Trong 10 năm trở lại đây ngân sách quốc phòng của các nước Đông Nam Á đều tăng. Việc các nước trong khu vực gia tăng ngân sách quốc phòng giữa lúc căng thẳng tại biển Đông ngày càng phức tạp, lại dấy lên nhiều lo ngại về một cuộc chạy vũ trang trong khu vực. Đó cũng là cảnh báo của Tổng thống Philippines Benigno Aquino khi ông gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt hôm thứ Hai. Khả năng một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực có phải đang dần rõ ràng hơn?
Từ hiện đại hóa quân đội đến chạy đua vũ trang
Quỳnh Chi hỏi chuyện giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc Đại học George Mason, Virginia. Trước tiên, ông cho biết ý kiến của mình về lời phát biểu của Tổng thống Philippines:
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Điều này đúng vì chúng ta thấy rằng gần đây tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á (ĐNA) đều đi mua thêm vũ khí cả. Có một vài người cho rằng việc này là bình thường vì những chi tiêu quốc phòng sau 1 thời gian khủng hoảng đã phục hồi trở lại để mua vũ khí mới thay thế những cái cũ. Tuy nhiên, chúng ta thấy rõ ràng ngân sách quân đội của các nước trong khu vực tăng lên. Mà nó tăng lên sau những hiện đại hóa quân sự cũng như thái độ khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông. Việc Trung Quốc gia tăng ngân sách quốc phòng đã gây ra sự thắc mắc cho các nước lớn như Hoa Kỳ và dĩ nhiên là tạo sự quan tâm cho các nước trong khu vực khi họ có tranh chấp với Trung Quốc. Và một khi quan tâm thì họ phải có hành động là nhờ thế giới bảo vệ.
Quỳnh Chi: Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, Tổng thống Philippines cũng cho biết rằng mặc dù hiện tại họ không có khả năng hiện đại hóa quân sự nhưng họ sẵn sàng chạy đua vũ trang nếu cần thiết. Ông có cho rằng Việt Nam cũng sẽ phản ứng tương tự?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết tôi muốn nói rằng Tổng thống Benigno Aquino nói đúng. Ngân sách Philippines không cho phép họ tăng ngân sách quốc phòng và họ không muốn tăng ngân sách này nếu họ không phải tăng. Nhưng trước việc Trung Quốc gia tăng hiện đại hóa quân sự nhất là với ý định không rõ ràng, cộng với hành động của Hoa Lục thì Philippines dù không muốn tăng ngân sách quốc phòng cũng phải làm thôi.Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng từng tuyên bố rằng Việt Nam phải mua vũ khí để tự phòng vệ cho mình. Những điều này cũng hợp lý thôi.
Mầm mống và nguyên nhân
Quỳnh Chi: Vâng, những năm gần đây, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng lên. Đầu tháng 5 này Trung Quốc lại tăng cường thêm 1 tàu mới vào hạm đội tuần tra biển Đông. Và theo Phó giám đốc Cơ quan Giám sát hàng hải nước này thì họ sẽ mua thêm 36 tàu tuần tra trong vòng 5 năm tới. Ông đánh giá thế nào về khả năng tuần tra và phòng vệ tại biển Đông của Hoa Lục? Và khả năng ấy của Việt Nam là như thế nào?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Khả năng quân sự của Trung Quốc ngày càng mạnh và một khi mà họ đã có được hàng không mẫu hạm thì khả năng phóng sức mạnh của họ càng xa. Đây là một đe dọa rất lớn nếu Trung Quốc có tham vọng lấn chiếm biển Đông. Việt Nam nằm gần Trung Quốc, lại có tranh chấp toàn phần Trường Sa với nước này. Những năm gần đây Trung Quốc lại thỉnh thoảng cấm đánh bắt ngay cả những vùng tranh chấp. Cho nên sức mạnh của Trung Quốc đến mức Việt Nam phải quan tâm.
Quỳnh Chi: Giả sử trong tương lai có một cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa, mặt tích cực và tiêu cực của việc này là gì thưa ông?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Chạy đua vũ trang thì không có việc gì tốt cả. Chạy đua vũ trang trong quá khứ đã tạo ra Đệ nhị Thế chiến. Chính vì thế mà người ta luôn tìm cách làm giảm các cuộc chạy đua vũ trang. Muốn làm điều này phải biết việc này bắt nguồn từ đâu. Hiện nay việc chạy đua vũ trang trong khu vực ĐNA bắt nguồn từ sự lo lắng của các nước nhỏ về việc gia tăng ngân sách quốc phòng Trung Quốc. Hiện nay thì Hoa Kỳ và các quốc gia khác đều yêu cầu Trung Quốc minh bạch hóa việc này để biết họ hiện đại hóa để làm gì.
Quỳnh Chi: Xem ra việc chạy đua vũ trang không phải là một kế sách hay để giải quyết các vấn đề tranh chấp tại biển Đông. Nếu trong tương lai thật sự có cuộc chạy đua vũ trang như người ta đang lo ngại, thì điều này ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Nó sẽ ảnh hưởng đến vấn đề ngân sách. Nếu mình dùng nhiều ngân sách cho quốc phòng thì sẽ không có tiền để làm những việc khác. Một ví dụ rõ ràng nhất là Nhật Bản. Trong nhiều năm, nước này được Hoa Kỳ bảo vệ nên không phải chi nhiều tiền cho quốc phòng mà tập trung phát triển kinh tế. Nếu Việt Nam phải chi nhiều tiền cho quốc phòng thì sẽ ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển kinh tế Việt Nam và tạo căng thẳng cho các quốc gia khác. Tuy nhiên, đó là vấn đề không thể tránh khỏi được. Có một cách là Việt Nam có thể liên kết với các quốc gia khác trong vực hoặc các nước lớn để tạo một thế cân bằng quyền lực.
Quỳnh Chi: Vậy ông thấy phản ứng của các viên chức trong Bộ Quốc phòng Việt Nam về việc bảo vệ chủ quyền quốc gia như thế nào?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Qua những cuộc phỏng vấn với báo giới của ông Nguyễn Chí Vịnh (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), có thể thấy Việt Nam quan tâm đến an ninh quốc gia và sự vẹn toàn lãnh thổ, cũng như cố gắng tìm cách để bảo vệ sự lãnh thổ quốc gia. Ông Nguyễn Chí Vịnh nói rằng Việt Nam dùng nhiều cách để bảo vệ. Ông cho rằng cuối cùng thì cũng phải dùng quân sự nhưng ngoại giao là cách tốt nhất. Thêm một điều nữa, tôi thấy những tuyên bố ấy có bài bản hẳn hoi cho thấy Việt Nam ngày càng tăng cường khả năng tham mưu.
Quỳnh Chi: Vâng, cám ơn giáo sư.
No comments:
Post a Comment