HÀ NỘI (NV) - Lạm phát ở Việt Nam trong tháng 5, 2011, đã lên đến 19.78% so với cùng tháng này của năm ngoái, theo tin từ Tổng Cục Thống Kê Việt Nam hôm Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011.
Tình hình này tăng thêm khốn khổ cho đại đa số người ở Việt Nam vốn thuộc tầng lớp nông dân hoặc lao động nghèo khó.
Tháng trước, lạm phát ở Việt Nam là 17.51%.
Lạm phát liên tục gia tăng nhanh từ tháng 8 năm ngoái đến nay tuy chưa đến mức 28.3% của tháng 8, 2008, nhưng tình hình kinh tế và sản xuất có nhiều vấn đề đã khiến cho hàng trăm ngàn người đói, buộc nhà cầm quyền trung ương phải cấp gần 17,000 tấn gạo cứu đói cho dân tại 10 tỉnh từ miền Bắc đến miền Trung.
Các tỉnh được cấp gạo cứu đói là Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Gia Lai, Kontum, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái. Riêng tỉnh Thanh Hóa báo chí nói có gần 250,000 dân đói, mà năm nào cũng đói chứ không phải mới chỉ năm nay.
Trong số các loại hàng hóa tăng giá, thực phẩm là thứ tăng nhiều nhất. Tổng Cục Thống Kê nói giá thực phẩm trong tháng 5 đã gia tăng 3.53% so với tháng 4. Quá phân nửa số tiền kiếm được của người dân phải chi cho thực phẩm mà lạm phát cứ leo thang mãi, chạy đuổi không kịp. Ðây là lý do chính yếu đã xảy ra 220 vụ đình công tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay.
Từ đầu năm đến nay, nhà cầm quyền trung ương loan báo một số biện pháp, chỉ thị kinh tế coi đối phó với lạm phát là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, lạm phát vẫn cứ leo thang tháng sau nặng hơn tháng trước cho thấy các chính sách đó vẫn không đủ đô.
Một vài hành động có tính cách chắp vá, tuyên truyền bề mặt như lập quĩ “bình ổn giá” với các khoản tiền nhỏ, thúc ép một số xí nghiệp quốc doanh hay kinh tài đảng đoàn hạ giá sản phẩm thực phẩm, không đem đến bao nhiêu tác dụng.
Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, chuyên viên kinh tế, trong một bài viết trên tờ Lao Ðộng ngày Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011 cho chương trình “bình ổn giá” là “viển vông” vì chỉ là “trấn an tâm lý người tiêu dùng.”
Theo trang mạng 'tradingeconmics.com' xếp hạng lạm phát các nước trên thế giới hồi tháng 4, 2011 thì Việt Nam đứng hạng nhì, chỉ sau Venezuela ở Nam Mỹ và bên trên Angola ở Phi Châu.
Mới đây, Ngân Hàng Trung Ương ra lệnh cho các ngân hàng thương mại không được cấp tín dụng gia tăng hơn 20%. Ðồng thời chế độ Hà Nội cũng loan báo cắt giảm đầu tư công.
Từ tháng 11, 2010 đến nay, Ngân Hàng Trung Ương Việt Nam tăng gấp đôi lãi suất liên ngân hàng mà hiện nay lên đến 15% nhằm chận đà gia tăng tín dụng.
Tuy nhiên, theo một bài viết trên tờ Financial Times ngày Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011, dù một số biện pháp siết chặt chính sách tiền tệ, cắt giảm chi tiêu được đưa ra, doanh nhân ở Sài Gòn nói rằng chẳng thấy bao nhiêu dấu hiệu tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế.
“Dù có dấu hiệu người cần vay tiền phải trả lãi suất cao hơn, chúng tôi không thấy sự suy giảm đáng kể trong mức cầu như phản ảnh qua các con số bán lẻ của tháng 4 hay con số thống kê thương mại.” Santitarn Sathirathai, một phân tích gia tại ngân hàng Credit Suisse viết trong một bức thư gửi khách hàng gần đây được FT nêu ra.
Một số nhà đầu tư ngoại quốc từng nói với báo FT rằng nhà cầm quyền Hà Nội vốn nổi tiếng với nhiều bằng chứng đã ra các nghị định, chỉ thị, quyết định nhằm đối phó với hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhưng sự thi hành thì rất lỏng lẻo. Nói theo kiểu người Việt Nam là “đánh trống bỏ dùi.”
Ông Lê Ðăng Doanh, kinh tế gia từng cầm đầu Viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương nay đã nghỉ hưu, nói lạm phát ở Việt Nam đã lên đến mức đáng lo ngại vì hiện đang làm khốn đốn cho các xí nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông, nhà cầm quyền phải cứu xét lại cách thi hành các biện pháp chống lạm phát.
“Họ cần phải đối phó nghiêm chỉnh hơn và phải hiệu quả hơn. Các nỗ lực hiện vẫn không đủ.”
Nhà cầm quyền đặt chỉ tiêu kềm chế lạm phát cả năm ở mức 7% hoặc thấp hơn cũng như giới hạn thâm thủng mậu dịch. Nhưng từ tháng 2 vừa qua, khi bắt đầu tăng giá xăng dầu 18% rồi sau đó tăng giá điện 15%, giá cả hàng hóa nhất là thực phẩm theo nhau tăng giá vùn vụt.
Từ đầu tháng 5, nhà cầm quyền tăng lương cho công chức cán bộ từ 730,000 đồng/tháng thêm 100,000 đồng thành 830,000 đồng/tháng. Những lời dạo đờn gần đây của ông hãng điện quốc doanh nói sẽ có thể tăng giá điện mỗi 3 tháng cho tới khi bằng giá điện trong khu vực. Khi lương tiền tăng, những thứ căn bản như xăng, điện tăng giá, mọi thứ từ dịch vụ đến thực phẩm đều lên giá theo.
Lạm phát không chỉ làm khốn đốn quảng đại quần chúng nghèo khó ở Việt Nam. Giới đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng méo mặt.
Thị trường chứng khoán ở Sài Gòn tuột dốc liên tiếp 9 kỳ họp. Các loại cổ phiếu đã mất giá 19.8% kể từ ngày 11 tháng 5, 2011 đến nay mà hôm Thứ Ba ngừng lại ở 402.59 điểm. Lạm phát cao là một trong những cái mà giới đầu tư tài chính sợ nhất.
“Thị trường (chứng khoán) đang rơi tự do. Mọi người giơ tay đầu hàng và ném bỏ tất cả ra bên ngoài cửa sổ.” Fiachra MacCana, trưởng ban nghiên cứu của công ty đầu tư chứng khoán HCM City Securities nói với báo FT hôm Thứ Ba.
Cái chính sách thúc đẩy tăng trưởng bất chấp hậu quả đã giúp Việt Nam tăng trưởng liên tiếp trung bình 7% những năm qua theo chính sách bơm tín dụng ào ạt. Nhưng nó có hậu quả tệ hại là lạm phát cao, đồng tiền mất giá, thâm thủng mậu dịch và tài chính khó khăn ở các tập đoàn hay tổng công ty quốc doanh vì đầu tư bừa bãi và tham nhũng vốn nổi tiếng “lãi giả lỗ thật.”
Hãng thông tấn AFP dẫn lời ông Nguyễn Trung Minh, quản lý một công ty bán dụng cụ nông nghiệp nói ông rất âu lo vì “chúng tôi không biết khi nào thì vật giá ngừng leo thang hay kiểm soát được.”
No comments:
Post a Comment