Sau những đợt tăng giá điện, xăng dầu, hầu như các hàng hóa và dịch vụ khác cũng nhích lên, theo như báo chí nói là “té nước theo mưa”.Mới đây, Saigon Giải Phóng online cho biết, các dịch vụ vận tải, du lịch, khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành cũng tăng giá tùy tiện và vô lý, gây bất lợi cho ngành du lịch của Việt Nam. Mời quý vị theo dõi Đỗ Hiếu trình bày thêm về thông tin này.
Tùy tiện tăng giá vé
Giá các tour du lịch vào những ngày cuối tháng 5 này tăng chừng 40 tới 50% so với tháng giêng, tháng 2 vừa qua. Giá vé vào cổng thăm thắng cảnh du lịch, lăng tẩm, đền đài, hang động cũng tăng 20%, vé máy bay nội địa cũng tăng theo.
Nhiều du khách kể lại là có những điểm đến không bị ảnh hưởng bởi chuyện tăng giá điện, tăng giá nhiên liệu, không nhiều vốn liếng đầu tư, chỉ dựa vào nét thiên nhiên sẵn có, như Đồi Mộng Mơ ở Đà Lạt, núi Hàm Rồng tại Sapa, cũng tự ý tăng giá vé từ 50 đến 100%. Hiện chỉ có một số thắng cảnh du lịch ở Miền Trung từ Huế , Đà Nẵng vào đến Nha Trang, Tuy Hòa còn giữ nguyên giá vé vào cổng.
Đặc biệt vào dịp hè năm nay, các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc đang có chương trình phối hợp với các hãng hàng không quốc tế, tổ chức những tour du lịch hấp dẫn, vừa túi tiền để thu hút khách từ Việt Nam.
Các dịch vụ thăm viếng nước ngoài này còn rẻ tiền hơn tour du lịch nội địa khiến các công ty lữ hành ở Việt Nam “đau đầu”. Chỉ cần nhìn sang nước láng giềng là Xứ Chùa Tháp, thì thấy chánh quyền Phnom Penh cho áp dụng phương cách không tăng giá các dịch vụ du lịch, cho nên trong năm 2010 đã có trên 460 ngàn lượt khách Việt Nam tới thăm Campuchia, vì thế người Việt đã dẫn đầu về số lượng khách nước ngoài đến viếng quốc gia láng giềng này.
Trình bày về hoàn cảnh khó khăn của ngành du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty lữ hành Lửa Việt, giảng viên ngành du lịch tại các trường chuyên nghiệp nhấn mạnh:
“Đó là thực trạng chung của Việt Nam, không riêng gì du lịch các ngành khác cũng vậy, một trong những điểm yếu nhất của người Việt là thiếu sự hợp tác, khác với người Hoa, Cái này ở hải ngoại cũng có chứ không chỉ riêng trong nước đâu, đó là một tính khó thay đổi, cộng với việc quản lý yếu kém, không đủ quyền để điều hành, cho nên ngày càng tệ hơn thôi. Với những người bên ngoài, có thể nhận định đó hơi quá nhưng với những người trong cuộc có nhiều kinh nghiệm thực tế như chúng tôi thì đó là chuyện đáng buồn, nhưng chưa biết làm sao mà góp phần thay đổi.”
Giậm chân tại chỗ
Về lý do vì sao các quốc gia khác mở mang, phát triển dễ dàng ngành du lịch mà Việt Nam cứ gần như đứng yên tại chỗ, ông Nguyễn Văn Mỹ phân tích một số điểm :
“Có khi nó vượt quá tầm những người mình quen biết, nhưng trong văn bản của nhà nước Việt Nam, người ta hay dùng từ ‘đề nghị hay yêu cầu’, ít khi ‘thấy ra lệnh hoặc chỉ thị’. Trong thuật ngữ Việt Nam, yêu cầu hay đề nghị, tức là có thể là hay không làm, cũng không sao, thủ tướng, chủ tịch cũng đề nghị thì ai ra lệnh? Ở các nước thì thủ tướng hay tổng thống, phải ra lệnh, ở Việt Nam thì ít thấy cái từ đó. Du lịch Việt Nam nếu không thay đổi cơ chế thì được như thế này cũng là nỗ lực hết lòng rồi.
Bên Thái, tổng cục du lịch trực thuộc thủ tướng, có đại diện tại 24 quốc gia giống như bộ ngoại giao, văn phòng TAT, tổng cục du lịch Thái Lan tại thành phố Hô Chí Minh, có người Việt nói tiếng Thái và người Thái nói tiếng Việt, họ phụ trách luôn các nước kém du lịch nhất của Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là dở nhất, rồi tới Campuchia, Lào, Myanmar. Họ có quyền bổ nhiệm giám đốc các sở, và cách chức khi không thực hiện đúng nhiệm vụ, ở Việt Nam chắc chắn không thể làm như thế được, tổng cục du lịch Việt Nam không có văn phòng tại bất cứ chỗ nào, chỉ là cơ quan tham mưu, đề xuất chính sách thôi, còn nghe hay không là chuyện khác.
Đối với giám đốc sở các tỉnh thành thì tổng cục đâu có quyền hành gì, ở các nước theo hệ thống dọc, nên có sự độc lập tương đối, họ mới làm được. Còn Việt Nam mình thì hệ thống quản lý chồng chéo, qua lại với nhau, chúng tôi nó đùa là hình ngôi sao, thủ tướng muốn cách chức chủ tịch tỉnh, đâu cách chức được, nó dính với mấy ông Ban Bí thư Trung ương đảng, thú thật là nó vượt quá khả năng chúng tôi, chưa biết làm sao cả.”
Qua trao đổi với một nhân viên quản lý của một khách sạn lớn tại Hà Nội thì không có chuyện tùy tiện tăng giá:
“Áp dụng rất là lâu rồi, không tăng giá hay giảm giá, không biết nơi khác thế nào, nhưng giá phòng của cháu niêm yết trên bảng rồi, khi có khuyến mại thì hạ giá chứ không tăng giá so với niêm yết.”
Một du khách ở Gia Định thường mua các tour du lịch nội địa, được hướng dẫn thăm khắp nơi, thấy không có gì đáng phàn nàn về việc làm ăn các công ty lữ hành:
“Họ vẫn có sự đoàn kết với nhau, mình đi Fidi Tour của Saigon và Việt Travel thì thấy họ kết hợp lại, có gì thì hai bên cũng ủng hộ bên kia, mấy người đó cũng lo đều. Nếu đến nơi nào, rồi bị vuột chuyến xe, thì xe kế tiếp cũng sẵn sàng cho đi, nếu đi tới chỗ đó. Nếu tour nào có đầy đủ người thì giá hơi rẻ hơn một chút.”
Theo các công ty lữ hành trong nước thì chỉ còn có cách giảm lợi nhuận, phục vụ chu đáo để giữ chân khách, mỗi đơn vị nhân nhượng một chút thì ngành du lịch mới được duy trì và phát triển mạnh. Đến nay, những người cùng làm trong ngành du lịch của Việt Nam chưa có tiếng nói chung, giới chức hữu trách chưa kết nối được với doanh nghiệp, các biện pháp chấn chỉnh thiếu hiệu quả, cho nên tình trạng “mạnh ai nấy làm”, ai tăng được cứ tăng , khiến ngành du lịch Việt Nam mất hết sức cạnh tranh đối với các nước Châu Á khác.
No comments:
Post a Comment