Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, May 25, 2011

Một nghị sĩ Châu Âu có thế lực trong ngành thủy sản ủng hộ cá tra Việt Nam

Chỉ cách nay vài tháng, cá tra Việt Nam nhập vào châu Âu còn bị nghi ngờ là kém phẩm chất, với một số lời kêu gọi tránh dùng mặt hàng này. Thế nhưng, trong một động thái được xem là quay ngoặt 180°, một nhân vật cao cấp trong Nghị viện Châu Âu mới đây đã tuyên bố rằng cả giới tiêu thụ lẫn ngành nuôi cá tại châu Âu đều có thể được hưởng lợi từ việc nhập cá từ Việt Nam.




Người lên tiếng bênh vực thủy sản Việt Nam là nghị sĩ Struan Stevenson, Phó Chủ tịch Ủy ban Thủy sản thuộc Nghị viện Châu Âu. Thái độ của ông Stevenson đáng chú ý vì lẽ cho đến gần đây, ông là một trong những người cực lực chỉ trích ngành sản xuất cá tra Việt Nam, bị cho là không bảo đảm các chuẩn mực vệ sinh, an toàn sức khỏe.

Thế nhưng, ngày 23/05/2011 vừa qua, sau một chuyến công du 10 ngày tại Việt Nam (từ 13/05 đến 23/5), nghị sĩ Stevenson đã công khai tuyên bố là đã có những phê phán không đúng về ngành nuôi cá tra tại Việt Nam, đồng thời kêu gọi giới tiêu thụ tin tưởng vào chất lượng thủy sản nhập từ Việt Nam.

Trong bản tin đăng trên trang web cá nhân của mình, ông Stevenson nói rõ : « Cho đến gần đây, tôi là một người cực lực chỉ trích ngành nuôi cá tra (tại Việt Nam). Thế nhưng, sau khi chứng kiến tận mắt các phương pháp nuôi cá, và tìm hiểu rõ hơn về thị trường được điều hòa chặt chẽ này, tôi sẵn sàng công nhận là các nhận định của tôi trước đây là không đúng ».

Trong một tham luận đọc tại Nghị viện Châu Âu ngày 9/11/2010, Phó chủ tịch Ủy ban Thủy sản Nghị viện Châu Âu đã từng kêu gọi tẩy chay cá da trơn nhập từ Việt Nam được bán trên thị trường châu Âu với giá rất rẻ. Theo ông : « Mekong là một trong những con sông ô nhiễm nặng nề nhất trên Trái đất. Nhà máy dọc hai bên bờ bơm mỗi ngày hàng ngàn tấn chất gây ô nhiễm vào nguồn nước. Hệ quả là nước dùng để nuôi cá tra đầy rẫy vi khuẩn và độc tố chứa đụng trong nước thải công nghiệp như thủy ngân, thạch tín và DDT ».

Ghi nhận của ông Stevenson hôm 23/05 hoàn toàn khác : « Chỉ có những trại nuôi cá lớn nhất, hiệu quả nhất ở đồng bằng sông Cửu Long là được xuất khẩu sang châu Âu. Các cơ sở này đều được Ủy ban Châu Âu kiểm tra và chuẩn y, đồng thời được các khách hàng lớn thường xuyên theo dõi (như các đại siêu thị ASDA, Tesco và Carrefour), để người tiêu dùng tại Liên Hiệp Châu Âu khỏi phải lo lắng về chất lượng thức ăn trên mâm cơm của họ. »

Nghị sĩ châu Âu này còn nói rõ là thay vì các cơ sở sản xuất ô nhiễm và mất vệ sinh, ông đã thấy là ngành công nghiệp cá tại Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn thế giới về vệ sinh và sản phẩm làm ra đạt chất lượng hàng đầu. Đồng thời, ngành công nghiệp này cũng cung cấp công ăn việc làm an toàn cho hàng triệu người nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với ông Stevenson, cho dù cá Việt Nam được bán trên thị trường châu Âu với giá rẻ, giới sản xuất Liên Hiệp Châu Âu không có gì phải lo ngại về sự cạnh tranh. Thậm chí Châu Âu còn có thể hưởng lợi nếu công nghiệp nuôi cá tại Việt Nam phát triển, vì có thể xuất qua Việt Nam kỹ năng chuyên môn, cũng như các thiết bị nuôi trồng, chế biến.

Mới đây, Việt Nam đã loan báo ý định tăng cường xuất khẩu thủy sản sang châu Âu, vốn đã là thị trường số một của cá tra Việt Nam. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam VASEP, trong năm 2010, châu Âu đã nhập tới 35,8% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam, trị giá gần 1,43 tỷ đô la.

No comments:

Post a Comment