Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Friday, June 3, 2011

Vì sao Việt Nam tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc?

Hôm qua, ngày 1/6, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng, với mức cao nhất là 7% trên tổng số dư tiền gửi.Với lần điều chỉnh này, ngoài một nghiệp vụ thông thường nhằm điều tiết lượng tiền lưu thông trong Ngân hàng, Chính phủ Việt Nam muốn gửi thông điệp gì trong nhóm các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô?


Đảm bảo tính thanh khoản


Theo Quyết định số 1209/QĐ-NHNN, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng bằng ngoại tệ áp dụng cho các Ngân hàng Nhà nước (không bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thông), Ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh và chi nhánh Ngân hàng nước ngoài là 7% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc. Trong khi đó, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thông, Quỹ tín dụng Nhân dân trung ương và ngân hàng hợp tác là 6%.

Như vậy, so với tỷ lệ cũ mới đưa ra hồi đầu tháng 4, thì quy định mới về tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng hiện tăng thêm 1%, là mức cao nhất. Đây là một trong những biện pháp của chính sách tiền tệ mà Việt Nam đang áp dụng.


Trong kinh tế, có 3 cách để tăng nguồn cung tiền cho các ngân hàng. Thứ nhất là thông qua tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thứ hai là lãi suất chiết khấu và thứ ba là nghiệp vụ thị trường mở. Tuy nhiên, trong phần trình bày này, chúng tôi chỉ tập trung vào cách thức tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Theo định nghĩa, tỷ lệ dự trữ bắt buộc là tỷ lệ mà Ngân hàng trung ương thiết lập ra để quy định mức tối thiểu giữa tiền mặt và tiền gửi mà các ngân hàng thương mại bắt buộc phải tuân thủ để đảm bảo tính thanh khoản của mình.


Thí dụ, Ngân hàng thương mại nhận 100 triệu đồng tiền gửi của người dân, nhưng Ngân hàng thương mại không được phép sử dụng hết 100 triệu để cho vay tiếp, họ chỉ được phép cho vay tối đa, trong trường hợp này là 93 triệu đồng và phải giữ lại 7 triệu đồng. Việc được phép cho vay 93 triệu đồng này chính là tác động của Ngân hàng Trung ương đến lượng tiền lưu thông hay tính thanh khoản của các Ngân hàng thương mại.

Hôm 9/4, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ được tăng lên mức 6%, đi kèm theo đó là lãi suất tối đa cho tiền gữi bằng ngoại tệ ở mức 3%. Tại thời điểm đó, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng đó là một điều chỉnh cần thiết và đúng hướng nhằm tránh tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế cũng như nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ, chống lạm phát.
Tuy nhiên, lần điều chỉnh này, Ngân hàng Nhà nước chỉ nhắm đến tỷ lệ dự trữ bắt buộc và đối tượng chính cho lần điều chỉnh này là các tổ chức cho vay tín dụng và các ngân hàng thương mại.


Theo lời T.S Trần Đức Vui, giảng viên trường ĐH Kinh tế, thuộc trường ĐH Quốc gia Hà Nội nhận xét:


“Vấn đề quan trọng nhất để đảm bảo tính thanh khoản thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Quan trọng nhất hiện nay là đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống Ngân hàng vì sợ nhất là Ngân hàng không có tính thanh khoản, giải thích hoàn toàn về mặt khoa học. Quan trọng nhất bây giờ Ngân hàng là đi cho vay, nếu không có khả năng thanh khoản, thì Nhà nước phải làm điều đó để khả năng chi trả của Ngân hàng tốt hơn.”


Giảm lạm phát qua tín dụng
Như vậy, lần điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ lên 7% là nhằm kiểm soát tính thanh khoản hay lượng tiền cho vay của các tổ chức tín dụng. Nghĩa rằng, các ngân hàng có ít tiền cho vay hơn hay lượng tín dụng cung cấp cho các doanh nghiệp sẽ bị giảm xuống. Như vậy, lượng tiền lưu thông trong toàn bộ nền kinh tế giảm xuống và từ đó, làm giảm ảnh hương của lạm phát qua cơ chế tín dụng này.


Tỷ lệ dự trữ bắt buộc càng cao, thì tiền mà các ngân hàng thương mại cho vay đi càng ít. Tác động này lại tăng lên nhiều lần, vì khi tiền được cho vay ra rồi, có thể quay trở lại gửi ở các ngân hàng, rồi một phần trong khoản tiền gửi này, lại được mang ra cho vay. Đây là tác động số nhân.


Ở các nước phương Tây, Ngân hàng Trung ương thường ít khi thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc bởi tác động số nhân này, đồng thời còn do độ trễ của mỗi một chính sách vĩ mô như vậy tạo ra.


Tuy nhiên, trên lý thuyết khoản 7% bắt buộc này sẽ được ký gửi tại Ngân hàng Trung ương dưới dạng tiền mặt và vì không được đưa vào kinh doanh, nên các ngân hàng thương mại không tạo ra lợi nhuận từ khoản dự trữ bắt buộc này.

Khi hỏi về hoạt động của các tổ chức tín dụng hiện nay, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đánh giá: “Tôi nghĩ rằng bây giờ cũng chưa thấy một dấu hiệu gì là không an toàn cả, thành ra về mặt thanh khoản thì chưa có gì cho thấy là mất an toàn.”


Tuy vậy, trong bài phỏng vấn gần đây của Đài ACTD với PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả, khi bàn về hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, ông cho biết, hiện nay tâm điểm của rủi ro vĩ mô nằm trong khu vực ngân hàng thương mại, chịu sự tác động của chính sách tiền tệ “giật cục, thái quá” và Việt Nam cần một chính sách lãi suất ổn định, thông suốt.


Việc áp dụng mới tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên mức cao nhất 7% cho các ngân hàng thương mại là một động thái mới, nhằm kiểm soát lượng tiền tệ lưu thông trong hoạt động cho vay của ngân hàng, để từ đó tác động đến lưu thông tiền tệ trong toàn bộ nền kinh tế. Hi vọng rằng, với chính sách tiền tệ này, Nhà nước sẽ ít gây ra xáo trộn cho các tổ chức tín dụng và dần dần khắc phục được hiện tượng cho vay tín dụng ào ạt trong thời gian vừa qua.

No comments:

Post a Comment