Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, June 2, 2011

Thông Điệp ‘Bình Minh 02’

Cho dù điều gì thực sự diễn ra ở hậu trường, người dân cũng nhận thấy thông điệp từ vụ tàu Bình Minh II: Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã bắt đầu nhiệm kỳ với thái độ rõ ràng hơn trước “anh Hai” Trung Quốc.

Vụ “Bình Minh 2” xảy ra khoảng năm tuần sau khi một “cột mốc” chủ quyền Việt Nam được cắm trên vùng Tư Chính. Kể từ sau khi hoàn thành việc phân giới trên bộ, Hà Nội đã không còn ngại đụng chạm với Bắc Kinh. Từ cuối năm 2009 trở đi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga, thỉnh thoảng, đã được nói những lời đàng hoàng nhắm vào Trung Quốc. Truyền thông đã được sử dụng trước những đe dọa đến từ phương Bắc. Lòng dân lại được khai thác sau một thời gian bị kiểm soát ngặt nghèo. Báo “lề phải” cũng giật tít kiểu Nhân Dân thời 1978: Biển đông không phải là ao nhà Trung Quốc.

Nhà báo Đào Tuấn viết, “không thể giữ nước bằng lòng phẫn nộ”, anh đòi “phải làm gì đó” trên biển đông. Một blogger được nói là làm việc trên tàu Bình Minh II viết, khi tàu của anh bị tấn công, các “tàu hải quân giả dạng tàu bảo vệ” đã sẵn sàng “phi thẳng vào” tàu giặc. Nhưng, “các anh ấy nói, chưa có lệnh từ Bộ chính trị, chưa dám bắn dù tức vãi ra rồi”. Thời nào cũng có những người Việt Nam sẵn sàng tử chiến với giặc Tàu. Nhưng, xương máu chỉ nên hy sinh những khi không còn con đường nào khác.

Không có gì khó khi tập hợp lòng dân trước “hiểm họa Bắc Kinh”, nhưng mỗi khi máu nóng đã được bốc lên thì thường chỉ có chiến tranh mới giải tỏa được lòng phẫn nộ. Năm 1978, khi Trung Quốc bắt đầu hục hặc với Việt Nam, không có ngôn từ nào là đã không được dùng thường xuyên trên báo chí. Hai tuần sau khi Trung Quốc tấn công Biên giới. Ngày 5-3-1979, Chính phủ ra Nghị định “Quân sự hóa toàn dân”, cùng ngày, Hoàng Tùng viết trên báo Nhân Dân: “Cả nước đánh giặc, toàn dân là lính”. Hàng ngàn thanh niên đã chích máu tình nguyện, khoảng một triệu sáu bộ đội đã phải cầm súng suốt 10 năm. Trong số hàng trăm ngàn người lính đã hy sinh ở phía Bắc và ở Campuchia, trong số hàng triệu anh em đã trở lại quê cũ làm dân và tới Đông Âu làm thuê, có ai biết vì sao họ đã phải trải qua mười năm cầm súng ấy.

Công bố hành vi du côn của Trung Quốc với tàu Bình Minh II là rất cần thiết. Nhân dân có quyền được biết điều gì thực sự đang xảy ra trên lãnh thổ của ông cha. Nhưng, thông tin cho dân phải là một việc làm thường xuyên chứ không phải là sách lược trước từng chiến dịch. Có thể nói, nếu như người dân được tin cậy và sát cánh với chính quyền thì đường biên giới trên bộ Việt-Trung sẽ có nhiều phần khác.

Ngày 19-10-1993, sau một năm đàm phán, hai bên ký được những “nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ Việt - Trung”. Trên cơ sở “Công ước hoạch định biên giới ký giữa nhà Thanh và Pháp”, hai bên đồng ý sẽ “đối chiếu xác định lại toàn bộ đường biên”. Có một khoảng thời gian khá dài đã được dành để đôi bên đưa ra bản đồ hiện trạng. Vào thời điểm này, phía Việt Nam đang là một bãi mìn dày đặc. Các chiến sỹ biên phòng cho biết, các đoàn khảo sát đã không thể tiếp cận đến các ngóc ngách của đường biên. Nhưng, điều đáng nói, theo các chiến sỹ biên phòng, thay vì huy động sự góp sức của nhân dân, không hiểu vì lý do gì công việc này đã được tiến hành bí mật. Một vị đồn trưởng Biên phòng ở Hà Giang nói: “Chúng tôi thuộc địa hình đến từng milimet nhưng các đoàn khảo sát đã bí mật luôn cả với chúng tôi”. Người dân và các chiến sỹ biên phòng cho rằng, nếu có sự tham gia của họ, “bản đồ hiện trạng” sẽ thể hiện đủ hơn phần đất mà ông cha đã làm ăn sinh sống.

Trong quá trình tranh chấp, nếu những đòi hỏi vô lý của Trung Quốc được công khai thì thái độ của người dân sẽ là chỗ dựa cho các nhà đàm phán. Khi đối chiếu bản đồ hiện trạng, có 289 khu vực hai bên “có nhận thức khác nhau” với tổng diện tích khoảng 231 km2. Sau 16 vòng đàm phán, kết quả: “quy thuộc khoảng 114,9 km2 cho Việt Nam và khoảng 117,2 km2 cho Trung Quốc”. Nhìn các con số thì “đây là một kết quả công bằng”. Nhưng, khi dừng lại ở một số địa danh, không có người Việt Nam nào lại không cay đắng.

Tại Lạng Sơn, đường biên giới mới đi cách Mục Nam Quan một quãng xa. Các nhà đàm phán trấn an là nó “đi qua Km0, mốc 19 cũ của Pháp”. Nhưng, những ai từng đọc báo Nhân Dân và Sài Gòn Giải Phóng, số ra ngày 19-3-1979, sẽ nhớ, Bị vong lục của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nói rõ rằng: “Phía Trung Quốc đã ủi nát mốc biên giới số 18 nằm cách cửa Nam Quan 100 mét để xóa vết tích đường biên giới lịch sử rồi đặt cột Km0 sâu vào lãnh thổ Việt Nam trên 100m”.

Các nhà đàm phán cũng cho hay, từ điểm nối ray, Việt Nam đã “Bắc tiến” được 148m. Phần tranh cãi ở đây gồm 300m, nước to chỉ lấy được hơn Việt Nam 2m kể cũng đáng gọi là thành công. Nhưng, 300m đường biên ấy không hề là một vùng chồng lấn dẫn đến “nhận thức khác nhau”.

Bị Vong lục năm 1979 của Bộ Ngoại giao đã nói: “Năm 1955, khi giúp Việt Nam khôi phục đoạn đường sắt từ biên giới tới Yên Viên, lợi dụng lòng tin của Việt Nam, phía Trung Quốc đã đặt điểm nối ray vào vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam 300m so với đường biên giới lịch sử”.

Các nhà đàm phán cũng trích dẫn “thông lệ quốc tế” để nói việc phân chia thác Bản Giốc như là một thành công: “Hai bên điều chỉnh đường biên giới đi qua cồn Pò Thoong, quy thuộc 1/4 cồn, ½ thác chính và toàn bộ thác cao cho Việt Nam”. Hình như họ quên, Bị Vong lục 1979 đã nói, toàn bộ thác Bản Giốc và cồn Pò Thoong là của Việt Nam, Trung Quốc chỉ mới “đưa 2.000 người sang cưỡng chiếm từ ngày 29-2-1976”. Ở điểm cao 1509, tuy chỉ nhượng bộ có 0,87 hecta, nhưng mỗi tấc đất ở đó đều là xương, là máu.

Nếu các nhà đàm phán biết lịch sử sẽ phán xét họ ra sao, chắc chắn sẽ sáng suốt hơn khi đối diện với Bản Giốc, Ải Nam Quan và cao điểm 1509. Biên giới Việt-Trung dài 1.406 km, thời Pháp-Thanh chỉ cắm 341 cột mốc, giữa núi non hiểm trở chắc chắn không ít nơi hai bên đã có “nhận thức khác nhau”. Khi thương lượng, muốn nhận thì cũng phải cho. Nhưng, ở những nơi mà từ xa xưa, trong tiềm thức của người Việt Nam đã khắc dấu lãnh thổ của cha ông, thì một tấc cũng không thể đem ra thương lượng.

Việc phân giới 1509, Bản Giốc, Ải Nam Quan, lẽ ra nên trưng cầu dân ý. Thái độ người dân cũng là vũ khí của các nhà đám phán, đồng thời giúp họ ý thức đầy đủ trách nhiệm lịch sử của mình. Nếu người dân nói không thì hãy giữ nguyên hiện trạng những vùng tranh chấp ấy. Trong số 2.000 cột mốc trên đường biên phía Bắc, để lại vài ba cột để con cháu làm tiếp cũng không sao. Bảo lưu những vùng tranh chấp là kinh nghiệm của không ít quốc gia. Đành rằng, không có quốc gia nào lại ứng xử như người Trung Quốc. Các chiến sỹ biên phòng Cao Bằng kể, khi người dân cày ruộng ở sát đường biên, biên phòng phải dựng lưới B40 chặn “củ đậu” được ném sang từ Trung Quốc. Rất lạ là những chuyện như thế không được đài báo đưa tin. Những chuyện lén lút dời cột mốc, ném đá dọc đường biên, cắt cáp và trấn lột ngư dân… có thể bị dửng dưng trước các nhà lãnh đạo mặt mo, nhưng hơn một tỷ người dân Trung Quốc chắc cũng có hàng chục triệu người xấu hổ.

Người Nhật giàu có vậy mà vẫn chưa đòi được quần đảo Kuryl từ Liên xô. Việc đòi lại Hoàng Sa có thể sẽ là sự nghiệp ngàn năm của cháu con người Việt. Sự nghiệp ấy đòi hỏi sự bền bỉ, đường đường chính chính, chứ không phải thỉnh thoảng lại làm cho người dân phẫn nộ lên. Nên rút kinh nghiệm đàm phán phân định biên giới trên bộ mà phát huy vụ “Bình Minh II”. Hãy công khai tất cả những trò hèn hạ của Bắc Kinh. Hãy để nhân dân đứng sau lưng những người giữ biển.

No comments:

Post a Comment