Hôm qua, chính phủ Nam Triều Tiên thú nhận đã mở các cuộc thảo luận bí mật với Bắc Triều Tiên trong tháng trước. Tổng thống Nam Triều Tiên đang bị chỉ trích từ mọi giới chính trị trong nước về các cuộc đàm phán do Bình Nhưỡng tiết lộ này. Từ Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.
Chính quyền của Tổng thống Lee Myung-bak lâm vào thế bị nghi ngờ giữa những lời chỉ trích trong nước về các cuộc tiếp xúc bí mật với Bắc Triều Tiên.
Hai nước Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao và trước công chúng, ông Lee đã có một thái độ cứng rắn đối với Bình Nhưỡng.
Hôm qua, Bắc Triều Tiên tuyên bố 3 giới chức Nam Triều Tiên đã “cầu khẩn” xin mở một cuộc họp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo của hai nước và đề nghị những khoản tiền hối lộ tại các cuộc họp bí mật ở Bắc Kinh trong tháng trước.
Hôm nay, bộ trưởng Bộ Thống nhất Hyun In-taek xác nhận với các nhà lập pháp rằng cuộc gặp gỡ bí mật này quả thực đã diễn ra.
Ông Hyun nói Nam Triều Tiên đã không có mưu toan sắp xếp cuộc họp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo. Thật ra các cuộc đàm phán bí mật có mục đích làm áp lực để Bắc Triều Tiên phải xin lỗi về các hành động khiêu khích quân sự hồi năm ngoái, mà Seoul nhấn mạnh là một mào đầu cho việc cải thiện mối quan hệ băng giá.
Ông Marcus Noland là một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson và Trung tâm Đông Tây ở Hoa Kỳ. Ông nói ông tán thành cuộc đối thoại theo dự định của Tổng thống Lee.
Ông Noland nói: “Thực ra vấn đề không phải là phía Nam Triều Tiên nói chuyện với Bắc Triều Tiên –y như phía Trung Quốc và Mỹ – mà là phía Bắc Triều Tiên muốn công khai hạ nhục ông (Lee) giống y như họ đã làm với một phái đoàn trước đây gồm các chính khách quốc tế tìm cách tiếp xúc và mở ra vài cánh cửa.”
Ông Noland phỏng đoán rằng có một trục trặc nào đó ở Bình Nhưỡng khiến Bắc Triều Tiên ngăn chặn việc tiếp xúc như thế liên lạc vào lúc này.
Ông Noland nói: “Tôi nghĩ có nhiều phần chắc là chính sự nội bộ của họ đang đi theo một chiều hướng quân sự rất cứng rắn.”
Việc Bình Nhưỡng tiết lộ các cuộc đàm phán bí mật xảy ra sau những công bố của Bắc Triều Tiên là họ cắt đứt mọi liên lạc với Seoul.
Một số chuyên gia phân tích tình báo cho rằng sự kiện này báo hiệu một giai đoạn mới và nguy hiểm cho quan hệ liên Triều. Các nhà phân tích nói các phát biểu mới đây của miền Bắc có thể có nghĩa là họ sẵn sàng tiến hành một biện pháp quân sự nào đó để đáp lại bất kỳ hành động nào được coi là khiêu khích của miền Nam.
Ông Noland, một nhà kinh tế học theo dõi sát Bắc Triều Tiên, cũng đồng ý với tình huống đó.
Ông Noland nói tiếp: “Tôi nghĩ rằng khả năng xảy ra các hành động khiêu khích trong năm tới là khá cao. Phía Bắc Triều Tiên ở trong một tình thế khó khăn. Kinh tế của họ bết bát. Tôi cho rằng có nhiều phần chắc nhất là họ yêu cầu viện trợ lương thực bầy giờ bởi vì họ sắp sửa có một hành động khiêu khích nào đó và tính trước là mọi chuyện sẽ căng hơn.”
Một phái đoàn của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã đến Bắc Triều Tiên để đánh giá xem liệu Washington có nên tiếp tục viện trợ lương thực cho đất nước nghèo khó này hay không.
Tháng trước, lần thứ ba trong 13 tháng, lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Il vừa đi thăm Trung Quốc, nước đồng minh thân cận nhất. Các chuyên gia nói có các dấu hiệu là chuyến đi không đem lại thành quả tốt đẹp như ông Kim hy vọng, với bằng chứng rõ ràng là không đạt được thỏa thuận về đừng hướng nối lại các cuộc thương nghị quốc tế về các chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Bang giao giữa hai nước Triều Tiên đã ở trong tình trạng băng giá từ hơn một năm nay kể từ khi xảy ra vụ một tàu chiến của Nam Triều Tiên bị đánh đắm trong vùng Hoàng Hải. Seoul đổ lỗi vụ nổ trên chiếc tàu Cheonan cho một ngư lôi của Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng liên tục không nhận là có liên can. Seoul đã nhấn mạnh rằng bang giao không thể được cải thiện cho đến khi nào Bắc Triều Tiên xin lỗi về vụ tấn công này.
Tháng 11 năm ngoái, Bắc Triều Tiên lại pháo kích vào một hòn đảo biên giới của Nam Triều Tiên, làm 4 người thiệt mạng. Bình Nhưỡng nói họ đáp lại các cuộc tập trận có tính khiêu khích của Nam Triều Tiên gần vùng biển có tranh chấp.
No comments:
Post a Comment