Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, May 16, 2011

Cào cào lên phố Sài Gòn

SÀI GÒN - Ðây đó trên đường phố Sài Gòn và công viên nơi nhiều người và xe qua lại như đường Lê Lợi, vườn Tao Ðàn... người ta thường thấy những người thanh niên ngồi thắt lá dừa nước bán cho khách qua đường.Dừa nước là loài cây đặc biệt, mọc dày đặc khắp chỗ nào sông nước miền Nam cũng đều có, trở thành hình ảnh thông dụng trong đời sống dân quê. Lá dừa chằm thành từng tấm để lợp mái, dựng vách... Lá dừa non để đan giỏ, gói bánh...

Miền quê, không có các thứ đồ chơi của thành thị. Rảnh rỗi, người lớn khéo tay dùng lá thốt nốt, lá dừa cạn hay dừa nước rọc sợi dài, thắt thành hình con chim, con rết... làm nên món đồ chơi đẹp cho trẻ con.

Ðồ chơi dưới quê ấy hiện ra ở phố phường đông đúc trở thành của lạ.

Trước kia thật lâu, thỉnh thoảng dân thành phố vẫn thấy vài người thắt lá ngồi ở các góc đường trung tâm thành phố. Bao giờ trông họ cũng bình dị như từ dưới ruộng vườn mới đón xe lên. Món hàng bán thật đơn giản. Một đống lá xanh ngà tươi mát nằm đống dưới đất cạnh chân, họ ngồi mải miết thắt. Những con thú đã thắt xong, thành hình cắm que bày hàng trước mặt.

Một thời gian mất dấu, tưởng chừng món đồ chơi ấy mất tích thì mấy năm gần đây, lại xuất hiện dăm người rải rác chia nhau các ngã tư Lê Lợi- Pasteur, Thủ Khoa Huân-Nguyễn Du, cột đèn Lê Thánh Tôn...
Họ thường chọn những vị trí đó vì khi đèn đỏ, xe cộ dừng lại trong vài chục giây đợi đèn xanh có thời giờ trống may ra nhìn ngắm đến hàng đồ chơi. Trong chốc lát thấy con chim, con sâu ngộ nghĩnh bắt mắt, người ta có thể muốn mua. Bằng không, vỉa hè ít khách bộ hành và xe cộ lao vun vút, hiếm ai để ý đến món đồ chơi thanh nhã đó, cũng không ai mất công ghé nếu người bán hàng ngồi tận sâu bên trong núp dưới mái hiên nhà.

Nếu so sánh với món đồ chơi khác thì tò he có nhiều màu sắc rực rỡ và kiểu dáng phong phú hơn. Bột tò he nặn thành đủ dạng hoa lá, chim muông, nhân vật... Người nặn có phần dễ dàng nặn kiểu mới theo ý thích khách hàng trong khi lá dừa chỉ thắt được vài kiểu, rất khó sáng tác kiểu mới và không có màu mè, chỉ là màu nguyên thủy trắng ngà của mặt lá và màu xanh mạ của sống lá còn tươi.

Anh bán hàng ngồi ở góc Lê Thánh Tôn cho biết: “Thắt lá dễ lắm, tôi không học ai cả, cứ mua vài cái tháo ra xem mẫu là biết làm, không cần ai chỉ. Chịu tốn lá tập một ngày là thắt được vài kiểu. Sau đó thắt hoài thì quen tay làm nhanh và ít hư.”

Nhưng thật ra hàng của anh cũng như các hàng khác, thường chỉ có ba mẫu: cào cào, chim sẻ và hoa hồng. Ðó là những mẫu thông dụng nhất. Con cào cào vô cùng linh động, dễ thương nhưng ảnh hưởng Tây phương, giới trẻ thường thích mua hoa hồng tặng nhau. Hoa hồng dễ thắt, thắt nhanh và không tốn lá bằng những mẫu khác. Sau khi làm xong, hoa hồng được gài vào cành si thật xum xuê lá, những con khác cắm vào chiếc que dài làm từ sống lá.

Anh bán hàng miệng nói chuyện, tay vẫn thoăn thoắt thắt lá không ngưng.

“Tôi còn biết thắt con tôm và con cá nhưng những mẫu này khó, tốn lá và phải thắt lâu lắm trong khi bán ra giá cũng chỉ mười ngàn, mười lăm ngàn như những mẫu khác. Có ai chịu đặt trước thì tôi mới thắt.”

Ðây là món hàng không tấp nập. Ngồi hoài mưa nắng lề đường từ sáng đến khuya, lâu lâu mới có người khách ngừng xe ngắm một chút, nếu mua bán thì rất nhanh vì hàng hóa không quá đắt để trả giá và không nhiều để chọn lựa. Hàng của anh chỉ gồm bốn con cào cào, ba bó hồng và một con chim sẻ cắm trên chiếc thùng xốp. Cào cào và chim bán mười lăm ngàn một con, hồng mười ngàn một bông. Hàng ở đường Pasteur nhỏ hơn nên mỗi thứ bán rẻ hơn năm ngàn.

Bởi vậy khi có người hỏi han, anh bán hàng rất thích chuyện trò kể lể cho đỡ buồn, tiêu thời giờ.

Lá dừa non từ Long An, mỗi lần anh mua vài trăm ngàn mang về nguyên cành chất để dành cả tuần. Dùng tới đâu mới bứt từng lá tới đó. Tuy nhiên sau khi tước lá, món đồ thắt xong chỉ để được vài ngày. Hàng mới làm chặt chẽ, màu lá tươi sáng nhưng qua hôm sau, lá bắt đầu khô lại và dần dần quăn góc. Những đoạn lá gài vào làm cánh, làm râu cho cào cào, châu chấu sẽ rơi ra và mối thắt bị tuột.

Một anh ngồi ở đường Nguyễn Huệ cho biết nếu khách muốn gửi quà đi xa, anh sẽ tẩm hóa chất và đóng gói thùng kỹ lưỡng sao cho khi đến nơi, hàng vẫn tươi mới và không bị bẹp, gẫy, xổ tung ra...

Thật ra ở thành phố, người chơi món quà này thường không phải trẻ con, chỉ thỉnh thoảng một bà mẹ đón con tan học từ nhà trẻ đi qua thấy lạ, mua vội chú cào cào cho bé cầm chơi trên đường về nhà, mà thưởng thức vẻ đẹp của nó chủ yếu là người lớn.

Rõ ràng món đồ chơi đơn giản không thu hút trẻ con lắm. Nhưng người lớn lại thích. Nó bán chạy vào lễ lạt hội hè, nhất là các dịp sinh nhật, tiệc tùng... đã trở thành món quà nhiều ý nghĩa. Gần đây việc chụp hình cô dâu, chú rể trong công viên, bãi biển... đã trở thành nhàm. Thợ chụp hình vắt óc tìm bối cảnh đẹp thì đồ chơi lá dừa trở thành vật trang trí rất độc đáo. Tất cả người bán đều nhất loạt trả lời hàng bán chạy nhất cho đám cưới. Gặp mối may mắn là lúc người chụp hình mua hết sạch hàng ngày hôm đó hoặc đặt hôm sau vài chục con chuồn chuồn cho những khuôn hình lãng mạn của đám cưới.

Người xa quê lâu ngày nhìn thấy hàng lá dừa thắt khó thể bỏ qua. Tôm, cá... khá tinh xảo nhưng hầu hết khách hàng đều thích cào cào. Cũng có người già ưa cắm bó hoa hồng vào trang thờ.

Dù sao hàng đồ chơi này chỉ bán vào mùa khô. Khi mưa đổ xuống, hàng và người ngồi giữa trời ngoài vỉa hè ướt lướt thướt không có chỗ núp, người đi đường cũng chạy mau tránh mưa chẳng ai muốn ghé lại mua bán.

Vì thế mùa mưa, người bán hàng chuyển nghề khác. Một anh ngồi trên đường Hai Bà Trưng nói: “Dưới quê tôi không có ruộng, chỉ đi gặt thuê, lúc nông nhàn đi làm hồ. Chỉ có điều làm hồ ở dưới, chủ trả công nhỏ giọt, xong công trình hằng mấy tháng trời mới trả hết lương.”

Phụ hồ ở Saigon khá hơn ở chỗ làm tuần nào, chủ trả công tuần đó, lương cũng cao hơn dưới quê chút đỉnh nhưng bù lại, chi phí ăn ở lại quá đắt, giá cả tăng từng ngày chịu không nổi. Vì thế tôi chỉ thắt lá dừa mùa nắng. Tháng sau trời mưa, tôi lại tìm chỗ phụ hồ hoặc công việc thời vụ nào đó.

Ngày nào đắt hàng, anh có thể kiếm được hai trăm ngàn nhưng không hiếm ngày ế. Loại đồ chơi này không phải thứ đắt khách. Lại thêm lề đường khó trụ lâu do lệnh cấm bán hàng rong. Bởi vậy thấy cào cào phải mua ngay vì hôm nay ngồi chỗ này, ngày mai anh bán hàng đổi nơi khác khó biết trước, không ai ngồi cố định một chỗ cả. Một vài tháng ở Sài Gòn, họ lại rời đi Nha Trang, Ðà Lạt, Vũng Tàu... tìm tới những thành phố du lịch đông du khách vãng lai.

Một số người đã có việc làm chắc chắn ở thành phố nhưng vào ngày lễ nghỉ đông người đổ ra đường, họ cũng nhân dịp ra phố ngồi thắt lá dừa. Ðây chỉ là việc làm đỡ trong lúc chờ thời vụ của nông nghiệp, người thất nghiệp chờ tìm công việc vừa ý hoặc cách kiếm thêm của vài sinh viên, công nhân.

Nhưng nhờ vậy mà cào cào, se sẻ... mang chút hồn quê lên thấp thoáng giữa phố phường.

No comments:

Post a Comment