Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, June 2, 2011

Thắp lên một ngọn đèn

BBT Nữ Vuơng Công Lý nhận được bài viết từ Diễn đàn Giáo dân, đề nghị phổ biến bài phỏng vấn Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh.

Bài phỏng vấn này đuợc thực hiện đặc biệt cho nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân. Vì tầm quan trọng và tính thời sự của bài phỏng vấn, Ban Biên Tập nguyệt san quyết định cho phổ biến trước trên các diễn đàn mạng trong và ngoài nước.
Trân trọng



Vì phần lớn tín hữu Công giáo Việt Nam từ xưa đến nay vẫn quen “theo” đạo với lối suy nghĩ rằng chỉ cần làm tròn một số việc về kinh hạt và bí tích là xem như đã “giữ” trọn đạo của mình cách tốt đẹp rồi…Còn mọi sự khác thì không phải việc mình nên hoặc là không cần biết đến, hoặc có biết thì cũng phó mặc cho hàng giáo phẩm và giáo sĩ là những người chuyên trách việc Nhà Chúa để rồi bằng lòng xuôi theo chiều “các ngài” làm sao thì nên như vậy; thậm chí ngay cả những vấn đề thiết thân tới tiền đồ của Giáo hội cũng vẫn bị cái tâm lý này của tín hữu bỏ mặc ngoài vòng ưu tư. Cũng từ thực trạng này mà trong nội tình cơ cấu Giáo hội Việt Nam chúng ta đã có biết bao sự chẳng nên vẫn còn tồn tại và vẫn được làm ngơ rồi lâu dần nên gương mù gương xấu mà có khi còn làm suy bại sức sống thiêng liêng của Giáo hội nữa. Và một trong số những sự cần phải nói nhất là tình trạng lấn cấn, mập mờ bấy lâu nay của các đấng bậc trong việc sử dụng các bản dịch Kinh Thánh, Sách Lễ và Các giờ Kinh Phụng vụ của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ bằng một dấu chỉ cụ thể là việc bản dịch Sách Lễ Rô ma năm 1992 của Nhóm đã sau gần 15 năm được chính thức sử dụng thì đột nhiên bị đem ra sửa lại vào năm 2005 rồi bản sửa này được bắt buộc phải áp dụng liền ngay sau đó…cho dù vấn đề vẫn còn đang trong vòng tranh luận vì có kẻ vâng và cũng có người không phục… Nhưng rồi, nguyên lai chính là ở đâu thì chỉ những người trong cuộc mới rõ… Khối tín hữu thì cho dù chẳng nắm vững vấn đề bao nhiêu cũng phải tập đọc cho quen những câu văn đã được uốn lại dăm ba chỗ mà không cần mất công tìm hiểu. Còn lại là những đầu óc mang nhiều tính loài người ta hơn là theo tính Thiên Chúa nên đã đem cả một lãnh vực lớn trong nhu cầu tâm linh mà khoanh tròn lại trong những cái vòng thế gian như mặc cảm, ganh ghét, bon chen …để rồi vấn đề bị đánh lạc hướng thành đủ dạng tin đồn gây nhiều hoang mang, ngộ nhận…

Vì theo đúng danh nghĩa là một diễn đàn ngôn luận và muốn cho rộng đường dư luận nên khi sự việc vừa xẩy ra thì Diễn Đàn Giáo Dân đã cho đăng một số ý kiến và nhận định của độc giả gửi về.

Vì nhận thức rằng đây không phải là một vấn đề thời sự mà là việc liên hệ đến tiền đồ của Giáo hội Việt Nam nên không thể nói là đã qua khi sự thực của vụ việc vẫn chưa được minh nhiên hóa và các ngộ nhận chưa được giải tỏa. Cho nên hôm nay, Diễn Đàn Giáo Dân chúng tôi tự buộc mình phải làm công việc “muốn tháo chuông phải tìm người cột chuông” nghĩa là đi tìm sự thật nơi chính Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Chúng tôi muốn cùng cộng đồng Dân Chúa Việt Nam trong cũng như ngoài nước thấu triệt thêm nội vụ cũng như biết rõ thêm về công việc của một nhóm “chuyên gia” của Giáo hội Việt Nam trong lãnh vực dịch thuật.

Vì vậy, hôm nay, xin quý vị độc giả xa gần cùng chúng tôi trao đổi trực tiếp với linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, Thường trực Ban Điều Hành Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, cùng với sự đồng thuận của các thành viên tại Trụ sở sinh hoạt của Nhóm ở số 58/1 đường Phạm Ngọc Thạch.

Diễn Đàn Giáo Dân: Thưa cha, trước tiên chúng con xin được nêu rõ mục đích của dịp gặp gỡ này là muốn được Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ cho chúng con cơ hội tìm hiểu sự thật bấy lâu nay chưa được sáng tỏ phần vì Nhóm không lên tiếng, phần vì có quá nhiều luồng dư luận chính thức cũng như không chính thức đưa đến những suy diễn vừa chủ quan vừa cục bộ làm phân hóa nội tình Giáo hội Việt Nam. Thêm vào đó là Diễn Đàn Giáo Dân, trong cái nhìn khách quan cũng đã cho đăng vài ba ý kiến từ độc giả về sự việc này, nên hôm nay chúng con thấy cần và phải tiếp tục đi sâu thêm vào vấn đề để độc giả có thể tùy nghi thẩm định. Hy vọng rằng cha giúp chúng con làm tròn trách nhiệm truyền thông Công giáo của mình.

Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh: Đồng ý. Tôi sẽ làm hết sức để chia sẻ những gì tôi biết hay quan điểm của tôi liên quan đến các vấn đề được nêu.

Diễn Đàn Giáo Dân: Trước hết, Xin cha cho dư luận các nơi chút nhận định về một vài lập luận đã có trước đây cho rằng Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã dịch Kinh Thánh, Sách Lễ và các loại sách tâm linh theo quan điểm Mác xít – Lê nin nít, hay cụ thể hơn là có ý muốn nói rằng Nhóm làm việc theo định hướng chủ đạo của nhà nước hiện nay thôi chứ chúng con cũng hiểu làm gì có cái gọi là dịch theo quan điểm này, quan điểm nọ?

Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh: Dịch sách Thánh theo quan điểm Mác xít – Lê nin nít?

Đằng sau câu hỏi có tính khiêu khích này, tôi đoán ra được một số thắc mắc liên quan đến Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ chúng tôi và cần được làm sáng tỏ.

Trước khi có Nhà Xuất Bản Tôn Giáo vào năm 2000, sách của chúng tôi phải qua Nhà Xuất Bản Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ nội bấy nhiêu thôi cũng làm cho một số anh chị em hải ngoại “phát ghét”, thậm chỉ tẩy chay, không thèm đọc. Nhưng ta hãy bình tĩnh đi. Đâu phải dân miền Nam sau 1975 được hỏi ý kiến khi Sài Gòn bị đổi tên. Chúng tôi đâu có sung sướng vui vẻ gì! Vả lại, chỉ vì một dòng chữ ngoài bìa gây phản cảm mà mình không thèm đọc Lời Chúa, thử hỏi thái độ đó có thích đáng không?

Bây giờ, điều quan trọng hơn: khi làm công việc phiên dịch Kinh Thánh, chúng tôi có chịu áp lực từ phía nhà nước không? Xin thưa : Không hề!

Sau 1975, tất cả mọi ban bệ không phải của nhà nước đều phải tự động giải tán. Anh em chúng tôi chẳng phải là ban bệ gì hết, nên không có gì khiến chính quyền phải quan tâm, mặt khác lúc bấy giờ chính quyền có biết bao nhiêu vấn đề phải giải quyết! Từ tháng 8 năm 1974 chúng tôi đã làm việc thường xuyên tại tu viện Mai Khôi rồi, anh em ở tại chỗ thì không có vấn đề. Còn lại dăm ba người khác, ngày ngày đi làm với những cái xe đạp cọc cạch như bao công nhân viên chức lúc bấy giờ, đâu có gì khiến người khác phải chú ý. Rồi với thời gian, sinh hoạt của chúng tôi trở thành quen thuộc với mọi người chung quanh. Tóm lại, chẳng ai quan tâm đến chúng tôi trong công việc chúng tôi làm để ra lệnh hay gợi ý buộc chúng tôi phải làm thế này hay thế kia.

Còn khi in sách thì sao? Thưa có một lần gặp khó khăn, đó là khi in cuốn Các Giờ Kinh Phụng Vụ lần đầu tiên năm 1990. Nhà Xuất Bản Thành phố Hồ Chí Minh chuyển sách của chúng tôi qua Ban Tôn Giáo Thành phố kiểm duyệt. Ban này dứt khoát không chấp nhận Thánh vịnh 14, câu 1 là “Kẻ ngu si tự nhủ: làm chi có Chúa Trời”. Cha Nguyễn Hồng Giáo được Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình cử làm đại diện, đã phải khá vất vả làm con thoi giữa Toà Tổng Giám Mục với Ban Tôn Giáo Thành phố. Cuối cùng anh em chấp nhận lập luận của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình: “Phải chờ đợi 20 năm để hoàn thành cuốn sách, nay chỉ vì mấy chữ thôi mà không in được thì thật là quá uổng! Phải làm thế nào cứu cuốn sách!” Nghe lời Đức Tổng, anh em chấp nhận sửa 3 chữ như sau: “Có những người tự nhủ: làm chi có Chúa Trời.” Nhưng người cứu vãn tình thế là cha Nguyễn Ngọc Sơn rất có ảnh hưởng tại nhà in. Ngài bảo công nhân cứ việc in theo bản gốc: “Kẻ ngu si tự nhủ : Làm chi có Chúa Trời”, riêng mấy bản nộp cho Ban Tôn Giáo thì in thêm mấy chữ “có những người” dán chồng lên “kẻ ngu si”. Ban Tôn Giáo dư biết mình “chơi gian”, liền nổi giận, nhưng rồi cũng cho qua. Sau này khi sách tái bản thì không ai nhắc gì đến chuyện cũ nữa. Và trong vấn đề in, đó là lần duy nhất chúng tôi gặp khó khăn.

Xin được nói thêm là kể từ khi chúng tôi có căn nhà số 58/1 đường Phạm Ngọc Thạch, sau khi tôi mời Ban Giám Đốc Nhà Xuất Bản Tôn Giáo tham quan nơi chúng tôi làm việc, cho họ xem các bản gốc Híp ri và Hy lạp của cuốn Kinh Thánh, với các bản dịch hay sách tham khảo bằng các thứ tiếng La tinh, Anh, Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha… thì họ hiểu chúng tôi là những người làm việc nghiêm túc và cũng từ đó, có thái độ kính nể và tin tưởng đối với chúng tôi.

Diễn Đàn Giáo Dân: Cũng có nguồn tin nói là Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ giàu lắm, thù lao các thành viên hẳn rất cao, xin cha cho biết các thông tin này xác thực ra sao?

Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh: Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ giàu lắm…

Điều không thể chối cãi là chúng tôi có tài sản: một căn nhà 8m x 16 m gồm tầng trệt và sáu tầng lầu, toạ lạc tại số 1, hẻm 58, đường Phạm Ngọc Thạch (ngày xưa là Duy Tân). Miếng đất vào giữa năm 1998 trị giá 430 cây vàng, lúc đó tương đương 162 700 Mỹ Kim. Chuyện kể ra thì rất dài, nhưng tôi chỉ nói gọn là khi mua miếng đất, chúng tôi không xin ai một đồng xu. Đến khi xây nhà thì phải xin. Tiền xây nhà ngang ngửa tiền đất. 80% đến từ 3 nguồn: Thứ nhất là Trung tâm Truyền Giáo Tỉnh Dòng Phan xi cô ở Saxonia Đức; thứ đến là Missio; cuối cùng là cha Etcharren Bề Trên Tổng Quyền Hội Thừa Sai Pa ri. Ngoài ra chúng tôi còn có 18 mẫu cao su tại Bình Dương. Hoa lợi thu được cộng với 8% tiền bán sách của Liên Hiệp Thánh Kinh Hội, giúp chúng tôi trang trải mọi chi phí cần thiết cho sinh hoạt của Nhóm, vì từ khi xây xong nhà đến nay, chúng tôi phải hoàn toàn tự túc. Mỗi thành viên trong Nhóm đều phải ký vào tờ cam kết: “Nếu vì một lý do nào đó, tôi không tiếp tục sinh hoạt với anh chị em trong Nhóm nữa thì tôi sẽ không đòi hỏi bất cứ một quyền lợi vật chất nào.” Lời cam kết này có nghĩa là tài sản trên đây của chúng tôi mãi mãi sẽ được dùng để phục vụ Giáo Hội.

Cuối cùng là chuyện thù lao. Phần đông làm mỗi tuần 2 ngày. Thù lao mỗi tháng tương đương 100 mỹ Kim, nhưng chỉ lãnh 50 Mỹ Kim, còn lại 50 Mỹ Kim thì sau mỗi 6 tháng mới lãnh : 50 x 6 = 300 Mỹ Kim. Ngoài ra, không hề có bất cứ một khoản bảo hiểm nào. Nhưng suốt bao năm nay chưa có ai đình công đòi tăng lương cả!

Diễn Đàn Giáo Dân: Cũng xin cha cho biết: đã có khi nào Nhóm chính thức lên tiếng đòi Giáo hội Việt Nam trả tiền bản quyền về các bản dịch của Nhóm, mà lại còn đòi quá cao như đã có dư luận xầm xì đây đó. Và nhân đây cũng xin cha cho biết thêm về việc trả tiền tác quyền cho Nhóm như thế nào, nếu người ngoài muốn sử dụng từng phần nào đó trong các bản dịch của Nhóm mà theo như ở các nước Tây phương thì vấn đề tác quyền là một việc hiển nhiên theo tinh thần tôn trọng công bằng thôi.

Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh: Chuyện tác quyền
Ngày 19 12 2001 đức cha Trần Đình Tứ, Chủ tịch Uỷ Ban Phụng Tự của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cùng với cha Kim Long, Tổng Thư ký Uỷ Ban Phụng Tự đến gặp anh chị em Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Trong lần tiếp xúc này, cha Kim Long hơn một lần gạn hỏi: “Nếu Hội Đồng Giám Mục sử dụng bản dịch Kinh Thánh của các anh thì các anh tính bao nhiêu phần trăm? ”Anh em trả lời là cứ để xem các đức cha có muốn sử dụng bản dịch của Nhóm không đã và nếu có thì Nhóm và Uỷ Ban Phụng Tự sẽ trao đổi với nhau, đâu có vội gì. Sự thật chỉ có vậy.

Năm 2005 tình cờ chúng tôi biết được là giáo phận Xuân Lộc in cuốn “Sống Lời Chúa trong Giờ Kinh gia đình” trong đó 50% nội dung là bản văn Kinh Thánh của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Tôi đã biên thư phản đối Nhà Xuất Bản Tôn Giáo nhận tiền xuất bản phí của chúng tôi, nhưng lại không bảo vệ bản quyền của chúng tôi. Chính Nhà Xuất Bản Tôn Giáo đã liên hệ với Toà Giám Mục Xuân Lộc, sau đó Toà Giám Mục Xuân Lộc đã cho người đến xin lỗi và trả tác quyền 8% x 50% x số sách in x giá bán. Một số trường hợp xin phép sử dụng bản văn Kinh Thánh của chúng tôi, thì chúng tôi cũng yêu cầu ghi rõ ở đầu sách: “Các trích đoạn Kinh Thánh lấy từ bản dịch do Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ thực hiện” và trả tác quyền theo thể thức trên đây. Còn trong các trường hợp sử dụng bản dịch nhưng không nhằm mục đích thương mại, thì chúng tôi không đòi hỏi tiền bạc gì hết, chỉ xin ghi xuất xử bản dịch mà thôi.

Diễn Đàn Giáo Dân: Vì công việc chuyển ngữ các tài liệu về Phụng vụ của Giáo hội sang tiếng Việt không phải chỉ là việc làm nhất thời nhưng là một nhu cầu liên tục để đồng tiến với dòng sinh hoạt của Giáo hội. Xin hỏi Nhóm có nhắm việc gầy dựng và đào tạo thế hệ kế thừa hay không?

Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh: Thế hệ kế thừa
Người quan tâm đến vấn đề này nhất là cha Trần Phúc Nhân. Song song với việc cùng với anh chị em làm công việc phiên dịch Kinh Thánh, từ thập niên 80 cha Nhân đã tổ chức nhiều lớp Híp ri và Hy lạp. Hầu hết anh chị em trẻ trong Nhóm đều đã thụ giáo với cha Nhân về hai môn cổ ngữ này. Hiện tại trong số anh chị em trẻ, hoặc đã là thành viên chính thức, hoặc đang ở giai đoạn tìm hiểu, Nhóm có 3 thạc sĩ Thần học Kinh Thánh và 2 tiến sĩ Thần học Kinh Thánh. Còn một thạc sĩ Thần học Kinh Thánh đã trở lại Pa ri để làm luận án tiến sĩ.

Diễn Đàn Giáo Dân: Trường hợp nào đưa đẩy để Nhóm hợp tác với Thánh Kinh Hội và nếu có thể xin cha cho biết hình thức hợp tác như thế nào?

Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh: về tương quan với Liên Hiệp Thánh Kinh Hội (United Bible Societies)

Liên Hiệp Thánh Kinh Hội là một tổ chức của Tin Lành ra đời cách đây hơn 200 năm với mục tiêu phục vụ Lời Chúa, sẵn sàng hỗ trợ các tổ chức cùng theo đuổi mục tiêu này, bất luận là Tin Lành, Chính Thống hay Công Giáo. Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ ra đời năm 1971 và chỉ 3 năm sau là đã có cơ hội liên lạc với Liên Hiệp Thánh Kinh Hội qua khoá hội thảo kéo dài suốt tháng 3 năm 1974 tại Đà Lạt. Cuộc gặp gỡ này đưa đến việc thành lập một tổ phiên dịch Tân Ước chung cho Tin Lành và Công Giáo. Phía Công Giáo được đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình khuyến khích. Nhưng chỉ sau 2 tháng hoạt động, công trình này đã chấm dứt với biến cố 1975. Hậu quả là Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ tiếp tục phiên dịch Kinh Thánh cho riêng phía Công Giáo.

Mãi đến năm 1992, Liên Hiệp Thánh Kinh Hội mới bắt được liên lạc trở lại với Nhóm. Ba đại diện của Liên Hiệp Thánh Kinh Hội đã đến thăm và làm việc với Nhóm, thực chất là để có điều kiện đánh giá bản dịch. Và các đại diện của Liên Hiệp Thánh Kinh Hội đã nhìn nhận đây là một công trình phiên dịch nghiêm túc, đáp ứng các đòi hỏi của Liên Hiệp Thánh Kinh Hội. Từ đó đến nay, mỗi năm Nhóm lên kế hoạch, đề nghị giá bán cho mỗi ấn phẩm dịch thuật. Một khi kế hoạch được chấp thuận thì Nhóm không còn phải bận tâm về chuyện tiền bạc nữa. Sách bán ra, tiền thu vào là của Liên Hiệp Thánh Kinh Hội. Liên Hiệp Thánh Kinh Hội cho Nhóm 15% tiền bán sách. Nhóm nhường lại cho các nhà sách 7%. Còn lại 8% là của Nhóm, khoản tiền này phải tường trình mỗi năm với đầy đủ chứng từ, còn tiền bán sách thì phải tường trình mỗi ba tháng.

Có người tố cáo Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ là “ăn tiền của Tin Lành và làm việc dưới sự chỉ đạo của Tin Lành”. Lời vu khống này không chỉ làm tổn thương uy tín của Nhóm mà còn gây phương hại cho tinh thần đại kết, cho tổ chức của Liên Hiệp Thánh Kinh Hội mà các đại diện không chỉ sành sỏi trong nghề xuất bản, in ấn, nhưng luôn tỏ ra là những người tế nhị, khiêm tốn phục vụ Lời Chúa. Chưa bao giờ Liên Hiệp Thánh Kinh Hội lợi dụng thế mạnh của mình về mặt tài chánh để tìm cách gây ảnh hưởng đối với chúng tôi về mặt chuyên môn.

Tiện đây xin được nói một lời về Nhà Xuất Bản Tôn Giáo được thành lập năm 2000. Tất cả các sách Kinh Thánh và Phụng Vụ đều phải qua Nhà Xuất Bản Tôn Giáo mới có giấy phép để in. Muốn vậy, phải đóng xuất bản phí. Có năm, Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ phải đóng một số tiền tương đương với 25,000 Mỹ Kim. Đó là cái giá phải trả để in sách bao lâu chế độ cộng sản còn tồn tại trên đất nước này. Nhưng ngoài điều kiện này ra, Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ không hề gặp bất cứ khó khăn nào khác. Nhà Xuất Bản Tôn Giáo chưa hề sửa của Nhóm một dấu phẩy. Trong nhiều cuộc họp với các khách hàng, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo đã hơn một lần biểu dương Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ như là tổ chức có ấn phẩm hoàn chỉnh nhất.

Diễn Đàn Giáo Dân: Theo tinh thần Đại kết của Vatican II thì việc hợp tác này có sai tín lý không?

Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh: Liệu có sai tín lý?

Công Đông Va ti ca nô II dạy chúng ta thế này :

– “Khi các Kitô hữu ly khai với chúng ta khẳng định các Sách Thánh có uy quyền của Thiên Chúa, thì họ nghĩ khác với chúng ta – và cũng khác với nhau – về mối liên hệ giữa Kinh Thánh và Giáo Hội. Theo đức tin Công Giáo, trong Giáo Hội, quyền tuyên huấn chân chính có một vị trí đặc biệt trong việc giải thích và rao giảng Lời Thiên Chúa đã được ghi chép.

Tuy nhiên, trong chính việc đối thoại, Lời Chúa là dụng cụ tuyệt hảo trong bàn tay quyền năng của Thiên Chúa để đạt tới sự hợp nhất mà Đấng Cứu Thế tỏ bày cho mọi người” (Sắc lệnh về Đại Kết, số 21).

– “Nếu theo hoàn cảnh thuận tiện và được giáo quyền ưng thuận, các bản dịch Kinh Thánh được chung sức thực hiện với các anh em ly khai thì mọi Kitô hữu có thể dùng” (Hiến chế về Mặc Khải, số 22).

Dựa theo những lời giáo huấn trên đây của Công Đồng, việc Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ hợp tác với Liên Hiệp Thánh Kinh Hội như đã trình bày trên đây chắc chắn chẳng có gì “sai tín lý” cả. Xin được nói thêm là Liên Hiệp Thánh Kinh Hội làm việc chặt chẽ với Liên Hiệp Kinh Thánh Công Giáo (Catholic Biblical Federation), một tổ chức thoát thai từ Hiến Chế về Mặc Khải, và Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ cũng là một thành viên liên kết của Liên Hiệp Kinh Thánh Công Giáo từ năm 1995.

Diễn Đàn Giáo Dân: Trong tinh thần tôn trọng sự thật để giải gỡ những khúc mắc tâm linh và chúng con nghĩ cũng đã đến lúc chúng ta không nên quá câu nệ để cho sự thật bị xuyên tạc nên mong cha cho biết nguyên nhân nào mà đức cha Nguyễn Văn Hòa lại nói “Đừng để nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ khống chế Ủy ban Phụng tự” và hoàn cảnh nào dẫn tới việc phải đem bản dịch Nghi Thức Thánh Lễ 1992 ra mổ xẻ lại?

Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh: về câu nói “Đừng để Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ khống chế Uỷ Ban Phụng Tự”

Đó là lời đức cha Nguyễn Văn Hoà, giám mục giáo phận Nha Trang, đã nói qua trung gian vị đại diện của ngài là cha Phan Thiện Ân, một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, tại cuộc họp của Uỷ Ban Phụng Tự do đức cha Phạm Minh Mẫn làm Chủ tịch, cuộc họp này diễn ra hồi tháng 5 năm 1999. Nếu hỏi nguyên nhân nào đã khiến đức cha Hoà nói câu đó, thì tôi không thể trả lời thay cho ngài. Nhưng tôi có thể trình bày sự kiện.

Khi đức cha Nguyễn Sơn Lâm tái lập Uỷ Ban Phụng Tự năm 1987, Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã được giới Công Giáo biết đến. Nhóm đã có một công trình khá đồ sộ sau 16 năm làm việc liên tục, được đức cha đánh giá cao, nên ngài mới đến mời Nhóm tham gia vào công việc của Uỷ Ban. Và ngay từ đầu, đức cha đã nghĩ đến chuyện “quân bình lực lượng” nên mới đề nghị Nhóm đề cử 5 thành viên, sau thêm 2 là 7. Phía ngài đích thân mời 7 người khác, đa số là giáo sư đại chủng viện thánh Giu se Sài Gòn và ngài bổ nhiệm cha Trần Đình Tứ làm Tổng Thư ký. Trong số các thành viên do đức cha mời, sau một thời gian làm việc, người thì qua đời như cha Nguyễn Ngọc Triêu, người thì tự ý rút lui như cha Trịnh Hưng Kỷ… hậu quả là các thành viên của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ chiếm đa số. Đã vậy, các thành viên của Nhóm là những người làm việc thường xuyên nhất, trung kiên nhất và vì đã làm việc chung với nhau lâu năm, có chung các nguyên tắc cũng như phương pháp làm việc, nên có ảnh hưởng lớn. Đây hẳn là lý do khiến những người khác có cảm tưởng mình bị “khống chế”. Sau khi nghe lời đức cha Hoà do cha Phan Thiện Ân chuyển lại, tôi hiểu đã đến lúc sự hiện diện của mình trong Uỷ Ban Phụng Tự không thích hợp nữa, tôi đã rút lui. Ngay sau đó, bốn cha khác cũng rút lui theo, đó là các cha Đỗ Xuân Quế, Nguyễn Hữu Phú, Nguyễn Ngọc Rao, và Trần Ngọc Thao. Đến năm 2003 thì 2 người nữa cũng rút lui, là các cha Trần Phúc Nhân và Trần Hoà Hưng. Thành viên duy nhất của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ ở lại trong Uỷ Ban Phụng Tự cho đến giờ này là cha Trịnh Văn Thậm.

Nay xin nói đến cuốn Sách Lễ Rô ma 1992. Đầu thập niên 1981, Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã ấn hành dưới dạng ronéo vì hoàn cảnh lúc bấy giờ chỉ làm được tới mức đó. Bản dịch Sách Lễ Rô ma không những gồm các bài đọc, nhưng còn cả các lời nguyện cũng như các ca nhập lễ và hiệp lễ, kể cả Nghi Thức Thánh Lễ kèm theo tài liệu giải thích hết sức công phu gồm gần 40 trang A4 do cha Trần Phúc Nhân biên soạn. Và như đã nói ở trên, vì anh em chúng tôi chiếm đa số trong Uỷ Ban Phụng Tự nên ảnh hưởng của chúng tôi đối với Sách Lễ Rô ma 1992 là chuyện chẳng có gì khó hiểu. Và một khi chúng tôi rút khỏi Uỷ Ban Phụng Tự thì ảnh hưởng của chúng tôi trong Uỷ Ban cũng chấm dứt. Cần nói thêm là cuốn sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ cũng như cuốn Sách Lễ Rô ma 1992 tuy đã được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chấp thuận, nhưng lại chưa gửi qua Toà Thánh để xác nhận việc chấp thuận này và vì lẽ đó, về mặt pháp lý, hai cuốn sách nói trên chưa phải là chính thức 100%. Vào thời điểm năm 1992 này, tại hầu hết khắp nơi trên thế giới, các bản văn phụng vụ đã được thực hiện từ lâu rồi, mọi sự đã đi vào nền nếp.

Đùng một cái, ngày 28-03-2001 Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật bí tích ban hành Huấn thị số 5 chủ yếu về vấn đề ngôn ngữ trong việc phiên dịch các sách Phụng Vụ. Sau Hiến Chế về Phụng Vụ của Công Đồng Va-ti-ca-nô II thì Huấn thị đầu tiên về việc phiên dịch các sách Phụng Vụ được Thánh Bộ Phụng Tự ban hành năm 1969. Đây là kim chỉ nam cho các bản dịch phụng vụ tiếp theo sau đó, đã được thực hiện tại hầu hết các nước trước Huấn thị số 5 năm 2001. Và nếu so sánh 2 văn kiện thì Huấn thị 2001 có đường lối cứng rắn, với những nguyên tắc khắt khe. Tuy nhiên, theo nhận xét của cha Đỗ Xuân Quế trong bài “Sửa đổi và dịch lại”, thì “Huấn thị (số 5) đòi phải dịch đúng, dịch sát, nhưng cũng mở ra những cửa ngỏ cho bản dịch đúng với nguyên văn, lại thích hợp với đặc tính và nét độc đáo của từng ngôn ngữ và nhấn mạnh đến việc sửa đổi sao cho hay hơn, đúng hơn, khi thấy có những sai sót lầm lẫn trong bản dịch cũ” (“Đến mà nghe tôi kể”, tr. 322-323). Chỉ xin đưa ra một ví dụ : trong Sách Lễ Rô-ma 1992, trong tất cả các kinh Tạ Ơn, chúng ta thưa với Thiên Chúa là “Cha”, dù cho trong bản La ngữ là “Pater”, “Deus” hay “Domine”. Đây là cách để giải quyết một khúc mắc trong ngôn ngữ Việt Nam, đó là cách sử dụng đại từ. Trong Sách Lễ Rô-ma 1992, trong các Kinh Tạ Ơn, chữ Cha là danh từ, nhưng cũng được dùng như đại từ ở ngôi thứ 2. Thay vì giải trình cho Thánh Bộ Phụng Tự về nét đặc trưng và cũng là một trong những cái khó của tiếng Việt, đó là cách sử dụng đại từ, thì những người đã thực hiện bản dịch Nghi Thức Thánh Lễ 2005 đã áp dụng một cách máy móc điều 51 của Huấn thị số 5, và hậu quả là tình trạng lộn xộn trong cách xưng hô với Thiên Chúa như ta thấy trong các kinh Tạ Ơn (hay “Kinh Nguyện Thánh Thể”) : Trong một đoạn văn không dài lắm, lúc thì “lạy Cha”, khi thì “lạy Chúa” rồi chỉ một lát sau lại “lạy Cha” v.v… ví dụ như trong Kinh Nguyện Thánh Thể số 4. Ngoài các Kinh Tạ Ơn thì Sách Lễ Rô-ma 1992 vẫn dịch Deus hay Domine là Lạy Chúa. Đọc bản dịch Nghi Thức Thánh Lễ 2005, ta dễ dàng nhận ra rằng những người thực hiện bản dịch đó đã không nhằm lấy Sách Lễ Rô-ma 1992 để sửa đổi sao cho hay hơn, đúng hơn, nhưng là làm một bản dịch mới. Và kết quả thế nào thì ai cũng đã rõ.

Diễn Đàn Giáo Dân: Và xin có một thắc mắc quan trọng là cha cũng như các thành viên của Nhóm có cảm nghĩ như thế nào về thái độ không rõ ràng của Hội đồng Giám mục đối với Nhóm, một thái độ mà nếu nói theo tình huynh đệ trong Đức Ki tô thì người ta có thể nghĩ như là ruồng rẫy anh em; còn nếu nói theo thuật lãnh đạo thì là vì muốn bảo vệ quyền lợi chi đó cho phe phái mình mà không dám trọng dụng hiền tài, không sử dụng đúng mức nguồn năng lực của Chúa ban nhưng không cho Giáo hội.

Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh: Thái độ của các giám mục

Phải thú thật là có những lúc chúng tôi không hiểu được thái độ của các giám mục đối với chúng tôi. Tỷ dụ như khi gửi cuốn “Lời Chúa cho mọi người: Kinh Thánh” để xin Imprimatur, thì đức cha Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin phê là “cuốn sách không có gì nguy hại”, đến nỗi cô Phó Giám Đốc Công Ty In gọi điện thoại hỏi tôi : “Các giám mục mà đánh giá cuốn Kinh Thánh chỉ là ‘không có gì nguy hại’ thôi sao?” Cũng trong cuốn sách nói trên, đức cha Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thì phê: “cho phép in Imprimatur cuốn Kinh Thánh này để phục vụ lợi ích thiêng liêng của Dân Chúa và sử dụng ngoài cuộc cử hành phụng vụ”. Nói rõ ra là cấm không được sử dụng trong các cuộc cử hành phụng vụ. Vấn đề là 50 năm sau khi hàng giáo phẩm được thành lập, và 48 năm sau khi Công Đồng kết thúc, Giáo Hội Việt Nam cho đến giờ này, vẫn chưa có được một bản dịch chính thức các phần Kinh Thánh dùng trong phụng vụ, thế thì việc cấm đoán trên đây có ý nghĩa gì nếu không phải là một sự kèn cựa? Xin được hỏi thái độ đó có thích đáng cho những bậc cha mẹ đối với con cái hay không?

Nếu đặt câu hỏi : Các thành viên Nhóm Phiên Dịch nghĩ gì về thái độ của phần đông các giám mục đối với Nhóm, thiết tưởng câu hỏi này phải được dành cho công luận và Diễn Đàn Giáo Dân là nơi thích đáng để làm việc đó.

Diễn Đàn Giáo Dân: Đúng như tên gọi, công việc của Nhóm là chuyển dịch Kinh Thánh và các sách Phụng vụ cho Dân Chúa Việt Nam; đồng thời hầu hết các thành viên kỳ cựu của Nhóm đều là những nhân sự có uy tín của Giáo hội và là những thành phần giáo sĩ, tu sĩ chững chạc trong Giáo hội; cho nên theo thiển ý của chúng con thì tình trạng Nhóm sinh hoạt độc lập hoặc có trực thuộc ủy ban này, tổ chức nọ của Hội đồng Giám mục Việt Nam hay không cũng đâu phải là điều cần thiết hay quan trọng gì khi mà việc dịch thuật là lãnh vực quá chuyên biệt về chuyên môn thì thực tế càng bớt lệ thuộc ban bệ rườm rà càng dễ làm việc thôi. Vấn đề chính là giá trị của những công trình dịch thuật này có ảnh hưởng và hữu dụng ra sao trong nhận thức của quảng đại Dân Chúa.Vậy tại sao người ta vẫn muốn khai thác cái tình trạng làm việc độc lập của Nhóm hiện nay như một thái độ bất hợp tác? Trong khi đáng lẽ ra Hội đồng Giám mục còn phải tạo thêm điều kiện cho Nhóm được đứng riêng ra mà làm việc để đạt hiệu năng cao mới phải chứ. Cha nghĩ sao?

Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh:Thế đứng của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ

Làm công việc phiên dịch các bản văn Phụng Vụ hay Kinh Thánh, hiển nhiên chúng tôi phục vụ nhu cầu tinh thần của Hội Thánh Việt Nam. Để bảo đảm các bản dịch của chúng tôi không có gì sai trái về mặt tín lý, trước khi in sách, chúng tôi phải xin phép giáo quyền. Ngoài ra, chúng tôi là một tổ chức độc lập. Nhóm chúng tôi tồn tại đến giờ này là nhờ xác tín và cố gắng của mỗi thành viên. Vì hầu hết anh chị em chúng tôi là tu sĩ, nên để được tham gia vào sinh hoạt của Nhóm, mỗi người phải được bề trên của mình chấp thuận. Ngoài ra, mọi sinh hoạt của Nhóm đều là quyền và bổn phận của mỗi thành viên. Thế độc lập của chúng tôi gây ra cho chúng tôi không ít khó khăn, đó là chuyện không thể tránh. Nhưng đổi lại, chính vị thế độc lập của chúng tôi giúp chúng tôi đạt được những kết quả không ai có thể phủ nhận. Một khi đã “xem quả” và “biết cây” thì theo lẽ công bằng, chúng tôi phải được đánh giá dựa trên những gì chúng tôi đạt được suốt 40 năm nay. Còn chuyện thương hay ghét là quyền của mỗi người và chúng tôi cũng chẳng quan tâm lắm.

Còn các giám mục đánh giá công việc của chúng tôi ra sao, câu đó xin nhường lại cho các ngài trả lời.

Diễn Đàn Giáo Dân: Xin đa tạ sự thông cảm của cha và của toàn thể quý vị trong Nhóm đã rất nhiệt tình dành cho Diễn Đàn Giáo Dân buổi trao đổi này để tín hữu chúng con có thêm được những hiểu biết từ một phía nào đó của Giáo hội Quê hương.

Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh:

Thay mặt anh chị em Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, tôi chân thành cám ơn các anh chị trong Diễn Đàn Giáo Dân đã quan tâm đến thân phận của chúng tôi, để có cơ hội bộc bạch với mọi người những chuyện vui buồn trên đây, với hy vọng có thêm sự thông cảm của mọi người để chúng tôi có sức vượt lên trên mọi khó khăn thử thách nhằm phục vụ lợi ích thiêng liêng của Hội Thánh trên đất nước thân yêu, đặc biệt trong những công việc chúng tôi đã và đang thực hiện.

Phần bổ túc của người thực hiện: sau khi có sự thay thế bản dịch Sách Lễ Rô ma 1992 bằng Nghi thức Thánh lễ 2005 thì chúng tôi đã ghi nhận đuợc một số dư luận đó đây đồn thổi theo cách này cách nọ, cho nên trong tinh thần tôn trọng sự thật để gạn đục khơi trong, chúng tôi đã cố gắng tìm đến với Nhóm yêu cầu được giải thích tường tận một số những thắc mắc như trên trong hai buổi gặp gỡ ngày 15 và 16 5 2011. Sau đó chúng tôi lại được biết thêm là đức cha Chủ tịch Uỷ Ban Kinh Thánh đã đến gặp Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ nên chúng tôi trở lại xin được trao đổi thêm về buổi gặp gỡ rất đặc biệt này. Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh đã cho biết như sau:

Trao đổi với đức cha Chủ tịch Uỷ Ban Kinh Thánh ngày 18 05 2011

Ngày 18 05 2011, đức cha Võ Đức Minh, Chủ tịch, cùng với cha Vũ Phan Long, Tổng Thư ký Uỷ Ban Kinh Thánh đến trụ sở của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ gặp anh chị em. Cuộc trao đổi diễn ra từ 8g30 đến 11 giờ. Chân thành, nhưng thẳng thắn. Đức cha bày tỏ lòng trân trọng đối với công trình phiên dịch của Nhóm, và cho biết là đã không bỏ lỡ cơ hội để bày tỏ lòng trân trọng của mình. Từ đó đức cha ngỏ ý muốn bản dịch Kinh Thánh của Nhóm, nhờ uy tín của Hội Đồng Giám Mục, được phổ biến rộng rãi đến mọi thành phần Dân Chúa. Nhóm luôn xác tín rằng những thành quả đạt được 40 năm qua một phần nhờ ở vị thế độc lập của mình, nên tiếp tục bảo vệ tính độc lập đó. Đồng thời, theo đề nghị của đức cha Chủ tịch, Nhóm sẵn sàng làm việc với Uỷ Ban Kinh Thánh để đi đến những việc làm cụ thể tiếp theo sau cuộc gặp gỡ hôm nay. Trước khi cuộc họp kết thúc, mọi người nhất trí đề nghị Cha Tổng Thư Ký Uỷ Ban Kinh Thánh ghi lại nội dung cuộc họp, sau đó sẽ chuyển qua cho Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ xác nhận. Từ nội dung này, hai bên sẽ cùng nhau tính đến các bước tiếp theo.

Lời cuối cùng

Xin được nói lời cuối cùng là chúng tôi đang chuẩn bị cho trang web của Nhóm, hy vọng sẽ ra mắt trước cuối năm nay. Những ai quan tâm đến các ấn bản dịch thuật cũng như sinh hoạt của chúng tôi sẽ có thể vào đó tìm thông tin. Ngoài ra, nhân dịp kỷ niệm 40 năm hiện diện của Nhóm, chúng tôi cũng sẽ thực hiện tập Kỷ yếu, hy vọng in xong trước ngày 1 tháng 11 năm 2011 này.

Sài Gòn, ngày 20 05 2011

Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm

No comments:

Post a Comment