Vượt qua trở ngại bệnh tật
Nghe nói Paul hát hay lắm phải không?”
Vừa mỉm cười ngượng nghịu, Paul vừa gật đầu, ậm ừ.
“Hát cho tôi nghe thử một bài nhé?”
Vẫn nụ cười tươi mà hơi bẽn lẽn, người thanh niên có tên là Paul lại ậm ừ, mắt nhìn thẳng về phía trước như để tập trung tư tưởng, rồi sau một vài giây ngâm nga, Paul cất tiếng hát.
Giọng hát mạnh và trầm ấm truyền cảm làm ấm không gian. Dòng nhạc cuồn cuộn đổ ra từ đôi môi, không, từ buồng phổi, không, đúng hơn là từ trái tim đầy khao khát của Paul.
Và cứ như thế Paul hát, thật trôi chẩy, thật vững vàng, hát cho đến khi cả người hát lẫn người nghe bị cuốn hút hẳn vào một thế giới rất huyền ảo của âm nhạc.
Một thế giới, ở đó Paul có thể diễn tả lưu loát bằng lời, y như một người bình thường.
Nghe Paul hát, không ai có thể ngờ anh bị tật nói lắp từ nhỏ.
Không chỉ hát chơi cho vui. Paul hát rất “chuyên nghiệp.” Khi Solo, Paul hát giọng Tenor, khi hát chung với ban nhạc, Paul hát giọng Bass và Baritone. Paul còn hát cả Opera nữa.
Không chỉ hát, Paul còn biết chơi đàn piano.
“Mỗi học kỳ em có một buổi trình diễn Solo.” Paul khoe.
Paul Carlos là tên một thanh niên người Philippines, 23 tuổi, có mái tóc đen, mắt đen, dáng người dong dỏng và nụ cười hơi bẽn lẽn luôn nở trên khuôn mặt thông minh dễ mến. Cặp kính cận tròng đen không làm khuất che đôi mắt sáng mà làm nổi bật nét thư sinh.
“Tại sao Paul có thể hát lưu loát như thế mà khi nói vẫn bị lắp?”
Trả lời câu hỏi của phóng viên nhật báo Người Việt, Paul bập bẹ cố gắng nói “ta ta tại...vi vi vì...” rồi vừa vận dụng hết sức cho lời nói bật ra, vừa cầm bút viết lên xấp giấy câu giải thích:
“Tại vì hát và nói sử dụng hai phần khác của bộ óc!”
Như hơn 68 triệu người nói lắp khác trên thế giới, Paul tâm sự rằng trước kia cũng có lúc “thấy xấu hổ” vì không có khả năng diễn đạt lưu loát, và hay “cảm thấy lo lắng mỗi khi phải giao tiếp,” nhất là với người lạ, vì sợ làm người nghe thiếu kiên nhẫn, hay hiểu sai ý mình.
Nhưng đó là chuyện ngày xưa!
Ngày nay, Paul mạnh dạn nhận lời đến gặp một người chưa quen ở nhật báo Người Việt để phỏng vấn. Khi nói năng bị khó khăn, Paul dùng giấy bút để viết, hay dùng điện thoại di động, text vào rồi đưa cho người đối diện xem.
Paul trình diễn khắp nơi. Với Paul, giờ đây căn bệnh nói lắp chỉ là một “thách thức trí tuệ” cần được nghiên cứu và vượt qua. Ngoài thế giới nhạc, Paul nghiên cứu bệnh nói lắp một cách say mê như một khoa học gia nghiên cứu một bí mật khoa học chưa được khám phá.
Ðược hỏi về bệnh nói lắp, Paul lấy bút viết vào trang giấy rằng “chị ngồi chờ một tí nhé,” rồi ra xe khệ nệ mang vào một cuốn sách lớn, lật những trang Paul cho là quan trọng, và say mê giải thích.
“Bệnh nói lắp không chỉ là một giới hạn của sự diễn đạt,” Paul viết. “Mà còn liên quan đến toàn bộ thân thể và tâm trí của con người, bao gồm cảm xúc, quan điểm và nhận thức về khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ.”
“Vì thế em cần phải tập trung tư tưởng mỗi ngày để có thể chữa khỏi bệnh. Chỉ tập nói không chưa đủ, tật nói lắp sẽ tái phát nếu mình chỉ tập nói mà không để ý những phương diện kia.”
“Sở dĩ em có thể hát được một cách lưu loát, em nghĩ một phần là vì phải ngâm nga chữ đầu tiên trong đầu, nhớ đến tone nhạc, trước khi cất tiếng hát, và nhờ thế đầu óc bớt lo lắng về việc nói sao cho không bị lắp.”
Giải thích của Paul được Bác Sĩ Martin F. Schwartz, chuyên nghiên cứu về bệnh nói lắp, chia sẻ.
Trong bài viết có tựa “Hồi ký của một bác sĩ chuyên chữa bệnh nói lắp” đăng trên các website về bệnh này, Bác Sĩ Schwartz viết:
“Bệnh nhân cần phải học cách nói chậm lại chữ đầu tiên một cách kín đáo, vì khi đã bật ra được một vài chữ đầu, người nói lắp có thể nói nguyên một câu lưu loát.”
“Vấn đề nằm ở chỗ hễ cứ cố nói nhanh những chữ đầu thì người nói lắp sẽ bị lắp bắp, và từ đó trở nên mặc cảm rồi mất đà luôn.”
Nhưng tại sao Paul lại tập hát, và hát hay được như thế? Phải chăng học hát là một phương pháp hay để giúp cho bệnh lắp giảm đi?
Theo website của National Stuttering Association thì cho tới giờ, điều này chưa được chứng minh, nhưng theo những chuyên gia nghiên cứu về bệnh này, càng lơ được căn bệnh này đi bao nhiêu thì bệnh có cơ hội thuyên giảm tốt hơn bấy nhiêu. Như vậy người học hát có cơ hội tập trung vào bài hát, lời hát mà quên đi cố tật của mình.
Cũng theo National Stuttering Association, khoảng 1% dân số trên thế giới bị bệnh nói lắp. Ðiều này cũng có nghĩa là khoảng hơn 3 triệu dân Mỹ mắc phải bệnh này. Một căn bệnh không nguy hiểm cho sức khỏe nhưng rất tổn thương cho bệnh nhân về mặt tâm lý, sự tự tin và nhiều điều khác nữa.
Một căn bệnh cần sự hỗ trợ của gia đình vô cùng, sự hỗ trợ mà Paul may mắn có được.
“Em được như ngày hôm nay là hoàn toàn nhờ cha mẹ. Chính bố mẹ là người ép em phải tập hát.” Paul tâm sự.
Ðến Mỹ năm 2004, ông bà Bien-Venido và Irene Carlos, cha mẹ của Paul, đều xuất thân từ gia đình gắn bó với âm nhạc. Cả hai bên nội ngoại đều chơi Piano. Riêng ông Bien-Venido Carlos đã lập một ban hợp ca tại Philippines cách đây cả 40 năm.
Bà Irene Carlos, mẹ của Paul tâm sự:
“Hồi nhỏ khi chúng tôi chơi đàn, thấy Paul ngâm nga theo, tôi đã để ý là cháu thích âm nhạc, nhưng cho đến khi Paul đòi dạy nó đánh Piano bài 'Moonlight Sonata' thì không thể phủ nhận ý thích của nó.”
“Khi tôi dạy Paul đánh được bài này thật nhuyễn thì mới khám phá ra Paul đã tự tập những bản nhạc cổ điển đơn giản khác.”
Bà Irene Carlos kể là lúc đó luôn lo lắng về tật nói lắp của Paul, nên chỉ tập trung vào việc chữa trị bệnh này, mà không quan tâm nhiều đến phát triển năng khiếu của con.
“Trong tám người con, Paul là người con duy nhất bị nói lắp.” Bà xót xa nói.
Sau khi thấy Paul vững nhạc lý và đánh đàn Piano khá, bà bắt đầu khuyến khích Paul tập hát và cho Paul gia nhập ca đoàn do chính ông bà thành lập gồm đa số là chòm xóm, bà con và bạn bè của con cái.
Không ai ngờ việc tập hát lại tốt cho tâm lý của Paul như vậy.
“Ngày nghe Paul hát thật hay, thật lưu loát, tôi vui chẩy nước mắt.” Bà Irene nói.
Ông Bien Venido Carlos tâm sự:
“Ngày Paul được trưởng ca đoàn của nhà thờ Thánh Linh tại Fountain Valley mời vào ban nhạc để hát giọng Baritone và giọng Bass, tôi vui mừng quá.”
“Trời ơi, đứa con trai bị nói lắp của chúng tôi được mời vào ca đoàn. Tôi nhớ cứ ngẫm nghĩ mãi như thế rồi thấy thật hạnh phúc.” Ông nói.
Kinh nghiệm bà Irene rút tỉa được là “xem mộng ước, hoài bão của con là gì, khuyến khích con và giúp đỡ nó thực hiện.”
Cha của Paul nói thêm:
“Ðể con tự phát triển năng khiếu, khuyến khích, hỗ trợ. Về căn bệnh nói lắp, khi con nói, kiên nhẫn ngồi nghe cho hết câu, không tỏ vẻ sốt ruột khi con bị ngập ngừng, và không bao giờ nói hộ nó, vì như thế càng làm con tăng thêm mặc cảm tự ti.”
Paul thì muốn nhắn nhủ với những người bị bệnh nói lắp rằng:
“Ðừng để bệnh nói lắp ngăn chặn không cho mình thực hiện những điều mình ôm ấp. Sự nói năng vấp váp chắc chắn lâu lâu sẽ làm mình bị gục ngã, nhưng cứ phải đứng lên mà đi tiếp.”
Paul hiện đang đi làm bán thời gian tại Disneyland và theo học đại học ngành y tá. Tại chỗ làm, Paul cũng quen một người bạn mà Paul mong sau này sẽ là bạn gái.
Paul chia sẻ mộng ước thật bình thường là: “Học xong, có một việc làm ổn định,” tiếp tục theo đuổi âm nhạc “như một sở thích,” và hy vọng một ngày “có một mái ấm gia đình.”
Bà Irene nói đến ước ao của mình với chút xót xa là “mong sao cho Paul khỏi bệnh nói lắp và nói được như một người bình thường.”
Không thấy Paul nhắc gì đến việc chữa bệnh nói lắp trong mộng ước của mình. Dường như bệnh của Paul làm mẹ ưu phiền nhiều hơn chính bản thân anh.
Có phải vì Paul đang sống “cuộc sống bình thường” của mình, hay là vì lòng mẹ bao la?
No comments:
Post a Comment