Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, May 29, 2011

Sài Gòn ơi “nắng bụi mưa sình”!

Chiều ngày 28 tháng 5 năm 2011, một cơn mưa lớn đổ ập xuống thành phố Sài Gòn. Hệ quả ai cũng biết, người chạy xe trên đường phải... vượt sông tại rất nhiều khu vực.

Mưa xuống là đường phố ở đây biến thành sông vì nước mưa không có lối thoát dù các công trình, dự án thoát nước tốn kém được đầu tư dài dài bằng các khoản tín dụng quốc tế.

Mấy chục năm trước, thành ngữ “nắng bụi mưa sình” dường như là “đặc sản độc quyền” của vùng đất tuổi “mầm non” miền Tây Nam bộ, nơi mà lịch sử khẩn hoang vỡ đất của người Việt mới tròm trèm 300 năm. “Vĩnh Châu nắng bụi mưa sình/ Ðường đi lầy lội lộ trình gian nan” hay một dị bản khác là “Bạc Liêu giàu lúa, ngô, khoai/ Giàu cô gái đẹp, giàu trai anh hùng/ Bạc Liêu nắng bụi mưa sình/ Muối mặn, nhãn ngọt đậm tình quê hương”.

Ở vùng đất chằng chịt kênh rạch như mạng nhện này, thuở ấy phương tiện đi lại chủ yếu là xuồng, ghe chạy dưới nước, còn đường sá chỉ toàn đường đất sét được người dân đổ đất đỏ lên cho bớt lún. Ðất đỏ này không phải là thứ đất đỏ bazan ở miền Ðông Nam bộ mà là đất sét đào ngoài ruộng đem về chất củi xung quanh đống đất đốt một ngày một đêm, chừng lửa tắt đất nguội hết mới dở ra thì đống đất bên trong bị lửa nung giống như khi ta nung gạch lửa không đều, chỗ nào đủ lửa thì đất có màu đỏ, chỗ nào lép lửa cục đất có màu đen đen, trắng trắng. Cục đất lúc mới đào làm sao thì đốt xong hình thù nó ra làm vậy, nhiều cục còn in nguyên hình thù lưỡi giá đào đất. Vì kiểu đốt như vậy, đất đỏ không cứng bằng đất được nhào trộn kỹ đóng khuôn rồi nung trong lò gạch, đổ ra làm đường đi một thời gian ngắn nó bể vụn hết, tạo thành bụi. Khi có mưa nó lại quện với đất sét thành một thứ sình lẹp nhẹp.

“Nắng bụi mưa sình” bây giờ không còn là “độc quyền” của miền Tây, mà nó đã “thường trú” chình ình lâu ngày ở giữa mảnh đất một thời từng được thế giới ca ngợi là “hòn ngọc Viễn Ðông” xinh đẹp và hoa lệ.

Công trình cầu, đường Nguyễn Hữu Cảnh gồm ba cây cầu (Thị Nghè 2, Văn Thánh 2, cầu vượt nút giao thông đầu cầu Sài Gòn) và một phần đường, khởi công tháng 5 năm 1997, đưa vào sử dụng đầu năm 2002, đến tháng 8 năm 2004 bắt đầu liên tục hư hỏng hết chỗ này đến chỗ khác. Có hư hỏng tất có sửa chữa, biến khu vực này trở thành “đại công trường” quanh năm “nắng bụi mưa sình”. Mùa mưa năm ngoái, tôi có việc đi ngang hầm chui Văn Thánh thấy những con đường quanh khu vực này đều lầy lội sình bùn, đi xe máy mà cứ lo đêm tối rủi xe bị ngập dưới sình thì tôi không đủ sức lôi nó lên. Cuối năm 2010, “Phó chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Tài đã chỉ đạo Sở GTVT TP phải yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai dự án sửa chữa, nâng cấp và chống ngập cho tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh trong thời gian sớm nhất, hoàn thành trước mùa mưa 2011”. Do đó, dù hiện nay có cầu Thủ Thêm rộng 6 làn xe, người dân đi từ quận 2 sang quận 1 (hoặc ngược lại) chọn giải pháp đi phà (như hơn chục năm về trước), tốn có 3 ngàn đồng/xe máy mà rút ngắn được đường đi trong thời buổi xăng lên giá, vừa né được khu vực thi công “nắng bụi mưa sình”.

Khu vực hồi xưa được mệnh danh là đẹp nhất Sài Gòn gồm các con đường mang tên các danh nhân nổi tiếng như: Tú Xương, Yên Ðổ (nay là Lý Chính Thắng), Bà Huyện Thanh Quan, Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Ðình Chiểu (nay là Trần Quốc Toản), Phan Thanh Giản (nay là Ðiện Biên Phủ), Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch), Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu)... Người Sài Gòn cố cựu ai mà không nhớ câu hát “Con đường Duy Tân cây dài bóng mát/ Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát”.

Sài Gòn ngày càng nóng bức chói chang khi mà đường phố bóng cây xanh ngày càng ít đi, từng khối nhà bê-tông cốt thép, đường nhựa, đường xi măng xám xịt ngày càng nhiều. Ðó cũng là các loại vật liệu hút và giữ nóng hừng hực đến 8-9 giờ tối mới nhả nóng. Bóng cây trở nên khan hiếm và quý giá, người nước ngoài đến Sài Gòn hết sức ngạc nhiên khi thấy mỗi lần dừng đèn đỏ, người tham gia giao thông dừng xe ở cách vạch dừng xe rất xa, đến gần mới thấy người ta tranh nhau dừng xe dưới bóng cây để tránh nắng. Ngoài đường phố, tất cả người lớn, trẻ con, nam cũng như nữ, đều bịt khẩu trang che kín mặt, không chỉ đeo khẩu trang ban ngày, mà đeo cả buổi tối. Có lần, tôi đi đường ban đêm, nghĩ rằng không có ánh nắng thì để mặt trần cho mát, không ngờ đi một đoạn mới cảm thấy “hối hận”, phải dừng xe máy lại móc khẩu trang ra đeo, vì tôi bị “kính thưa các loại bụi” thi nhau tấp ào ào vô mặt, mũi, miệng không ngừng.

Ðường Duy Tân và những con đường từng là nét đẹp hồn thơ quanh đó bây giờ cây cối thưa thớt và nhỏ bé, vắng bóng những cây cổ thụ “dài bóng mát” trên đầu khách bộ hành, nhường chỗ cho cái nắng cháy da chực thiêu đốt người qua lại.

Ðường Trần Quốc Toản từ đầu đến cuối đường không một bóng cây xanh. Trời nắng, đi ngoài đường hơi nóng hừng hực táp vào mặt bởi sức nóng từ mặt đường nhựa hắt lên. Nhà ở thì luôn luôn đóng kín cửa (nếu không có cửa kính che bên ngoài), vậy mà mỗi lần xe chạy qua thì cuốn theo hàng đống bụi đường tràn vào khe cửa bên dưới, bụi bay vào tận chỗ sâu nhất bên trong nhà.

Sáng tôi đi xe máy ngoài đường chừng vài giờ, có đeo khẩu trang đàng hoàng, khi vào nhà lấy cái khăn giấy lau mặt xong nhìn xuống thấy khăn dính đen thui bụi.

Người Sài Gòn cố gắng chống bụi trong khu vực nhà mình bằng cách sắm máy phun sương.

Ðường Ðiện Biên Phủ mỗi lần có mưa là ngập lụt, nước cống tràn lên đen thủi đen thui, mùi hôi thúi nồng nặc, mỗi lần có xe 4 bánh chạy qua là người đi xe máy hứng “trọn gói” đám nước sình bùn ấy. Ngã tư Trần Quốc Toản-Hai Bà Trưng cũng không kém cạnh, hễ mưa lớn một chút là ngập nửa bánh xe (“khuyến mãi” thêm sình bùn dưới cống tràn lên). Chủ tiệm vải Hạ Vy ở đầu đường Trần Quốc Toản nói: “Hồi trước chỗ này không bao giờ ngập, nền nhà cao chớ có thấp đâu. Bây giờ mỗi lần mưa lớn một chút là ngập hết ngã 4 và một nửa trên đường này, nước tràn vô tới trong nhà, tụi em phải khiêng vải chạy nước mệt gần chết”.

Ðây là khu vực trung tâm thành phố, chớ các quận ngoại ô như Thủ Ðức, Bình Thạnh, Bình Chánh, Tân Bình, Tân Phú, quận 8, quận 9, quận 7... thì người dân khổ hết biết vì cái sự “nắng bụi mưa sình” này.

Tại khu vực ngã tư An Sương, khói bụi từ các nhà máy gần đó cùng với bụi của các công trình xây dựng, bụi mịt mù từ những xe tải chở đất, đá... chạy qua “thi đua” tống vào mũi, miệng, đồ ăn thức uống của con người. “Các con đường gần khu công nghiệp Tân Bình thì ngoài khói, bụi của đường phố, của các công trình đang thi công xây dựng lại còn khói bụi đầy mùi hôi bốc ra từ các nhà máy sản xuất gần đó. Khu vực ngã tư Hàng Xanh, ngã tư Linh Trung (Thủ Ðức) vòng qua khu vực xa lộ Hà Nội (Quận 2) rồi về miệt đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Thập (Quận 7)... cũng không kém cạnh, đâu đâu cũng tràn ngập trong khói bụi đặc quánh.”

Tại hội thảo bàn về giải pháp chống ngập tổ chức ngày 26 tháng 5 năm 2010, Tiến Sĩ Lê Vinh Danh- hiệu trưởng trường Ðại Học Tôn Ðức Thắng cho biết: “Hiện Sài Gòn vẫn còn đến 163 điểm thường xuyên ngập kéo dài ở khắp 24 quận huyện” (Dân Trí ngày 27 tháng 5 năm 2010). Có người nói vui rằng: “Bây giờ có 163 điểm ngập, sang năm tiến tới chỉ còn 1 điểm duy nhất thôi, nhưng là điểm bự vì nó nối hết các điểm nhỏ lại, tức là ngập toàn thành phố”.

No comments:

Post a Comment