Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Friday, June 3, 2011

Lập pháp Mỹ muốn hạn chế hàng dệt may VN

Buộc theo đúng kinh tế thị trường



WASHINGTON DC (TH) - Một nhóm gồm 52 dân biểu thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa áp lực các viên chức chính phủ thương thuyết hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP (Trans-Pacific Partnership) giới hạn mạnh mẽ hàng dệt may da giày của Việt Nam cũng như áp lực nước này tuân thủ đúng theo nguyên tắc kinh tế thị trường.

Hàng dệt may từ Việt Nam xuất cảng sang Mỹ gia tăng 15% hồi năm ngoái, đạt $5.76 tỉ USD, theo các con số thống kê của Ủy Hội Thương Mại Quốc Tế Hoa Kỳ.

Việt Nam xếp hàng thứ nhì trong số những nước có quần áo bán nhiều nhất ở Hoa Kỳ, chỉ sau có Trung Quốc.

Hiện nay một bản hiệp ước thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương bao gồm Mỹ, Úc, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Theo một bức thư phổ biến trên trang mạng của Hiệp Hội Kỹ Nghệ Dệt May Hoa Kỳ, nếu một bản hiệp định sai lầm có thể dẫn đến thiệt hại cho kỹ nghệ dệt may nước Mỹ.

“Phải hiểu bản chất nền kinh tế không phải kinh tế thị trường của Việt Nam và những lợi thế hiển nhiên là hệ quả của chính sách đó cung cấp cho kỹ nghệ dệt may của họ.” Vì thế “phải thương thuyết cho những điều lệ đặc biệt tiếp cận thị trường.”

Bức thư này là thư của các dân biểu Quốc Hội Mỹ gửi cho Ðại Diện Thương Mại Hoa Kỳ Ron Kirk, đề nghị ông 3 mục tiêu thương thuyết rõ rệt gồm cả các điều khoản ngặt nghèo hơn cho Việt Nam đến khi nước này áp dụng đúng nguyên tắc kinh tế thị trường.

Bức thư nói rằng Việt Nam phải bị đòi hỏi đạt chuẩn mực minh bạch và những nguyên tắc kinh tế thị trường trước khi đạt được lợi ích nhờ thỏa thuận thương mại với Mỹ. Bức thư cũng lưu ý rằng Việt Nam có một hệ thống tiền tệ trị giá thấp hơn thực tế.

Ðồng nội tệ của Việt Nam đã bị phá giá 4 lần từ tháng 11, 2009 đến nay. Một số kinh tế gia tin rằng trong những khó khăn hiện nay, rất có thể Việt Nam sẽ phải phá giá tiền thêm một lần nữa từ nay tới cuối năm.

Xuất cảng hàng dệt may hiện là loại hàng hóa xuất cảng nhiều nhất của Việt Nam. Tính đến tháng 5, 2011, Việt Nam đã xuất cảng được một lượng hàng dệt may trị giá $5.13 tỉ USD.

Các nhà lập pháp Quốc Hội Hoa Kỳ cho rằng tuy bản hiệp định TPP sẽ đem đến các lợi ích nhờ các cơ hội mậu dịch rộng rãi hơn, nó cũng lại tăng thử thách cho kỹ nghệ dệt may Hoa kỳ, đặc biệt là với hàng đến từ Việt Nam, mà có thể dẫn đến tình trạng mất tới 2 triệu việc làm.

Chính phủ Obama tuy bị chỉ trích ngay trong nội bộ đảng Dân Chủ vẫn ca ngợi TPP là một loại hiệp ước mới sẽ bảo vệ quyền của người lao động và tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Trong khi đó, các nhà thương thuyết thì phải đối diện với rất nhiều bất đồng vì phải đạt đến một thỏa hiệp gồm nhiều nền kinh tế rất đa dạng.

No comments:

Post a Comment