Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, May 26, 2011

Chuyển trụ sở tiếp dân của trung ương đảng

Văn phòng Thanh Tra chánh phủ cho hay, thủ tướng chánh phủ đồng ý chuyển trụ sở tiếp dân, từ số 110 đường Ô Cầu Giấy đến địa điểm ở số 1, đường Ngô Thời Nhậm.
Việc tiếp dân sẽ tiếp tục được thực hiện tại cơ sở mới này, kể từ ngày thứ sáu, 27 tháng 5, 2011.


Đã di dời một lần


Trước đây, các trụ sở tiếp dân của trung ương đảng và nhà nước được đặt tại đường Mai Xuân Thưởng, rồi sau đó dời qua đường Cầu Giấy. Các cơ sở này cách văn phòng trung ương của chánh phủ không xa và đều nằm trong trung tâm thủ đô Hà Nội.


Qua thông tin từ giới truyền thông thì dân oan ở khắp các địa phương Nam, Trung, Bắc kéo về khiếu kiện tại Hà Nội, tập trung thường xuyên từ năm này qua năm khác, trông chờ cấp lãnh đạo giải quyết những bất công, uất ức chồng chất của họ, kéo dài đã quá lâu. Cũng qua báo chí, người ta nghe thấy những cảnh công an bắt bớ, xua đuổi, hành hung những dân oan, chịu cảnh màn trời chiếu đất, qua đủ bốn mùa, nắng mưa, gió rét.


Nhà báo độc lập Nguyễn Khắc Toàn, người thường gặp và giúp đỡ các dân oan tập trung quanh các trụ sở tiếp dân của trung ương kể lại:


“Bên ngoài các cơ quan này treo những tấm biển rất hoành tráng, là ban tiếp dân của đảng, nhà nước, chính phủ với đồng bào, với nhân dân, thực tế đây chỉ là những bưu cục, để chuyển tiếp đơn từ của nhân dân, đi lòng vòng chứ còn cái chất lượng giải quyết cho dân chúng là hết sức thấp, bằng chứng là lúc nào đi ngang qua hai nơi này, đặc biệt là chỗ 110 Cầu Giấy, thấy đông nghẹt người, nhưng không giải quyết bao nhiêu.


Có những dân oan ở đây đã mấy năm trời, nếu như quay trở lại Mai Xuân Thưởng, có những người đã ở đó 10 năm, 15 năm, gần 20 năm, ấy là chưa kể đoạn trường người ta đi khiếu kiện ở các cấp địa phương nữa, có thể có người quá trình khiếu kiện lên tới gần 30 năm, thí dụ như trường hợp của bà Nguyễn Thị Kỷ, ở Thái Bình là một điển hình.”


Một dân oan khác và cũng là người thường lên tiếng tố cáo tham nhũng, ông Hoàng Trung Kiên nói về cách giải quyết khiếu kiện tại các trụ sở tiếp dân:


“Tôi là tình nguyện viên chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh Ninh Bình, tôi thường xuyên đến các trụ sở tiếp công dân của địa phương và trên trung ương. Tôi cũng đã viết về sự việc giải quyết, tiếp dân, khiếu nại, tố cáo ở trụ sở tiếp dân tỉnh Ninh Bình, gởi đến các cơ quan chức năng, là cán bộ không tiếp nhận đơn thư của công dân, khi công dân đến họ lại yêu cầu đưa ra gởi bưu điện.


Những trường hợp công dân nào đấu tranh, khi đến trụ sở là họ không cho vào và cũng không có lý do. Những cán bộ tiếp dân này kể cả từ trung ương cũng thế, mặc dù là các cơ quan nhà nước có văn bản chuyển đến, ví dụ như của tôi là của Mặt Tổ Quốc Trung ương, hai lần có công văn thông báo là đã chuyển đơn của tôi đến thủ tướng chính phủ để xem xét, giải quyết, thế nhưng ông thủ tướng cũng không giải quyết theo luật để trả đơn tôi giải quyết hay không giải quyết.


Khi tôi đến trụ sở tiếp dân của trung ương đảng, cán bộ cũng không biết mà người ta coi thường cơ quan chức năng chuyển đơn đến và ghi là việc đó không giải quyết.”


Lý do di dời


Dịp này, ông Toàn cũng nói lên suy nghĩ của mình vì sao nhà nước cho dời trụ sở tiếp dân đến một địa điểm mới:

“Ở đây đã xảy ra nhiều cuộc đấu tranh, xuống đường, họ hô vang khẩu hiệu đòi quyền lợi, đòi công bằng, đòi công lý. Mai Xuân Thưởng đã trở thành một địa diểm đen, một cái gai nhức nhối, làm xấu mặt chính phủ Hà Nội, cho nên họ đã có kế hoạch dời đi, xuống 110 Cầu Giấy vào năm kia, nhưng vẫn không giải quyết được những yếu tố nẩy sinh đó là làm tắc nghẽn giao thông, cho dân chúng thấy một bức tranh tồi tệ, vấn nạn bất công trong xã hội.


Chính phủ Việt Nam lại tính toán phải chuyển đến một địa điểm xa hơn nữa, tới số 1 Ngô Thời Nhiệm, phường Quang Trung, thị xã Hà Đông, cách Hà Nội khoảng 13 cây số, rất xa văn phòng chính phủ, xa sự quan sát của quốc tế. Họ muốn gây khó khăn, trắc trở cho người dân, làm nản lòng những dân oan đang kiên trì tranh đấu, đòi giải quyền lợi, những oan trái, do chính chế độ bất công này đưa lại.


Đến địa điểm mới này cũng là khuất mắt các nhà quan sát quốc tế đang hoạt động ở Hà Nội, như tổ chức của Liên Hiệp Quốc, phóng viên báo chí, hãng thông tấn các nước ở Phương Tây, người ta rất quan tâm đến tình hình này.”


Ông Kiên cũng mong rằng việc phanh phui, tố cáo tham nhũng được công luận bên ngoài ủng hộ chứ người dân không kỳ vọng gì vào sự phân minh của chánh quyền:


“Sự việc để người dân đi vòng vo thì không biết việc chống tham nhũng của đảng đưa ra thì thực hiện như thế nào, mặc dù chúng tôi là những người chỉ ra việc tham nhũng của những cán bộ có chức, có quyền. Tôi cũng thấy trụ sở tiếp dân của trung ương đảng, nếu như trước kia để ở Mai Xuân Thưởng là trung tâm, điều đó rất hợp lý, thế nhưng trung ương nay chuyển chỗ nọ, mai chuyển chỗ khác, dù mang đi dấu chỗ nào, cũng không thể bưng bít được sự thật. Ở Ninh Bình, trụ sở tiếp dân đưa vào rất sâu bên trong, thế nhưng cũng mong rằng tất cả mọi người dân và nhờ các cơ quan công luận lên tiếng cho những người đang đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.”
Theo nhà báo độc lập Nguyễn Khắc Toàn thì chỉ có một cách để giải tỏa dứt khoát nguyện vọng của hàng triệu dân oan khắp nước:


“Chỉ có một con đường duy nhất đó là phải cải cách thể chế chính trị ở Việt Nam, thay đổi chế độ độc tài, đảng trị, bằng thể chế tiến bộ, văn minh hơn, đó là đa nguyên, đa đảng, khi đó mới thật sự xây dựng được một nhà nước pháp quyền, phục vụ cho nhân dân, của dân, do dân và vì dân.


Duy trì chế độ độc đoán, chuyên chế, thì người dân vẫn bị hắt hủi, xem nhẹ, các quyền lợi của người dân trong nước vẫn bị khinh thường, những cái nạn bị ức hiếp, hà hiếp đồng bào, thậm chí nhiều trường hợp nghiêm trọng như bắn giết nhân dân vô tội, vẫn tiếp tục xảy ra.”


Người dân oan từ khắp nước vẫn hàng ngày đổ về Hà Nội trông chờ công lý, do vậy trụ sở tiếp dân dù có dời đi đâu thì cũng không tránh được sự hiện diện của họ.


Dư luận quốc tế cũng không khó khăn gì để mà theo dõi vì với hệ thống thông tin hiện nay vấn đề xa hay gần không quan trọng mà quan trọng chăng là chỗ giải quyết thấu đáo oan khuất cho họ mà thôi.

No comments:

Post a Comment