Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, May 26, 2011

Công tác đăng kiểm trong vụ chìm tàu Dìn Ký?

Vụ tai nạn chìm tàu Dìn Kỳ làm 16 người thiệt mạng hôm 20/5 đã làm dấy lên hàng loạt câu hỏi về công tác quản lý, kiểm định các phương tiện vận chuyển trên sông, hồ.Không phép vẫn hoạt động


Tại sao con tàu, nhà hàng vẫn hoạt động mỗi ngày sau khi hết hạn kiểm định mà không bị một cơ quan chức năng nào làm phiền? Tại sao một bến tàu không phép vẫn ngang nhiên tồn tại trong nhiều năm? Những tiêu chuẩn đặt ra liệu có được áp dụng trong thực tế.


Những vụ tai nạn tàu du lịch liên tiếp xảy ra cùng với vụ chìm tàu, nhà hàng Dìn Ký tuần qua đã làm cho không ít người giật mình lo lắng về công tác đăng kiểm đối với tàu thủy, tàu sông hiện nay tại Việt Nam.

Một nhân vận giấu tên của Tập đoàn tàu thủy Vinashin cho biết theo quy định, tàu vận hành phải có chứng nhận đăng kiểm và phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt trước khi đóng:


“Nói chung đánh giá về an toàn thì có cơ quan đăng kiểm đánh giá và chấp nhận issue (cấp) một cái giấy certificate (chứng nhận) cho việc an toàn đó. Em khẳng định với chị là khi đóng thì mình phải có bản thiết kế. Thiết kế xong thì phải được duyệt qua các cơ quan chức năng. Các cơ quan chức năng này thuộc một hội hoặc thuộc một cục đăng kiểm mà bị chi phối bởi các điều luật, điều khoản quốc tế, chứ mình không tự ý xây dựng được việc đó.”


Theo TS. Đinh Khắc Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ tàu thủy, nếu xét về mặt luật pháp thì các quy định về an toàn đường thủy của Việt Nam hiện nay là khá nghiêm ngặt.


“Tôi cho rằng với quản lý an toàn đường thủy của Việt Nam, người ta có chính sách và quy định rõ ràng, chỉ có vấn đề là phía thực hiện như thế nào, chứ còn về pháp luật, những quy định của nhà nước về an toàn đường thủy thì nó có rất nhiều quy định rất nghiêm ngặt. Người dân khai thác phương tiện người ta thực thi thế nào thôi, hoặc một số đơn vị ở dưới người ta thực hiện có tốt hay không. Hằng năm người ta có bổ sung và người ta rất quan tâm đến việc bảo đảm an toàn sinh mạng cho con người và đảm bảo yêu cầu theo các tổ chức quốc tế đối với những tàu nằm trong khu vực quốc tế hay trên biển.


Còn trong nội địa Việt Nam, người ta cũng quy định rất rõ về sự an toàn sinh mạng của con người. Những cái đấy tôi cho rằng về phía Việt Nam không phải có lỗ hổng, chỉ có điều là bên dưới người ta thực thi, thực hành có thể sai.”

Tuy nhiên, phần “thực thi, thực hành” mà TS. Đinh Khắc Minh nói đến, đối với những người làm việc có liên hệ tới việc đăng kiểm cho tàu thủy, tàu sông, họ đều hiểu rằng quy định là một chuyện, để được chứng nhận đăng kiểm lại là một chuyện khác. Nhiều người trong ngành tàu thủy cho rằng nếu nhân viên đăng kiểm cứ nghiêm ngặt theo đúng các quy định mà làm, có lẽ sẽ không còn mấy con tàu còn được phép hoạt động du lịch.


Thậm chí, một cư dân mạng đã chia sẻ sau khi xảy ra vụ tai nạn Dìn Ký rằng: “Mấy thằng bạn em làm kỹ sư đóng tàu nói cái hồi năm 2007 khi mà toàn dân Nam Định, Thái Bình nhà nhà đóng tàu, người người đóng tàu, bọn nó bảo tàu bọn nó giám sát thật nhưng bảo trèo lên để đi ra biển, bọn nó chuồn ngay vì biết là khâu hàn, cắt trông kinh vãi, chưa kể độ cân bằng của tàu cũng kém”.


Lâm, một kỹ sư thiết kế tàu thủy, cũng thừa nhận việc tàu không đủ tiêu chuẩn an toàn vẫn được chứng nhận đăng kiểm là chuyện không xa lạ gì với dân thiết kế, đóng tàu:

Cái này thực ra cũng có thật nhưng mình không có cơ sở để nói chuyện đó, tức là họ lo lót cho một số người nào đó (để) trong quá trình xét duyện thiết kế bỏ qua một số vấn đề gì đó, không đến mức quá khắt khe về tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn cho kết cấu trong lúc xét duyệt. Mấy cái này khi đi làm thì trừ những trường hợp được đăng kiểm bởi đăng kiểm nước ngoài họ làm nghiêm túc, còn nếu làm việc với đăng kiểm Việt Nam thì có thể nhiều thứ họ có thể có được giấy chứng nhận mà không cần đạt đủ chất lượng.”


3 vụ tai nạn đường thủy lớn


Chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm, Việt Nam đã để xảy ra 3 vụ tai nạn đường thủy lớn với số người thiệt mạng lên đến hơn 30 người. Cho đến khi tai nạn xảy ra với Dìn Ký, nhiều người mới giật mình vì vẫn thường xuyên đãi gia đình, bạn bè ăn uống, vui chơi trên những con tàu, nhà hàng nổi hay còn gọi là nhà thuyền mỗi tuần.


Thống kê cho thấy chỉ riêng tại Hồ Tây, Hà Nội, đã có 7 chiếc tàu nhà hàng kiểu 2, 3 tầng hoạt động mà không biết độ an toàn có thực sự bảo đảm hay không. Ngoài ra, cùng với với xu hướng phát triển du lịch xanh, khu vực miền Tây là một điểm đến thu hút khách với các dịch vụ du lịch, tham quan chợ trên sông. Đa số các thuyền gỗ ở đây do nông dân đặt đóng, thậm chí họ tự tay làm, hằng ngày đưa khách du lịch dạo chơi trên các con sông mà không mấy con tàu có chứng nhận đăng kiểm, cũng chẳng bao giờ yêu cầu khách phải mặc áo phao.


Theo TS. Đinh Khắc Minh thì ngay cả những con thuyền gỗ này cũng có những quy định rõ ràng về mặt an toàn:

Quy định của nhà nước thì tôi nghĩ nó là pháp lệnh rồi, còn dân thì có những kiểu phương tiện truyền thống người ta sử dụng trong việc sinh hoạt thì cái này nhà nước cũng quy định, đáp ứng được thì cho sử dụng mà không đáp ứng được thì anh không được sử dụng. Thế nhưng việc quản lý ở địa phương người ta làm ở mức độ nào thôi.”


Theo kỹ sư Lâm, trên thực tế thậm chí việc đăng kiểm tàu thuyền nhiều khi chỉ được xem là khâu cuối cùng trước khi đưa ra vận hành mà thôi.


“Bây giờ hầu như họ đóng xong rồi họ mới làm đăng kiểm, tức là họ không trải qua giai đoạn thiết kế gì cả. Dân họ tự đóng, sau đó mới thuê người xuống làm, trình đăng kiểm, an toàn hầu như là không có ai chứng nhận gì cả.”


Trong vụ tàu Dìn Ký, giấy đăng kiểm đã hết hạn từ tháng Giêng năm 2011, thế nhưng tàu vẫn hoạt động bình thường cho đến ngày xảy ra tai nạn. Chủ doanh nghiệp Dìn Ký cho rằng khoản giấy tờ là do nhân viên quản lý lo, thế nhưng dư luận đều hiểu để “lo” được cho tàu, nhà hàng vẫn hoạt động đều đặn sau khi hết hạn kiểm định không phải là điều đơn giản.
Riêng đối với những con tàu nhỏ làm dịch vụ du lịch trên sông hồ thì nếu không “lo” được giấy chứng nhận đăng kiểm, chủ nhân sẵn sàng bỏ luôn con tàu nếu chẳng may bị kiểm tra. Kỹ sư Lâm cho biết:


“Đa số là do người dân tự làm, không cho họ lưu hành thì họ cũng vẫn lưu hành. Vì giá trị con tàu không đáng bao nhiêu nên nếu bị bắt thì họ bỏ luôn thôi.”


Việt Nam vốn là nước có nhiều sông ngòi và bờ biển dài nên dịch vụ vận tải, du lịch đường thủy được xem là một tiềm năng cần được khai thác. Tuy nhiên, sẽ không ai chấp nhận việc phát triển kinh tế bằng mọi giá, nhất là với cái giá tính bằng sinh mạng con người được. Đọc chia sẻ của một bạn trên mạng rằng: “Hôm ngồi với thằng bạn Japan, nó rơm rớm nước mắt kể chuyện cả họ nhà nó chết mất 9 người trong sóng thần (đấy là làng nó mà). Mình thầm nghĩ ở nước tao cóc có sóng thần cũng có nhà 9 người chết (vụ đi đám cưới). Nay thêm vụ này, thương tâm quá” mà thấy xót lòng!

No comments:

Post a Comment