Đã hơn một tháng từ ngày anh Nguyễn Công Nhựt chết vụ án vẫn chưa ngã ngũ ai là thủ phạm gây ra cái chết của anh Nhựt. Luật sư bảo vệ gia đình nạn nhân phát hiện công ty Kumho có hành vi mờ ám trong việc báo cáo mất 6 ngàn chiếc vỏ xe liên quan tới việc giao anh Nhựt cho công an. Mặc Lâm lần tìm manh mối vụ án qua các lời chứng sau đây.
Những yếu tố mới trong vụ án anh Nguyễn Công Nhựt lại hâm nóng dư luận qua lời tố cáo của công nhân làm việc trong công ty Kumho cũng như của gia đình nạn nhân, đã mở vụ án sang một trang mới có khả năng soi sáng phần nào nguyên do dẫn đến cái chết của anh Nguyễn Công Nhựt.
Nhiều điều khó hiểu
Chi tiết đáng nghi ngờ nhất trong vụ này là biên bản của cơ quan điều tra cho rằng anh Nhựt tình nguyện ở lại trại giam công an để hợp tác làm rõ việc mất vỏ xe chứ không phải do công an giữ lại, những lời giải thích trong biên bản này làm người ta khó thể tin nổi:
“Cơ quan điều tra đã xác định với chị Tuyền rằng Công an huyện Bến Cát không bắt giữ Nguyễn Công Nhựt. Việc Nguyễn Công Nhựt ở lại công an huyện Bến Cát là do Công ty Kumho cử đến để làm việc với cơ quan công an. Anh Nhựt đã làm bản cam kết tự nguyện cộng tác và ở tại Công an huyện Bến Cát từ ngày 21-4 đến ngày 30 tháng 4 năm 2011.
Cơ quan điều tra đã tiến hành giám định chữ ký, chữ viết trong bản cam kết là của Nguyễn Công Nhựt. Trong thời gian ở tại Công an huyện Bến Cát, Nguyễn Công Nhựt được bố trí ở tại phòng làm việc của đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, không bị hạn chế hay giam giữ gì”.
Câu hỏi bắt đầu từ việc chính công ty Kumho là nơi giải giao anh Nhựt cho công an, để sau đó anh Nhựt bị giữ lại 9 ngày và cuối cùng chết tại nơi bị giam giữ.
Ngay sau khi đưa anh Nhựt tới công an gọi là tham gia điều tra thì công ty Kumho đã đăng báo tuyển người vào đúng vị trí của anh Nhựt làm việc đó là trưởng phòng kiểm tra sản phẩm đầu ra. Sự kiện này nói lên ý muốn khai trừ anh Nhựt ra khỏi công ty để che giấu những việc làm mờ ám mà các giám đốc người Hàn quốc cấu kết với nhau trong việc tẩu tán hơn 6 ngàn chiếc vỏ xe thành phẩm.
Anh Phong, tổng vụ bảo vệ của công ty Kumho người áp giải anh Nhựt đã từ chối không trả lời chúng tôi:
"Em không phải là người đưa đi, anh liên lạc với công an để cụ thể vấn đề anh muốn biết. Em không trả lời điện thoại được bất kỳ cuộc điện thoại nào. Vấn đề này em không trả lời đâu."
Có điều gì uẩn khúc phía sau câu trả lời này hay không? và tại sao anh Phong không dám trả lời báo chí một việc làm công khai của anh ta?
Tại sao anh Nhựt cộng tác điều tra với công an mà bao nhiêu ngày vợ của anh không được phép gặp mặt? Chị Tuyền tới phòng cảnh sát điều tra hàng ngày nhưng không ai cho phép gặp mặt chồng đến nỗi bị tên Phú công an gọi điện thoại tống tình nhiều lần. Qua những chi tiết này liệu nội dung mà cảnh sát điều tra thông báo là anh Nhựt tự nguyện xin ở lại đáng tin là bao nhiêu phần trăm?
Chị Tuyền vợ của anh Nguyễn Công Nhựt cho biết:
"Em cũng muốn bây giờ xuống làm việc với Kumho cho rõ tại sao đưa người như vậy mà không hề báo cho em. Người ta chỉ cho phép trong thời gian hành chánh thôi, chứ còn việc muốn đưa người như thế nào thì đưa…em cũng muốn hỏi từ Kumho việc chồng em chứ không phải bên công an thôi đâu. Cho tới giờ em chưa thấy Kumho cục cựa gì luôn! Nói chung hình như không ai muốn đụng tới Kumho hay sao đó...báo chí người ta cũng muốn xuống nhưng lo là Kumho không cho phép gặp.
Bữa xuống thì nó không tiếp, em có điện thoại cho thông dịch viên chuyển cho ông Chô, ông Chô nói là sẽ cho bộ phận bên tổng vụ là ông Tấn ra trả lời nhưng em đâu thấy ông Tấn nào đâu?"
Ông Tấn mà chị Tuyền được Kumho hứa sẽ cho gặp mặt biết gì về cái chết của anh Nhựt? và đây là lời của ông Tấn:
"Tấn cũng mới vô làm mà công ty nó cũng lớn không có tiếp xúc với anh Nhựt. Cái vụ này do bên tổng vụ họ phụ trách nên các thông tin Tấn không nắm.
Cái vụ án này em thấy trên thông tin đại chúng cũng nhiều. Hầu như các trang web đều có thông tin hết rồi thành ra là về phía Tấn rất là khó mình không biết nói như thế nào. Tấn phụ trách nhân sự nhưng cũng mới đây thôi cho nên các thông tin này mình không nắm được."
Một bằng chứng khác do chị Tuyền cung cấp là e-mail từ một người làm việc trong công ty Kumho tạm giấu tên, cho biết về việc che giấu vỏ xe hư của công ty Kumho như sau:
"Chào chị Tuyền,
Sau khi công an báo anh Nhựt tự tử mất ở công an vài ngày (khoảng 26-27/4) quả là Hàn quốc và nhân viên Kumho đã phát hiện mấy chục cái lốp còn y pavia bị lỗi được giấu kỹ dưới hầm kho lưu hóa thuộc tổ sản xuất 5 của công ty do anh Trương Văn Hoàng là trưởng phòng quản lý. Hầm lưu hóa này chỉ có người trong bộ phận mới có thể ra vào. Tuy nhiên lãnh đạo công ty vẫn im hơi bặt tiếng, chưa thấy có hướng giải quyết như thế nào
Được biết Từ trước giờ lốp xe lưu hóa lỗi ở bộ phận này vẫn hay được giấu như thế. Vì công nhân người Việt sợ sếp Hàn la mắng nhiều hàng lỗi làm giảm tỷ lệ sản xuất vì hàng lỗi quá nhiều.
Trong khi hệ thống MES vẫn tính những lốp lỗi này là chính phẩm thì chúng lại được bí mật chuyển ra khu vực lốp hư không ai hay biết làm tăng nhanh sự sai lệch tồn kho giữa thực tế và hệ thống. Sau đó đỗ lỗi là mất trộm."
Chúng tôi gọi điện trực tiếp cho ông Cho Kiusik người chỉ huy khâu kiểm nghiệm sản phẩm đầu ra để hỏi về chi tiết bị tố cáo này, ông Cho nói bằng tiếng Việt rất thạo:
"Chuyện đó là chuyện của lãnh đạo công ty Kumho chứ không phải của tôi, anh gửi công văn cho công ty Kumho để biết nhé. Cảm ơn anh."
Không dừng lại ở đây, chúng tôi tiếp tục tìm Tổng giám đốc công ty Kumho tại Việt Nam là ông Pong Young để tìm câu trả lời, ông Young hứa là sẽ gửi thông tin cho chúng tôi qua đường email nhưng hai ngày qua chúng tôi vẫn chưa nhận được.
Bưng bít thông tin
Công ty Kumho mặc dù đã hoạt động từ năm 2008 với hơn 1.000 lao động nhưng cho đến nay vẫn không thành lập công đoàn theo luật pháp của Việt Nam. Do không có đại diện bảo vệ quyền lợi của người lao động. Theo nhiều công nhân trong công ty cho biết thì đã có 5 lao động chết trong trụ sở của Kumho nhưng ban giám đốc đều đổ cho tai nạn lao động và không có xét nghiệm hay biên bản của công an.
Chị Tuyền xác nhận với chúng tôi về chi tiết lao động bị chết trong công ty như sau:
"Tai nạn hai người chết rồi. Một người là đệ tử của chồng em chết vì nó rút cái kệ gì đó vì hệ thống tự động hết nên khi rút ra thì ở trên rơi xuống đè thằng nhỏ chết luôn. Không có nghe gì hết, sau đó lấy xác nạn nhân chở về quê ở Nghệ An rồi đền đâu được mấy chục triệu. Vừa rồi cũng bị một người nữa ở bộ phận sản xuất. Mấy đứa trong Kumho nói là 5, 6 người mới chết cách đây một hai tháng gì đây có thêm một đứa nữa. Chồng em chỉ nói có một đứa nữa chết thôi chứ còn lý do thì em không biết. Do công ty nó rất là lớn nên việc mà chết thì nó chỉ biết vậy thôi chứ còn cụ thể thì nó đâu cho biết gì đâu, nó cũng chả có công đoàn gì hết"
Luật sư Trần Đình Triển trong quá trình tham gia điều tra cái chết của anh Nhựt đưa ra nhận xét về công ty Kumho:
"Mọi thông tin này đều bị bưng bít không ai biết cả. Vậy công tác tổ chức bảo hiểm, bảo hộ lao động cho người lao động của công ty Kumho tại Việt Nam như thế nào?
Trong trường hợp của anh Nhựt, ngày 21 thì anh Nhựt bị công an cùng với công ty Kumho mời lên công an để làm việc thì ngay trong ngày 21 đó công ty Kumho đăng trên một vài tờ báo tuyển người mới vào vị trí của anh Nhựt tức là thay thế cho anh Nhựt.
Đây là điều khó hiểu và tôi đã gặp một cô thông dịch viên của công ty Kumho thì cô cho biết là khoảng tháng 8 tháng 9 của năm 2010, chính anh Nhựt đã làm việc và báo cáo với tổng giám đốc của công ty Kumho là có sự việc mất lốp từ 30 tới 50 lốp bởi vì từ lốp thành phẩm ra lốp phế phẩm. Muốn bịt những tin đó bằng việc tìm mọi cách đẩy anh Nhựt ra khỏi công ty là dấu hỏi đặt ra."
Chiều 1-6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 3 công nhân của Công ty Kumho về tội trộm cắp vỏ xe.
Đây chỉ là một mối chỉ đầu tiên nhằm lần tới các thế lực lớn hơn. Việc làm rõ trách nhiệm của Kumho tới mức độ nào còn tùy thuộc vào khả năng điều tra của công an tỉnh Bình Dương.
Người dân tuy không còn tin tưởng lắm về tính trong sạch trong vụ án này nhưng dù sao thì niềm tin vào lương tâm của những điều tra viên vẫn còn đôi chút trong lòng người dân Bình Dương nhất là đối với gia đình nạn nhân Nguyễn Công Nhựt.
No comments:
Post a Comment