Trong bài trước, quý vị đã nghe phần đầu cuộc trò chuyện giữa RFA với Giám mục Nguyễn Thái Hợp, về mục tiêu và đường hướng hoạt động của UBCLHB trong bối cảnh xã hội Việt Nam như hiện nay.Tiếp theo là cuộc trò chuyện giữa Trân Văn với Giám mục Nguyễn Thái Hợp – Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam về các tương quan vẫn được xem là hết sức tế nhị giữa chính trị và tôn giáo, giáo quyền với chính quyền, giữa vai trò giáo dân với tư cách công dân,…
Gioan Phaolô II, Nguyễn Văn Thuận: những tấm gương và những con đường
Trân Văn: Thưa Giám mục, Giáo hội Công giáo đã chính thức mở hồ sơ xem xét việc phong Chân phước cho Hồng y Nguyễn Văn Thuận – người bị chính quyền Việt Nam giam giữ vô cớ trong 13 năm và sau khi ra nước ngoài chữa bệnh đã bị cấm trở về. Tuy bị chính quyền Việt Nam ngược đãi song chưa bao giờ Hồng y Nguyễn Văn Thuận tỏ ra thù ghét họ và đó là một trong những lý do khiến ông được nhiều người tôn kính.
Ngoài Hồng y Nguyễn Văn Thuận, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II – một trong bốn nhân vật được xem là có ảnh hưởng lớn nhất ở thế kỷ 20 – đã được tôn vinh là Chân phước. Trong quá khứ, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II là người luôn lên án các hành vi xâm hại nhân quyền cũng như đàn áp về chính trị và đó là một trong những lý do khiến Ngài được nhiều người yêu quý.
Thưa Giám mục, Ngài nghĩ thế nào về hai trường hợp này? Tuy tôn giáo không nên can dự vào chính trị nhưng chính trị luôn tác động trực tiếp đến xã hội và con người. Theo Ngài, Hội đồng Giám mục Việt Nam nên làm thế nào để có thể dung hòa tương quan này cho vừa đúng, vừa đủ và thực sự luôn vì con người, bất kể tín ngưỡng?
Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Theo nguyên tắc, khi mà Giáo hội tuyên xưng một vị nào là Chân phước hay là Hiển thánh thì Giáo hội muốn nêu lên một tấm gương để tất cả các Ky tô hữu coi đó mà đi theo, nhìn tấm gương đó mà hành động cho phù hợp với hoàn cảnh thời đại, cũng như là môi trường văn hóa và địa dư của mỗi người.
Chính vì vậy, khi mà Giáo hội phong Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II là Chân phước, cũng như đang trong tiến trình để phong Chân phước cho Hồng y Nguyễn Văn Thuận thì Giáo hội muốn giới thiệu cho tất cả các Ky tô hữu hai tấm gương khác để sống Tin Mừng trong xã hội hôm nay.
Đặc biệt đối với người Việt Nam chúng tôi cũng như những nước đã sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa thì hai tấm gương này trở nên một mô hình đặc biệt. Vừa gần gũi, vừa thân thiết với những người Công giáo trong môi trường và bối cảnh đó. Chính vì vậy, đối với cá nhân tôi, tôi xem đây là những nhân vật, những tấm gương mà có lẽ sẽ giúp chúng tôi tìm ra những đường lối sống, những hành vi xử thế, những đường lối mục vụ phù hợp với hoàn cảnh đặc biệt mà chúng tôi đang phải sống. Chúng tôi cũng ước mong rằng các Ngài sẽ giúp đỡ chúng tôi luôn luôn đi theo con đường đó.
Và từ đó thì đối với Hội đồng Giám mục và đặc biệt đối với Ủy ban Công lý và Hòa bình thì chúng tôi thấy đó là con đường mà chúng tôi phải đi. Mặc dù Tin Mừng không đồng hóa với bất cứ một nền văn hóa, cơ chế chính trị hay hệ thống kinh tế nào nhưng Đức giêsu đòi hỏi người Ky tô hữu của Ngài phải rao giảng và sống Tin Mừng trong tất cả các nền văn hóa, tất cả các chế độ chính trị và tất cả các hệ thống kinh tế.
Làm sao làm được điều đó? Làm sao trở nên muối ướp cho đời và trở nên men hòa trộn trong những đống bột rất khó khăn và rất khắc nghiệt đó? Không dễ mà đưa ra câu trả lời và đó là những băn khoăn cho chúng tôi. Làm sao dung hòa được cả hai điều đó? Nhưng đó là lý tưởng và luôn luôn là đòi hỏi của tất cả các Ky tô hữu, đặc biệt của Hội đồng Giám mục.
Tôi chắc rằng, Hội đồng Giám mục cũng đang cố gắng để làm sao thể hiện được điều Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận cũng như Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã sống và đã thực hiện.
Công lý không dễ tiếp cận Hòa bình
Trân Văn: Thưa Giám mục, với tiêu chí như Ngài đã giới thiệu thì việc ra đời của Ủy ban Công lý và Hòa bình có gặp trở ngại nào từ phía chính quyền không?
Tại sao Hội đồng Giám mục Việt Nam loan báo về việc thành lập Ủy ban Công lý và Hòa bình từ cuối tháng 10 năm ngoái nhưng mãi tới cuối tháng 5 vừa qua thì Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam mới tổ chức ra mắt?
Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Đúng như anh nói, tôi được đề cử vào cuối tháng 10 nhưng phải chờ đến tháng 5 vừa rồi mới có lễ ra mắt vì sau tháng 10 là những tháng lũ lụt của miền Trung, thành ra suốt thời gian đó, chúng tôi phải đầu tư để giúp người dân – người Công giáo cũng như người không Công giáo - trong cảnh lũ lụt.
Nhờ sự giúp đỡ của rất nhiều tổ chức và tư nhân, của những nhà hảo tâm, chúng tôi đã vượt qua được một số tai họa của lũ lụt, bằng cách di dời một số làng và làm được những nhà vượt lũ cho một số nơi khác. Phải đợi đến tháng 5 vừa rồi mới có điều kiện thời gian để làm lễ ra mắt.
Cũng như anh vừa hỏi thì lễ ra mắt của Ủy ban Công lý và Hòa bình gặp rất nhiều khó khăn, rất nhiều áp lực. Tưởng chừng như không thể tổ chức được vì nhiều sức ép đến từ nhiều nơi. Có lẽ nhiều sức ép lên những cộng tác viên của chúng tôi thì đúng hơn - lên những người trong khâu tổ chức ở địa phương. Còn riêng bản thân tôi thì đối thoại với một số quan chức…
Nhưng mà cuối cùng, nhờ ơn Trên, Ủy ban đã ra mắt vào ngày 27 vừa qua, mặc dù cho đến chiều 26 vẫn còn những áp lực và những đề nghị là xin dời cuộc họp. Hay là đề nghị nên gạch tên một số người ở trong Ban Thuyết trình, vân vân…
Khi mà trả lời với một số vị, tôi cũng có nói là có lẽ, đây là lần đầu tiên có một ủy ban của Hội đồng Giám mục ra mắt và đưa ra đường hướng như vậy. Xã hội Việt Nam có lẽ không quen nhưng mà đến lúc, những người Việt Nam, dù ở trong lĩnh vực Nhà nước hay là lĩnh vực dân sự cũng phải quen dần với cách làm việc mới. Trong đó người dân cần có khoảng trống để suy nghĩ và người dân cũng có quyền để tổ chức, để phát biểu, để nói lên ý kiến của mình.
Và tôi cũng có nói lại với một số người, tôi nhớ vào năm 2009, khi chúng tôi tổ chức cuộc tọa đàm về “Biển Đông và hải đảo Việt Nam” – lúc đó, tình hình trong nước rất là nhạy cảm về vấn đề biển Đông – và chúng tôi cũng gặp rất nhiều áp lực, tưởng chừng như không thể tổ chức được nhưng cuối cùng, nhờ ơn Trên, chúng tôi vẫn tổ chức được.
Trong buổi đó thì một Đài nước ngoài có hỏi tôi về những con tàu xâm chiếm rồi đánh phá các thuyền của Việt Nam. Tôi nhớ, tôi có nói một câu khôi hài là, câu hỏi đó, đáng lẽ phải đặt ra cho Bộ đội Biên phòng hay là cơ quan của Nhà nước. Tôi là một người thường thì cũng chỉ thấy thông tin trên mạng, về những vụ mà tàu lạ đến đánh đuổi và cưỡng chế các tàu thuyền của Việt Nam. Tuy nhiên chúng tôi biết rằng và dân chúng cũng nghĩ rằng, dù là “tàu” lạ hay “tàu” quen, “tàu” to hay “tàu” nhỏ, “tàu” mới hay “tàu” cũ cũng đều là “tàu” cả... nhiều người đã cười trước câu trả lời đó. Thế nhưng hôm nay, qua những biến cố vừa rồi thì người ta biết, “tàu” đó là “tàu” nào. Hôm nay, mọi người đã nói rõ đó là tàu của Trung Quốc.
Sau đó, kỷ yếu hội thảo biển Đông của chúng tôi được một cơ quan khác của Nhà nước đồng ý cho xuất bản và cũng tài trợ để xuất bản, chúng tôi cũng vừa hoàn thành bản dịch bằng tiếng Anh để xuất bản cuốn đó.
Đó là tọa đàm đầu tiên của một tổ chức dân sự nói về biển Đông và hải đảo Việt Nam, để nói lên chủ quyền của Việt Nam, để nói lên tương lai của Việt Nam nằm ở con đường ra biển và không chấp nhận điều gọi là “đường lưỡi bò”.
Nếu chấp nhận “đường lưỡi bò” thì trong tương lai, Việt Nam sẽ không còn lối ra biển nữa. Tham vọng đó chúng tôi không chấp nhận được. Lịch sử, những sử liệu còn lại không cho phép chúng ta chấp nhận chuyện đó.
Trong tương lai, chắc chắn là Ủy ban Công lý và Hòa bình chúng tôi cũng sẽ cộng tác với một số tổ chức, để tổ chức một cuộc tọa đàm về hồ sơ pháp lý về biển Đông. Đó cũng là một trong những hoạt động mà chúng tôi sẽ làm với một số tổ chức khác, để nghĩ về nhân phẩm, nhân quyền, để nghĩ về độc lập và tự do, để nghĩ về vấn đề của Việt Nam hôm nay và trong tương lai.
No comments:
Post a Comment