Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, May 26, 2011

"Thế giới trong tuần" ngày 25 tháng 5 năm 2011.

Tuần này có một chuyến thăm quốc tế được dư luận chú ý khá nhiều: chuyến đi của Tổng Thống Hoa Kỳ sang Ireland và Anh quốc. Cùng lúc, một đề tài thời sự cũng thu hút nhiều chú ý là "trận bão chính trị ngoại giao" giữa Mỹ với Israel. Chuyến về quê ngoại

Dư luận chú ý đến chuyến thăm Ireland của Tổng Thống và phu nhân còn nhiều hơn chuyến sang Anh quốc và Pháp, Ba lan trong chuyến công du của ông tại châu Âu, tuy rằng chuyến đi Ireland không mang một mục đích chính trị nào hết.
Nguyên do vì đó là lúc Tổng Thống Mỹ trở về quê hương bản quán của thân mẫu của ông, hôm thứ hai vừa rồi. Đó là một làng nhỏ, có lẽ phải gọi là một xóm nhỏ thì đúng hơn, vì chỉ có khoảng 300 dân, là xóm Moneygall, thuộc quận Offaly, tỉnh Leister của Ireland, ở giữa đường từ Dublin đi Limericks. Từ nhiều ngày trước ở nơi đây, từng nhà cho tới từng cột đèn, góc phố, đều được sơn phết, treo cờ Mỹ, làm cho mới hẳn để đón nhân vật mà người địa phương hãnh diện gọi là người con kiệt xuất của Moneygall.
Ngôi làng này là nơi ông tổ bốn đời của thân mẫu ông Obama từng sinh sống, cách nay gần hai thế kỷ. Ông tổ này tên là Falmouth Kearney, theo phong tục người Việt gọi là ông Xơ của bà mẹ ông Obama, di cư sang New York năm 1850 ở tuổi 19. Thân phụ của cụ Falmouth Kearney làm nghề thợ giày tại làng Moneygall, trươc khi trở thành một thương gia giàu có.


Người anh em họ xa

Đến nay họ hàng giòng tộc bên ngoại của Tổng Thống Obama vẫn còn người gần nhất là Henry Healy, 26 tuổi, anh em họ 8 đời của Tổng Thống Obama. Anh này được lãnh vé mang số 0001 trong số 3 ngàn vé dự buổi tiếp tân với Tổng Thống Mỹ. Có tới 5 ngàn người xếp hàng chờ đón Tổng Thống và phu nhân. Bên kia ranh giới hai quận Offaly và Tipperary còn có gia tộc đôi ba người anh em họ rất xa của ông Obama đang sống ở Ireland và Anh quốc. Những giòng họ này từng làm chung một mảnh đất với gia tộc bên quận Offaly trong hơn hai thế kỷ. Ông bà Tổng Thống Hoa Kỳ Barrack và Michelle Obama đã đi bộ dọc con đường làng, bắt tay người dân, tới thăm ngôi nhà nơi ông Xơ Falmouth Kearney từng sinh sống, rồi đến một quán rượu của làng, nói chuyện với mọi người và uống bia Guinness của người Ireland. Loại bia này ở Việt Nam cũng có.


Củng cố bang giao với Anh, Pháp, Ba lan

Sang ngày thứ ba, Tổng Thống Obama cùng phu nhân được Nữ Hoàng Anh đón tiếp tại điện Buckingham bằng nghi lễ quốc khách, với 41 phát súng chào. Nữ Hoàng Elizabeth cũng khoản đãi quốc yến vị nguyên thủ Hoa Kỳ. Đây là buổi quốc yến thứ nhì mà Vua nước Anh dành cho một Tổng Thống của Hoa Kỳ.
Sau những nghi thức đó, Tổng Thống Mỹ thảo luận với Thủ Tướng Anh David Cameron về nhiều vấn đề quốc tế, nói chuyện trước Quốc hội Anh, với mục đích củng cố mối giao hảo và quan trọng hơn nữa, là củng cố mối liên minh chặt chẽ giữa hai nước trong mọi tình hình trên thế giới. Chủ đích sâu xa của Mỹ là mong mỏi Anh chung lưng gánh vác thêm gánh nặng của các chính sách và các hoạt động của Hoa Kỳ cùng châu Âu trên những vùng nóng bỏng của thế giới. Sau Anh quốc, Tổng Thống Obama đi Pháp và Ba Lan, trước khi về Mỹ để chủ nhật này sẽ thăm vùng bị bão lốc tàn phá. Trận bão ở Joblin, Missouri đã gây thiệt mạng trên 120 người. Sau đó hôm thứ ba, bão lốc lại làm chết 7 người ở Oklahoma và Arkansas. Một chiếc xe tải lớn bị lốc bẻ gãy làm ba khúc ở Oklahoma, nhưng tài xế thoát nạn.


Phản đối ngay trong Bạch ốc

Tuần qua trúơc khi xảy ra cơn bão lốc tàn hại nhất ở Missouti từ 1953 đến nay, và trước khi đi châu Âu, Tổng Thống Obama đã gây một trận bão lốc chính trị, ngoại giao với đồng minh Israel ngay k
hi tiếp kiến Thủ Tướng Israel trong toà Bạch ốc. Ông Obama tuyên bố Israel nên trả lại đất cho Palestine và trở lại bên trong biên giới mà quốc tế hoạch định trước cuộc chiến năm 1967.
Thủ Tướng Benjamin Netanyahu lập tức phản bác ngay trong Nhà Trắng, rằng Israel không bao giờ nhượng bộ về lãnh thổ tới mức đó, đề nghị của Tổng Thống Mỹ là điều không thực tế chút nào.
Israel trước tháng 6 năm 1967 là một lãnh thổ chật hẹp. Năm 1967 ba nước Ai Cập, Syria và Jordan dàn 240 ngàn quân toan thanh toán toàn lãnh thổ Israel lần cuối cùng. Israel bèn tung ra toàn bộ lực lượng không quân, hồi đó chỉ toàn máy bay chiến đấu và oanh tạc, tiêu diệt gần hết cả không lực liên quân Á Rập, rồi 100 ngàn quân bộ chiến tấn công chớp nhoáng, đánh tan lực lượng tấn công của liên quân ba nước Á Rập. Cuộc chiến diễn ra chỉ 6 ngày trong thượng tuần tháng 6 năm 1967, đến khi ba nước Á Rập bị tổn thất nặng nề, phải điều đình ngưng chiến. Lãnh thổ Israel từ đó đã mở rộng sang những vùng chiến lược rộng lớn như bán đảo Sinai và dải Gaza của Ai Cập, cùng với cao nguyên Golan của Syri, dải bờ Tây sông Jordan và vùng đông Jerusalem của Jordan.
Chiếm được những vùng chiến lựơc để phòng thủ lãnh thổ, Israel không thể nào từ bỏ, nên xưa nay vẫn phản đối quyết liệt mọi đòi hỏi của khối Á Rập đòi trả lại đất cho các nước lâm chiến và người Palestine. Nay chính đồng minh cốt tử của Israel lại đề nghị điều cấm kỵ này với Israel.


Mỹ lui bước, Israel dịu giọng

Sau làn sóng phản đối từ phía Israel và cả từ khối dân cử Hoa Kỳ, Tổng Thống Mỹ đã phải lùi buớc, xác nhận ông vẫn luôn luôn ủng hộ và yểm trợ Israel trong mọi tình huống, đồng thời cải chính rằng ông không có ý đòi Israel phải trở lại biên giới trước năm 1967, mà chủ ý nói rằng nên thương lượng lại về vấn đề lãnh thổ với người Palestine trên căn bản biên giới trước trận chiến tháng 6 năm 1967.
Kết quả, hôm thứ ba Thủ Tướng Benjamin Netanyahu đã dịu giọng trước Quốc hội Mỹ hôm thứ ba, tuyên bố Israel sẽ có những nhượng bộ rất đau lòng, tuy không thể trở lại biên giới cũ. Diễn văn của Thủ Tướng Israel được sự tán thưởng nhiệt liệt của hầu hết các dân cử Hoa Kỳ. Quốc hội Mỹ đứng lên vỗ tay hoan hô Thủ Tướng Israel nhiều lần, ngoại trừ phó Tổng Thống Joe Biden trong cương vị chủ tịch Thượng viện Hoa Kỳ. Và chương trình thế giới trong tuần chấm dứt nơi đây.

No comments:

Post a Comment