Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch (HRW) vừa ra một thông cáo báo chí ngày 26/5 nhấn mạnh rằng bản án đối với tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ là bước ngoặt mở ra cuộc đấu tranh mới và việc Hà Nội bỏ tù nhà bất đồng chính kiến Cù Huy Hà Vũ về tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước” khiến phong trào ủng hộ trong quần chúng đòi phóng thích ông ngày càng nóng lên.
Cùng với bản thông cáo, Human Rights Watch cũng công bố bản báo cáo dài 39 trang nhan đề: “Việt Nam: Đảng đối đầu với Nhà hoạt động pháp lý Cù Huy Hà Vũ”, phân tích các yếu tố liên quan đến vụ án chính trị nổi tiếng nhất trong mấy chục năm nay, theo đánh giá của Human Rights Watch.
Phát biểu với VOA Việt Ngữ, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phục trách Châu Á thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết lý do Human Rights Watch thực hiện bản báo cáo chi tiết về trường hợp của ông Vũ:
“Bởi vì đây là một trường hợp hết sức đặc biệt. Ông Vũ được một làn sóng ủng hộ đông đảo. Bản án của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cho thấy bất cứ người nào ở Việt Nam bất đồng quan điểm với nhà nước đều có thể đi tù vì dám chỉ trích chính quyền bởi ngay như một người như ông Vũ xuất thân từ một gia đình có đóng góp lớn cho nhà nước cũng bị tù tội vì đã mạnh dạn thực thi các quyền công dân căn bản mà Việt Nam đã cam kết tôn trọng qua các công ước quốc tế. Ông Hà Vũ bị bỏ tù về các hoạt động không phạm pháp. Theo chúng tôi, ông ta nên được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện.”
Phó Giám đốc phục trách Châu Á thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khẳng định bản án của tiến sĩ Vũ tô thêm một vết đen vào bức tranh nhân quyền tăm tối của Việt Nam và chứng tỏ chính quyền Hà Nội bằng mọi giá dập tắt tiếng nói của một nhà phê bình được nhiều người biết đến. Nhưng, vẫn theo lời ông Phil Robertson, “trong cơn khát trả thù, chính quyền Việt Nam đã cắn một miếng khó nhai” trong vụ này.
Đề cập đến sự ủng hộ dành cho tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ sau khi ông bị tuyên án 7 năm tù hôm 4/4/2011, Human Rights Watch nhắc tới bản kiến nghị yêu cầu trả tự do cho ông với hàng ngàn chữ ký cả trong và ngoài nước, bao gồm các đảng viên lão thành, các sĩ quan cao cấp của đảng cộng sản đã về hưu, giới công chức đang làm việc trong bộ máy chính quyền, và nhiều thành phần xã hội, tôn giáo khác nhau.
Trong số này, có hơn chục người bị công an sách nhiễu sau khi ký tên vào thỉnh nguyện thư này.
Ngoài ra, Human Rights Watch cũng viện dẫn việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ án Cù Huy Hà Vũ và tuyên bố của Liên minh Châu Âu nhận xét bản án này “không phù hợp với các quyền cơ bản của mọi người có quyền có ý kiến và được bày tỏ quan điểm tự do và ôn hòa”.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng lên án các vi phạm tố tụng trong phiên tòa ngày 4/4 và yêu cầu giới lãnh đạo Việt Nam phải tôn trọng những cam kết với Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị và đáp ứng kêu gọi của cộng đồng quốc tế bằng cách trả tự do ngay lập tức cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ.
No comments:
Post a Comment