Hôm nay 29 và ngày mai, 30/05/2011, hơn 6,5 triệu của tri Ý được mời đến phòng phiếu tham gia vòng hai cuộc bầu cử hội đồng nhân dân tại 88 thành phố và thị xã trên toàn quốc. Tuy nhiên, các nhà quan sát đã tập trung sự chú ý vào hai thành phố Milano và Napoli để xem tầm mức thất bại được dự báo của đương kim thủ tướng Silvio Berlusconi.
Trường hợp thành phố Milano phản ánh rõ nhất xu hướng của cử tri Ý muốn trừng phạt ông Berlusconi. Ngay tại vòng một cách nay hai tuần, bà Letizia Moratti, thị trưởng mãn nhiệm thuộc đảng của thủ tướng Ý đã bất ngờ bị thua úng cử viên cánh trung tả, luật sư Giuliano Pisapia, với một khoảng chênh lệch rõ rệt : 41,6% so với 48% số phiếu.
Thất bại kể trên đã gây chấn động trên chính trường Ý vì lẽ Milano, thủ phủ kinh tế của đất nước, thường được xem là biểu tượng của « chủ nghĩa Berlusconi », vừa là quê quán của thủ tướng Ý, vừa là tổng hành dinh của đế chế truyền thông Fininvest của ông. Từ 20 năm nay, Milano luôn luôn nằm trong tay cánh hữu.
Sau điều được báo chí Ý gọi là cú tát tai của cử tri vào mặt ông, thủ tướng Berlusconi đã nhanh chóng phản công, dồn sức vào cuộc vận động với hy vọng lật ngược được thế cờ trong vòng hai. Trung thành với cung cách mị dân truyền thống, ông Berlusconi đã không ngần ngại dùng đến các chiêu bài dân tộc chủ nghĩa cực đoan.
Theo ông, nếu cánh tả lên cầm quyền tại Milano, nơi này sẽ bị người nước ngoài bao vây, biến thành một « thành phố Hồi giáo », một « thị xã của người Tzigan », đầy rẫy các trại của người Rom. Thủ tướng Ý cũng không ngần ngại mệnh danh các cử tri bầu cho cánh tả là những thành phần « không có trí khôn ».
Tình hình tại Napoli khác hơn một chút, nhưng cũng là một bài trắc nghiệm về uy tín hiện nay của thủ tướng Ý. Trong vòng một, ứng cử viên của ông Berlusconi là doanh nhân Gianni Lettieri đã về đầu. Sở dĩ đã có kết quả trên đó là vì cảnh tả bị chia rẽ, có đến hai ửng viên cùng ra tranh cử nên đã chia phiếu của nhau.
Nhân vòng hai hôm nay, cục diện đã khác, phe tả chỉ còn một ứng viên là cựu thẩm phán Luigi de Magistris, cho nên có nhiều khả năng thu được toàn bộ số phiếu của cử tri cánh tả để giành thắng lợi.
Xin nhắc lại là ngoài bước lùi tại Milano, và kết quả thuận lợi nhưng chưa ngã ngũ tại Napoli, trong vòng một, đảng của ông Berlusconi còn thất bại hoàn toàn tại hai thành phố lớn khác là Bologna và Torino, không giành được hai cứ địa này của cánh tả như thủ tướng Ý từng rêu rao. Tại đấy, các ứng viên đối lập đã chiến thắng vẻ vang, đắc cử ngay vòng đầu.
Phải nói là trước lúc vòng một diễn ra, thủ tướng Berlusconi đã tuyên bố rằng cuộc bầu cử địa phương lần này là một cuộc trưng cầu dân ý về uy tín của bản thân ông và chính sách ông đang áp dụng.
Như vậy là ngay từ vòng một, các cử tri Ý đã trả lời khi buộc người của thủ tướng phải đấu tiếp vòng hai tại Milano và Napoli, cũng như tiếp tục tín nhiệm cánh tả ở Bologna và Torino.
Theo các nhà quan sát, trong bối cảnh phe tả của Ý không mấy sáng sủa, kết quả bầu cử lần này đích thực là phản ứng chán ngán của người dân trước các vụ tai tiếng tình dục liên tiếp dính líu đến ông Berlusconi cũng như các vụ xét xử thủ tướng Ý về các tội tham nhũng.
Tuy nhiên, một trong những đặc điểm của ông Berlusconi là ông rất giầu có, lại nắm rất nhiều phương tiện truyền thông trong tay, cho nên ông thường hay chuyển bại thành thắng. Có lẽ chính vì thế mà báo chí Ý vào hôm nay đã có thái độ tương đối dè dặt.
Sau khi đã hồ hởi tiên đoán ngày tàn của « chủ nghĩa Berlusconi » trong trường hợp thành phố Milano lọt vào tay cánh tả, nhật báo Il Fatto Quotidiano chẳng hạn, đã kêu gọi cử tri đi bầu và động viên nhau đi bầu để bảo đảm chiến thắng của phong trào đối lập tại Milano và Napoli.
No comments:
Post a Comment