hòa Bình tổ chức buổi tọa đàm và lễ ra mắt này, nhưng không đạt được kết quả và các vị hữu trách của Ủy ban đã can đảm khước từ những đòi hỏi bất hợp lý từ phía nhà cầm quyền.

Việc Ủy ban Công lý và Hòa bình chính thức thành lập, vượt qua những rào cản, những đe nẹt, không lùi bước trước những đòi hỏi, những yêu cầu vô lý của nhà cầm quyền, đã là một khởi đầu tốt, tạo tiền đề cho công cuộc dấn thân vì công lý và hòa bình cho đất nước, dân tộc, đem lại những hy vọng cho Giáo hội trong công cuộc đấu tranh cho công lý và hòa bình.
Vấn đề là Ủy ban Công lý và Hòa bình sẽ tận dụng được gì trong thời điểm cả dân tộc Việt Nam đang dần đánh mất niềm tin vào chế độ. Những bức xúc của người dân về sự hèn hạ của lãnh đạo nhà nước trước lân bang, những oan khiên chất chồng trực chờ bùng nổ nơi những dân oan, tình trạng đạo đức xuống cấp, nền giáo dục đồi bại, tình trạng bất công lan tràn…có giúp cho Ủy ban thấy rõ được sự chờ đợi của mọi người dân Việt nơi Giáo hội để dám đưa ra những quyết sách đúng mực, hiệu quả nhằm canh tân đổi mới Giáo hội và đất nước hay không?

Có thể nói rằng, với những buổi thắp nến cầu nguyện gần đây trong Giáo hội cho những nạn nhân của chế độ, đặc biệt các cuộc thắp nến cầu nguyện cho tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn và Luật sư Lê Quốc Quân, cho thấy người giáo dân Việt Nam đã trưởng thành, họ không chỉ khát khao công lý mà còn sẵn sàng dấn thân bảo vệ công lý bằng bất cứ giá nào.

Đây đích thực là một sự hỗ trợ to lớn cho Ủy ban Công lý và Hòa bình, bởi Ủy ban đã có sẵn một nguồn nhân lực dồi dào, gồm nhưng giáo dân đã được “tập dượt” cho mục vụ công lý. Vấn đề là Ủy ban Công lý sẽ làm gì để biến cơ hội này và nguồn nhân lực này trở nên hữu ích cho công cuộc mưu tìm lợi ích cho quốc gia, Giáo hội và Dân tộc?
Nhiều người tham dự buổi lễ ra mắt của Ủy Ban đã hết sức dè dặt khi nhận định về tương lai của Ủy ban. Có người còn khẳng định Ủy ban Công lý: “Cũng chỉ là hữu danh vô thực, không hy vọng gì nhiều”?

Trong thực tế, những biến cố gần đây liên quan tới công lý cho Giáo hội, như vụ việc nhà đất của Dòng Thánh Phaolo tại Hà Nội, khu nhà thờ xứ Bình Triệu đang bị chính quyền san phẳng hay khu nhà đất của Dòng Chúa Cứu Thế tại Đà Lạt; đặc biệt, với việc nhà cầm quyền Hà Nội vừa đưa ra Bản Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 2005, đang là những vấn đề nổi cộm, cần tiếng nói của Ủy ban Công lý và Hòa bình.

Cũng vậy, những hành động ngang ngược gần đây của chính quyền Trung Cộng trong những vấn đề liên quan tới biển đảo đang gây bức xúc trong công luận, hay những vấn đề liên quan tới đất đai của dân oan, an sinh xã hội, giáo dục y tế….chắc hẳn cũng phải là mối bận tâm của Ủy ban Công lý và Hòa bình.

Đây thực sự là những thách đố đòi Ủy ban phải có những hành động dứt khoát nhằm đem lại niềm tin và hy vọng cho cộng đồng tín hữu. Nếu Ủy ban Công lý và Hòa bình, lại chỉ nhìn vấn đề như một vị chức sắc cao cấp của HĐGMVN trong kỳ họp HĐGMVN vừa qua, rằng: “Công lý ở đây là công lý từ trời” thì sẽ dễ làm cho mọi người hiểu rằng họ cũng sẽ chỉ nhận được từ Ủy ban một thứ “Công lý nhìn xuống từ bên trên, từ nơi xa xăm nào đó” và họ sẽ chẳng nhận được gì từ cái Ủy ban to lớn vừa mới được thành lập.

Vẫn biết “vạn sự khởi đầu nan”. Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Trước những vận hội và thách đố hiện nay, nếu Giáo hội Chúa Kitô ở Việt Nam, đặc biệt là Ủy ban Công lý và Hòa bình chấp nhận trả giá, quyết liệt đi tới cùng con đường đã chọn, thì ắt sẽ thành công.

1/6/2011

Thạch Hà

No comments:

Post a Comment