Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, May 15, 2011

Phiên xử ở Mỹ lộ bí mật tình báo Pakistan

Nghi can đánh bom Mumbai khai nhận tiền ISI



WASHINGTON (NYT) - Cuộc chuẩn bị cho việc tấn công thành phố cảng Mumbai ở Ấn Ðộ mất tới hai năm, và nghi can, một người Mỹ gốc Pakistan đã làm việc này với số tiền $25,000 do một sĩ quan tình báo Pakistan trao.

Ðó là điều mà nghi can, David Coleman Headley, khai với điều tra viên Ấn Ðộ, theo tường trình của báo New York Times. Ông Headley nói người sĩ quan tình báo Pakistan mà trao tiền cho ông chỉ được biết dưới tên “thiếu tá Iqbal.” Ông “thiếu tá Iqbal” này đã “lắng nghe toàn bộ kế hoạch tấn công Ấn Ðộ của tôi,” ông Headley nói.

Một sĩ quan khác trong cơ quan tình báo Pakistan ISI, “bảo đảm với tôi là sẽ có trợ giúp tài chánh,” theo ông Headley.

Và những điều này sẽ được khai ra trong một phiên xử ở tòa liên bang Mỹ tại Chicago.

Trong khi Mỹ đang yêu cầu phía Pakistan phải trả lời nghi vấn cơ quan ISI góp phần che chở Osama bin Laden, những điều ông Headley tiết lộ có thể tạo thêm mối nghi ngờ rằng nhân viên tình báo Pakistan có liên hệ với thành phần khủng bố, làm tệ hại hơn mối liên hệ giữa Washington và Islamabad.

Ấn Ðộ, nơi xảy ra cuộc tấn công hồi tháng 11 năm 2008, sẽ theo dõi vụ xử để xem bằng chứng về sự gọi là gian trá của ISI. Pakistan cũng sẽ theo dõi, và nhiều phần sẽ chối bỏ, mọi lời khai của ông Headley.

Islamabad trong thời gian qua có thái độ coi các lời cáo buộc của ông Headley đối với ISI chỉ là hành động tuyệt vọng của kẻ muốn tránh bị án tử hình.

Một viên chức Mỹ cho hay cái nhìn của chính phủ Mỹ về ông Headley, cũng giống như cuộc tranh luận gay go đang xảy ra ở Washington về vai trò của ISI trong thập niên vừa qua, là có nhiều khác biệt sâu đậm. Hiện không có sự thống nhất quan điểm nào ở Washington về việc liệu ISI có hướng dẫn ông Headley và cuộc tấn công ở Mumbai hay không.

“Ðiều này thật không rõ ràng,” viên chức này cho biết. “Rất nhiều điều sẽ được nghe thấy trong phiên xử. Những gì ông ta khai có thể chỉ là những điều ông nói mà thôi.”

Tuy nhiên, sự kiện chính phủ Mỹ đưa ông Headley ra làm nhân chứng của phía công tố cho thấy ít nhất có một số người trong chính phủ tin rằng ông Headley nói sự thật. Và giới hữu trách cho hay họ chờ đợi chính phủ công bố các email và băng ghi âm các cuộc điện đàm để hỗ trợ cho những gì ông ta khai.

Bất cứ chứng cớ gì về hành động phi pháp của ISI đưa ra trong phiên xử sẽ gây xôn xao ở Washington, trong khi mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan đang ở giai đoạn căng thẳng nhất từ nhiều năm nay.

Hiện đang có dư luận trong Quốc Hội Mỹ cho rằng việc khám phá ra nơi ẩn náu của bin Laden và chứng cớ trong vụ ông Headley cho thấy rõ ràng rằng ISI và thành phần lãnh đạo quân đội Pakistan chơi trò tình báo hàng hai với Mỹ. Pakistan đã nhận khoảng $20 tỉ trong viện trợ quân sự và phát triển của Mỹ từ năm 2001 đến nay, trong khi quân đội quốc gia này, theo dư luận trên, lại che chở cho bin Laden, hỗ trợ thành phần Taliban ở Afghanistan trong việc giết hại lính Mỹ và hướng dẫn phiến quân tấn công Ấn Ðộ.

Cá nhân ông Headley không bị xử lần này. Nhưng ông sẽ là nhân chứng chính yếu trong việc truy tố Tahawwur Hussain Rana, một doanh gia ở Chicago bị cáo buộc cung cấp tiền bạc và hỗ trợ phương tiện cho cuộc tấn công vào Mumbai năm 2008. Cuộc tấn công bằng tiểu liên và lựu đạn này làm thiệt mạng ít nhất 163 người, kể cả sáu công dân Mỹ. Ông Rana bào chữa rằng ông đồng ý ủng hộ hành động của ông Headley ở Ấn Ðộ vì tin rằng đang làm việc cho ISI và do đó có nghĩa là cho chính phủ Pakistan.

Ông Bruce O. Riedel, một chuyên gia về khủng bố ở viện nghiên cứu Brookings Institution, cũng là một cựu nhân viên Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA), cho rằng phiên xử “sẽ là cái đinh cuối cùng đóng vào cái hòm về mối quan hệ Mỹ-Pakistan khi vai trò của ISI được kể lại chi tiết trong việc giết hại sáu công dân Mỹ.”

Các giới chức quân sự cũng như tình báo Mỹ từng phục vụ tại Pakistan cho rằng câu chuyện về ISI rất phức tạp. Một số cho rằng ISI là một bộ máy quyền hành và phức tạp đến nỗi các tướng lãnh Pakistan cũng không hoàn toàn kiểm soát được. Họ cho rằng ISI là cơ chế đáng sợ nhất đối với người dân Pakistan và được coi như một chính phủ trong bóng tối, kiểm soát mọi vấn đề trọng đại trong quốc gia này.

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền và các nhà tranh đấu dân chủ cho rằng ISI nay chẳng nghe theo lệnh ai và cáo buộc cơ quan này tổ chức gian lận bầu cử, thủ tiêu hàng trăm người và truy bức thường dân muốn có hòa bình với Ấn Ðộ.

Nhiều người khác cho rằng vụ xử là một hình ảnh thu nhỏ của tình trạng lầm lẫn, đầy nghi ngờ và rối bù trong các nỗ lực của Mỹ ở Pakistan từ năm 2001 đến nay. Các cựu giới chức Mỹ từng phục vụ ở Pakistan cho rằng dù có bằng chứng gì trong vụ xử ở Chicago chăng nữa, sẽ là một sự sai lầm lớn lao nếu cắt bỏ tất cả viện trợ Mỹ cho cơ quan tình báo ISI hay quân đội Pakistan.

Ông Marty Martin, cựu viên chức CIA từng chỉ huy nỗ lực săn lùng bin Laden từ năm 2002 đến năm 2004, cho rằng cắt bỏ viện trợ sẽ cô lập hơn nữa các giới chức Pakistan sẵn lòng cộng tác với Mỹ và làm mạnh thêm phía phiến quân.

“Không có giải pháp nào khác ngoài việc tiếp tục cộng tác với họ,” ông Martin nói. “Tại sao? Bởi vì chuyện này chưa chấm dứt.”

No comments:

Post a Comment