Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Friday, May 27, 2011

Ghi nhận ở trong nước: Đồ chơi độc hại tràn lan

Tem hợp quy dỏm tự in, bán khắp nơi; Đồ chơi Trung Quốc chiếm đến 90% thị trường và nhiều sản phẩm chứa đầy chất độc hại.
Cuối tuần qua, tại các khu vực chuyên kinh doanh đồ chơi trẻ em ở Sài Gòn như quận 5, quận 6..., không khí mua bán vẫn sôi động dù trước đó, ngày 15-9, Chi cục QLTT TP đã đồng loạt ra quân kiểm tra và tạm giữ nhiều sản phẩm không có tem hợp quy. Hiện tình trạng mua bán đồ chơi trẻ em không có tem hợp quy vẫn tràn lan tại khu vực này.Dán tem dỏm đối phó
Tại các điểm kinh doanh đồ chơi trẻ em này, nhiều mặt hàng bày bán dù có dán tem hợp quy nhưng phần lớn đều tự in. Thậm chí, tem tự in còn được bày bán xung quanh khu vực chợ Bình Tây - quận 6 với giá vài ba chục ngàn đồng/bộ vài trăm tem. Đến một điểm bán đồ chơi trên đường Ngô Nhân Tịnh - quận 5, chúng tôi thấy hàng bày bán phía trước có tem nhưng các sản phẩm để phía sau, chứa trong các bao, thùng các-tông thì phần lớn đều thuộc loại trôi nổi, không tem.
Nhiều điểm bán đồ chơi trẻ em còn cung cấp cả tem tự in cho khách mua số lượng lớn để mang về tự dán nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Bà Tuyết, chủ một cửa hàng đồ chơi trên đường Ngô Nhân Tịnh, cho biết không thể nào dán được hết các món đồ chơi; chỉ những mặt hàng bày bán ở cửa hàng mới dán tem, còn hàng chục ngàn sản phẩm chứa trong kho không tem thì giao trực tiếp cho mối lái. Theo các tiểu thương ở chợ Bình Tây, do QLTT chỉ kiểm tra một đợt vào ngày 15-9 rồi không thấy động tĩnh gì nên họ cũng không còn lo lắng tìm cách đối phó nữa.
Ở các điểm bán lẻ đồ chơi trẻ em tại quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, cạnh trường học..., đồ chơi trẻ em phần lớn đều không có tem hợp quy. Tương tự, tại các nhà sách, siêu thị, trung tâm thương mại, chỉ vài sản phẩm có tem, còn đa số là “hàng trơn”.

Khó kiểm soát
Ông Hoàng Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng 3, cho biết thời gian gần đây, qua kiểm nghiệm cho thấy có đến vài chục lô hàng với trên 20.000 món đồ chơi trẻ em có nguồn gốc từ Đài Loan, Trung Quốc nhiễm chất độc hại.
Theo ông Lâm, tình trạng đồ chơi nhập khẩu VN nhiễm chất độc hại đã xuất hiện từ lâu. Hơn 10 năm trước, qua kiểm nghiệm, trung tâm đã phát hiện chất độc hại trong đồ chơi nhập khẩu. Chất này là một loại phụ gia được dùng trong đồ nhựa để làm tăng độ mềm dẻo, khi sử dụng vượt mức cho phép sẽ trở nên độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe như làm tổn hại thận, gan, gây đột biến, hại đến thai nhi...
Mới đây, một đơn vị chuyên kiểm định, đánh giá chất lượng sản phẩm độc lập cũng đã công bố kết quả kiểm nghiệm trên các mẫu đồ chơi đĩa bay xuất xứ Trung Quốc có nhiễm chất phthalates độc hại vượt tiêu chuẩn cho phép.
Theo các cơ quan chức năng, đồ chơi Trung Quốc giá rẻ nhập lậu hiện chiếm đến 80%-90% trên thị trường. Những món hàng này được sản xuất bằng nhựa tái chế với nhiều phụ gia hóa chất độc hại. Chưa kể, việc sử dụng màu công nghiệp chứa nhiều kim loại nặng trong các sản phẩm đồ chơi này cũng gây hại cho sức khỏe.
Ông Đặng Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Sài Gòn, cho biết việc kiểm tra đồ chơi trẻ em vẫn được chi cục duy trì một thời gian nữa. Theo ông Đức, chi cục không thể kiểm tra rộng khắp đến từng nơi mà chỉ thực hiện có trọng điểm ở nơi bán tập trung với số lượng lớn. Mặt hàng đồ chơi cho dù nhập lậu cũng không phải là hàng cấm nên không thể tịch thu, tiêu hủy mà chỉ tạm giữ lấy mẫu kiểm nghiệm, nếu đạt chất lượng thì phải cho đấu giá bán ra thị trường.
Hơn 10 ngày qua, lực lượng QLTT TP đã kiểm tra 31 vụ các mặt hàng thuộc diện phải dán tem (trong đó, 20 vụ hàng không có hóa đơn chứng từ và 11 vụ không dán tem) với 22.230 sản phẩm đồ chơi trẻ em, 21.700 súng nhựa (hàng cấm). Chi cục QLTT Sài Gòn cho biết các mặt hàng đồ chơi có nguồn gốc nhưng chưa được dán tem hợp quy cũng chỉ bị xử phạt hành chính 10 - 15 triệu đồng; buộc chủ hàng phải thực hiện việc dán tem hợp quy trước khi lưu thông ra thị trường.

Hàng điện gia dụng cũng không tem
Ngay tại các trung tâm, siêu thị điện máy, 6 mặt hàng bắt buộc phải dán tem hợp quy, gồm: nồi cơm điện, máy sấy tóc và dụng cụ làm đầu, dụng cụ đun nước nóng tức thời, dụng cụ đun nước nóng và chứa nước nóng, ấm đun nước điện, quạt điện cũng chưa thực hiện đầy đủ. Còn tại các chợ, cửa hàng bán 6 mặt hàng này, đa số đều không dán tem.
Ông Thái Văn Tòng, chủ cửa hàng điện gia dụng tại khu vực chợ Kim Biên - quận 5, cho biết các mặt hàng điện gia dụng phần lớn đều là loại trôi nổi nên không thể đến cơ quan chức năng để xin giám định cấp tem. Một số hàng có nguồn gốc thì nhà cung cấp không nhận lại nên người bán lẻ đành bó tay.
Theo Nguyễn Hải/Người lao động

No comments:

Post a Comment