Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, May 26, 2011

Chìm tàu Dìn Ký - nguyên nhân và trách nhiệm?

Vụ tai nạn chìm tàu, nhà hàng Dìn Ký khiến cho 16 người thiệt mạng xảy ra vào hôm 20/5 đến nay vẫn chưa xác định được trách nhiệm thuộc về cá nhân và cơ quan nào?Mặc dù đã có sự phối hợp điều tra của Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và các sở ngành liên quan, nhưng vụ tai nạn chìm tàu, nhà hàng Dìn Ký khiến cho 16 người thiệt mạng xảy ra vào hôm 20/5 cho đến nay, ngoài chủ doanh nghiệp Dìn Ký đứng ra nhận trách nhiệm, còn lại phần trách nhiệm về công tác quản lý, kiểm tra, giám sát vẫn chưa xác định được thuộc về cá nhân và cơ quan nào. Như vậy, nguyên nhân phải chăng vì pháp luật Việt Nam có lỗ hổng hay do việc thực thi luật pháp chưa nghiêm minh?

Khánh An phỏng vấn LS. Trần Đình Triển để tìm hiểu thêm khía cạnh pháp lý của vụ việc này.


Khó xác định trách nhiệm

Khánh An: Xin chào LS. Trần Đình Triển. Thưa luật sư, chắc ông cũng theo dõi vụ tai nạn xảy ra đối với nhà hàng, tàu Dìn Ký. Với tư cách luật sư, xin ông cho biết những nguyên tắc căn bản về mặt pháp lý khi vận hành tàu du lịch trên sông?
LS. Trần Đình Triển: Trước hết trong vụ việc của Dìn Ký, với tư cách luật sư, tôi rất đau xót và xin gửi lời chia buồn tới gia đình nạn nhân. Qua sự việc này, chúng ta phải nhìn nhận lại về mặt cơ chế luật pháp. Trước hết, Việt Nam có bờ biển dài, sông rạch rất nhiều. Phát huy lợi thế về mặt giao thông đường thủy là một lợi thế rất lớn ở Việt Nam. Tuy nhiên trong thực tiễn, đối với tàu chở hành khách và tàu du lịch thì phải được coi là một nghề kinh doanh đặc biệt, phải có cơ chế quản lý đặc biệt. Trước hết là cơ chế cảng tàu có đảm bảo hay không. Đối với những doanh nghiệp muốn có tàu vận chuyển đó thì cảng tàu phải theo đúng quy định của pháp luật, phải có giấy phép để đảm bảo tiêu chuẩn. Thứ hai, đối với tàu, phải đảm bảo dung tiêu chuẩn và chở dung trọng lượng, chứ không thể đưa vào một con tàu muốn chở như thế nào thì chở, phải đảm bảo làm thế nào đó tàu vận hành ở độ gió bao nhiêu, sóng bao nhiêu, sâu bao nhiêu…mới được đến vị trí đó và mới được khởi hành.

Tóm lại, công tác đăng kiểm của chúng ta về tàu bè phải hết sức chặt chẽ. Khi đã được đăng kiểm và chứng nhận chất lượng tốt thì chủ tàu không được sửa chữa lại, không được thay đổi. Nếu thay đổi, phải xin phép.

Khánh An: Hiện nay thì rất nhiều cơ quan ban ngành đã vào cuộc để điều tra và xử lý vụ tai nạn, thế nhưng việc xác định trách nhiệm vẫn bị xem là khó khăn, ông nhận xét thế nào về việc này?

LS. Trần Đình Triển: Qua sự việc vừa rồi chúng ta thấy trước hết về mặt giao thông đường thủy thì có cảnh sát đường thủy của Công an tỉnh. Thứ hai, về mặt giao thông vận tải, đăng kiểm thì có Sở Giao thông vận tải. Đến việc kinh doanh du lịch thì có Sở Du lịch quản lý. Liên quan đến những việc như vậy, các cơ quan chức năng đến bây giờ sau vụ việc vừa rồi lại đang họp bàn với nhau và không biết đổ trách nhiệm cho ai cả.
Theo như tôi biết hôm nay thì chiếc tàu đó đã hết hạn đăng kiểm, chủ tàu đã thay đổi một số kết cấu trên tàu mà không xin phép, cảng tàu chưa đảm bảo dung tiêu chuẩn và cũng chưa có phép, người lái tàu thì bằng lái tàu không còn giá trị nữa. Như vậy, chúng ta thấy rằng ở đây rõ ràng sự thiếu trách nhiệm và sự cương quyết của cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Nếu những sự việc đó chúng ta nghiêm cấm, xử phạt và bắt buộc thì không có hậu quả đó xảy ra.


Lỗ hổng luật pháp?

Khánh An: Vâng thưa luật sư, theo như phát biểu của ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT, thì sau khi vụ việc xảy ra, Bộ GTVT sẽ đưa ra những quy chuẩn, chế tài hành chính bắt buộc để tránh những tai nạn tương tự xảy ra trong tương lai. Như vậy, phải chăng luật pháp hiện nay vẫn chưa được hoàn chỉnh trong việc quản lý loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch trên sông?
LS. Trần Đình Triển: Qua vụ việc này thì chúng ta có một lỗ hổng về luật pháp. Cần phải có ít nhất là một nghị định chính phủ hay một thông tư lien ngành để quy định đối với tàu chở khách hay du lịch bằng đường thủy. Tôi cho rằng các tiếp viên trên các tàu đó phải có một trình độ đảm bảo như chiêu đãi viên hang không. Đó là gì? Khi lên tàu phải hướng dẫn khách về cách sử dụng phao bơi và phao bơi phải luôn ở trong tư thế sẵn sang, phải có ý thức phòng cháy chữa cháy để đảm bảo an toàn và hướng dẫn cho khách đứng, đi lại, ngồi trên tàu, sử dụng các phương tiện khi có sự cố. Điều đó luật pháp chưa hề có quy định đó nên dẫn đến chuyện là khách cứ lên tàu ngồi rồi gọi các món ăn ra mà không hề có ai hướng dẫn họ khi sự cố xảy ra thì cần phải xử lý thế nào. Tôi cho rằng những sự việc như vậy thì đây là lỗ hổng luật pháp. Qua sự kiện tàu Dìn Ký, tôi cho rằng cần phải có một nghị định chính phủ quy định cụ thể về những tổ chức quản lý và điều kiện tổ chức sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực giao thông vận tải chở khách và du lịch như thế này.

Khánh An: Vâng, sau khi vụ việc xảy ra thì hiện nay chủ doanh nghiệp Dìn Ký đã đứng ra xin lỗi và nhận trách nhiệm để xảy ra tai nạn trên. Tuy nhiên, hiện nay không chỉ có doanh nghiệp Dìn Ký kinh doanh loại hình du lịch, du thuyền trên sông mà còn rất nhiều doanh nghiệp khác trên cả nước. Theo ông thì làm thế nào để vẫn bảo đảm được việc phát huy được lợi thế kinh doanh loại hình du lịch trên sông mà không để xảy ra tại nạn đáng tiếc như vụ việc vừa qua?

LS. Trần Đình Triển: Ý thức của doanh nghiệp. Doanh nghiệp lúc nào cũng nghĩ đến lợi nhuận và coi thường tính mạng mọi người. Khi nào trách nhiệm của doanh nghiệp phải nghĩ rằng tính mạng của khách phải như tính mạng của mình thì mới đảm bảo được nguyên tắc kinh doanh có lợi đồng thời đảm bảo quyền lợi chung. Chứ ở đây chỉ nhìn nhận về lợi nhuận mà không nghĩ đến chuyện khác. Cái mà nhà nước cần phải quy định cụ thể hơn là đối với những loại tàu trọng lượng bao nhiêu chịu sức gió bao nhiêu và sóng bao nhiêu mới được ra những vùng nước có thể đảm bảo để đảm bảo an toàn cho du khách. Ở Việt Nam mình với lợi thế đó, thực tế ở rất nhiều nơi đã sử dụng những tàu du lịch đó, ví dụ như ở TPHCM, Hà Nội cũng có Hồ Tây và sông Hồng, ở Huế có sông Hương rồi như trường hợp của Bình Dương vừa rồi và ở Cần Thơ v.v… Có lẽ hình thức đó sẽ phát triển ở các vùng quê khác như là một lợi thế về kinh doanh và đặc biệt là lợi thế của đất nước Việt Nam mình là rất nhiều sông ngòi và quang cảnh đẹp. Luật pháp phải đi theo, phải có sự điều chỉnh. Qua sự việc đó, đau lòng rồi, chúng ta phải rút ra bài học để điều chỉnh pháp luật một cách đầy đủ và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp cũng như đối với hành khác. Tôi cho rằng có như vậy mới hạn chế được những tổn thất đáng tiếc như vừa qua của tàu Dìn Ký.

Khánh An: Vâng, cảm ơn LS. Trần Đình Triển đã dành thời gian cho Đài Á Châu Tự Do.

No comments:

Post a Comment