Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, May 25, 2011

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa 13 và HĐND kết thúc

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa 13 và Hội đồng Nhân dân các cấp vừa kết thúc với tin tức báo chí cho biết là đạt kết quả hơn 97% cử tri cả nước đi bầu. Liệu Quốc hội khóa mới này có đạt đựơc những gì mà cử tri mong đợi hay không? Mặc Lâm phỏng vấn trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên đại biểu Quốc hội ba khóa liền để tìm hiểu thêm sinh hoạt của cơ quan cao nhất nước này cũng như những khó khăn mà một đại biểu Quốc hội thường đối diện.

Làm sao tiếng nói của dân và tiếng nói của đảng gặp nhau
-Thưa trước nhất xin được cám ơn ông đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. Là đại biểu Quốc hội trong ba khóa liền xin ông cho biết điều gì ông cho là khó khăn nhất trong vai trò này?
-Cái khó khăn nhất là suốt cuộc đời không tiếp cận đựơc với dân. Đối tượng trước mặt chỉ là kẻ thù chứ dân rất ít cho nên làm thế nào để hiểu dược dân, phản ảnh cho dân là khó nhất. Nếu đã tiếp cận được với dân rồi thì vấn đề trở nên dễ dàng.
Mặc dầu từ trong quân đội trở về sang nghị trường hoạt động chính trị nhưng mình nhận thức được cuộc chiến đấu của mình là vì dân, cho nên bây giờ đã độc lập rồi, dân chủ rồi thì mình phải gặp dân để mà lắng nghe ý kiến của dân. Tiếp thu kiến nghị của họ để rồi đóng góp cho Quốc hội để làm sao tiếng nói của dân và tiếng nói của đảng gặp nhau. Nếu dân không gặp đảng hay ngược lại thì rất khó.
-Thưa ông chúng tôi được biết ông trúng cử đại biểu Quốc hội từ khóa 8 khi bắt đầu cuộc đổi mới. Nhớ lại khoảng thời gian này thì điều gì gây cho ông ấn tượng nhất?
-Thực tế lúc bấy giờ khóa 8 tôi vừa làm trong Quốc hội, tôi lại là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 6. Lúc bấy giờ khóa 6 bắt đầu khởi xướng cho nên hoạt động trong cơ quan dân cử lúc bấy giớ rất hạn chế. Làm thế nào để vận dụng được sự sáng tạo của đổi mới về chính trị trong đảng để đưa vào trong Quốc hội của dân, Thử thách nằm ngay trong nội bộ của mình. Lúc bấy giờ vai trò của Quốc hội rất hạn chế, nó chỉ có tính chất hợp thức hóa các nghị quyết của đảng thôi còn những sáng tạo độc lập thì lúc bấy giớ rất hạn chế. Nhiều lần lãnh đạo của tỉnh Nghệ An lúc tôi ứng cử thì họ không dám nói gì với tôi nhưng họ bảo: “Bác à, bây giờ những gì mà nghị quyết của đảng đã có rồi thì ta đừng có bàn nữa” tôi bảo, “Đảng là chủ trương, đảng là đường lối, nhưng đi vào chủ trương đường lối thì phải để cho dân bàn! Mà cơ quan Quốc hội là cơ quan tối cao phải để cho dân nói với. Nói chung đảng là đúng nhưng không phải cái gì đảng cũng hoàn thiện. Chính qua dân rồi mới hoàn thiện được chủ trương chính sách của đảng”. Tôi nói như vậy thực ra thì dân ưng nhưng lãnh đạo thì không thích!
Tôi bảo rằng tôi vừa là đảng viên, trung thành với đảng với đường lối nhưng tôi là đại biều của dân tôi phải phản ảnh những điều của dân. Những vấn đề mà đảng chưa dề cập nhưng dân người ta thấy. Tôi đã nói rồi, có những vấn đề trên trung ương chưa đề xuất mà cơ sở người ta phát hiện ra. Từ đó mới đưa lên thành đường lối chủ trương của đảng. Đó là sáng tạo từ dân mà đi lên.
-Thưa ông từ khóa 8 tới khóa 12 vừa chấm dứt đã 5 khóa Quốc hội rồi, từ đó đến nay theo ông thì Quốc hội có gì thay đổi đáng ghi nhận nhất?
-Nói chung cứ sau mỗi nhiệm kỳ thì tính dân chủ càng ngày càng phát huy lên và do trình độ dân trí ngày càng phát triển. Tất cả cũng do dân trí mà ra. Dân trí mà không lên thì không thể nào có vấn đề dân chủ được. Không phải là đảng ban cho dân ý thức dân chủ mà dân có quyền có trình độ, bản lĩnh đễ giữ lấy và phát huy vai trò làm chủ của mình.Quốc hội là phải như vậy cho nên theo tôi, đảng phát huy dân chủ nhưng người cử tri, người đại biểu của dân lại phải phát huy được cái sáng tạo của tinh thần dân chủ. Tinh thần dân làm chủ để đóng góp trí tuệ dân chủ của đảng ngày càng phát triển lên.

Đại biểu phải có trách nhiệm đối với dân
-Ông là người rất nổi tiếng trong câu chuyện về ông Đỗ Mười đã phát biểu rằng, ông ta là Chủ tịch hội đồng bộ trưởng nhưng không có quyền đối với các bộ trưởng! và ông với tư cách đại biểu Quốc hội đã thẳng thắng nói với ông Đỗ Mười rằng nếu không làm được thì nên về nghỉ để người khác làm…theo ông thì những đại biểu những khóa sau này có mang được cái tinh thần này vào nghị trường hay không?
-Đấy là vai trò của đại biểu mà tôi tin rằng đại biểu càng ngày càng nhận thức vai trò của mình đối với dân đầy đủ hơn. Cho nên một là vấn đề trình độ, hai là ý chí, ba là vấn đề tâm huyết đối với dân thì người đại biều Quốc hội bây giờ nhận thức đúng hơn.
Thực ra trong khóa 8 tôi ngồi thì vừa là trung ương vừa là đại biểu Quốc hội thì lúc bấy giờ nhiều người nói: Trung ương bàn rồi thì Quốc hội phát biểu vừa vừa thôi chứ vừa là ủy viên trung ương, vừa là đại biểu Quốc hội mà phát biểu nữa thì đi ngược với Trung ương..Cho nên tôi xin nói rằng các cấp trong chính quyền mà có mặt nơi Quốc hội thì rất khó phát biểu. Dù sao nữa, dù con người có tính chiến đấu mấy nữa thì cũng vẫn có hạn chế về mối quan hệ chức quyền.
Cho nên đại biểu chuyên trách, anh em ngoài đảng phải mở rộng ra. Vừa rồi trước khi bầu cử tôi cũng có nói lúc Quốc hội khóa 1 ta có 5.000 đảng viên mà Bác Hồ dám tổ chức Quốc hội hóa 1 đại bộ phận toàn là người ngoài đảng cả mà đâu vào đấy cả. So với bây giờ mình có nhiều đảng viên thế thì đâu việc gì phải lo. Đảng đã vì dân thì không có lo gì tất cả.
-Về vấn đề môi trường thì ông có lẽ là người tiên phong trong Quốc hội từ những khóa trước khi lên tiếng trong vụ dự án mở rộng cảng Cái Lân. Thời gian gần đây là vụ bauxite Tây nguyên và hàng ngàn trí thức chống lại trong đó cũng có ông. Đối với quyết tâm thực hiện dự án của chình phủ thì ông có ý kiến gì?
-Bây giờ thì người ta đã làm rồi và chúng tôi đã phát biểu rồi. Riêng về nguyên tắc thì chính phủ là người được quốc hội, được dân giao cho thì phải chịu trách nhiệm trước dân về kết quả công việc của mình
Trước kia chúng tôi phát biểu là trên nhiều lãnh vực và bây giờ trên một số nội dung đã điều chỉnh. Bauxite bây giờ không phải hoàn toàn như trước nữa đâu, bây giờ người ta đã thu hẹp lại. Thế còn vấn đề môi trường, vần đề dân sinh thì sau này quốc hội và dân sẽ giám sát vấn đề thực thi để bảo đảm đem lại lợi nhuận nhưng không hủy hoại môi trường
-Riêng về vụ tàu cao tốc Bắc Nam thì sao thưa ông? Chính phủ đã bỏ ngoài tai những ý kiến bác bỏ dự án của Quốc hội và tiến hành triển khai thực hiện tuyến đường TPHCM - Nha Trang. Động thái này nói lên điều gì?Vấn đề đường sắt Bắc Nam chúng tôi rất là không đồng tình. Vừa mới biểu quyết của Quốc Hội khóa 12 mà sau đó thì báo chí lại đưa tin là các ban dự án đang tiếp tục trình bày làm cao tốc Bắc Nam chia ra một khúc từ Sài Gòn đi Nha Trang! Chúng tôi không hiểu rằng một công trình lớn của quốc gia như vậy thì phải có một chủ trương thống nhất, toàn cục rồi thì mới cắt ra được. Chứ bây giờ trên toàn cục không đồng ý mà cắt ra như vậy thì sau này cái đoạn ấy vứt đi chứ làm gì? Cho nên tôi thấy có vần đề gì đấy không rõ ràng.
-Là một đại biểu cho đơn vị Nghệ An ba khóa liền nhưng cho đến giờ phút này Nghệ An vẫn là một tỉnh nghèo nhất nước, vậy điều gì làm ông băn khoăn nhất và nếu còn tiếp tục có mặt tại nghị trường Quốc hội thì ông sẽ lên tiếng về chuyện này như thế nào?
-Nghệ An là một cái nôi của cách mạng, là quê hương của Bác hồ nguyện vọng của dân của đảng nói chung là muốn cho Nghệ An bức phá lên được. Tâm trạng bây giờ của các người cũ của Nghệ An, cán bộ lão thành chứ không riêng tôi, người ta cũng băn khoăn rằng tốc độ phát triển của Nghệ An so với cả nước là quá chậm. Tôi nghĩ cấp Ủy phải suy nghĩ chứ còn dân không ai người ta muốn tỉnh mình thụt hậu so với các tỉnh khác, mà lại là quê hương của Bác. Có vấn đề gì đấy nó còn cản trở. Tiềm năng Nghệ An không thiếu, người tài của Nghệ An đi đâu cũng nổi tiếng cả thế nhưng ở Nghệ An thì khó phát triển.
-Xin cám ơn trung tướng Nguyễn Quốc Thước về buổi phỏng vấn ngày hôm nay.

No comments:

Post a Comment