Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, May 24, 2011

Những con sông cạn nguồn...

QUẢNG NGÃI (NV) - Nếu như ở miền Nam, Sài Gòn rên xiết bởi mùa nước lên, bờ chắn thủy triều vỡ, cả ngàn ngôi nhà phố ngập chìm trong nước, rồi sông trở nên dơ dáy, dòng nước đen ngòm, tanh hôi, mang theo các loại rác rưởi... thì miền Trung cũng thê thảm không kém gì.
Tôi còn nhớ lúc đi qua sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi, người bạn thở dài: “Bây giờ, cái thú vui tắm sông Mùa Hè trở thành nỗi ám ảnh, kinh hoàng, bởi nó mang theo hai thứ sợ hãi, sợ chết đuối và sợ nhiễm trùng bởi nước quá dơ.

Ngày xưa sông xanh và đẹp như thơ, bây giờ khiếp quá!”

Lúc này tôi mới dừng xem, nhìn kỹ Trà Khúc, một con sông lớn, rộng mênh mông và nổi tiếng với “Sông Trà núi Ấn” trở nên tội nghiệp khi cả dòng sông phơi đầy cát vàng, bãi bờ khô cằn, nguyên một đoàn ghe thuyền vận chuyển cát nối đuôi nhau nằm chờ đợi tới phiên “chở thịt sông” với gần hai mươi chiếc máy hút cát đặt nằm dọc theo lòng sông từ cầu Trà Khúc chạy ngược lên thượng nguồn trông cứ như một đội thiết giáp đang qua sông với nòng súng giơ cao về phía cánh đồng.

Tôi hỏi một người làm nghề chở cát trên sông Trà Khúc về vấn đề bảo vệ sông, cơ quan an ninh, chính quyền có đưa ra ý tưởng, dự án hay qui định, luật lệ bảo vệ nào dành cho sông Trà Khúc, và khi khai thác cát như vậy, anh có gặp khó khăn nào không. Anh trả lời: “Chúng tôi phải chung chi cả gần hai mươi năm nay mới trụ lại được, chứ đâu dễ gì tự dưng mà ung dung khai thác đâu!”

“Hơn nữa trước đây chúng tôi khai thác trên thượng nguồn, đóng thuế nặng lắm, sau mỗi trận lụt, con sông coi bộ đổi dòng hay sao ấy, nó chảy cát về đầy dưới này, bây giờ chúng tôi tha hồ hút vì điều này nằm trong dự án của sở tài nguyên môi trường tỉnh, hút để nạo vét sông. Nhưng càng nạo vét thì cát càng chảy về nhiều, lấp cạn sông mất mấy ông ơi!”

Chúng tôi ngoái nhìn lại Trà Khúc, đúng là sông trở nên trơ trọi và khô khốc, cạn kiệt, không còn là sông nữa!



Mệt mỏi và thê lương...



Có 44 công trình thủy điện đã và đang thi công trên sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam. Ở những con sông khác, dường như có sông là có đập thủy điện. Dòng nước thay màu, thay sắc.

Ðầu tiên, có lẽ phải nói đến sông Thu Bồn, con sông quen thuộc mà tôi vẫn hay đi qua mỗi khi đi học. Con sông bắt nguồn từ đỉnh Ngọc Linh (Kon Tum) về Cửa Ðại (Hội An). Không thể nói gì hơn là con sông này mau già, mau chết đến độ không tin được. Trước đây 10 năm, đứng trên cầu Câu Lâu, nhìn xuống lòng sông, chỉ thấy mênh mông một màu xanh của nước, có cảm giác như đang đứng trước biển.

Và bây giờ, không khỏi bùi ngùi, thương tiếc cho một con sông cạn nguồn, nước đỏ ngầu như máu. Sông chia ra làm hai dòng, một bên dòng chảy bị bế tắc hơn 10 năm vì nguồn đã cạn hẳn thì trong veo, xanh biếc, còn bên kia bãi, một dòng chảy đục ngầu bởi nước từ thượng nguồn mang toàn đất đá, cát lở từ bãi khai thác đá, khai thác vàng và cây rừng bị chặt phá, không còn khả năng điều lưu...

Nguyên nhân cạn kiệt của Thu Bồn cũng không nằm ngoài chuyện khai thác cát ở thượng nguồn, từ đoạn Trà Linh đến Hòn Kẽm - Ðá Dừng, nguyên một bãi khai thác cát sạn đóng ở đây hoạt động suốt ngày đêm.

Sông Hàn ở thành phố Ðà Nẵng, sông Nhật Lệ ở Quảng Trị, sông Bến Thủy ở Quảng Bình cũng thê thảm không kém, đỏ ngầu và hôi hám, đó là những gì có thể mô tả được. Và các con sông này cũng được khai thác khoáng sản đến kiệt sức.

Thời Pháp thuộc, có thể nói sông Mã tuy ít đi vào thơ ca nhưng mỗi lần viết về nó, dường như nhà thơ dùng hết công lực để riết róng lấy nó, vẻ đẹp của sông Mã vừa kiêu hùng, dữ dội, vừa thơ mộng, lãng mạn...

Nhưng đó là chuyện của ngày xưa...

Trong chuyến đi làm phóng sự về nạn đói ở Thanh Hóa vừa qua, chúng tôi ghé Quan Hóa, ở lại đêm. Cả thị trấn chỉ có độc nhất một nhà khách sinh thái ở trong xóm vắng, do một người Pháp đầu tư, một người Việt ở Hà Nội đứng tên chủ quyền và một người Việt ở Quan Hóa quản lý.

Nói là nhà khách cho sang, chứ thật ra đây là một căn nhà tranh, được ngăn thành nhiều phòng, bên trong không có gì khác ngoài một cái giường, một cái quạt và một phòng tắm. Nhìn chung là rất chán. Chỉ có hai chi tiết này làm cho nhà trọ trở nên thú vị, đó là mạng Internet Wifi và tiếng rì rào của sông. Suốt đêm, khách nằm nghe một loại âm thanh kì diệu vừa hùng tráng vừa dịu êm, vừa có chút thổn thức lại vừa bi tráng, không nguôi...

Hôm sau, khi chúng tôi thức dậy, ra ngồi quán cà phê, một cái quán cũng bằng tranh, lót sàn tre, thiết kế các bộ bàn ghế bằng tre, nằm chơi vơi trên bờ sông. Nhìn xuống lòng sông, cát sỏi phơi đầy, nước đỏ ngầu và nói đúng hơn là một con sông cũ, bây giờ, nó là cái bãi của nhiều con suối băng qua, những con suối róc rách dòng đục ngầu cùng sỏi đá, sa thạch...

Hỏi ra, mới hay đây là sông Mã, một con sông nổi tiếng mạnh mẽ, dữ dội và huyền bí một thời...



Nhìn những cánh đồng và nghĩ về dòng sông...



Gần đây, chuyện người nông dân bị mất mùa bởi khô hạn, nước nhiễm mặn bởi lưu lượng của thượng nguồn quá thấp, dẫn đến nước biển dâng cao, lượng nước mặn đi vào ruộng... Rồi nước không đủ để cung cấp các cánh đồng... Dẫn đến hàng loạt cánh đồng bị khô hạn. Người nông dân rơi vào nghèo khó.

Trong khi đó, nước Việt Nam là một nước nông nghiệp, hơn 80% dân số vẫn sống dựa vào nghề nông... Nguồn nước cung cấp cho nông nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào những con sông. Nhưng sông thì mỗi ngày thêm già và chết đi.

Những cánh rừng đầu nguồn bị san bằng, cắt cây lấy gỗ, trốc gốc lấy lõi, dẫn đến trượt đất, lở đất, lượng nước mất sự điều lưu, lũ quét kéo theo đất đá... Ðó là những nguyên nhân chung dẫn đến cái chết của những dòng sông.

Và trên hết, một khi quyền lợi sinh sát của người nông dân, của đại bộ phận dân số lại phụ thuộc vào sự điều phối của chưa đến 20% còn lại. Mà trong số 20% đó bao gồm cả lâm tặc, cán bộ tặc, chính quyền tặc và nhiều thứ tặc khác có liên quan trực tiếp đến rừng và sinh quyển, liên quan đến văn hóa và tự nhiên quốc gia. Vậy thì người nông dân mong gì?!

No comments:

Post a Comment